Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,469,044 lượt

Lựa chọn nào cho ngòi bút thẳng?

Cách đây hơn 150 năm, ông Rober Lowe, một chính khách người Anh cho rằng: "Chúng ta nhất định phải nói lên sự thật, đúng như chúng ta nhìn thấy, không sợ mọi hậu quả nhất định không cung cấp chỗ ẩn náu thuận tiện cho những hành vi bất công hay áp chế mà phải lập tức giao chúng cho sự phán xét của thế giới". Câu nói đó vẫn đang thách thức lương tâm và năng lực các nhà văn Việt Nam.

Hàng ngày, ngồi trước trang viết, tôi vẫn tự hỏi bản thân: "Lựa chọn nào cho ngòi bút thẳng?" để nhắc nhở lương tâm không được làm nô lệ cho cá nhân hay tổ chức nào, trước hết vì lòng tự trọng, sau nữa vì "sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại, nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng". 

Mặc dù đã xác quyết cho mình con đường văn nghiệp, rằng phải là một nhà thơ đích thực, tử tế bằng mọi giá, rằng làm thơ theo lương tâm và trách nhiệm với nhân dân, đất nước, song nhiều lúc tôi thấy lẻ loi, cô đơn giữa rừng sách văn học "thời trang" đang làm mưa làm gió trên thị trường.

Tôi không khen chê tác phẩm của ai, nhưng để đọc, tôi thận trọng chọn cho mình những cuốn sách có nội dung khai sáng tâm hồn và tư tưởng. Còn những cuốn sách giải trí, tôi lướt qua như cưỡi ngựa xem hoa.

Quả thật, người cầm bút thời nay có nhiều cơ hội để lựa chọn, nhưng những ai theo đuổi dòng văn học hiện thực phê phán như tôi thì mảnh đất sáng tạo ấy dường như bị thu hẹp dần. Không phải vì chúng tôi cạn kiệt ý tưởng, cũng không phải vì sợ hãi sự sáng tạo đơn độc, mà vì không có chỗ dung thân cho tác phẩm ra đời.

Có một thực tế là ở Việt Nam, muốn viết đề tài gì phải ngó trước dòm sau, xem có đụng chạm đến cái "nhạy cảm" nào không. Bởi, chỉ cần rơi vào vùng trũng của sự nhạy cảm là có thể bị quy chụp có động cơ khiêu khích này nọ. Vậy nên, việc trở thành con người tự do và đánh thức tự do cho người khác là điều không dễ dàng. 

Một nhà văn mong muốn tiếp cận sự thật, trình bày sự thật của cảm xúc và suy nghĩ là chuyện thường tình, bởi đó là nhu cầu tự thân, văn chương giá trị tự nó cất lên tiếng nói trung thực cần thiết, để loại bỏ những dối gian đang bị che khuất từ những thế lực. 

Một nhà văn cúi đầu trước sự chuyên quyền của chế độ, dù đặt trong ngữ cảnh nào đi nữa, vẫn thấy mình hèn. Tôi vẫn trăn trở mãi về cái sự hèn này... rồi đau đớn, rồi muốn nổi loạn.

Tôi không tham vọng một nhà văn phải ẵm giải Nobel, cũng không quá kỳ vọng thế hệ văn trẻ chúng tôi sẽ bùng nổ dữ dội, bạo liệt như những thế hệ đàn anh. Chỉ mong, giữ thẳng ngòi bút, nhìn thẳng vấn đề và viết lên tiếng nói lương tri. 

Tôi cho rằng, một nhà văn tử tế như thế là đủ.

 

Top