Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,491,957 lượt

Khởi từ... Sóng chữ sông quê

Trong số gần một trăm đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV(*) mở rộng các tỉnh thành Nam Bộ do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gần cuối tháng 6 năm 2017, có một gương mặt lạ lẫm nói giọng miền Trung hơi nằng nặng nhưng khá tự tin và nhanh chóng hoà nhập với các bạn văn trẻ khi đi giao lưu ở Vĩnh Long, Cần Thơ. Đó là cây bút trẻ Văn Nguyên Lương, quê ở Quảng Ngãi, tốt nghiệp đại học sư phạm, hiện đang dạy học tại thành phố phương Nam.

  

Ngay sau khi hội nghị kết thúc, từ ấn tượng đêm giao lưu ở Trường Đại học Cửu Long - Vĩnh Long, anh viết bài thơ “Tiếng đêm”, trong đó có đoạn:

“Có thể chúng ta là những cánh hoa

Là bạn bè với hương thơm

Là những mầm xanh dọc đường gió bụi

Hạnh ngộ đôi bờ xúc cảm

Thân thương khát vọng đoá hoa đời

Nơi tiếng đêm thầm thì bắc nhịp cầu mơ ước

Ta bước tới hoàng hôn

Mở cánh cửa chạng vạng

Nghe bờ vai buồn gánh gió qua sông

Những loài hoa toả ra tiếng nói

Màn đêm không thể phủ nhoà

Tiếng nói là ánh sáng

Từ le lói mặt trời

Khơi nguồn cuộn sóng thi ca...”

 

Tôi quen biết Văn Nguyên Lương vài tháng trước ngày hội ngộ văn trẻ. Anh tìm đưa bản thảo tập thơ đầu tay nhờ tôi góp ý. Đêm đó về tôi thức đọc đi đọc lại nhiều lần, hôm sau gọi điện đề nghị anh nên dành thời gian sửa chữa, bổ sung thêm cho tập thơ hoàn chỉnh trước khi xuất bản. Và tập thơ “sóng chữ sông quê” cũng khởi nguồn từ đó.

 

 

Là con của một gia đình nông dân nghèo, Văn Nguyên Lương vượt khó học hành và trên con đường gập ghềnh trắc trở mưu sinh anh lấy thơ làm điểm tựa giải toả nỗi lòng: “Nhóm ngọn lửa vui bằng củi ưu phiền/ Luôn nở nụ cười trong cơn bão tố” (Nốt trầm).

 

Là nhà giáo giảng dạy bộ môn khoa học tự nhiên nhưng anh lại rất yêu văn chương và có năng khiếu sáng tác thơ. Đó cũng là lẽ thường tình của một người con sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống thi ca Quảng Ngãi. Ký ức tuổi thơ, nỗi nhớ quê nhà, kỷ niệm tình đầu cùng nỗi truân chuyên khắc khoải trên hành trình phiêu bạt, sự đồng cảm với những số phận bất hạnh là nguồn cảm hứng cho những tứ thơ đầu tiên của Văn Nguyên Lương, đồng thời cũng phát lộ một con đường thơ mới, tâm huyết, có ý thức sáng tạo với những tín hiệu đáng chờ đợi.

 

Dần dần bước qua những vần thơ nên vần nên điệu, với vốn văn hoá căn bản của một người chịu khó học và đọc, Văn Nguyên Lương tự tin tạo dựng một không gian thơ riêng mình trên cơ sở tiếp nối có chọn lọc tinh thần thi ca của những người đi trước. Trong bài thơ “Nơi tôi sinh ra”, anh giới thiệu về mình:

“Tôi mở mắt đón ánh sáng cuộc đời

Phía ngọn núi

Đồi say nồng giấc ngủ

Dòng sông Thoa chảy dọc tiếng Quảng thiết tha

Hàng cau vẫy tay ngoài ngõ

Bầy chim sẻ ríu rít rủ nhau về làm tổ

Bóng dừa nghiêng nghiêng rơi tiếng chìa vôi

Mái tranh liêu xiêu,

Gió gảy đàn trong mây mù bão tố

Mẹ vào bếp dột mưa

Mắt đẫm sương ấm bùng ngọn lửa

Cha nhẻm đen cõng từng lọn củi

Bữa vỡ lòng tôi được nửa củ khoai”

 

Lời thơ gần gũi chân thành mà sâu lắng, tinh tế bằng sự kết hợp, liên tưởng hàng loạt thi ảnh giàu sức gợi cảm. Không thấm đẫm hồn quê, tình quê và khả năng biến hoá ngôn từ thì khó mà viết được những câu thơ sinh động như vậy. Tình yêu quê hương sâu nặng trong thơ anh còn thể hiện qua hình ảnh “ngọn đèn dầu thức thâu đêm” của mẹ, “ tiếng bài chòi ngoại hát” thay lời ru, dòng sông trăng “gặp nhau trong nỗi nhớ quê” với chị, tiếng ve khóc cười “giục cánh phượng rơi ngời ánh lửa”, “chùm hoa khế ủ hương” vỡ oà kỷ niệm, “ngồi đếm lá nhớ cố hương” những chiều gió lùa,… và từ đó anh đi tìm lại bản thể chính mình, với bao “Câu hỏi không lời”:

“Ai mang tơ buộc loạn tim mình

Câu hỏi gửi trời xanh, biển lặng

Thanh âm vút lên lúc trầm lúc bổng

Rơi xuống hố thẳm khôn cùng...

Ai giải giùm ta,

Câu hỏi không lời...”

 

Tự hỏi rồi tự âm thầm suy ngẫm, mạnh mẽ vươn lên như “loài cây lớn theo chiều thẳng đứng” giữa bầu trời đôi khi “khô héo niềm tin” vì những điều phi lý, như trong bài “Tìm” anh viết:

“Vắt kiệt giọt sữa cuối cùng

Mẹ mớm tôi tiếng khóc

Mớm cả tiếng cười trong bão táp mưa sa

Tôi như loài cây lớn theo chiều thẳng đứng

Vươn giữa bầu trời học triết lý đường cong

Học cả những điều phi lý...”

 

Với một người trẻ thì tình yêu lứa đôi bao giờ cũng chiếm lĩnh tâm hồn. Trong tập thơ đầu tay của Văn Nguyên Lương, thơ tình cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo kể từ khi anh “Vấp tình”: “Từ độ vấp ánh mắt em/ Anh chơi vơi giữa cuộc đời mộng mị/ Đắp nỗi nhớ lên giấc ngủ/ Gối đầu về phía không em”. Anh ngơ ngác phát hiện ở người yêu “Ánh mắt dài như sợi chỉ/ Khâu nỗi buồn anh hoá kiếp” để rồi: “Chợt ngày tím biếc bằng lăng Đỏ bói chùm phượng vĩ Chú ve non thức tiếng dậy thì Giục chúng mình hẹn ước” (Bức thư tình đầu)

 

Hẹn ước rồi lỗi hẹn là câu chuyện muôn thuở của tình yêu. Và có khi vì chuyện lận đận áo cơm đành “Lỗi hẹn” mà phải trả giá: “Ngày anh về/ Đồi chè xanh tàn úa bên đường/ Em tươi cười trong vòng tay người khác”. Cuống cuồng yêu thương, hờn giận, cách xa, nhớ nhung chia tay, trả giá, đau khổ là lẽ thường tình của những lứa đôi trong cuộc đời này. Và chính sự trong sự khổ đau mà thơ tình đã cất lên tiếng nói, dù biết tình yêu muôn đời là nghịch lý “Biết không còn gì/ Sao vẫn vấp/ Tình ơi…” (Vấp tình).

 

Như nhiều người trẻ yêu văn chương khác, Văn Nguyên Lương đầu tiên đến với thơ như trò chơi giải trí giải toả những u uẩn nỗi tình. Nhưng càng dấn thân vào thế giới thi ca kỳ diệu, anh càng phát hiện vẻ đẹp của thơ và năng lực tiềm ẩn chính mình. Bây giờ thì với Văn Nguyên Lương thơ không còn là trò chơi giản đơn như thả diều, bắn bi, nhảy lò cò của tuổi thơ mà là trò chơi “trời cho” đầy đam mê sáng tạo “đất hứa” chữ nghĩa: “Ta đi tìm vùng đất hứa đời ta/ Chở nắng gió bao mùa cày ải/ Sinh sôi.../ Câu thơ ngập nắng vàng tươi” (An nhiên). Anh cũng hy vọng hành trình thơ của mình, mà khởi đầu là “Sóng chữ sông quê”, sẽ chạm được “bờ vui” tri âm bằng “tay chèo tràn đầy sinh lực” vượt biển đời cam go thử thách với ước mơ “bừng lên hương sắc tình người”:

“Chở đôi thúng chữ

Vượt biển vô thường

Cơm áo nửa đường rơi

Từ bến sông mơ ước

Ngọn nồm ý chí thổi lộng cánh buồm

Khổ đau ủ cây đời xanh mướt

Sóng trắc trở va đập mạn thuyền

Vẫn vững tay chèo đầy tràn sinh lực

Được đoạn bình yên

Sóng thế sự chồm lên rát mặt

Biển lọc lừa khúc khuỷu quanh co

Chữ rơi chữ rơi

Cố nắm chặt những hạt mầm sót lại

Đợi bờ vui...”

(Sóng chữ)

 

Khởi từ Sóng chữ sông quê, hành trình dấn thân và đam mê của Văn Nguyên Lương hy vọng sẽ còn mang lại nhiều mới lạ khi anh hoà nhập vào biển đời thi ca mênh mông và quyến rũ.

PHAN HOÀNG

Top