Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,166 lượt

Tình yêu trong thơ Lê Văn Thuận

Nói đến nhà thơ Lê Văn Thuận chúng ta vẫn chưa quên được những vần thơ đậm chất tình trong từng ngôn từ, từng con chữ trong thơ anh. Sự lãng mạn và thi vị đã được anh chăm chút từng li, từng tí thông qua cách mà anh đề cập vấn đề để mát-xa cho tâm hồn của bạn đọc.

 

Những địa danh và những danh lam thắng cảnh rất đẹp và nên thơ. Hãy nghe anh nói về “em” của đêm phố thị để có thể thấy được anh rất ưu ái về thiên nhiên:

“Hội An đêm rằm phố cổ

Ánh đèn tỏa sáng bên sông

Ngôi nhà rêu phong ngói đỏ

Bóng trăng quyện bóng đèn lồng”.

(Tìm em đêm phố Hội)

 

 

Thật thi vị khi chúng ta có thêm một cơ hội nữa để hòa lòng của mình vào thế giới thi ca của anh để hiểu và cùng chia sẻ với anh những tình cảm ấm áp và dạt dào. Anh không chỉ thành công trong lĩnh vực thơ tình mà còn rất thành công trong một khả năng đặc biệt về tả cảnh để ngụ tình. Tôi không ngần ngại mạnh dạn nhắn gửi đến quí vị độc giả của anh một tài thơ không ngừng sáng tạo nghệ thuật trong trái tim của thi sĩ:

“Phố Hội tìm em đâu thấy

Đêm về lạc bước đường mơ

Sông Hoài ngàn năm vẫn chảy

Yêu em... Yêu đến bao giờ!”

(Tìm em đêm phố Hội)

 

Người đẹp luôn luôn là một đề tài nóng bỏng hơn bao giờ hết không chỉ anh mà còn cho cả nhân loại này. Điều đó có thể minh chứng qua những vần thơ đầy sức sống và sức sáng tạo đến đỉnh điểm của anh. Tôi cho rằng không chỉ có anh mà còn có rất nhiều thi tài khác mỗi người đều có một định hướng và cách đi riêng của mình. Khi ở phố Hội anh không tìm thấy được em yêu để rồi phải buồn bã quay về trong đau đớn tột cùng. Nhưng trong lòng của anh vẫn mãi mãi không bao giờ nguôi thương nhớ người ấy:

“Tôi đi nhặt lá thu vàng úa

Nhặt ánh trăng khuya sáng hững hờ

Tìm giọt nắng chiều qua kẽ lá

Tìm bóng em về trong nẻo mơ.”

(Tìm về chốn xưa)

 

Thật là tuyệt vời khi tính nhạc trong thơ của anh lại vang lên không hề ngơi nghỉ, nó luôn biến hóa liên hồi khiến cho chúng ta có cảm giác lạ khi đọc lên. Thế đấy, thơ ca và nhạc họa lúc nào cũng du dương và lôi cuốn tâm hồn của con người. Những tình cảm trong sáng hơn pha lê lúc nào cũng tạo cho chúng ta sự ấm áp và yêu đời nhất định trong cuộc sống này. Anh miêu tả cái cảnh mà mình phải đi “nhặt lá thu vàng úa” thật là đáng yêu và tỉ mỉ biết bao. Nhưng điều đó cho thấy rằng nó đang báo hiệu sự buồn bã và cô đơn đáng sợ. Một chuỗi hành động liên tiếp xảy ra bằng những cụm từ “Nhặt ánh trăng khuya” để rồi nhận được sự hững hờ. Ôi thật buồn và tội nghiệp biết bao khi anh lại “Tìm giọt nắng chiều qua kẽ lá”, rồi lại lầm lũi đi “tìm bóng em về trong nẻo mơ”. Dù vẫn biết là vô vọng nhưng anh vẫn cứ mãi đợi chờ:

“Tiếng ve sầu vạn kiếp

Lòng anh buồn mênh mang

Có tiếng gì rụng vỡ

Như tiếng lòng thở than”.

(Tình yêu đầu tiên)

 

Hồn anh bị dao động khi nghe tiếng ve sầu khiến cho lòng anh phải u buồn khó tả, rồi dường như anh đang nghe có tiếng gì đó từ xa xa như đang rụng vỡ. Chỉ bằng hai từ “rụng vỡ” thôi cũng đủ làm cho cõi lòng của anh tan nát. Qua tiếng thở than trong lòng của anh cũng đã phần nào nói lên hết những nỗi khổ cho một mối tình đầu không mấy êm ả:

“Chùm hoa đăng cháy đỏ

Bước chân dài lối nhỏ

Thềm nhà ai xanh rêu?”

(Về Hội An)

 

Nghe tiếng than của anh mà đau xé lòng khi người ấy đã không từ mà biệt “Thềm nhà ai xanh rêu?”. Chỉ một câu hỏi thôi cũng làm cho chúng ta nghe chua xót ngậm ngùi, em đã đi mất rồi kỉ niệm này anh giữ cho ai! Anh về qua lối cũ chẳng thấy người xưa ở đâu nên môi anh ngậm ngùi tứa máu, nói không nên lời:

“Ve ơi! Đừng gọi hè sang

Phượng ơi! Đừng mong xuân tàn

Để tim tôi còn ấp ủ

Cuộc tình như mây lang thang.”

(Ve ơi! Đừng gọi hè sang)

 

Sự kêu cầu thảm thiết và van lơn của anh đã làm cho từng trái tim của mỗi người trong chúng ta phải đau nhói. Trong trái tim anh vẫn mãi giữ những tình cảm đẹp mà tại sao người ta nỡ nào lãng quên tất cả những kỉ niệm đẹp và nên thơ. Chỉ bằng một câu thôi cũng có thể băm nát trái tim chân thật của anh “Cuộc tình như mây lang thang”. Còn có nỗi chua xót nào hơn thế nữa! Đến đây tôi muốn nói với tất cả quí độc giả của anh rằng: đẳng cấp tả cảnh làng quê của anh sẽ mãi mãi không bao giờ bị lãng quên. Có thể nói, đây là điểm nhấn thành công nhất trong thơ của anh. Từ tả cảnh đến tả tình!

“Quê hương tôi

Có lũy tre làng xinh xinh

Thấp thoáng cây đa mái đình

Có lời mẹ ru trẻ thơ”.

(Quê hương tôi)

 

Tôi cảm nghe trái tim của mình đang bị đập lạc nhịp về bức tranh tuyệt vời của anh vẽ về cảnh đẹp của quê hương mình. Nó như một nụ hôn ngọt ngào của mẹ gửi lên má trẻ thơ đang ngon giấc giữa trưa hè oi ả. Quê hương anh có lũy tre làng, có cây đa, có mái đình và đặc biệt hơn là có lời ru của mẹ. Không thể chối cãi được là anh đã dành hết tình cảm của mình cho làng quê, cho tình mẩu tử, cho những hoài bảo, cho những ước mơ của những em thơ đang cắp sách đến trường:

“Cô sơn nữ xinh xinh

Bên ánh lửa bập bùng say lòng người viễn khách

Tiếng suối chảy lùa qua khe róc rách

Tiếng chiêng âm vang

Mùa xuân đã đến rồi!

Ơi Tây Trà! Niềm thương nhớ của tôi...”

(Tây Trà trong tôi)

 

Thiên nhiên và người đẹp là tiền đề rất ép phê cho thi nhân phun châu nhả ngọc, thật rất là chí lí không thể chối cãi vào đâu được. Một bức tranh đẹp không phải bởi cảnh mà còn do nhà tạo tác, thơ hay cũng nhờ cảnh hữu tình. Chính vì lẽ đó mà khi một tác phẩm ra đời điều cần thiết nhất nó phải đầy đủ những yếu tố quan trọng đó. “Ơi Tây Trà! Niềm thương nhớ của tôi…”. Thật là ngọt ngào và đáng yêu quá đi thôi, khi miền quê ta có nhiều địa danh và cảnh đẹp gợi cho những ai là du khách cho dù chỉ mới đặt chân đến một lần. Cũng đủ để nhớ suốt đời rồi! Qua cách diễn tả của anh thật là tuyệt “Cô sơn nữ xinh xinh/ Bên ánh lửa bập bùng say lòng người viễn khách”. Anh nghe “Tiếng suối chảy lùa qua khe róc rách/ Tiếng chiêng âm vang/ Mùa xuân đã đến rồi! Thế mới là đỉnh cao của nghệ chứ, anh không dùng đao to hay búa lớn nhưng trong từng con chữ của mình đã thể hiện được hết tất cả những điều mà anh muốn nói. Người đẹp làm đắm say lòng người viễn xứ mà cái độc đáo ở đây, người viễn xứ đó không ai khác hơn mà lại chính là anh, nhà thơ Lê Văn Thuận:

“Thầm đợi bước chân em về

Giáo đường mang bao kỷ niệm

Hàng thông nhuốm màu lưu luyến

Tôi chờ đếm cánh sao đêm.”

(Tiếng chuông)

 

Chờ đợi là hạnh phúc, quả thật không bao giờ sai, mà đợi chờ người mình yêu thương nữa mới tuyệt vời làm sao! “Thầm đợi bước chân em về/ Giáo đường mang bao kỉ niệm”. Rất thơ mộng và đẹp vô cùng khi tình yêu lên ngôi thì mọi đau khổ, buồn bã hay chờ đợi không còn gì là to cả. “Hàng thông nhuốm màu lưu luyến/ Tôi chờ đếm cánh sao đêm.” Thật là tình tứ làm sao với cảnh và tình hòa quyện vào nhau như không thể tách rời. Qua những cụm từ “nhuốm màu lưu luyến”, “chờ đếm cánh sao rơi”. Đã nói hết những điều chất chứa trong lòng bấy lâu nay:

“Tiếng chuông rơi vào tim tôi

Lạc vào góc sâu ký ức

Nghe lòng bâng khuâng thổn thức

Nhớ nhung mỗi độ đông về...”

(Tiếng chuông)

 

Anh đã dùng biện pháp tu từ để hư cấu trong nghệ thuật. Hầu cho thăng hoa con chữ và tính nghệ thuật của mình đạt đến đỉnh điểm của mọi khía cạnh và vấn đề mà anh muốn nói. “Tiếng chuông rơi vào tim tôi/ Lạc vào góc sâu kí ức”. Thật thế, khi tâm hồn của thi sĩ được thăng hoa thì chúng ta khó mà tưởng tượng được họ sẽ xuất thần đến mức nào đâu. “Nghe lòng bâng khuâng thổn thức/ Nhớ nhung mỗi độ đông về…”. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng khiến trái tim của chúng ta lâng lâng khó tả. Cách mà anh đi vào lòng người là vậy, anh không cần cầu kì nhưng chính bởi cái chân phương, chân chất, mộc mạc của mình, anh lại thành công hết lần này, đến lần khác:

“Có một bản tình ca

Theo chiều dài năm tháng

Có tình yêu lãng mạn

Theo suốt cuộc đời ta”.

(Bản tình ca)

 

Sự dồn nén tâm hồn đến độ phải thốt ra thành tiếng đã theo anh từ tháng này đến năm kia không phải đơn giản chút nào, vì thế nên anh phải thổ lộ ra hết “Có một bản tình ca/ Theo chiều dài năm tháng”. Đứng ở một góc độ nào đó chúng ta sẽ nhận ra được rằng: cho dù anh có biến hóa như thế nào thì anh vẫn là anh của tạng người có một cá tính và một tâm hồn chân thật. “Có tình yêu lãng mạn/ Theo suốt cuộc đời ta”. Một bản tình ca được anh hát lên ôi thật là tuyệt vời làm sao! Sẽ còn mãi một cuộc tình lãng mạn và đầy ý nghĩa sống còn để nuôi dưỡng thêm cho tâm hồn cao đẹp của anh đến suốt cuộc đời:

“Cuộc đời nhiều dông bão

Tình đời lắm thương đau

Em phương nào hiu hắt

Có hay chăng nỗi sầu?”.

(Đường xưa)

 

Điều tưởng chừng như đơn giản mà ai cũng có thể, từ khi sinh ra và lớn lên mà chẳng cần phải lo nghĩ gì nhưng hoàn toàn không phải như thế.“Cuộc đời nhiều dông bão/ Tình đời lắm thương đau”. Sau biết bao nhiêu va chạm trong cuộc sống chúng ta mới tá hỏa ngộ ra một điều rằng, cuộc đời có quá nhiều nỗi đau thương và chán chường:

“Loài hoa ấy

Mọc lên từ đất

Như tình yêu từ trái tim rất thật

Hiến dâng cho đời

Trao cho người

Một bản tình ca...”.

(Hoa tháng sáu)

 

Tình yêu thương đúng là chẳng hề bị hư mất bao giờ. Nó luôn luôn được tôn sùng và ca ngợi mãi mãi theo từng thế hệ con người đến rồi đi. “Mọc lên từ đất/ Như tình yêu từ trái tim rất thật”. Đúng vậy, chẳng ai có thể khẳng định được tình yêu đến từ đâu nhưng theo tôi thì tình yêu đến từ tâm thật sự trong mỗi con người chúng ta. Nó hoàn toàn trong sáng và cao đẹp đáng trân trọng, chỉ vì chúng ta vô tình hay cố ý làm hoen ố đi. Bởi sự hơn thua, tranh đua, ganh ghét và tị hiềm tha hóa, vô tình làm cho nó biến chất mà thôi! “Hiến dâng cho đời/ Trao cho người/ Một bản tình ca…”. Sự thánh thiện tuyệt đối không bao giờ làm phai mờ đi bản chất thật sự của nó. Cho và nhận bằng một sự tự nguyện không hề toan tính sẽ khiến cho tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng, thoải mái và ấm áp hơn. Có thể nói, đó là một tình cảm và một tâm hồn biết múa, biết hát nên tất cả những giai điệu đẹp trong tình yêu:

“Áo em mặc ấm trời đông giá

Ấm lại tim ta một khối tình

Em ở phương nào? Ôi xa quá!

Màu áo bây giờ vẫn nguyên trinh”.

(Mùa thu phơi áo)

 

Hãy cho mình một cơ hội được sống thật đúng với những gì mình đang có từ sự ấm áp trong trái tim “Áo em mặc ấm trời đông giá/ Ấm lại tim ta một khối tình”. Tình yêu là thế, nó rất kì diệu. Ai khi yêu cũng ước ao mình được hạnh phúc và mãi mãi được ở cạnh bên nhau. Nhưng thực chất điều ước đó thấy dễ nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. “Em ở phương nào? Ôi xa quá!/ Màu áo bây giờ vẫn nguyên trinh”. Dù em có xa, có ở một phương trời nào đi chăng nữa nhưng với anh đó hoàn toàn không có ý nghĩa gì vì anh đã yêu em mất rồi. Tình cảm trong trái tim anh sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi:

“Thôi giã biệt!

Hẹn ngày sau gặp lại

Môi mỉm cười mà lòng đầy tê tái

Tôi ra về ôm ấp nỗi niềm riêng”.

(Nhặt cánh sao rơi)

 

Thật không còn gì để có thể diễn tả cuộc chia tay dù chỉ là tạm thời nhưng nó cũng làm cho trái tim của hai kẻ yêu nhau phải tê tái không ít chỉ bằng một câu. “Tôi ra về ôm ấp nỗi niềm riêng”. Dù là như thế nào cũng hãy để tất cả thuận theo tự nhiên sẽ tốt hơn:

“Tưởng rằng đã yên dĩ vãng

Âm thầm một kiếp rong rêu

Tôi đi giữa đời phiêu lãng

Nhớ nhung một áng mây chiều.”

(Em về một vòng tay ấm)

 

Nỗi nhớ có thể lắm sẽ làm cho con người ta héo hon và buồn bã. “Tưởng rằng đã yên dĩ vãng/ Âm thầm một kiếp rong rêu”. Than thân trách phận, thực chất trong cõi đời này mấy ai có thể tránh khỏi. “Tôi đi giữa đời phiêu lãng/ Nhớ nhung một áng mây chiều.” Đi một vòng thật lớn để cuối cùng giật mình thì ta cũng vẫn là ta của thực tại: được và mất:

“Chợt có một vòng tay ôm ở đầu phố cổ

Đưa ta xích lại gần hơn

Đôi môi thắm hồng

Như chiếc đèn lồng

Lơ lửng

Trước hiên nhà rêu phong...”

(Đêm Hà Nội)

 

Những hoài niệm, những yêu thương và biết bao nhiêu lời hứa yêu thương, hẹn hò. “Chợt có một vòng tay ôm ở đầu phố cổ/ Đưa ta xích lại gần hơn/ Đôi môi thắm hồng”.Sự chân thành và lòng nhiệt thành trong tình cảm luôn hướng chúng ta về một góc nhìn lạc quan và yêu đời. “Như chiếc đèn lồng/ Lơ lửng/ Trước hiên nhà rêu phong...”. Cho dù chỉ là một sự mỏng manh thoáng qua trong ý tưởng vẫn không làm anh nản chí. Anh vẫn luôn là type người sống trong sự hoài vọng:

“Tìm dáng người xưa chỉ thấy bóng con đò

Chân bước ngập ngừng bao nỗi âu lo...”.

(Mối tình quê)

 

Từ chân thật đến dễ thương đã khơi gợi lên hết nét đáng yêu trong những ngôn từ đẹp, đẹp từ ngoài lẫn trong mà ai trong chúng ta cũng phải trải qua ít nhất một lần. Anh đã tạo ra một điểm nhấn hết sức độc đáo này!

“Như nhắc nhở con tim mình hối hả

Cầm tay nhau chẳng biết nói điều gì”.

(Mùa phượng nở)

 

Tôi có cảm giác là trái tim của mình đang đứng lại một vài giây để hòa lòng và cảm thụ được hết những điều mà anh đang bộc lộ. Mà ai cũng có một thời học trò đáng yêu, ngây ngô, chân chất chết được!

“Mai này dù có đi xa

Tình xưa đâu dễ phôi pha.”

(Trường em)

 

 

Lời hứa hẹn của tuổi học trò thật ngây ngô, chân thật và dễ thương làm sao. Biết bao nhiêu là kỉ niệm đẹp ghi khắc mãi một thời:

“Em đi dưới nắng ngập tràn

Nắng vương cành lá vướng hàng mi cong”.

(Phượng hồng chớm nở)

 

Lại thêm một lần nữa anh đã tạo nên một nét nghệ thuật qua một bức tranh cực kì đẹp qua cụm từ “dưới nắng ngập tràn”để rồi “vướng hàng mi cong”. Quả là chúng ta không thể nào không thừa nhận một điều là cái hay và cái đẹp luôn mãi mãi trường tồn với thời gian và năm tháng:

“Hé nhụy tiễn đưa ngày tháng cũ

Hoa còn ngơ ngác sắc bâng khuâng”.

(Kỉ niệm xưa)

 

Rồi sẽ có một ngày nào đó tình cờ chúng ta bắt gặp những hình ảnh mà đã có một lần chúng ta đã đi qua cuộc đời chúng ta thì sự ngậm ngùi và bồi hồi khôn nguôi thì đó là kỉ niệm:

“Áo trắng em thơm tuổi học trò

Chưa hề vướng bận chuyện tương tư

Mà nay chợt thoáng buồn trên mắt

Ấp ủ trong tim bóng một người”.

(Phượng hồng lưu luyến)

 

Màu trắng trinh nguyên như nhắc nhớ một thời vụng dại mà ai cũng có một lần trải qua khoảng thời gian đáng yêu này. “Áo trắng em thơm tuổi học trò/ Chưa hề vướng bận chuyện tương tư”. Ở cái tuổi vô lo này họ rất vô tư, tâm hồn trong sáng như pha lê chẳng biết buồn lo cái chuyện đời mà chỉ biết có ăn, học và rong chơi. Rồi thương nhớ vu vơ trong lồng ngực còn quá non nớt của mình. Dễ khóc, dễ cười, dễ quên và dễ tha thứ mọi lỗi lầm của nhau. “Mà nay chợt thoáng buồn trên mắt/ Ấp ủ trong tim bóng một người”. Những nỗi buồn cứ chợt thoáng qua vương trên đôi mắt thơ ngây hình ảnh đó nó dễ thương làm sao. Bao mơ mộng ôm ấp nhung nhớ và yêu thương để đêm về mơ bóng tưởng hình bao đêm không ngủ được.

 

Hi vọng nhà thơ Lê Văn Thuận sẽ còn cho ra đời thật nhiều những tác phẩm xuất sắc hơn nữa. Điều đó sẽ thật ý nghĩa khi anh biết mình đang đi và sẽ còn đi mãi trên con đường nghệ thuật rộng thênh thang ở phía trước.

HÀN QUỐC SINH

Top