Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,419 lượt

Đi dọc Email xanh

Không phải ngẫu nhiên tình yêu quyện lấy thơ ca một cách diệu kỳ như thế. Cái mông lung cảm xúc của tâm hồn đã hóa thành những tâm tư, những mảng màu đa sắc thái để rồi từ đó cứ du dương bước vào địa hạt văn chương một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Có những điều ở trên đời không phải hễ thay phiên nhau là gánh nổi, là sẻ chia nổi càng đặc biệt hơn là trong tình yêu. Người đàn ông có đăm say cách mấy thì chất tình trong thơ cũng chẳng bao giờ so được với nửa phần kia tạo hóa ban tặng cho mình.

 

Phái đẹp làm thơ và thơ của họ lúc nào cũng có cảm giác đặc biệt. Không phải bỗng dưng trong nền văn chương Việt Nam lại xướng danh “ông hoàng” và “bà hoàng” cho thơ tình trên mảng đề tài ấy. Đơn giản vì cái tình trong thơ bao giờ cũng nhiều sắc diện hơn về cảm xúc. Trước sự xuất bản thơ ca rầm rộ như hiện nay, độc giả phải tự đi tìm hướng tiếp cận thấu đáo. Chúng ta hãy đi tìm điều gì đó đang nép giữa những trang thơ, điều gì đó đang nép giữa “Email xanh”.

 

 

Đây là tập thơ in chung của nhóm tác giả là năm nhà thơ nữ đương đại được NXB Hội Nhà văn ấn hành vào quý I năm 2016. Các chị là những cây bút đã có sự định hình trong phong cách viết qua xuyên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật. Đó là cái miên man êm đềm pha chút gai góc của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, là nét tinh nghịch trữ tình của một Trần Mai Hường, là một Lê Thị Kim bằng giọng thiết tha say đắm, là cái buồn diệu vợi của Đinh Thị Thu Vân để rồi đắm sâu cháy bỏng với tình thơ Ngọc Yến. Mỗi người một vẻ, một nét thể hiện rất riêng nhau nhưng đã đồng hành với nhau trong một “Email xanh” đằm thắm và nồng nàn.

 

Bốn mươi lăm bài thơ được chia đều cho năm tác giả là một tổng thể trữ tình gửi đến cho người đọc tìm thấy được cảm xúc say mê và cuốn hút. Ở đó, chúng ta bắt gặp điểm tương đồng về đối tượng cảm xúc là “tình yêu” nhưng lại rất rạch ròi trong cách thể hiện. Có phải tình yêu vốn đã mang sẵn nỗi buồn từ lúc phác thảo, nhóm nhen tự trong lòng chăng?

“tình yêu ban đầu vui gàu

kết thúc buồn như nước”

(Nguyễn Thị Ánh Huỳnh)

“Em đâu nghĩ một ngày tình quay mặt

Rồi sẽ quên như chưa có trong đời”

(Trần Mai Hường)

 

Hay là những phút bâng khuâng, cùng nỗi nhớ trăn trở về một phiên tình dang dở mà bản thân tình thơ muốn phong kín.

“Em lang thang

lang thang trong hành trình mộng tưởng của mình...

cùng nỗi nhớ anh.”

(Lê Thị Kim)

“nhớ vỡ trái tim rồi

cả người em chứa toàn nước mắt”

(Đinh Thị Thu Vân)

“Người đàn bà tự cháy trong đêm, nhờ ngọn lửa đốt mình thành nước mắt!”

(Huỳnh Ngọc Yến)

 

Tuy nhiên, ở mỗi một khía cạnh riêng tư thì tình thơ của mỗi người là chia nhánh. Có mất mát, hụt hẫng, có buồn tẻ, khổ đau, ngay cả hạnh phúc và hi vọng trong mơ hồ cảm giác. Mỗi cung bậc cảm xúc đều phơi bày như chính nỗi lòng của mỗi người để lại.

 

Đến với thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, chúng ta sẽ bắt gặp ở đấy sự lâng lâng nhưng vẫn nồng nàn của tình ái.

“để em

được chết đuối

trong mắt anh

mãi mãi”

(Chết đuối)

Nét buồn trong thơ chị đôi khi cũng thật dí dỏm đáo để thậm chí rất dễ thương, đáng yêu lắm.

“Đôi khi khùng em ước

treo cổ trên cọng cỏ như một giọt sương

sướng nhá

em long lanh...

... lại hoảng

vì trước khi hóa giọt sương

em chưa rửa chén”

(Kiếp trước mù tăm)

Có những lúc chị muốn bứt ra khỏi sự chi phối của thời gian để đi tìm lại chính mình. Một chính mình đầy lãng mạn.

“chính mình của em

là anh đó”

(Chính mình)

“Khi gió thổi bay đi tôi sẽ biết

Người yêu thương đang ở hướng nào”

(Email xanh)

Mọi thứ vụt qua, ta lại thấy trong Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là một người phụ nữ vô cùng mỏng mảnh, vin vào tình yêu gia đình một lắng lo, yếu lòng rất thực.

“Anh đi lạc

Em bỗng thành kẻ lưu dân”

“Giữ cho đất bằng để người đàn ông nhớ

Mà quay về

Còn người đàn bà phải bám vào gì

Để đi qua Miệng vực?”

(Không dám tắt đèn)

 

Chất thơ của Trần Mai Hường lại tinh nghịch và lém lỉnh hơn ở khía cạnh khác. Chính sự riêng biệt này đã làm nên thương hiệu rất “điệu đàng”, rất duyên trong thơ của nữ tác giả người Hà thành.

“Nhón chân khẽ ghé cuộc người

Nhốt anh giữa - những - tơi - bời - chờ - xem”

(Lục bát em)

“Quên mất nắng đang đùa

Quên mất hồ đang động

Chật chiều anh anh anh”

(Trưa cỏ rối)

Dù số lượng thơ trong tuyển tập không nhiều những cũng đủ để lại những trăn trở, suy ngẫm của chị về tình yêu.Ý tứ rất sắc sảo và thẩm thấu cảm xúc đã để lại những chiêm nghiệm không riêng gì tác giả.

“Anh đã đến khi đời anh đang gió

Đan liếp tình che chắn mọi đường mê.”

(Linh cảm)

Người ta cảm nhận được nỗi nhớ trong thơ Trần Mai Hường cũng sâu sắc, cũng lắng lòng không kém.

“Có phải lúc này em mới nhớ đến anh đâu

Mà nỗi nhớ se sẽ đặt bước đầu khi hoàng hôn khép mắt”

(Vào lúc 1h50p)

“Có phải anh nỗi nhớ

Rót từ ngày chưa xa

Bờ mi nào ẩn sóng

Gặp mắt ai chợt òa”

(Giá anh biết)

Buồn như một biểu hiện tất yếu của thơ ca, đặc biệt là giọng thơ nữ mà khi liên quan đến cảm xúc đặc biệt này dễ rơi vào nước mắt. Không biết ai chứ người phụ nữ trong thơ của Trần Mai Hường dễ dỗ, dễ lau nước mắt khi cô nàng “độc hành về phía cô đơn”.

“Hình như ai làm mắt em nhòa ướt

Nước mắt đàn bà anh lau bằng ấp úng vòng ôm”

(Đêm tình)

Với chị, tình yêu là một điều gì vô cùng quý giá và giá trị của nó được tồn tại khi nhận ra từ những ý thức sâu xa nhất.

“Ai nói tình là quà tặng, thượng đế chọn chúng mình trai trái ngọt nguyên sinh, ta tan vào nhau như giông bão,

như thạch nham triệu triệu năm đợi phút bung mình”

(Cho ngày mình yêu)

 

Không thể nghi ngờ gì về một trong những lời thơ tình tứ hay vào bậc nhất ở những năm chín mươi của thế kỷ trước. Chúng ta đã kịp gợi nhớ về những “Đóa Quỳ hư ảo” với nét thơ tình mượt mà nhưng cháy bỏng tim yêu.

“Đừng nhìn em như thế

Cháy lòng em còn gì

Sự nồng nàn của bể

Cuốn mất hồn em đi”

(Đừng nhìn em như thế)

“Biết người có như sương khói

Tình yêu thả giữa mông lung

Em về ôm đời mộng ước

Mở ra trắng bàn tay không”

(Đừng như sương khói)

Sự da diết, nồng nàn đến ngây ngất. Những lời thơ miên man quá, như cuốn tâm hồn người đọc vào những khoảng lặng của không gian để cho tiếng thơ cứ du dương mà chạm mà miết lấy vào da thịt mình... Đến với thơ Lê Thị Kim không khỏi bâng khuâng với cảm giác nhẹ nhàng mà êm ái dịu mềm. Những khóm “quỳ hư ảo” của ngày xưa giờ vẫn còn làm thổn thức lòng người.

“Ta vẫn ru ta

Đóa quỳ cúc dại

Mùi hương một thuở

Tình yêu tràn trề”

(Ru ta nỗi nhớ)

“Chỉ cỏ cây mới biết

Mình trú ngụ nơi đâu

Chỉ đất trời mới biết

Tình mình thiên thu sầu”

(Xa và gần)

Cảm xúc yêu thương cứ quyện chặt vào giọng thơ đằm thắm ngọt ngào của chị. Ngập tràn trong thơ là sự đắm say của lời tình thủ thỉ.

“Anh làm sao biết được

Em đôi khi như một đứa trẻ

Cợt đùa hờn dỗi

Tha thẩn trong những trò chơi của mình”

(Nỗi nhớ sương đêm)

Nét thơ mềm mại và dịu ngọt đã làm nên điểm nhấn cho thơ Lê Thị Kim. Cũng chính vì vậy mà thơ chị mang nét tươi vui, trong trẻo, rộn rịp như tiếng oanh ca lảnh lót bên đời.

 

Bao nhiêu cung bậc cảm xúc của tình yêu cứ dồn cứ nén và chan trải ra mọi khía cạnh thể hiện. Thì tiếp xúc với thơ Đinh Thị Thu Vân, chúng ta lại lắng lòng cho một hợp xướng lặng buồn. Nhà thơ “rồi có một ngày ta ngoái lại” đã gửi gắm hết tâm tình mình vào trăm ngàn ngăn hộc của nỗi buồn thương. Không ngoa rằng cảm giác như ta vắt được những lời thơ kia thành nước mắt.

“em kết lại những lời đẫm mắt

thương và thương và nhung nhớ nhớ nhung đầy...

trăm chiều gió, trăm chiều mây lịm mướt

em gom về kết lại phút tràn yêu”

(Trăm chiều gió em gom về kết lại)

Nỗi nhớ và tâm sự của chị cũng mang một vẻ buồn rười rượi. Thơ Đinh Thị Thu Vân là những mạch ngầm cảm xúc giống như được kết thành từ quá vãng buồn tênh.

“nhớ vỡ trái tim rồi cả người em chứa toàn nước mắt”

(Nhớ)

“Đừng vờ nữa tháng bảy ta đã có

lời hững hờ xin đừng vờ nữa giữa môi khô.”

(Hạnh phúc chẳng nguyên lành)

Sự trách hờn cứ như phảng phất, cứ day dứt cứ xốn xang trong mỗi lần thơ biểu đạt. Cái miên man cứ quẩn quanh không rõ được dạng hình.

“mà anh – em chẳng bạc lòng

sao xa như thể mình không là gì”

(trước màu hoa thủy cúc)

“em gom ước vọng vào thơ

ru cho anh thứ... ru mờ dáng nhau”

(Ru)

Lời yêu thương cứ lặng lẽ đi về trong đổ vỡ, trong lạnh lẽo của tim buồn. Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân khiến mắt mi đọc giả cứ chao chát buồn cho những tình yêu dang dở.

“đời chúng mình ngắn quá

một lần yêu mơ mãi không thành

đời chúng mình ngắn quá

một lần cần - bạc mắt vẫn xa xăm”

(Đời chúng mình đã cuối)

“thêm bước nữa thôi, là sang bờ mơ ước

khao khát này lay lắt một đời tôi!”

(Cánh chim gầy mắc cạn)

Biết bao thương yêu, nồng ấm, nhớ nhung nhưng tình yêu nguyên vẹn trong thơ chị cứ mơ hồ cứ ảo ảnh để rồi: “ta vẫn phải nhìn nhau như gỗ đá, em đã biết trơ lì, ngạo nghễ, ngông nghênh, em biết vô tâm trên chính đắng cay mình, biết tàn nhẫn khinh mình trong nước mắt.” (May mắn)

 

 

Xin khép lại những nỗi niềm lặng lẽ của nhà thơ có đôi mắt buồn thăm thẳm để mở lòng đến với những đằm lắng dịu sâu trong thơ Huỳnh Ngọc Yến. Là một tác giả xuất hiện trên thi đàn trong những năm gần đây nhưng chị cũng góp vào dòng chảy thơ tình một sắc màu mới lạ qua cách thể hiện. Vẫn là cảm xúc tình yêu mang yếu tố chủ đạo qua từng thi phẩm, ở Huỳnh Ngọc Yến nét thơ nhạy bén, sắc sảo đã làm nên bước đà vững chãi trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.

 

Cách tiết chế nỗi buồn của Huỳnh Ngọc Yến được thể hiện qua sự ý thức của bản thân ở mỗi lời thơ, vì ít nhiều trong chị cũng mong muốn cái miên man ấy không lấn lướt đi phần cảm xúc trữ tình mà chất thơ nặng lòng bày giãi.

“Anh đừng nhìn sâu vào đôi mắt em

Nỗi buồn đóng băng sẽ thêm lần òa vỡ

Khóa kín từ lâu ngăn nhớ

Xin đừng lay...”

(Thiêu thân)

“Mang ngàn sao vá lòng đêm

Thắp thăm thẳm nhớ

Đốt mênh mông buồn”

(Vá đêm)

Mạch thơ vẫn chứa chan một tình yêu mê đắm, say sưa. Thơ chị mang đến cho độc giả những giây phút lúc hồn nhiên, trong trẻo lúc đậm đà quyến rũ.

“Nào đâu chẳng muốn dịu êm

Ngã vào anh

Để được dịu mềm môi hôn”

(Giá như anh biết)

“Không thể có anh

Vô duyên cớ em đổ thừa định mệnh”

(Lỗi)

Sự bất ngờ mà thơ Ngọc Yến đem đến là kiểu thể hiện tự phân, tách mình ra trong chính mình làm hai đối tượng. Có thể yếu tố này đã chị bung tỏa cảm xúc đến mức cao nhất. Từ đó làm thăng hoa sự cháy bỏng, sự nô nức trong tình thơ biểu lộ.

“Có người đàn bà điên trong em! Thoáng cuồng si muốn hóa thành chớp lửa, hướng về anh quấn quanh và cháy đỏ, mặc đất trời hòa tan, mặc tinh cầu vụn vỡ, ta trở về cát bụi cũng cam đành được tàn rụi trong nhau. ... Có người đàn bà điên trong em! Si mê tình yêu thánh thí, trên bệ thờ cổ kính hiến tế trái tim rực ngọn lửa nồng.” (Người đàn bà điên)

“Người đàn bà muốn trong giây phút si mê bỏ quên nề nếp cũ - ngỏ lời, trước người đàn ông hai tiếng: Yêu anh!” (Lửa)

Cảm xúc cứ dạt dào, cứ xô đẩy làm nên từng mảng dày đặc của ngôn từ thể hiện. Trong chừng mực sáng tạo, thơ chị đã gửi gắm được những thông điệp tình yêu hết sức táo bạo mà không đánh mất đi chất sâu lắng trữ tình trong bút pháp mang đậm cá tính.

 

Trải dài tập thơ là những mảnh ghép cho một bức tranh lớn về tình yêu mà ở đó chất chứa đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Điểm qua một lượt, phần lớn tập thơ được viết nhiều theo thể loại tự do, khúc chiết chen lẫn vào là những điểm nhấn từ thể loại lục bát truyền thống ở một vài tác giả.

 

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh thiên về sự bứt phá tự do cảm xúc nên dấu ấn bằng phướng thức vắt dòng đầy ngẫu hứng được chị vận dụng một cách triệt để. Ở Trần Mai Hường, lục bát trở nên tinh nghịch hơn với nhiều dòng thơ được liên kết bằng dấu gạch nối làm cho mỗi từ ngữ trở nên trang trọng, đắt giá hơn. Nhịp thơ và ngữ nghĩa của từ linh động sáng tạo trong cách biểu đạt. Chị dùng nhiều thể loại để giãi bày qua từng thang bậc cảm xúc của lời thơ. Giọng điệu mượt mà, du dương trong thơ Lê Thị Kim là thành tựu của sự vận dụng thành thục những thể loại có thế mạnh về nhịp điệu như năm chữ, sáu chữ. Có thể nói đây là mấu chốt làm nên sự nhẹ nhàng và bay bổng, một trong những yếu tố thành công trong thơ chị. Còn Đinh Thị Thu Vân, đã tạo ra được nét riêng của mình về kiểu thể hiện không viết hoa trong cách trình bày. Đây là một trong nhữnh dấu hiệu nhận biết đặc trưng của thơ chị. Đặc biệt, Đinh Thị Thu Vân và Huỳnh Ngọc Yến có cùng nét chung về cách vận hành thể loại lục bát. Đọc lục bát của hai chị, ta sẽ khám phá ra được nhiều điều thú vị và hấp dẫn hơn.

 

Đi xuyên suốt từ đầu đến cuối “Email xanh” là một quãng đường thể nghiệm cách thể hiện của thơ văn xuôi, điều này chứng minh được sức bền bỉ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Trong khuôn khổ bài viết này không thể đi sâu về những đặc điểm nghệ thuật cũng như cách sử dụng ngôn ngữ thơ của từng tác giả. Tuy nhiên, đi dọc “Email xanh” để thấy rõ thêm những chấm phá đặc sắc của thơ tình giữa dòng chảy văn chương Việt trong giai đoạn hiện nay. Hãy cùng khám phá một “Email xanh” trữ tình, nồng nàn trong những chiều dịu ngọt và bình yên cuộc sống.

PHAN DUY

Top