Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,180 lượt

Văn học thiếu nhi: mảnh đất chưa được khai phá

Trên thị trường, sách thì nhiều nhưng để tìm được đầu sách hay cho trẻ đọc không phải dễ. Những quyển sách hay và đẹp thì hầu hết đều là sách nước ngoài, trong khi khả năng chúng ta có thể làm được như vậy…

 

Với một người theo đuổi nghiệp viết, ai cũng mong mình có tác phẩm giá trị để làm nên tên tuổi. Họ mong chờ ở độc giả - những nhà phê bình chuyên nghiệp, những độc giả am hiểu văn chương… có thể đồng cảm và đón nhận tác phẩm của mình. Thế nhưng, có một đối tượng độc giả quan trọng mà dường như người viết chúng ta đã bỏ quên, hoặc có nhớ tới nhưng không dành cho sự quan tâm đúng mức, hoặc không đủ kỹ năng để chăm sóc đối tượng độc giả này. Đó là những độc giả nhí - độc giả thiếu nhi.

 

Dường như, trong dòng chảy ồ ạt của văn chương Việt hiện đại, văn học thiếu nhi có một vị trí khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là lặng lẽ trôi đi không tăm tiếng. Người viết thờ ơ với văn học thiếu nhi, người đọc là thiếu nhi thờ ơ với sách.

 

Việc trẻ em đọc sách từ nhỏ là điều quan trọng và cần thiết để bồi dưỡng tâm hồn thơ trẻ. Nhưng việc đọc là việc không thể ép được, làm sao để trẻ tự nguyện và say sưa đọc sách?

 

Đành rằng trẻ con ngày nay có quá nhiều phương tiện để giải trí, sách không còn là ưu tiên đầu tiên nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ con quay lưng hoàn toàn với sách.

 

Trước khi than phiền rằng độc giả mải mê chạy theo công nghệ, bỏ rơi sách, người viết hãy tự vấn tác phẩm của mình còn thiếu điều gì để thu hút độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi.

 

Sách viết cho thiếu nhi hiện nay không phải không có, nhưng tìm được món ăn đúng khẩu vị cho trẻ thì không dễ. Người làm sách đau đầu than phiền trẻ không chịu đọc sách. Trẻ con thì mê ipad, phim ảnh hơn đọc sách. Liệu có con đường nào cho tác giả gặp được độc giả nhí?

 

Trong dòng chảy văn chương của cả nước, văn học thiếu nhi vẫn là một mảnh đất chưa được khai thác. Còn rất nhiều đề tài đang bỏ trống như khoa học viễn tưởng, trinh thám, phiêu lưu mạo hiểm. Đó là những đề tài thu hút độc giả thiếu nhi của mọi thời đại, nhưng chúng ta chưa làm gì với chúng cả.

 

Trên thị trường, sách thì nhiều nhưng để tìm được đầu sách hay cho trẻ đọc không phải dễ. Những quyển sách hay và đẹp thì hầu hết đều là sách nước ngoài, trong khi khả năng chúng ta có thể làm được như vậy. Điều gì khiến ta phải đứng nhìn độc giả vọng ngoại? Những tác giả Việt hoàn toàn có thể làm những quyển sách hay và đẹp như thế dành cho người Việt.

 

Tác giả Việt thường viết theo cái cá nhân chủ quan của mình. Họ viết đề tài họ có, họ muốn viết chứ không viết đề tài độc giả cần. Đó là lý do vì sao những quyển sách thiếu nhi ra đời hiếm hoi với số lượng bản in ít ỏi và không tìm thấy người đọc. Từ đó người viết bỏ qua luôn mảng sách dành cho thiếu nhi, mà không biết rằng đó là những đọc giả nồng nhiệt và chân thành nhất. Đã đến lúc người viết cần chuyên nghiệp hơn trong công việc của mình. Cần phải nắm bắt nhu cầu của độc giả ở lứa tuổi mà chúng ta muốn hướng đến. Giống như nấu một món ăn phải đúng khẩu vị của người thưởng thức.

 

Người viết cũng cần phải tìm hiểu tâm lý độc giả để khai thác đề tài phù hợp. Cần khai thác ý tưởng của nhiều người (làm việc nhóm) để làm nên những tác phẩm ly kỳ hấp dẫn, kéo được độc giả nhỏ tuổi của mình ra khỏi sản phẩm thời công nghệ để trở về với những câu chuyện văn chương. Đó là một tham vọng không nhỏ, nhưng không phải là bất khả thi. Chỉ cần người viết và người làm sách thật sự có một cái tâm dành cho lứa tuổi đầy mộng mơ, những độc giả đầy tiềm năng của chúng ta.

TRƯƠNG HÙYNH NHƯ TRÂN

Top