Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,491,944 lượt

Còn một Nguyễn Thị Minh Thái của thơ

Thẳng thắn, sắc sảo trong các chương trình truyền hình, không ngại di chuyển, lao vào các điểm nóng và luôn "cháy hết mình" trong các cuộc vui giữa chốn đông người – đó là hình ảnh không khó nhận ra ở Nguyễn Thị Minh Thái. Nhưng còn một Nguyễn Thị Minh Thái khác, đầy xúc cảm, đôi lúc yếu mềm, nương vào nàng thơ để tìm bình yên.

 

Tôi đọc "Tị nạn chiều" (tên một tập thơ của Nguyễn Thị Minh Thái) và nhận ra ở chính cái thế giới của những mắt chữ ấy, Minh Thái đúng là Minh Thái hơn bất cứ địa hạt nào. Ở đó có hình tượng một người phụ nữ mạnh mẽ, sống đầy khát vọng, yêu thương vô bờ, nhưng cũng thật buồn, thật bơ vơ. Tôi biết chị đã viết bài thơ “Tị nạn chiều” sau một cuộc tình tan vỡ.

 

 

Là một người đàn bà sống hết mình cho tình yêu nên chị đã bỏ hết mọi thứ theo một cuộc tình vào tận thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù chị đang ở Hà Nội và yêu Hà Nội như máu thịt của mình. Nhưng cuộc tình ấy không trọn vẹn, vì lẽ họ chỉ có duyên mà không có phận với nhau. Người đàn bà yêu ấy đã phải chia tay với cuộc tình và đau đớn hơn là phải bước ra đường như một kẻ không nhà cửa.

 

Minh Thái đã nói về bài thơ chị viết trong sự tuyệt vọng ấy, rằng tất cả các cánh cửa đều đã đóng lại, "chỉ còn mỗi một tôi với cả một chiều”. Và chị đã có một câu hỏi cực kỳ đau xót: "Tôi không tị nạn vào chiều thì tị nạn vào đâu?”. Thực ra Minh Thái không ngã vào chiều mà đã ngã vào thơ và chính thơ đã không chỉ đem lại sự bình yên cho trái tim và tâm hồn chị, mà đã cứu chị, như chị đã nói: "Thơ là thiên thần hộ mệnh của đời tôi”. Vì thế khi đọc thơ của người đàn bà này, đằng sau những đau khổ, dày vò, chúng ta lại tìm thấy sự bình yên trong đó.

 

Với Minh Thái, thơ là mái nhà, là nơi chở che cuối cùng cho một tâm hồn bị tổn thương và đau khổ. Khi đọc thơ của Minh Thái không hiểu sao tôi nhớ đến bức tranh của một họa sĩ siêu thực phương Tây cũng tên là “Chiều”. Bức tranh vẽ một khung cửa sổ mở rộng, bên ngoài là cả một bầu trời chiều xanh ngăn ngắt đến vô tận và trên đó là những đám mây trắng trôi qua rất êm đềm. Ở chính giữa bức tranh là hình tượng một người đàn bà màu hồng nằm và trôi giữa những đám mây. Gương mặt người đàn bà rất bình yên và dường như đang mỉm cười.

 

 

Trong thơ của mình, Minh Thái như đã vẽ lại bức tranh ấy: Gió cuối hạ thổi ngập trời Hà Nội/ Biền biệt mây trắng trôi… “Cánh buồm đỏ thắm” đó là câu chuyện tuyệt vời của nhà văn Alexander Grin, mà cả hai chúng tôi cùng mê trong thời sinh viên ngày xưa. Đó là chuyện về một cô bé vì tin vào câu chuyện cổ tích của một người thuỷ thủ già mà cứ chiều chiều ra bờ biển để ngóng đợi con thuyền có cánh buồm đỏ thắm cập bờ mang đến cho nàng một chàng hoàng tử. Cả làng chài ai cũng cười nàng. Nhưng cuối cùng có một con thuyền với những cánh buồm đỏ thắm cập bờ thật và nàng đã lên tàu cùng với chàng hoàng tử trong giấc mơ ấy.

 

Thế hệ tôi, một thế hệ sinh viên gian khổ, sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, ai cũng mang trong tim mình một cánh buồm đỏ thắm, đó là một giấc mơ kỳ diệu về hạnh phúc.

 

Sau những nỗi buồn, đau đớn trải qua trên đời, tôi tin “cánh buồm đỏ thắm” sẽ xuất hiện và mang đến cho chị điều kỳ diệu. Để những vần thơ của Minh Thái dù còn mong manh hoài niệm, nhạy cảm và yếu đuối, nhưng dâng tràn niềm vui…

ĐOÀN HƯƠNG

 

* * * Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Gai góc, đáo để, sắc sảo là thế, nhưng Minh Thái vẫn như bao người đàn bà khác trên thế gian, cũng cô đơn, yếu mềm và khát vọng trong tình yêu. Tập thơ Tị nạn chiều ra mắt với hầu hết là những bài thơ tình. Người ta ngỡ ngàng khi thấy một người khác biệt với Minh Thái đã được nhiều người biết đến. Một người đàn bà với những khát khao cháy bỏng, nồng nàn, đầy thổn thức trong tình yêu. Dường như chỉ tình yêu mới khiến một người mạnh mẽ như Minh Thái trở nên yếu mềm, nhẫn nhịn và cô đơn đến vậy. Và nữa, cũng kiêu chảnh, hờn ghen, chịu đựng, u ất chẳng kém ai. Chị đã rất trung thực và không thể không trung thực. Bởi, điều ý nghĩa nhất với cuộc đời một người đàn bà là tình yêu. Bởi chị đã yêu như một người đàn bà chạy băng qua lửa.

 

* * * Tị nạn chiều được in cũng vì một cử chỉ thiện nguyện. Toàn bộ số tiền bán 1.000 cuốn sẽ được dùng để hỗ trợ một nữ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con gái của một liệt sĩ Gạc Ma, đang học tại Trường Đại học Văn hóa TP HCM. Sau buổi ra mắt tập thơ tại Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Minh Thái sẽ tiếp tục giới thiệu Tị nạn chiều tại TP HCM với mong muốn số tiền bán sách sẽ góp phần học phí cho nữ sinh viên ấy học đại học…

Top