Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,470 lượt

Tiếng đồng vọng tâm hồn giữa cõi "Quen & Lạ" trong thơ Trần Võ Thành Văn

Chưa bao giờ văn chương Việt Nam ồn ào xôm tụ như bây giờ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ngành ngành làm thơ. Hầu như ở mỗi địa phương, từ nông thôn tới thành thị người ta đều dễ dàng bắt gặp những thi nhân. Từ khi mạng xã hội Facebook giao du vào Việt Nam thì, như cá gặp nước, phong trào làm thơ càng được mùa nở rộ. Thật khó có thể thống kê có bao nhiêu trang thơ từ cá nhân tới cộng đồng trên facebook. Dĩ nhiên, trong cuộc sống cái gì quá nhiều thường đâm ra “kém vị”, hàng ngàn người làm thơ dẫn đến sự nhão nhoẹt từ đó sự thăng hoa của ngôn ngữ đã bị kiềm hãm , nhất là với sự hỗn tạp trong đời sống mạng ảo. Nói như vậy, không có nghĩa là, không có những “ gã thi nhân tài hoa thực thụ”, mà trong ngàn vạn người đang từng ngày hăng say với chữ nghĩa trên thế giới hư huyễn ấy đã “hạ sinh” những người viết có tầm. Không chỉ vượt qua mình mà họ còn tạo nên cho, tâm hồn mình một lối đi, một chỗ đứng khá vững chắc, giữa chợ văn chương bề bộn. Trong số “người thơ” hiếm hoi ấy, tôi đặc biệt bị mê dụ bởi Trần Võ Thành Văn. Một tay viết khá tài hoa.

 

Là một người gắn bó với bộ môn sinh học, một bộ môn có thể nói là tương đối khô khan, tuy nhiên với thơ, Thành Văn lại cho thấy mình là một tay chơi ngôn ngữ có bản lĩnh.

 

Ngay từ khi bước chân đến với nàng thơ Thành Văn đã đoạn tuyệt với những “vi chất” cũ của thi ca. Từ kết cấu vần đến thanh nhạc hoặc nhịp ngắt giữa các câu thơ. Thành Văn đã để thứ thơ ca không vần điệu và viết khá tự do dẫn dắt đọc giả phiêu lưu vào vương quốc của cảm xúc “tuôn tràn”. Với thứ thơ ấy Thành Văn thoải mái thể hiện tâm sự lòng mình theo nhiều cung bậc mà không hề bị gò bó bởi cảm xúc đơn thuần. Gần đây sau mấy năm “hỗn chiến” với thơ, Thành Văn đã tuyển chọn và xuất bản tập thơ đầu tay. Ngay cái tiêu đề của tập thơ cũng đã gợi nên liên tưởng khá độc đáo “Quen và Lạ”.

 

 

Tập thơ được trình bày khá đơn giản. Xuyên suốt mấy chục bài thơ không một tấm hình minh họa giống như các tập thơ của các tác giả khác. Và đặc biệt hơn nữa, trong khi người ta cho ra đời một ấn phẩm văn chương thường kèm theo lời giới thiệu hoặc lời bạt của một nhà phê bình nào đó, thì Thành Văn lại hoàn toàn để cho tập thơ của mình “trần trụi”. Có lẽ chàng ta muốn để những con chữ “nói cùng” người đọc?

 

Qủa thật thơ của Thành Văn không dễ để đọc và cảm. Với lớp ngôn ngữ mới mẻ được Thành Văn sáng tạo nên, nếu như người đọc không thật sự tinh tế và bỏ công suy niệm thì khó có thể nắm bắt được điều tác giả muốn gửi gắm.

 

Tập thơ là sự giãi bày những rung cảm tự thẳm sâu trái tim Thành văn về những mặt cuộc sống: “tình yêu quê hương và mẹ, tới tình yêu đôi lứa, những sự vật hiện tượng của nhịp sống hàng ngày đã và đang trôi chảy qua những bước đường trần của anh”. Ta bắt gặp ở thơ Thành Văn những suy tư đầy day dứt của đứa con đi xa dành cho mẹ. Bản thân Thành Văn là một người hiện tại đang sống xa quê.

 

Đồng biếc!

nhựa lúa tràn qua đám cỏ gầy lưu lạc

mẹ vo tròn giọt mồ hôi vẩy xao mép gió

mùa con gái rưng rưng

.....

Mùa xuân dìu tiếng khóc con đi xa

im bặt phố phường

mùa xuân ru ký ức ngủ say trên bờ vai năm tháng

vững vàng xanh

sáng nay tháng chạp bất chợt về thành phố

mưa phùn rẩy cánh nao nao

con lẩy sợi tóc khô thả xuống lòng mình bì bõm

một dòng xuân chảy ngược mái đầu”

(DÒNG XUÂN)

 

Những cung bậc xúc cảm của tình yêu được Thành Văn diễn tả theo một đường bay “đằm nhiệt tột cùng” với những sự liên tưởng táo bạo và tân kỳ.

“Con chim lạc bạn bay về rừng

tiếng kêu gõ hồn tai đá

bạt ngàn xanh

con cá lạc bầy theo nhánh nước

quẫy đứt nhịp bùn khô

nguồn sông đăm đắm sâu

anh lạc em ngược xuôi đây đó

ngỏ hồn dõi cánh chim bay

ngỏ hồn trông con cá lội

mà em ơi!

mung lung

rừng không cho anh xanh

sông không cho anh xanh

về đâu

về đâu

xác chim xác cá rụng rời trong anh.”

(BƠ VƠ)

 

Và còn nhiều nữa những bài thơ da diết như thế. Ngôn từ trong thơ Thành Văn mang âm sắc đa chiều, tạo nên những biên độ rộng để từ đó cảm xúc và ngôn ngữ “bùng cháy”. Tôi ” gặp gỡ” trong thơ Thành Văn những câu thơ “ma mị” và xuất sắc , ngay cả những tay chơi thơ lâu năm cũng khó có thể “ điêu khắc thành công”.

“Những vì sao rời khỏi bầu trời

những nhánh sông tự mình vượt xa âm chấn

……

bầy đom đóm cớ gì hồn nhiên thế

cứ lung liêng lên nỗi đợi chia lìa

và tạ thế kiếp hoa độ lượng

và hiến dâng thánh thót nốt vàng”

(BÀN TAY MẸ)

 

Hay:

“Một tiếng hát lên, một dòng lả tả

hay nụ cười mun dồn lên tóc

hay nụ cười ruổi lá bụi sên

mùa hạ đi qua

có gì đâu mà giòn tan kỷ niệm”

(TRONG TẦM MÙA HẠ)

 

Thành Văn cũng cho người đọc thấy sự tinh tế của mình trong sự quan sát sự vật hiện tượng và khái quát chúng thành những liên hệ trừu trượng về cõi nhân sinh.

“Một cánh cửa nằm bên trong một cánh cửa khác

luôn mở ra mỗi khi mặt trời lặn

luôn đóng lại mỗi khi mỗi khi mặt trời lặn

và sự khác biệt thời gian nằm ở chính tiếng kêu của nó”

(NHẬN THỨC)

 

Chiếc lá rơi nhẹ bẫng

không kịp nhận ra cái chết của mình

không kịp nhận ra linh hồn sinh sôi diệp lục

phủ đại ngàn thẫm xanh

(HIẾN DÂNG)

 

Và:

“Bầy kiến bò quanh viền mắt tôi

chúng tha đi bao nhiêu là mảnh vụn đời sống

sạch sẽ không còn gì

ngoài những giấc mơ hình quả trứng

(TRI KỶ)

 

Cũng cần nói thêm rằng trong tập thơ của Thành Văn bất cứ bài nào đều mang một âm hưởng buồn. Cái buồn không quá “đao to búa lớn” mà dịu nhẹ, tuy nhiên lại gợi lên trong tâm tư ta những day dứt khôn cùng.

 

Thành Văn cho ta thấy anh như một người lữ hành “ lặng lẽ” di trình qua muôn ngõ cuộc sống và ở đâu anh cũng nhìn thấy những “âm vực chìm của sự sống” bằng sự cảm thụ “triệt đệ” của người thi sĩ.

“Heo may vẽ một vòng bầu trời

mây bỗng dưng thôi xanh

chiều trở dạ nứt nỗi buồn dưới cỏ”

(BẦU TRỜI DƯỚI CỎ)

“Một căn gác dài, một thành phố nhỏ

cây cối ngoài kia lặng lẽ hút bóng mình

mùa hạ đi qua tầm mắt với

còn gì đâu mà xanh”

(TRONG TẦM MÙA HẠ)

 

Có lẽ là một người thường xuyên “chạy đua với cuộc sống” để nhiều khi quên đi sự chăm sóc bản thân mình nên một hôm đứng lại, Thành Văn bỗng thảng thốt nhận ra:

“mái tóc lâu rồi quên chải

sót cong một sợi tuổi đời

tình yêu lâu rồi quên yêu

sáng nay dụi mình ngơ ngẩn”

(MÙA THU, SÁNG HÔM NAY)

 

Có một sự thú vị không hề nhẹ đối với tôi khi đọc tập thơ của Thành Văn, là, hầu như bài thơ nào của anh cũng chỉ viết hoa chữ đầu tiên của câu thơ thứ nhất, xuyên suốt những câu còn lại, ta không hề bắt gặp một chữ hoa đầu câu nào khác. Phải chăng điều đó (là cố ý) tạo nên mạch cảm xúc nối liền như “dòng sông tâm hồn” của người viết, và chính điều đó khiến tâm tư người đọc cũng trôi đi theo dòng tư tưởng ấy để cảm lắng và tìm đến nhau trong khúc đồng điệu?

 

Chúng ta đã và đang đi qua triền dốc cuộc đời tửng ngày, và trong guồng quay xã hội chúng ta luôn bắt gặp muôn vàn những quen và lạ nhưng rồi chúng ta dễ dàng quên đi. Để rồi đến một lúc nào đó chúng ta chợt thấy rằng dòng sông đời vẫn cứ mù miết trôi và tất cả niềm vui, nỗi đau, được mất giữa muôn vàn “Quen Và Lạ” dẫu chỉ đơn giản như một cơn mưa, nhưng lại khiến ta day dứt và bắt ta phải trăn trở.

 

“Giữa cơn mưa rào

con ốc sên lết trên cành củi

ẩm và có mùi chuyển mục

giữa cơn mưa phùn

mùa xuân tinh khiết lây rây

con bướm kịp rời xác nhộng

tận hương cánh đồng hoa hút sâu tầng cánh vỗ

trả mấy giọt thơm

quyến tiếc

chúng ta vẫn thường nhầm lẫn

cành củi và cánh đồng

mùi rêu và mùi hoa

nhưng thực ra

thảy đều là cung đường buồn bã

như một cơn mưa vậy thôi”

(NHƯ MỘT CƠN MƯA VẬY THÔI)

 

Và sự thật tập thơ “Quen Và Lạ” của Trần Võ Thành Văn đã nói cùng tôi rất nhiều điều, khiến tôi phải suy ngẫm.

TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG

Top