Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,418 lượt

Nhà thơ Bùi Phan Thảo với ‘Những ngọn khói về trời’ đau thấu tận tâm can

Nhà thơ Bùi Phan Thảo chia sớt nỗi đau với người bất hạnh, đồng thời nhận thấy những tấm lòng nhân ái, nghĩa hiệp ở TP.HCM, của cả đất nước và bè bạn năm châu trong những tháng ngày không thể nào quên chống chọi đại dịch Covid-19.

Trong hàng triệu cặp mắt nhìn vào cái vòng xoáy cơ cực đời sống ngày đó có nhà thơ Bùi Phan Thảo. Với góc nhìn hiện thực khách quan, bằng những ký tự thơ ghi lại nỗi đau nhân loại, anh đã ký sự đầy đặn từ những tháng ngày đầu tiên và khi dịch dã tràn về thành phố Sài Gòn đến lúc vượt qua đại dịch bằng trường ca "Những ngọn khói về trời".

 

 Nhà thơ Bùi Phan Thảo

 

Covid-19 ập đến, cuốn phăng đi cái vui vẻ, ồn ào náo nhiệt, cuốc sống tươi đẹp thường ngày. Bắt đầu từ những cơn ho rũ rượi và tiếng còi xe cứu thương inh ỏi vang trên đường phố. Trường ca Những ngọn khói về trời đã khắc họa một tầm nhìn thấu đáo qua những vần thơ bằng những cảm xúc trong hoàn cảnh thời cuộc đặc biệt. Với bút pháp điêu luyện, một phong cách trường ca mang tính chiến đấu đã tạo nên tác phẩm thơ in lại những cam go trong nỗi đau dai dẳng.

“Xe cứu thương rúc những hồi còi dài nhức nhối tâm can/ xoắn thêm những nỗi lo rõ ràng và mơ hồ có tên và không tên/ cứ sợ thành phố bật cơn ho rũ rượi/ ôm ngực đau đôi mắt thâm quầng”…

Một cảm xúc khác lạ, một phong cách Bùi Phan Thảo dung dị mạch lạc

Và TP.HCM thành trung tâm đại dịch đã được khắc họa rõ nét qua những câu thơ thể hiện thái độ trách nhiệm của nhà thơ phản ánh hiện thực khách quan. Từ những sợi dây trắng đỏ giăng lên, đó là sự ngăn cách lạnh lùng vì sinh mạng từng người và cả cộng đồng: “Điều ước lệ trở nên hữu dụng/ sợi dây như bức tường để giữ chân nhau/ thành phố căng mình ngày tháng thương đau/ nỗi lo hằn trên từng gương mặt… thành phố vắng hoe/ như giấc ngủ kéo dài của người dậy muộn”.

Viết về Covid-19 không thể dùng cách viết nhuần nhị thiết tha, mềm mại và thi ảnh đẹp đẽ, nhưng với trường ca "Những ngọn khói về trời", nhà thơ đã thể hiện ký sự thơ, một cảm xúc khác lạ, một phong cách Bùi Phan Thảo dung dị mạch lạc. Nhà thơ phản ánh nỗi lo, nỗi đau và những tấm lòng nhân ái với trách nhiệm yêu thương. Người đọc thấy rõ tình cảm của nhà thơ với một trách nhiệm nhân văn, thấm đẫm tình người.

“Đất Sài Gòn dễ sống/ siêng năng tần tảo là có cơm ăn/ một góc vỉa hè cũng lập nghiệp, lập thân/ đất không phụ người, người không phụ đất/ Sài Gòn không đất lành chim đậu/ nhưng Sài Gòn bao dung cưu mang những phận dân nghèo”.

Một thứ kẻ thù giấu mặt, tàn ác đến lạnh lùng. Phố xá đìu hiu/làng quê quạnh quẽ/ai ở đâu yên đấy/mà lòng nào yên. Covid-19 đã ngăn chặn bước tiến lên của xã hội con người, buộc chúng ta phải chiến đấu, chống chọi với chúng để giành sự sống khi “Sài Gòn đau một phần thân thể”.

“Sài Gòn đau trời đất cũng đau/ những chùm ca bệnh dồn vào hẻm nhỏ/ khăn tang trắng từ đầu con phố/ nước mắt vòng quanh ra đến bờ kinh”.

Hàng vạn những chiến binh thầm lặng vào cuộc cứu người khát thở thảng thốt đến tuyệt vọng: mệt quá bác sĩ ơi/ tôi thở không nổi rồi. Các anh các chị trên tuyến đầu chống dịch đã vượt qua những cơn ho, trận sốt của mình.

“Đo Citi tới 30 là vùng dậy/ vào ca trực ngay/ bởi đâu còn ai để thay/ áo xanh ướt đẫm/ cơm hộp ăn vội vàng mà nuốt không trôi”.

Tất cả vì sinh mạng con người, họ dấn mình vào hiểm nguy, chấp nhận hy sinh để giành giật sự sống cho mọi người. Viết những dòng này, chắc chắn Bùi Phan Thảo đã hiểu rõ tình cảnh của biết bao thầy thuốc phải xa con thơ dại, có những cặp vợ chồng ở hai đầu trận tuyến và có những người chia tay người yêu khi ngày cưới cận kề:

“Sinh nhật con ba không về kịp/ không được thổi nến và cùng con hát ‘Happy birthday to you’/ chỉ nhìn con và hát mừng qua màn hình điện thoại/ rồi ba lại vào ca với người bệnh đang chờ/ khi mẹ vào trực chiến dài ngày trong bệnh viện/ bầu sữa căng mẹ đứt ruột thương con/ vắng sữa mẹ xa bầu sữa mẹ/ bà tập cho con bú sữa bình/ trong này mẹ dỗ dành bạn nhỏ sơ sinh/ dồn tình thương con cho bé thơ vắng mẹ”.

Đã có những bác sĩ, điều dưỡng, người lo bữa cơm từ thiện cũng đã hy sinh trong trận chiến này. Đau xót quá! Cứu bao nhiêu mạng sống con người mà không cứu nổi đời mình.

Cả nước vì TP.HCM, trong khi cả nước không nơi nào thoát dịch, không nơi nào không mất mát hiểm nguy nhưng với tấm lòng của cả nước, thơm thảo mãi từ những bàn tay. Biết bao những bà mẹ, ông bố, biết bao người chiến sĩ bộ đội, công an. Biết bao lái xe, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý. Biết bao nhiêu tấm lòng chung tay góp lương thực, thực phẩm và những cây ATM gạo ra đời bằng sự sáng tạo Việt Nam. Các nhà báo, nhà văn mang đến người dân các tỉnh trụ lại Sài Gòn những cân gạo, gói mì, bó rau, quả bí… Bùi Phan Thảo đã chất chứa những vần thơ nhói đau, xao động tình người.

Bùi Phan Thảo đã dụng công phác họa những chân dung tình thương, tình đời, tình người. Trường ca Những ngọn nến về trời đã tạo nên mạch thơ, chất thơ rúng động khác thường bởi tất cả: “Nhận ra nhau qua khẩu trang nói bằng đôi mắt/ và nụ cười tỏa sáng giữa hồn nhau/ những bàn tay bợt bạt nhăn nheo/ suốt ngày dài trong bộ đồ bảo hộ/ thương mẹ nhớ con thôi đành để đó/ giành mạng sống cho người khoan nghĩ đến niềm riêng”

 

Tập trường ca "Những ngọn khói về trời" 

 

Trong cuộc chiến cam go này, trường ca Những ngọn khói về trời với những vần thơ như những thước phim quay chậm, đặc tả hết nỗi lòng trăn trở của những người lao động trong vòng xoáy cuộc đời. Câu hỏi họ đã đặt ra, về hay ở? Họ làm cuộc hồi hương rồi nhắn nhủ: mong Sài Gòn hiểu cho tấm lòng chúng tôi. Chúng tôi chỉ tạm xa, chúng tôi sẽ trở lại Sài Gòn. Nhưng đã có nhiều người chưa kịp về tới nhà đã vĩnh viễn ra đi, đó mới là những mảnh đời tha hương bất hạnh và những ngọn khói ám khí bay lên. “Nơi có những lò thiêu/ ngọn khói bay lên quấn quanh váng vất/ những linh hồn lìa khỏi xác thân/ dìu nhau đi và bay lên/ họ mong chờ được trở về nhà trong một vòng ôm/ nay chỉ còn mãi mãi lặng im/ nặng trĩu kiếp người gửi trong chiếc bình nhẹ bẫng”…

Đau nhất trong tiếng trẻ thơ bơ vơ khờ dại: “Mẹ cha bỏ con đi giữa những ngày thành phố có mưa sụt sùi/ lúc con bé bỏng dại khờ/ người lớn giấu con cha mẹ đi làm xa, xa lắm”…

Trong biết bao nhiêu nỗi đau ấy, rất nhiều người không có kit xét nghiệm, không có vắc xin và thuốc điều trị kịp thời thì lại có những người táng tận lương tâm, làm giàu bất chính: “Tiền chảy vào từng túi tham như suối/ các người có thấy màu tiền đỏ như máu/ đỏ như mặt trời/ sẽ nhấn chìm các người cùng tội lỗi không bao giờ gột được”… Làm sao che mắt được nhân dân, cái ác phải bị trừng trị và đất nước chúng ta đã vượt qua đại dịch: “Hoa đã nở vàng trên phố/ trong gió tin vui đưa về/ lá vẫn xanh/ đời lại điểm danh, điểm mặt/ không ai không điều gì có thể lãng quên/ nhân loại phải đi về phía trước/ hãy cùng nhau sống đẹp/ biết quý từng giây hiện hữu trên đời”.

Với trường ca "Những ngọn khói về trời", nhà thơ Bùi Phan Thảo nhắn nhủ chúng ta không thể lãng quên những tháng ngày chông chênh cơ cực, cái chết rình rập, cận kề. Tất cả phải biết quý từng giây hiện hữu trên đời, rút ra những bài học sâu sắc để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Bằng những vần thơ đầy nhiệt huyết, thơ Bùi Phan Thảo là khúc tráng ca bi ai, tấu lên bầu trời nhằm xoa dịu nỗi đau mà sâu sắc uyên nguyên, chất chứa nhân văn thấm đẫm tình người.

NGUYỄN VŨ QUỲNH/Thanh Niên

Top