Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,472 lượt

Văn học Mỹ Latin nhìn từ phê bình sinh thái

Mĩ Latin là một khu vực kì lạ, nơi những điều kì diệu được phép diễn ra phổ biến trong hiện thực và văn chương. Là một khu vực có diện tích khá hẹp, Mĩ Latin rõ ràng nhỏ bé hơn rất nhiều nếu so với các châu khác.

 

Nhưng trong thời (hậu) hiện đại, Mĩ Latin đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của một nền văn học đầy ắp tính chất baroque mới, thấm đẫm tinh thần phản kháng đấu tranh xã hội mạnh mẽ chuyển tải qua hệ thống hình tượng nghịch dị, huyền ảo, được kiến tạo nên từ chất liệu ngôn ngữ lai ghép, phi chuẩn mực, phóng túng và đầy tính đối thoại. Văn học Mĩ Latin trong thế kỉ XX và XXI thực sự đã tạo nên bước ngoặt trong tư duy văn học hậu hiện đại thế giới, với sự ra đời và đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo vào khoảng thập niên 60 – 70 của thế kỉ XX, giai đoạn được định danh là El Boom Latino Americano (quả bom văn học Mĩ Latin). Chỉ trong vòng hơn nửa thế kỉ, từ năm 1945 cho đến 2010, Mĩ Latin đã vinh dự có đến 6 giải Nobel văn chương của Gabriela Mistral (năm 1945, Chile), Miguel Ángel Asturias (1967, Guatemala), Pablo Neruda (1971, Chile), Gabriel García Márquez (1982, Colombia), Octavio Paz (1990, Mexico) và người mới nhất là Mario Vargas Llosa (2010, Peru). Nếu như ta làm một phép so sánh, mặc dù hơi khiên cưỡng nhưng là cần thiết, châu Phi cho đến nay mới chỉ có 4 người giành Nobel văn chương, và châu Á rộng lớn vĩ đại cũng chỉ có 4 người chính thức đoạt giải, bởi Cao Hành Kiện vốn mang quốc tịch Pháp, ông đại diện cho nước Pháp khi nhận giải Nobel. Như vậy, xét về tầm vóc và thành tựu, nền văn học Mĩ Latin chỉ đứng sau khu vực châu Âu và Bắc Mĩ với nhiều lợi thế cả khách quan lẫn chủ quan.

 

 

Mặc dù vậy, trong khoảng 60 năm qua, Hội đồng giải Nobel văn chương thực sự không hề ưu ái Mĩ Latin, nói một cách nghiêm ngặt, họ đã bỏ qua nhiều tác gia của khu vực này mà không hiếm người tỏ ra xứng đáng hơn vài trường hợp đoạt giải những năm gần đây. Nhận định ấy sẽ không có gì là cường điệu, nếu ta nhắc ra vài cái tên xứng đáng là bậc thầy văn chương nhân loại đã bị Hội đồng Nobel bỏ sót như Carlos Fuentes, Joan Rulfo, Julio Cortázar, Alejo Carpentier, Ruben Dario, Jorge Amado, Romulo Gallegos… mà đặc biệt là Jorge Louis Borges. Nhiều người trong số họ cho đến nay đã không còn cơ hội nào để nhận giải Nobel bởi thử thách khắc nghiệt của thời gian trước sự hữu hạn của cuộc đời.

 

Sự thành công và bùng nổ của văn học Mĩ Latin được lí giải bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, từ hoàn cảnh địa chính trị cho đến cấu trúc văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc, sự vươn đến hoàng kim của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, hoặc cảm hứng chính trị từ cuộc cách mạng Cuba của Fidel Castro… Nhưng chúng ta có thể lí giải tổng quan sự bùng nổ và trưởng thành vượt bậc của nền văn học Mĩ Latin từ hai động lực: ý nghĩa đấu tranh xã hội mạnh mẽ, mà chủ yếu là đấu tranh chính trị cùng ý thức hệ và ý thức đề cao sinh thái bản địa sâu sắc. Hai vấn đề này là song trùng mà cũng thống nhất, bởi ý thức sinh thái và đấu tranh cho sinh thái thực chất cũng là sự can dự, đấu tranh sâu sắc về mặt chính trị, và ngược lại. Phê bình sinh thái do đó khi được áp dụng để nghiên cứu văn học Mĩ Latin là hoàn toàn tương thích, bởi bản chất nền văn học này là sự nhấn mạnh quay về với văn học sinh thái hơn bất cứ nền văn chương (hậu) hiện đại nào. Phê bình sinh thái ở thời điểm đương đại đang là một trường phái nghiên cứu văn học thời thượng, bởi vì nhân loại đang phải đối mặt với những nguy cơ về môi sinh chưa từng có. Nằm chung trong khuynh hướng chuyển hướng về văn hóa trong nghiên cứu văn học, phê bình sinh thái với tư cách một thuật ngữ ra đời năm 1972 bởi đề xuất của Joseph Meeker, tiếp tục được hoàn thiện và xác lập chiều sâu lí thuyết bởi William Roekert, Karl Kroeber, Cheryll Glotfelty, Lawrence Buell, Scott Slovic… Tóm lại, phê bình sinh thái ra đời vào khoảng thập niên 70 - 80 và phát triển mạnh từ thập niên 90 thế kỉ XX cho đến ngày nay. Tư tưởng cốt lõi của phê bình sinh thái là lấy môi trường tự nhiên làm trung tâm thay vì con người trong phê bình văn học, nhấn mạnh sinh mệnh tự nhiên, đạo đức sinh thái.

 

Ý thức sinh thái được thể hiện rõ trong các sáng tác văn chương vĩ đại của Mĩ Latin như Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả (G.G.Márquez), Con quỷ chơi đùa ở miền đất hoang (G.Rosa),Vương quốc trần gian, Thế kỉ ánh sáng (A.Carpentier), Người ngô, Bộ ba chuối (M.Asturias),Pedro Paramo, Đồng khô cỏ cháy (J.Rulfo), Thành phố và lũ chó (M.V.Llosa)… và được các nhà văn ý thức một cách có hệ thống cũng như hoàn toàn tự giác trong quan niệm sáng tạo văn chương. Trong bài viết này, người viết sẽ đi vào khảo sát vấn đề sinh thái trong quan niệm sáng tạo văn chương của các bậc thầy văn học Mĩ Latin việc phân tích ý thức sinh thái và giá trị sinh thái trong thực hành sáng tạo văn học ở khu vực này sẽ để dành cho một dịp khác.

 

Đọc kĩ lại các tiểu luận, tạp văn và bài trả lời phỏng vấn của các nhà văn Mĩ Latin lừng danh, chúng ta có thể thấy ý thức bảo vệ và đề cao sinh thái của họ hiện ra rất rõ nét, được hệ thống và trừu xuất hóa để trở thành hệ mĩ học riêng, thậm chí, xác lập nền tảng tư tưởng và văn hóa ứng xử rất đặc thù. Điều này liên quan chặt chẽ đến bản chất nền chính trị của châu lục, lịch sử và cấu trúc của nền văn hóa. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu vấn đề sinh thái trong ý thức sáng tạo và quan niệm văn chương của các nhà văn kiệt xuất Mĩ Latin qua ba nội dung cơ bản sau:

 

1. Ngợi ca tự nhiên như một cách kiếm tìm và kiến tạo bản sắc bản địa

 

Trong diễn từ Nobel của G.G.Márquez với tựa đề Nỗi cô đơn của châu Mĩ Latin, nhà văn người Colombia đã liệt kê ra hàng loạt những huyền thoại về thiên nhiên kì thú tại quê hương của ông, những huyền thoại mà biết bao người châu Âu đam mê phiêu lưu đã bỏ mạng trong quá trình tìm kiếm. Từ thành phố được xây bằng vàng Eldorado nằm giữa rừng già Amazon đến suối nguồn có phép màu có thể giúp con người trẻ mãi không già ở miền Bắc Mexico...

 

Các bậc thầy văn chương khác, mà tiêu biểu là M.Asturias - một người có gốc gác Indian - mỗi khi nhấn mạnh và giới thiệu về nền văn chương bản địa đều trước tiên muốn giới thiệu về điều kiện tự nhiên đặc thù của Mĩ Latin. Trong diễn từ Nobel thấm đẫm ý thức sinh thái với tựa đề Tiểu thuyết Mĩ Latin - chứng tích của một thời đại, Asturias đã nhấn mạnh thiên nhiên châu Mĩ không hề thua kém bất kì mảnh đất nào, thậm chí còn phong phú và đẹp hơn bội phần. “Tác giả (Landíva - PTA) rất muốn người dân cựu lục địa biết rằng El Jorullo, một ngọn núi lửa ở Mexico có thể tranh đua với các núi Vesuvius và Etna, rằng những thác nước và hang động của San Pedro Matir ở Guatemala sánh ngang với giếng phun ở Castilla và Aretusa (Tây Ban Nha - PTA), và khi nhắc đến cenzontle, một loài chim có bốn trăm giọng hót, ông đề cao chúng hơn cả họa mi (một loài chim hót hay phổ biến của lục địa Á - Âu - PTA)”. Asturias với xuất thân là người da đỏ, đã khẳng định lại tô tem truyền thống của người Indian là cây ngô (bắp). Trong tiểu thuyết Người ngô của ông, ta có thể thấy rõ tư tưởng thiên nhiên là đấng sáng tạo ra con người. Một bậc thầy văn chương khác của khu vực này là nhà thơ P.Neruda cũng mở đầu diễn từ Nobel của mình với tựa đề Hướng về thành phố huy hoàng bằng một cuộc viễn du dài xuyên qua những điều kiện tự nhiên trù phú, hiểm trở và nguyên sơ của Nam Mĩ “Bài phát biểu của tôi sẽ là một cuộc viễn du dài… tôi cần phải vượt qua dãy Andes và tìm đến đường biên giới giáp Argentina. Những cánh rừng rậm rì che phủ các vùng đất khó vượt qua này… đi vòng tránh các cây lớn chặn ngang đường, những con sông hiểm trở, những vách đá chất ngất, những đảo băng hoang vu… tất thảy đó là thiên nhiên, lộng lẫy và bí ẩn, nhưng đằng sau nó ẩn náu sự đe dọa của giá rét, của tuyết, của sự truy đuổi”.

 

Như vậy, trong quan niệm văn chương của các bậc thầy văn học Mĩ Latin, thiên nhiên hiện ra như một bản sắc đặc thù, một nền tảng văn hóa bản địa. Nhờ thiên nhiên hoang dã, trù phú nhưng cũng đầy cạm bẫy, các nhà văn Mĩ Latin đã đối thoại với những nền văn minh bên ngoài, mà chủ yếu là nền văn minh đô thị lí tính của châu Âu với tư cách một “cái khác” trong cuộc đối thoại văn hóa. Trong cuộc đối thoại vĩ đại đó, các nhà văn Mĩ Latin nhận ra vị thế mới của con người trước tự nhiên, và bằng cách giải trung tâm con người, họ đã tái xác định vai trò của sinh thái cũng như những nguy cơ sinh thái hiện nay.

 

2. Vấn đề sinh thái như một phản kháng chống lại chế độ thực dân và hậu thực dân

 

Thực chất phê bình sinh thái không bao giờ đơn thuần chỉ “vì chính nó”, bởi vì mọi vấn đề liên quan đến môi trường bao giờ cũng liên đới đến các lĩnh vực chính trị, văn hóa, tôn giáo, kinh tế… Văn học Mĩ Latin có sự quan tâm đến những vấn đề sinh thái không đơn thuần chỉ vì đây là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, mà thông qua vấn đề sinh thái, các bậc thầy văn chương của châu lục này muốn bày tỏ quan điểm chính trị. Mĩ Latin là vùng đất hứa, là một thiên đường hay là giấc mơ của châu Âu như cách nói của Octavio Paz, nhưng thực ra, nó là thuộc địa, là mảnh đất nô lệ, là những công dân ngoại biên hạng hai của cựu lục địa. Ngày nay, khi tất cả các quốc gia đều đã độc lập và xây dựng được nền cộng hòa thì nền kinh tế của họ vẫn phụ thuộc lớn vào các siêu cường từ châu Âu và Hoa Kì.

 

Khi đó, vấn đề sinh thái được đặt ra như là một tiêu chuẩn, một vũ khí, một diễn ngôn mà Mĩ Latin dùng để đối thoại với thế giới bên ngoài. Pablo Neruda thông qua những sáng tác của Rafael Landíva để ngợi ca thiên nhiên Mĩ Latin trù phú, hùng vĩ và đa dạng hơn thiên nhiên của châu Âu. Nỗi cô đơn của Mĩ Latin, nói như G.G.Márquez là bởi mảnh đất này đã bị “diễn dịch cái hiện thực mà chúng tôi sống bằng những mô hình không phải của chúng tôi chỉ khiến chúng tôi trở nên xa lạ hơn, kém tự do tự tại hơn, và cô đơn hơn bao giờ hết. Châu Âu khả kính của chúng ta có lẽ sẽ nhạy bén tinh tế hơn nếu như họ chịu khó nhìn hình ảnh của chúng tôi qua quá khứ của chính họ”. Nền độc lập khỏi đế quốc Tây Ban Nha theo Márquez vẫn không giúp Mĩ Latin thoát khỏi sự điên rồ về mặt chính trị, bởi bóng ma của bạo lực, ma túy, tham nhũng, mất dân chủ, nội chiến vẫn còn đó. Mĩ Latin vẫn là sân khấu chính cho các siêu cường. Chế độ hậu thực dân với những ảnh hưởng và hệ lụy của nó biến Mĩ Latin trở thành mảnh đất bị khai thác tự nhiên đến cạn kiệt phục vụ cho thế giới bên ngoài. Những cánh rừng nguyên sinh bị đốn sạch, những dòng sông cạn nước, những xác chết trôi nổi lềnh bềnh, những con vật như lợn biển, cá sấu bị bắn chết nhằm tiêu khiển, những con vẹt đuôi dài bị bắt đi để bán sang châu Âu trong Tình yêu thời thổ tả (Márquez) là ví dụ điển hình và phổ biến tại mảnh đất này.

 

Do đó, các bậc thầy văn chương Mĩ Latin muốn xác lập một bản thể sinh thái riêng, vấn đề môi trường lúc này có tính chất đối kháng xã hội và chính trị rõ nét. Neruda nhấn mạnh: “Chúng tôi ý thức được nghĩa vụ của mình… chúng tôi cảm nhận bằng trái tim những ước mơ đang ngủ quên trong những tượng đá, những di tích xưa bị tàn phá, trong tĩnh lặng vô biên của các thảo nguyên phủ khắp hành tinh, trong những khu rừng già, dưới những dòng sông cuộn réo... các dân tộc của chúng tôi - những dân tộc lương thiện nhất, trong sạch nhất... nhưng hàng bao đời vẫn bị ách nô lệ thuộc địa khủng khiếp còn tồn tại cả đến ngày hôm nay chà đạp và buộc phải câm lặng”. Còn Asturias thì đanh thép kêu gọi: “Chúng tôi phải đòi lại đất đai cho những người bị tước đoạt, đòi lại hầm mỏ cho công nhân bị bóc lột, nêu yêu sách vì đám quần chúng đang bỏ xác trên các đồn điền... Thứ tiểu thuyết đó kêu gọi để cho máu và nhựa trong đất đai mênh mang của chúng tôi thêm một lần nữa chảy ra biển”.

 

3. Giải trung tâm tín niệm về vị thế con người là trung tâm của vũ trụ

 

Phê bình sinh thái đã thực hiện một cú đảo lộn ngoạn mục trong truyền thống tư tưởng triết học phương Tây, từ chỗ lấy con người làm trung tâm, con người toàn quyền khai thác tự nhiên nhằm phục vụ cho quyền lợi của mình, đi đến chỗ lấy môi trường làm trung tâm, thiên nhiên cũng có sinh mệnh, mọi loài động - thực vật đều bình đẳng với con người và con người chỉ là một thực thể trong chỉnh thể sinh thái nói chung. Truyền thống duy lí, lấy con người làm trung tâm trong tư tưởng phương Tây đã làm con người trở nên tự tin, dũng cảm trong việc chinh phục, khai phá tự nhiên, tuy nhiên đến thời hiện đại, trước sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và lòng tham vô đáy của con người, thuyết “dĩ nhân vi trung” đã thoái hóa biến thành thảm họa môi sinh đầy cấp bách.

 

Trước tình hình khẩn nguy đó, phê bình sinh thái chủ trương lấy môi trường làm trung tâm nhằm nhắc nhở vị thế của loài người trong chỉnh thể chung của môi trường. Octavio Paz đã chỉ ra căn nguyên suy thoái của nền văn minh đương đại xuất phát từ quan niệm đặt vị thế trung tâm cho con người, từ đó tạo điều kiện cho sự khai thác tự nhiên vô tội vạ. “Truyền thống triết học ngoại giáo và Kito giáo đã đề cao Con Người như là một sự toàn thiện toàn mĩ; chúng tôi lại yêu sự thay đổi, cái động lực của tiến bộ và khuôn mẫu của các xã hội... Hơn nữa, chúng ta đã gây nên thiệt hại không thể bù đắp nổi đối với môi trường tự nhiên và điều này cũng đang đe dọa chính giống loài chúng ta. Mặt khác, khoa học và kĩ thuật, các công cụ làm nên sự tiến bộ, đã cho thấy một điều rõ ràng rất đáng báo động rằng chính chúng cũng có thể dễ dàng trở thành công cụ hủy diệt. Vũ khí hạt nhân là một sự phản bác tư tưởng cho rằng tiến bộ là điều cố hữu trong lịch sử”. Pablo Neruda cũng thẳng thắn chỉ ra con người là hung thủ và cũng chính là nạn nhân của chính nó, một khi nền văn minh trở nên tha hóa và khoa học kĩ thuật thay vì phục vụ cho những mục tiêu nhân văn, khai phóng lại bị biến thành những thứ vũ khí đáng sợ, hay công cụ tàn phá môi trường khủng khiếp: “Nhưng tôi hiểu một điều: chính chúng ta tạo ra các bóng ma của huyền thoại của chúng ta... và sau đó chúng ta mới hiểu, khi có lẽ đã muộn, rằng chính chúng ta đã tạo nên bấy nhiêu những giới hạn đến mức giết chết sự sống thay vì làm cho cuộc sống được phát triển và thịnh vượng...”. J.L.Borges thì có cách của riêng ông nhằm phá bỏ vị thế trung tâm của con người, bằng cách quay về với triết lí vô vi của Lão Trang, hoặc đi tìm con đường tư tưởng trong triết lí vô ngã, từ bi của Phật giáo trong tiểu luận Sự phản chứng mới của thời gian. Bằng cái nhìn đồng nhất giữa tiểu ngã (Atman) và đại ngã (Brahman), xóa nhòa sự sai biệt phân li giữa người và vật, vật trong ta và vật tại nó, Borges đã giải trung tâm thành công chủ thể (con người) từ góc độ triết học khi quay về với cội nguồn minh triết phương Đông: “Thời gian là một dòng sông cuốn tôi đi nhưng tôi là dòng sông; là một con hổ đã xé xác tôi nhưng tôi là hổ; là một ngọn lửa đã thiêu cháy tôi nhưng tôi là lửa. Bất hạnh thay, thế giới là có thật; bất hạnh thay tôi là Borges”.

 

Tóm lại, trong quan điểm sáng tạo của những bậc thầy văn chương Mĩ Latin, vị thế con người đã không bị xóa mờ, phủ nhận, mà được xác lập một quan hệ mới, vị thế mới với tự nhiên. Bằng cách hòa mình vào tự nhiên, cúi mình tôn trọng sinh mệnh thế giới, con người đã xác lập sự vĩ đại của mình theo một triết lí mới, trung dung và kiêm ái với chính người mẹ chung của mình. Đúng với nhận định của Pablo Neruda: “Tôi đã lựa chọn con đường khó khăn mà trên đó tôi chia sẻ với mọi người trách nhiệm, và thay vì tôn sùng cá nhân như trung tâm của vũ trụ, tôi ưa thích sự phụng sự khiêm nhường cho đoàn chiến binh đông đảo”.

 

Có thể nói, nhờ tính chất nhấn mạnh đến vấn đề sinh thái một cách riết róng và thường trực, mà văn học Mĩ Latin đã tạo nên một chủ nghĩa nhân văn mới đồng nhất giá trị con người với các vấn đề môi trường tự nhiên. Thông qua quá trình sáng tạo này, những bậc thầy văn chương Mĩ Latin thực sự là những nhà tư tưởng về sinh thái, góp phần trực tiếp thúc đẩy văn học sinh thái và đặc biệt là phê bình sinh thái bùng nổ trong thời đại ngày nay. Nền văn học Mĩ Latin do đó cũng vượt thoát lên khỏi những giới hạn thông thường của tính chất địa phương, vùng miền để trở thành một thành tựu chung của văn học nhân loại thời hậu hiện đại.

PHAN TUẤN ANH

Top