Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,406 lượt

Em vịn gió qua mùa bão khát

Đêm gạ lòng với phố. Cái tên gợi cảm giác về một cái gì tạm bợ và không bến. Chỉ như một đụng chạm chứ không phải một gắn bó. Và đúng hơn, chỉ như một trao gửi bâng quơ, như thì thầm với gió. Tô Minh Yến thú nhận Em góc cạnh như đời vốn có/ Khát tình tròn, đổi ngang trái làm quen. Góc cạnh nhưng lại đầy khao khát những gì tròn vẹn - Có lẽ vì thế không thể thoát khỏi cảm giác bị mắc nợ, bị vây bọc, giằng co.

 

 

Đêm thức với đêm/ Bằng cảm giác rỗng - Là nói vậy, tự dối lòng vậy chứ Rỗng sao được khi mà Rắc rối không thể cởi/ Chật... chật cả trời bao dung...

 

Những bài thơ, những câu thơ được viết bởi một tâm hồn đàn bà đa tình và đa đoan và nhân hậu. Không cần nguyên cớ chi nhiều, chỉ là một nỗi buồn chật ứ khi một người quay lưng. Nhưng với Tô Minh Yến, chỉ cần thế cũng đủ.

 

Người đàn bà nhớ về kỉ niệm. Những kỉ niệm như rời rạc, không định hình nhưng trĩu nặng, chất ngất: Nỗi buồn giắt ngọn sào... Em ngược dốc đời/ tìm anh.../ Đỉnh nhớ”. Kí ức tuổi thơ dẫu đẹp Nhánh phượng đầu mùa nõn thắm tuổi đôi mươi vẫn không ấm nổi hiện tại khi” Ta trở về ta trong ngày nắng già, ngày mưa non không thấm đất. Nỗi nhớ không thuộc về quá khứ, không nằm yên trong quá khứ mà như ngọn lửa đang nồng nã cháy khiến “Người đàn bà thiếu sóng/ vẫn thấy mình say... say”. Sự ngược dòng thời gian không làm cho cảm xúc lắng xuống , không làm lòng nguôi ngoai, bình tĩnh lại. Những lỗi lầm khi cạn nghĩ trở về đẩy người ta vào trạng thái bão giông... Đúng - Sai? Trước một tan vỡ, có rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra, nhưng cũng là điều rất khó phân định trong tình yêu. Đành vịn gió qua mùa bão khát. Không oán trách, tự nguyện nhận về mình những thua thiệt và tự đau.

 

Nay hạnh phúc mang đi gió cũng ngậm ngùi

Em ngồi sắp lại lá thu trong rừng nhớ

Tự thắp lửa lòng sưởi ấm những đêm giông

Có lẽ đây là một cách ứng xử cần thiết?!

Đêm khép mí

Mùi gió tròn căng

Giọt nhớ tràn trong em

Tràn trong đêm

Mùa bật mầm khao khát.

 

Không bâng quơ, không mung lung, những khao khát được dồn nén và định hình thành một cái gì có thể nhìn thấy, có thể nắm bắt được. Nỗi buồn cũng thế, có thể đem giắt ngọn sào, nụ cười có thể đem treo ngã rẽ, lời xưa thành sợi dây dài có thể đem đan võng nhớ ru đời hay làm một bủa vây trói chặt.

 

Sài Gòn thiếu một cái tên thành xa lạ

...Em gấp hai lần quá khứ

Không ấm nổi mùa không anh

 

Đó là cảm giác thực. Một địa danh, một cái tên sẽ trở thành xa lạ, trở thành rỗng khi không được gắn với một kỉ niệm, một bóng hình mà lòng đang nhớ.

 

Cũng đã có những hy vọng được cùng ai “dựa vào nhau đi hết chặng đường dài”. Nhưng là ước vậy thôi. Thực tế khiến nhiều khi không dám đối diện với cả chính mình: Ta trốn ta/ Một ngày không nắng đổ và để rồi hoang mang thấy mình: Như con thuyền không bến/ Lạc giữa đời mênh mông.

 

Cảm xúc được kiểm soát, được khoanh vùng hoặc có nói thì cũng dùng những hình ảnh rất xa:

 

Mùa khô khát

Lòng đành thôi, tình đành thôi

Lá thương phận mỏng nên đời hanh hao...

 

Bằng sự chuyển nhịp từ 3 chữ sang thể lục bát 6-8, câu thơ tạo nên một cảm giác về gãy khúc, cảm giác của vấp ngã và sau đó là bàng hoàng chợt tỉnh cùng một chấp nhận không thể tránh.

 

Thơ Tô Minh Yến không trải rộng về chủ đề. Chủ yếu là thơ về tình yêu. Nhưng khi cần nói về những mối quan hệ khác của đời người chị vẫn đằm cảm xúc.

 

Vì con

Bài thơ nào cũng nửa nửa rồi ngưng

Uống đêm mẹ uống nửa chừng

Rót yêu thì lại xin đừng đầy ly

Vì con tát cạn xuân thì

Chẻ đôi giọt nhớ mang đi trả người

... Mẹ thà rách rưới đoạn người

Vá con lành lặn nụ cười sáng nguyên.

 

Trong thơ, Tô Minh Yến dùng khá nhiều từ “Tròn”: Đêm không tròn... Khát tình tròn... Mùi gió tròn... Khuya không tròn... Tròn vo phận tằm... Vai tròn mòn gánh...” Điều đó có thể hiểu khi sự tròn vẹn luôn là khao khát có được trong cuộc đời, và nhất là trong cuộc tình. Hạnh phúc nông như lúa trái mùa/ không chờ gặt - cách chọn và sử dụng hình tượng khá độc đáo.

 

Dùng những hình ảnh của sự vật để dựng tứ cho cảm xúc đã làm cho nhiều câu thơ của Tô Minh Yến có một gọng điệu riêng. Vừa có sự kết hợp khá nhuyễn giữa kiểu thơ truyền thống với những nhịp điệu, thể loại vừa có lối cấu tứ, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh của thơ hiện đại. Và hiện đại ngay ở cách đặt tiêu đề cho mỗi bài thơ. Nhưng tư duy không bị đẩy tới đánh đố người đọc.

 

Phong cách thơ Tô Minh Yến khá phóng khoáng. Không câu nệ ngắn dài. Bám lấy ý để diễn đạt. Và khi thấy đủ thì thôi, không nói nữa. Có bài thơ chỉ vẻn vẹn có 10 từ:

 

Yêu anh

Sông dài Em

Ngầu đục tấm tình trong

(Không đề)

 

Đây là cách vận hành thơ theo lối thơ Haiku. Mở bài: Yêu anh là diễn tả tình huống xảy ra. Sông dài, thời gian. Em - Ngầu đục mối tình trong là trạng thái, là diễn biến, đồng thời là kết cục, kết luận. Ngắn gọn, súc tích và hàm chứa đủ để khái quát cho một cuộc tình.

 

Là tập thơ thứ hai được trình làng, Tô Minh Yến đã hé lộ một năng lực thơ cùng một ý thức nghiêm túc. Điều đáng quý ở Tô Minh Yến trên con đường đồng hành với thơ chính là sự luôn khao khát làm mới mình. Để có đủ sức cho một hành trình dài đồng hành với thơ thì đây là một yếu tố hết sức cần thiết.

7/2016

KAO SƠN

Top