Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,400 lượt

Khoảnh khắc thơ bạn trẻ trong tôi

Tôi chủ quan trong cảm nhận qua ít bài thơ của các bạn trẻ đã và đang được đăng trên website của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới Hội nghị Những người viết Văn trẻ lần IV năm 2017. Thật ra, ranh giới trong Văn trẻ và Văn đã qua thời trẻ chỉ là quy ước tương đối.

 

Nhà thơ Trần Huy Minh Phương

 

Thơ muôn đời vẫn làm cho lòng ta vương vấn, dù nó không đem lại cơm gạo nhưng thẳm sâu trong ai cũng có thơ. Thơ đẹp và buồn! Thơ làm mình phấn chấn và yêu đời hơn! Nếu không vậy, thơ sao đồng hành đến nay cùng mỗi chúng ta…

 

Mình sẽ xâu chuỗi thử ba cung bậc cảm xúc của các tác giả: Buồn / thất vọng; Vượt qua nỗi buồn / thăng hoa; Hướng về cái Đẹp. Hoặc tản mác đâu đó những giấc mơ cho một thời / cho một ngày của – tuổi – trẻ… Con chuột máy tính từ bàn tay được nhấp tình cờ, các bài thơ của các bạn dần hiện lên.

 

***

 

Tôi gặp ở Trần Võ Thành Văn cháy bỏng những khát vọng thẳm sâu với tuổi trẻ và cuộc đời, sau những ngôn tình với người đẹp! Bạn cầu kỳ con chữ nhưng có lúc giản dị như từ thơ nó bật dậy. Này đây, Văn đang khi Buồn / Thất vọng với những:

“Ngày buồn xanh xao bọt nước”

(Ra đi những cánh buồm…)

 

“tình yêu như cột nước phía xa mù”

(Ra đi những cánh buồm…)

 

“Có lúc muốn tìm mình bên mép vực”

(Những điều sinh sôi, như thế)

 

Để rồi Văn đã Vượt qua nỗi buồn / Thăng hoa

“thôi bỏ đi cơn buồn lợp bóng

em đừng khóc cho khoảng trời mê loạn, con đường mòn và dấu chân người lầm lỡ đám cỏ khô”

(Những điều sinh sôi, như thế)

 

“khép mùa gió tênh hênh

luống cày nâu / đỉnh trời / mưa cũ

những khóm hoa lặng lẽ nghiêng mình đồng ca mây trắng

tôi và tôi và em. đâu đó. không xa”

(Những điều sinh sôi, như thế)

 

Sau cùng, ai trong mỗi chúng ta cũng cùng Hướng về cái Đẹp:

“những điều sinh sôi có bao giờ hứa hẹn

tiếng hát nào cũng vang từ phía em mà.”

(Những điều sinh sôi, như thế)

 

“giữa mảnh vỡ thất thần của buổi sáng đang trôi

thế nào rồi anh cũng vẹn nguyên

về một niềm dự cảm thứ ba buồn bã.”

“làm sao gác lại giấc mơ còn đỏ khan tròng mắt

làm sao từ bỏ giấc mơ đang làm tổ chân trời”.

(Về phía biển)

 

***

 

Tôi đọc chùm thơ 2 bài của bạn Nguyễn Tiến Vũ: Mệt; Cơn gió chiều. Tràn lấp trong tôi là một nỗi buồn, đa mang tâm sự. Tuổi trẻ đa thanh sắc của những buồn, vui, đầy hoài bão và dấn thân. Dừng lặng trước dòng thơ Vũ, và như đang nghe những cơn mưa đời trút gió, nhưng buồn đẹp!

“Tôi bước đi giữa lòng thành phố rộng

Bỗng thấy mình lạc lõng giữa khoảng không

Mỏi đôi chân ngồi tựa cằm xuống gối

Hát thì thầm một tình khúc đơn côi…

 

Gió mùa đông nay lạnh hơn mùa đông trước

Bước người qua cũng vội vã hơn nhiều

Tôi ngồi đó đếm bao điều xuôi ngược

Nhớ rồi quên cũng như cơn gió chiều

 

Tôi lại bước đi giữa lòng thành phố rộng

Trên con đường quen thuộc đã từ lâu

Chiếc lá rơi chuyển mình không vương vấn

Chút màu xanh xưa đó còn đâu?”

(Cơn gió chiều)

 

***

 

Thơ Kiều Maily đầy gió cát và sóng biển miền Trung. Dẫu đi xa, ở đâu hoặc lúc nào thì dòng thơ ấy vẫn trĩu nặng về nơi chôn nhau cắt rốn đầy tình nghĩa và rộn trong lòng những điệu múa từ bao mùa lễ hội Chăm sống động và lung linh trong bạn, trong tôi. Tình yêu đằm sâu nhưng vang mãi theo năm tháng! Nhấp ngụm trà giữa phố và ta ngẫm ngợi cùng bạn qua “Khúc Thei Mai giữa Sài Gòn”:

“Loài dế lạc bầy cuối vườn chuối kêu chưa thôi

tiếng kêu tìm bạn tình, có lẽ.

 

 

Khúc dân ca đầu hôm ai bỏ dở nửa chừng

âm vang lửng lơ trong gió

làm thức giấc mơ hoang

 

Trên lưng bò còn vương mấy cọng rạ

lũ dê đã về chuồng

dường nắng Phan Rang vừa tắt

 

Người mẹ kiên nhẫn mót những nhánh lúa sót lại cuối cùng

khi chiều đã nhuộm thẫm áo chàm

dáng người đi như nhớ

 

Anh là một vệt sáng buồn

bước vào đời em làm giông gió

 

Gác trọ sài Gòn ai hát khúc Thei mai

hồn người như mộng vỡ.”

 

***

 

Tuổi trẻ dạn dĩ trong cách nghĩ và hành động. Câu chữ đời thường nhưng khỏe khoắn của bạn Du Nguyên như đang bật lên những nốt nhạc trẻ sóng sánh bên li café chiều. Bạn đã ghi nhanh lại thời của tuổi trẻ mình là:

“Thế hệ tôi là một bọn ba láp, nhởn nhơ, châu chấu, chuồn chuồn

sáng buồn rầu, tối co ro

diện trang phục rực rỡ

thế hệ tôi nhợt nhạt

với nỗi buồn nhờ nhờ

nhờ nhờ xếp hàng

đi qua tuổi trẻ.”

Và rồi:

“Thôi đừng về đuổi gió trên đồi cao

lại đây lêu hêu nỗi buồn bỏ vào tủ lạnh

lại đây cầm một que kem mùa hè tan chảy

lêu lêu lêu lêu”

(Khúc lêu hêu mùa hè)

 

***

 

Ngỡ như mình đang xem phim tình yêu kiếm hiệp hoặc đâu đó trong trang truyện thời lãng mạn. Bỗng thấy đôi mắt ấy đang nhìn mình, long lanh và mưa. Bạn Sâm Cầm đang thủ thỉ cùng bạn tình trốn những ồn náo, những bụi mù. Bởi, “Khi đường thì quanh mà lòng người thì phẳng / Và đớn đau cũng sẽ hóa hiền lành”. Vì lúc này, bạn ấy cần một khoảnh khắc: “Rồi tựa vào nhau và ngồi dưới thương yêu” (Ngồi dưới thương yêu).

 

Tình yêu nhẹ nhàng, đằm thắm đã được ngân lên như hò vè, ca dao, gần gũi, duyên dáng. Tôi đọc và hát thơ “Mình thương nhau đi”:

“Ở ngoài kia buồn lắm

Thôi mình thương nhau đi

Như cái mắt thương mắt

Như cái môi thương môi

Như ngọn đồi mặt trời

Thương một bầy mưa hạ.

 

Ở ngoài kia buồn quá

Thôi mình thương nhau đi

Dắt lên đồi thầm thì

Chuyện cái mưa cái nắng

Cái tim sẽ hết đắng

Cái lòng sẽ hết đau

Chuyện thương nhau thương nhau

Ở ngoài kia còn thiếu

 

Ở ngoài kia buồn thiu

Thôi mình đừng soi gương

Có những chuyện bình thường

Như cái cây cái đất

Như những điều chân thật

Đều là chuyện ước mơ

Thôi em đừng làm thơ

Mình về đồi thương nhớ.”

 

***

 

Ngô Thúy Nga vắt lòng mình qua câu thơ khi đâu đó hoặc đôi lần trong đời: “Điểm tựa em vỡ toang/ cho gió lùa mưa vào…/ mưa mặn chát/ mưa cay xè/ mưa cho hoài rứa?/ mưa ơi?...” (Vỡ toang điểm tựa)

 

Khắc khoải, hoài niệm, có những lúc chỉ cảm cùng bạn qua những nốt lặng. Tôi đọc chậm và nghe thân phận cùng nỗi buồn người phụ nữ đang trôi về phía mùa thu xa xăm:

“Người đàn bà…

vớt mùa thu trong hồ nước

đem phơi

mùa khô còng queo như cuộc đời

 

Người đàn bà…

đốt mùa thu ùn khói

rồi khóc

mái tranh ướt chiều mưa nơi quê nhà có những đứa con nheo nhóc

mong chờ

 

Người đàn bà…

nhặt mùa thu miệt mài năm tháng

hồ nước đục rồi trong

lòng người trong rồi đục

 

Người đàn bà soi đời mình từng khúc

thu rụng hết mùa

trơ ngón tay gầy hốc tối

 

Người đàn bà níu mùa tù tội

Ngọn tóc gầy chẻ nắng đọng đời cong…

(Người đàn bà vớt mùa thu)

 

***

 

Thơ Lê Hòa xuất hiện trên mặt báo, tạp chí khá đều dù công việc bạn vẫn luôn bận rộn. Sức sáng tạo là không biên giới! Thơ bạn chất chứa nhiều cung bậc tình cảm giành cho gia đình, tình yêu, quê hương và đất nước. Mảnh đất Đà Lạt thơ mộng nơi chôn nhau cắt rốn của bạn đã vào thơ thật dịu dàng bao lượt.

 

Chùm thơ mới nhất (có lẽ do tôi mới đọc nên gọi là mới!) ba bài đăng trên website Hội Nhà văn TP.HCM của Lê Hòa là: Tổ quốc mặn chát mặn mồ hôi; Chạm vào châu thổ; Bức tường vôi xỉn. Những tâm tư cháy bỏng nhiệt huyết của tuổi trẻ hướng về đất nước, nghĩ về quê hương và tình công dân đong đầy.

 

TỔ QUỐC CHÁT MẶN MỒ HÔI

 

Nơi cây lúa lên đòng thơm lựng

Những con thuyền gối bến chờ trăng

Tiếng vò áo rụng vào đêm gió muộn

Mẹ ra sông vớt cánh lục bình

Nghe Tổ quốc thầm thì trong tịch lặng

 

Nơi con sóng xoáy vào mắt bão

Những đoàn tàu sấp ngửa tiền tiêu

Mỗi hải lý thủy triều rưng rưng đỏ

Cha gồng mình bẻ gọng phong ba

Tiếng Tổ quốc ầm ầm trong chớp giật

 

 

Tổ quốc gần trên những chuyến bay xa

Lúc hăm hở ký hợp đồng có nhớ

Bệnh viện K đã quá tải lâu rồi

Những phó mặc phút đưa chân chặc lưỡi

Có run tay khi nghĩ đến quê nhà?

 

 

Tổ quốc hằn trên mặt trống Đông Sơn

Cánh hồng hạc vút bay từ đất mẹ

Những hình hài ngàn năm nhào nặn

Đã vuông tròn qua lớp lớp lửa nung?

 

Nơi thăm thẳm đáy sông lắng lại

Cát và phèn mây trắng lẫn phù sa

Người kéo lưới vớt trăng ngà tháng tám

Đêm mùa thu lẳng lặng những chuyến phà

 

Nơi ánh sáng hừng Đông chớm rạng

Những con đường tất tả bước chân

Làng, phố ta qua phía nào cũng gió

Gương mặt nào cũng lả chả cần lao

Ôi Tổ quốc giọt mồ hôi chát mặn!

 

***

 

Có lẽ và thật sự còn rất nhiều bài thơ, tác giả trẻ hay khác nữa nhưng lúc này lòng tôi đã rẽ sang một dòng tâm trạng khác, một việc làm khác. Như vậy, đọc và viết những cảm xúc về thơ sẽ bị loãng, sẽ sai với lòng mình. Hẹn một dịp gần sẽ nghiêm túc đọc lại bạn, đọc lại mình để thấy cuộc sống nay vẫn ứ tràn thi ca, dù bên đường vừa gãy cánh chú sơn ca!

 

Nhưng rồi những dòng thơ của bạn Nguyễn Kiên Giang đập vào mắt tôi một niềm kiêu hãnh sức trẻ. Tôi vội đọc và thấy: “Ngày vẫn đi theo mặt trời qua những sớm mai/ Lá vẫn xanh dù rừng dần trôi về hoang mạc/ Người ta vẫn yêu nhau dù có thể đón về bão giông bội bạc/ Để ngậm ngùi kể chuyện những hôm qua!” Đoạn thơ mở đầu của bài thơ “Còn lại…”. Phải chi đừng thêm câu cuối trong đoạn ấy sẽ “đã” hơn! Cũng chỉ là cảm nhận cá nhân thôi!

 

Tuổi trẻ và dang rộng đôi cánh, vang lừng tiếng hót để cho mình, cho đời thêm thương yêu là lẽ sống của bạn, của tôi. Mặc kệ tất cả… chúng ta hãy thăng hoa cùng thơ và sáng tạo trong tỉnh thức! Một bài, hai bài… cho tới nhiều bài thơ chưa hay rồi sẽ từ từ hay và biết đâu một lúc nào đâu tâm tư và đủ đầy của sự thăng hoa sáng tạo thì những giọt thơ trẻ ấy chắp cánh, đem lại bao cung bậc đẹp xây đời, xây người! Tự tin lên nào, những bạn trẻ rất đáng quý! Mất tự tin thì không còn gì nữa cả! Dòng thơ bạn bắt đầu tuôn chảy… hãy cho đi… Cảm hứng trước thềm Hội nghị Văn trẻ lần IV.2017, TP.HCM

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

Top