Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,492,194 lượt

Nhà văn Trần Nhã Thụy có thơ hay

Những ngày lạnh thêm một màu nắng ấm

Những ngày đau thêm một chút dịu dàng

Em vắng mãi biết ngày nào trở lại

Gượng dậy rồi, ngồi thở những tàn phai.

(Tàn phai - TNT)

 

Tôi từng đọc văn Trần Nhã Thụy – một nhà văn có ngòi bút sắc bén, am tường nhiều lĩnh vực: văn chương, âm nhạc, báo chí,… Chúng tôi chưa bao giờ quen nhau, chưa bao giờ nói chuyện với nhau, có lẽ chỉ biết tên nhau thôi, nhưng điều ngạc nhiên của tôi là khi vào trang Website của nữ thi sỹ Minh Đan [<minhdanpoet.com>] tôi đã phát hiện ra một nhà thơ dễ thương có cái nhìn tinh tế trong thơ. Nhà văn Trần Nhã Thụy cũng chính là nhà thơ của Tàn phai, của bài thơ có nét thơ và tứ thơ kỳ lạ!

 

Thật vậy, sự pha trộn giữa cái lạnh và cái nóng, giữa quy luật âm - dương mà Trần Nhã Thụy muốn nói đến cho chúng ta – những độc giả thưởng thức cái tâm lý lạ và thú vị này. Lạ làm sao? Thú vị làm sao? Lạ vì nói đến sức nóng mà tại sao lạnh, thú vị vì trong cái cách nói nghịch lý ấy, anh đã tìm ra cái có lý để thuyết phục chúng ta. Tác giả viết: “Những ngày lạnh thêm một màu nắng ấm/ Những ngày đau thêm một chút dịu dàng” thì rất là tâm lý, làm chúng ta phải buộc lòng phân tích ra, xem hai câu thơ này có gì mà khêu gợi trí của ta.

 

Có thể nói thơ anh đã định hình một trường phái như thế này để người ta nhớ: ta thử một ví dụ về sự xúc tác của hóa học – nước lạnh và nước nóng, khi mà nước đang lạnh ta đổ một ít nước nóng vào và khi nước ấm lên thì lại đổ nước lạnh vào, vậy thì cái nửa nóng, nửa lạnh này làm khó chịu lắm, nhất là trong việc ái tình, đã cho hy vọng rồi lại làm cho thất vọng, cứ tuần hoàn như thế thì chán làm sao cho một kiếp người biết yêu đương, thương nhớ! Rồi ta thấy cái đau thêm ấy để thấy cái dịu dàng, thương nhau lắm có thể “ngắt nhéo nhau” đau! Đọc đến đây, tôi lại thốt lên: “Ái chà!!!” vì sao mà có một chàng thi sỹ nhìn ái tình tinh tế đến thế, vừa có cái này và vừa có cái kia để mô tả nên cái tâm lý bất ổn của con người, nhất là tâm lý của phụ nữ.

 

 

Đến hai câu kết: “Em vắng mãi biết ngày nào trở lại/ Gượng dậy rồi, ngồi thở những tàn phai”, ta đã thấy rõ người ấy vĩnh viễn ra đi và lại có một chàng đang nuối tiếc – anh – nếm mùi đao kiếm của ái tình đang chảy từng giọt huyết lệ đau thương. Anh vẫn biết cách đứng dậy, ta thán về số phận mình, về điều mà ngày xưa tươi đẹp đã chóng phôi phai. Ở nơi đây, trong thơ kỷ niệm của Thụy, ta cảm thương cho một nhịp tim đầy rạo rực, đã nổi lửa lên và co bóp ống huyết khối của ái tình khi mà “thở những tàn phai” là thở những nỗi khổ yêu đương mà từng hành hạ anh theo năm tháng. Có lẽ nào ta sẽ quên ư, hay là ta sẽ mất trí ư? Không thể, trừ phi ta không còn là chính ta nữa, nên ái tình nó có một sợi dây ràng buộc rất mong manh mà day dứt làm sao!

 

Nếu nói về nghệ thuật của bài thơ này, nhà thơ Trần Nhã Thụy đã xác định cho mình một con đường rất sáng để đi, cách dùng từ pha trộn giữa quy luật âm - dương , đã ứng dụng cái tâm lý tình cảm tự nhiên trong thơ, nên thơ mới hay!

 

Ngẫm trong dòng đời này, ta đi đâu đấy, nghe đâu đấy có những anh em nào viết thơ hay là niềm vui và tự hào cho đất nước, chúng ta cũng lấy làm vui mừng khi nhìn thấy sự thành công của anh em. Đó là lý do tại sao những gì không thuộc về tình cảm, không thuộc về tâm lý và triết học nhân sinh rthì rất khó trường tồn là vậy. Thơ cũng thế - nó rất tình cảm như một giai nhân đang trang điểm và nói giọng nhẹ nhàng để tạo sức hút cho tình nhân.

 

Nếu mai này nhắc đến anh, tôi sẽ nhớ đến Tàn phai là bài tiêu biểu nhất trong quá trình sáng tạo thơ của Thụy. Xin chúc cho Thụy hạnh phúc và càng ngày càng viết sung mãn hơn loại thơ này!

Cái Bè, Tiền Giang, tháng 8 năm 2016

HÀN QUỐC VŨ

Top