Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,488,103 lượt

Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn: Lắng nghe và chia sẻ

Ngày 16/7/2023, tại Hội trường Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn với nhiều ấn tượng và ấm áp. Đây là sự kiện do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cùng Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc, trường Đại học Văn Lang, Công ty sách Nhã Nam phối hợp tổ chức.

 

Trái qua: MC, TS, Dịch giả Nguyễn Thị Hiền, Nhà văn Pyun Hye-Young, Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

  

Đến dự, có sự góp mặt của NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM; Nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; Nhà văn Bùi Anh Tấn – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; Nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; TS, Dịch giả Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng văn học dịch Hội nhà văn TP.HCM; Đại diện Trường Đại học Văn Lang và Đại diện của Công ty Sách Nhã Nam; cùng các Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo và độc giả quan tâm tham dự.

 

Ban Tổ chức và khách mời, độc giả chụp hình lưu niệm

 

Khai mạc buổi giao lưu, Nhà văn Trịnh Bích Ngân phát biểu: “Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn, không chỉ là cuộc “gặp gỡ” giữa nhà văn của hai quốc gia, những nhà văn đều có những thành quả nhất định trong sáng tác văn chương: nhà văn Pyun Hye-Young, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và nhà văn Bùi Tiểu Quyên mà còn là dịp gặp gỡ với người viết, người dịch, người nghiên cứu văn học, người đọc và người quảng bá văn học trong nước và thế giới.

Thông qua buổi Gặp gỡ văn chương giữa nhà văn Việt Nam và nhà văn Hàn Quốc hôm nay, ngoài việc trao đổi về nghề, bàn về nguồn cảm hứng cũng như quá trình sáng tác các tác phẩm văn học, Ban tố chức chúng tôi mong muốn góp phần tạo cơ hội cho hành trình quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại, có thể có những bước đi thuận lợi và tạo cơ hội cho những buổi giao lưu văn học quốc tế tiếp theo”.

 

Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu khai mạc

 

Trong khuôn khổ buổi giao lưu, Nhà văn Pyun Hye-Young chia sẻ về những ưu thế của Văn học Hàn Quốc đang có được, cũng như cách mà Văn học Hàn Quốc được đưa ra thế giới như thế nào. Đây là điều mà những người làm văn chương Việt vừa băn khoăn, vừa khao khát bấy lâu. Nhà văn Pyun Hye-Young chia sẻ: “tại Việt Nam, văn học Hàn Quốc vẫn còn rất khiêm tốn và ngược lại, ở Hàn Quốc cũng rất ít người biết đến nền văn học Việt Nam. Chính vì vậy, tôi rất kỳ vọng buổi giao lưu ngày hôm nay sẽ là bước khởi đầu để sau này chúng ta sẽ có nhiều cuộc giao lưu nữa thông qua gặp gỡ tác giả, thông qua biên dịch…

Cô nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đã từng rất khó khăn trong việc đưa văn chương mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, với tình yêu, nhiệt huyết của các cá nhân, tập thể và nhà nước Hàn Quốc khi chung tay thì mọi việc đều có thể giải quyết. Nhà nước Hàn Quốc có những kế hoạch dài hơi, cụ thể và mạnh mẽ để xây dựng, quảng bá văn chương ra nước ngoài. Đây phải là kế hoạch của Nhà nước, nếu Nhà nước không quyết tâm thực hiện thì không thể làm được!”.

Trên góc nhìn của Nhà Lý luận – Phê bình, Lê Thiếu Nhơn nhận định: Văn học Hàn và Văn học Việt có 03 điểm giống nhau: “1. Đều xuất phát từ Hán ngữ, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp của văn học, văn hóa Trung Quốc. 2. Trong lịch sử tồn tại, phát triển của đất nước, nhân dân Hàn và nhân dân Việt từ 1900 trở đi đều chịu sự thống trị, đô hộ của nước ngoài. Việt Nam là Pháp, Hàn Quốc là Nhật Bản. 3. Trong lịch sử, Việt Nam và Hàn Quốc đều xảy ra nội chiến. Vậy nên, từ những điều tương đồng trên, vô hình chung làm cho văn chương Việt và văn chương Hàn có nhiều điểm giống nhau, gần gũi và dễ tiếp cận nhau hơn.”

Nhân sự kiện này, Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng bày tỏ: “Trong thời gian gần, mong sự thúc đẩy công tác dịch thuật, liên kết xuất bản từ phía nhà nước Hàn Quốc nhiều hơn nữa, để văn chương Việt có nhiều điều kiện tiếp cận sâu hơn với văn chương Hàn”.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên cảm nhận: “Hiện thực trong văn chương Hàn Quốc không đẹp, không hào nhoáng, lãng mạn như trên phim ảnh mà có rất nhiều bi kịch, tâm lý, ẩn ức của con người trong một xã hội đầy rẫy nỗi ưu tư. Và đặc biệt là nỗi cô đơn mà con người luôn muốn tìm cách kết nối với xã hội và muốn tìm về với bản ngã của chính mình… Tuy nhiên, thành tựu mà văn học Hàn đạt được trong việc giới thiệu ra nước ngoài là điều rất đáng học hỏi. Tôi kỳ vọng một ngày không xa, chúng ta ngồi đây và vấn đề nói đến không phải là làm cách nào để đưa văn chương Việt ra nước ngoài nữa, vì điều đó chúng ta đã làm được, mà chúng ta sẽ nói về những vấn đề khác hơn, như sáng tác chẳng hạn…”.

Ngoài những ý kiến giao lưu chính của ba nhà văn: nhà văn Pyun Hye-Young, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Bùi Tiểu Quyên, chương trình còn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nhà văn, độc giả tham gia.

Qua những buổi kết nối văn chương và giao lưu văn hóa mang tính quốc tế như thế này, chúng ta có quyền hy vọng về một hành trình đưa văn học Việt Nam đến với độc giả thế giới. Khoảng cách của văn chương Việt và nước ngoài sẽ được rút ngắn, bớt dần những khó khăn để những tác phẩm văn chương hay lan tỏa được giá trị nhân văn của nó và góp phần thực hiện sứ mệnh của những “đại sứ” văn hóa.

******

Buổi giao lưu Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn với cuộc “gặp gỡ” giữa ba nhà văn đều có những thành tựu nhất định trong sáng tác văn học: nhà văn Pyun Hye-Young, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Bùi Tiểu Quyên.

 

 

Nhà văn Pyun Hye-Young: sinh năm 1972, là một trong những nhà văn nổi bật của văn học Hàn Quốc đương đại. Cô đã xuất bản hơn 10 tiểu thuyết và tập truyện ngắn, chủ yếu đi sâu khai thác những góc tối kỳ dị ở con người, được xem là một trong những nữ nhà văn trinh thám, kinh dị nổi bật tại Hàn Quốc. Nhà văn Pyun Hye-Young được trao nhiều giải thưởng văn chương danh giá tại Hàn Quốc và được độc giả Việt Nam biết đến qua hai tác phẩm được Nhã Nam phát hành là: “Hố đen sâu thẳm” và “Tro tàn sắc đỏ”.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: sinh năm 1978, làm thơ, viết văn và viết lý luận phê bình. Đã xuất bản 6 tập thơ, 3 tập lý luận phê bình, 2 tập truyện trào phúng. Được trao Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM các năm 2006, 2010 và 2017. Các tác phẩm tiêu biểu: “Bản tường trình giấc mơ đi vắng”, “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”, “Hoa rơi hữu ý”, “Thi ca nết đất”. Tác giả hiện là Trưởng ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM, ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: sinh năm 1985, đã xuất bản nhiều tác phẩm gồm truyện ngắn, truyện dài, tản văn. Các giải thưởng văn chương: Giải thưởng Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM năm 2014, với tập truyện ngắn Cỏ đồi phương Đông.Giải thưởng Văn học thiếu nhi – Hội Nhà văn TPHCM năm 2022, Giải Mai Vàng của báo Người Lao Động năm 2022, giải C – giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022, với truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa.

KỲ SƠN

Top