Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,487,226 lượt

Im lặng sống và thông điệp nhân sinh

Im lặng giờ đây không còn là sự sợ hãi mà là để lắng nghe hơi thở cuộc sống, đón nhận những điều tốt đẹp của ngày mới, để những người đã mất được siêu thoát, an yên.

Cho đến giờ này, những dư chấn của đại dịch COVID-19 vẫn làm rung lắc nhiều kết cấu kinh tế - xã hội ở không ít quốc gia toàn cầu; nhiều gia đình, số phận vẫn chênh chao, hụt hẫng vì mất mát không thể bù đắp nổi. Với các nhà văn, đã có độ lùi cần thiết để nhắc nhớ về một đại dịch khủng khiếp. Những ngày cuối năm 2023, tiểu thuyết "Lặng lẽ sống" - NXB Hội Nhà văn - của nhà văn An Bình Minh ra mắt bạn đọc và nhận lại nhiều sẻ chia, đồng cảm từ những trang viết đầy "gan ruột".

Chứng nhân đại dịch kinh hoàng

Không gian của "Im lặng sống" bàng bạc màu lo âu, phảng phất sự u ám những năm đại dịch cao trào, tử thần khoác áo choàng đen bay lượn khắp toàn cầu. Một căn nhà trong tòa chung cư tại thành phố Bình Hải, nơi hai vợ chồng nhân vật chính, ông Thản, kiến trúc sư, phó giám đốc sở và vợ là bà Diệu Hiền, nhà báo; cả hai đều về hưu, con gái lớn lập gia đình đã ở riêng và con trai du học.

Một địa danh, một chung cư cũng như bao vùng đất của đất nước này và cả nhân loại, những ngày đen tối nhất trong 2 năm 2001-2002. Bên ngoài đại dịch hoành hành, bên trong là hai con người, sống với âu lo, căng thẳng, nhất là lúc thành phố nâng dần những cấp độ phòng chống dịch từ thấp đến cao nhất là phong tỏa, cách ly toàn thành phố.

Tất cả, đều nhờ sự tích trữ từ trước và cung ứng từ bên ngoài (người thân đem lại, sau đó là sắp hàng mua theo tiêu chuẩn và cả hàng từ thiện giúp nhau những khi khốn khó). Tất cả, đều nhờ vào thông tin trên báo mạng, trên chiếc điện thoại là kết nối với cuộc sống bên ngoài, mọi sinh hoạt chỉ trong 4 bức tường. Nếu ra khỏi 4 bức tường là hạnh phúc vì được hít thở không khí trong lành thì cũng là lo âu vì nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc quá gần lúc đi xét nghiệm hay tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

 

 Bìa tiểu thuyết “Im lặng sống” của nhà văn An Bình Minh

 

Với tác giả An Bình Minh, đại dịch này hơn cả một cuộc chiến khi nước Việt đã có hơn 43.000 người chết, gần 4.500 trẻ em mồ côi cha mẹ. Cuộc chiến đã thuộc về quá khứ và dần phải quên đi để tiếp tục sống. "Nhưng đã từng có một phạm trù nhân sinh thế này: Ai cứ đăm đắm nhớ về một cuộc chiến tranh, kẻ đó không có đầu óc. Nhưng ai quên một cuộc chiến tranh thì kẻ đó không có lương tâm".

Cũng như những người sống sót qua đại dịch, là những chứng nhân, những câu chuyện được kể lại bằng giọng văn dí dỏm, giễu nhại nhẹ nhàng mà thâm thúy. Cái ngỡ rằng xung khắc trong tính cách ông Thản - bà Hiền ngày thường trong cách nhìn sự vật, cuộc sống cũng chính là sự tương hợp, hài hòa của tình chồng vợ. Để nhận ra cái thuận lý trong thực tế đời sống bên cạnh cái phi lý tồn tại như một thực thể hiển nhiên.

Triết lý của im lặng

Im lặng để sống, lời khuyên của ông Thản, đối với bà Hiền, lúc này không chỉ vì sợ sệt trước sự hiểm độc của con virus Corona, mà bà hiểu ý chồng rằng đó cũng là Tĩnh. Tĩnh trong con người là để tạo cho con người suy nghĩ thấu đáo, sâu sắc; để rộng mở quan sát, cẩn trọng trong nhận định, hiểu được đạo lý nhân sinh. Im lặng cũng là tĩnh khí, là quá trình dẫn đến sự cân bằng, hài hòa.

Hiểu như thế song với tính cách một nhà báo giỏi, không ngại đụng chạm, bà Hiền có nhiều thông tin và xử lý thông tin nhanh nhạy, nhìn ra bản chất của hiện tượng và không ngại đưa ra những lời nói thẳng. "Vừa cách ly tuyệt đối và khoanh vùng dập dịch, bà đã nói thẳng: Coi chừng vì cách ly mà chết đấy".

Một chân dung nhân vật khác được khắc họa thành công là ông Sang, một nhà văn, nắm bắt thông tin nhanh, đưa ra những nhận định chính xác về hiện trạng những ngày tang thương nhất. Tác giả An Bình Minh dẫn lời ông Sang kể về 3 anh bộ đội đem hũ cốt người qua đời vì COVID-19, "trân trọng chia buồn rồi thắp nhang van vái, thể hiện sự tận trung, tận hiếu của bộ đội với nhân dân".

Qua câu chuyện, ông Sang còn lớn tiếng như quát: "Bây giờ mà chết vì COVID-19 là khỏe nhất. Vừa tiện lợi, đỡ tốn kém, lại vừa khỏi phiền phức tang ma ông ạ".

Bi kịch phận người và tội ác đáng nguyền rủa

"Im lặng sống" kết thúc khi thành phố trở lại ngày bình thường mới. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì xảy ra "vụ nổ" của hai trái bom: kít xét nghiệm Bắc Á và cầu hàng không hồi hương.

Trong tiểu thuyết, tác giả đem lại cái nhìn cận cảnh về "chuyến bay giải cứu" qua chính con trai của ông Thản bà Hiền với đủ thứ thủ tục phức tạp cùng chi phí bôi trơn và con trai của ông bà e ngại đây là "luật rừng", cuối cùng không về nước được.

Còn với thủ đoạn táng tận lương tâm của Bắc Á thì hàng triệu người dân đã là nạn nhân của đủ trò xét nghiệm truy vết F0, truy tìm F1, gây ra tình trạng lây lan dịch bệnh, nhiều người mắc COVID-19 và thiệt mạng oan uổng. Những trang đặc tả xếp hàng xét nghiệm, ngoáy mũi vừa hài vừa bi, nhất là đoạn vợ chồng ông Thản bà Hiền đi tiêm vắc-xin. Bà Hiền xếp hàng mất 2 ngày mới được tiêm, còn ông Thản phải đi tiêm nhờ tại công ty ở khu công nghiệp tỉnh lân cận, với tên của người bảo vệ công ty (sau đó người này sẽ tiêm dưới tên ông Thản) và tên của hai người sẽ hiện lên trên hệ thống tiêm chủng.

Đại dịch đi qua sau những năm nhân loại oằn mình đau đớn. Im lặng sống lại mang thông điệp mới. Im lặng giờ đây không còn là sự sợ hãi mà là để lắng nghe hơi thở cuộc sống, đón nhận những điều tốt đẹp của ngày mới. Im lặng nay là tư duy hành động, không cho "trùm cuối biến thể" có đường trở lại tác họa cuộc sống, để những người đã chết im lặng trong cuộc chiến chống COVID-19 được siêu thoát, an yên.

Với "Im lặng sống" bạn đọc lặng người trước những bi kịch đổ ập xuống bao sinh linh trong đại dịch. Cái chết của bà Bích Câu, của ông Sang cho thấy phận người mỏng manh, nhất là ông Sang. Câu ông nói "bây giờ mà chết vì COVID-19 là khỏe nhất...", ai ngờ vận vào chính ông sau 7 ngày vào bệnh viện. Hũ cốt cũng được đem về nhà con ông Sang như ông kể cho ông Thản nghe tuần trước, song chính con ông cũng không dám chắc đây là tro cốt của cha mình...

BÙI PHAN THẢO/ Theo Người lao động

Top