Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,485,903 lượt

Mặt trái tấm huy chương

Tám năm trước, tôi đối mặt với quyết định khó khăn: cho Nguyễn Thị Oanh tạm ngưng tập trung đội điền kinh quốc gia để chữa trị chấn thương. Lúc đó, Oanh mắc chứng viêm cầu thận cấp, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe bản thân và cả chuyên môn.

Với quan điểm "có chấn thương phải chữa dứt điểm", tôi đã bàn bạc và trao đổi với HLV trực tiếp để Oanh tạm rời đội tuyển, tập trung điều trị dứt điểm, tránh trở thành mạn tính. Nhưng cả huấn luyện viên và Oanh đề nghị được "vừa tập vừa chữa" vì đang chuẩn bị tham gia SEA Games 28 tổ chức vào năm sau. Tôi nói với Oanh: "Cháu phải biết chăm lo cho bản thân, đừng sợ mất cơ hội dự SEA Games. Phải đảm bảo sức khỏe thì mới có thể đóng góp cho sự nghiệp thể thao lâu dài của mình".

Năm 2001, tôi cũng từng phải đưa ra một quyết định khó khăn tương tự: không để Bùi Thị Nhung (đương kim VĐQG nhảy cao) tham dự SEA Games tại Malaysia. Nhung đang tập luyện rất tốt và có hy vọng giành HCV, nhưng cô bị đứt bán phần gân có tứ đầu đùi... Tôi không muốn bất cứ học trò nào lặp lại tai nạn đau đớn của mình.

Năm 1986, tôi vào đội tuyển tham dự cuộc thi đấu quốc tế tại Leningrad (nay là Saint Petersburg), Nga. Vốn đã gặp chấn thương trong khi luyện tập trước đó, nhưng tôi không muốn bỏ lỡ dịp này vì lúc bấy giờ, cơ hội thi đấu, tập huấn ở nước ngoài rất hiếm. Tôi cắn răng vừa luyện tập vừa chữa trị. Tại cuộc thi, trong lần nhảy thứ ba, tôi bị đứt hoàn toàn gân cơ tứ đầu đùi (tương tự Bùi Thị Nhung sau này). Tôi đổ gục trên hố cát và được đưa thẳng vào bệnh viện cấp cứu. Khi bác sĩ thông báo "bị đứt gân", tôi bật khóc nức nở vì nghĩ rằng sự nghiệp thể thao của mình đã chấm dứt. Nằm trên giường bệnh, tôi mới thấm thía nỗi ân hận vì đã coi nhẹ chấn thương.

Tôi kể lại câu chuyện của mình và Nhung cho Oanh nghe, dẫn thêm các ví dụ khác về những vận động viên vì ham thi đấu, bất chấp sức khỏe mà gặp nhiều di chứng, ảnh hưởng đến cuộc sống về sau. Thái độ của Oanh rất tội nghiệp, tôi hiểu em vẫn muốn ở lại với đội. Chính lúc đó tôi phải đưa ra quyết định dứt khoát, cho Oanh tạm ngừng tập luyện để nhập viện chữa trị. Trước khi ra về cả thầy và trò còn "mặc cả": "Nhưng chú hứa cho cháu quay lại đội tuyển sau khi chữa bệnh nhé". Nhìn vào ánh mắt Oanh, tôi biết cô sẽ làm được.

Chỉ một năm sau, Oanh trở lại luyện tập và từ đó đến nay gặt hái liên tiếp thành tích, trở thành vận động viên điền kinh không có đối thủ trong khu vực. Vinh quang mới nhất là hai tấm huy chương vàng tại SEA Games 32 trong một tình huống chưa từng có trong lịch sử thể thao: bị o ép thi đấu liên tiếp hai nội dung nặng trong vòng 20 phút.

 

Tranh: Nhà báo, nhà văn, họa sĩ Huỳnh Dũng Nhân

 

Hôm 9/5, khi lịch thi đấu của Oanh bị Ban tổ chức tùy tiện thay đổi đột xuất, tôi được biết đoàn Việt Nam đã gửi ý kiến phản đối, nhưng không được chấp nhận, vì vậy thầy trò Oanh quyết định sẽ nỗ lực hết sức.

Có thể vì áp lực trước chỉ tiêu về số huy chương, mà đội điền kinh và Oanh lựa chọn chấp nhận thi đấu cả hai nội dung. Tôi cũng nhìn thấy, với năng lực của mình, Oanh hoàn toàn có thể đảm bảo thành tích hai huy chương vàng cho đội tuyển, bất chấp phải thi đấu liên tục. Vì thế, tôi tôn trọng quyết định của đội tuyển và rất cảm phục nỗ lực, ý chí thi đấu của Oanh.

Nhưng đằng sau tấm huy chương lấp lánh, là sự đánh đổi.

Điều đầu tiên phải đánh đổi là cơ hội phá kỷ lục cá nhân. Với một vận động viên từng đoạt nhiều huy chương vàng SEA Games và được đánh giá là không có đối thủ trong khu vực, mục tiêu lập kỷ lục mới rõ ràng quan trọng hơn với cá nhân Oanh. Nếu được giãn lịch thi đấu, không phải phân bổ sức cho hai nội dung liền nhau, Oanh hoàn toàn có thể phá kỷ lục cá nhân ở kỳ SEA Games này thay vì tính toán để đảm bảo thành tích chung cho đội tuyển.

Vấn đề thứ hai là những rủi ro về sức khỏe, tổn hại về thể chất không dễ nhìn thấy ngay bây giờ. Thực tế, với những vận động viên như Oanh thì lượng vận động trong một buổi tập có thể cao hơn (lên tới 20.000 m/buổi) bao gồm những bài tập ngắn lặp lại với cường độ cao, và thời gian nghỉ giữa các bài chỉ 5-10 phút. Trong sự nghiệp thi đấu và dẫn dắt đội tuyển tham dự các cuộc thi quốc tế, tôi chưa từng thấy ban tổ chức nào lại sắp xếp hai nội dung nặng tổng cộng 4.500 m trong thời gian ngắn như thế cả. Về mặt khoa học, thi đấu như vậy là tàn phá sức vận động viên.

Thành tích của Oanh rõ ràng truyền cảm hứng cho người yêu thể thao, góp phần tăng số lượng huy chương của Việt Nam trên bảng tổng sắp. Và vì vậy, cô gái bé nhỏ đã nhận được tưởng thưởng xứng đáng: sự tán dương, lời chúc mừng và sắp tới, có thể là danh hiệu và các phần thưởng có giá trị vật chất lớn đi kèm.

Nhưng nhìn hình ảnh Oanh gập người thở gấp sau khi hoàn thành nội dung thi thứ hai, tôi xót xa và không muốn bất cứ vận động viên nào khác bị đẩy vào tình huống thi đấu cường độ cao như vậy. Từng là vận động viên thành tích cao, tôi hiểu, vinh quang thì ngắn ngủi, mà những tổn thất về sức khỏe và thể chất mới là điều vận động viên phải chịu đựng lâu dài.

Vì thế, chiến thắng của Oanh càng không thể là cái cớ để ta dễ dãi xuê xoa cho sự o ép của Ban tổ chức, dung túng cho những cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thể thao.

DƯƠNG ĐỨC THỦY

Cựu HLV trưởng Đội tuyển Điền kinh Việt Nam

Top