Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,485,547 lượt

Văn minh thụt lùi

Hà 26 tuổi, làm công nhân cho một nhà máy linh kiện điện thoại ở Vĩnh Phúc. Nếu bạn hỏi cô về giấc ngủ, cô có thể nói liên tục 15 phút. Tôi đã thử đếm: Hà nói liên tục 1.193 chữ chỉ về giấc ngủ, với mọi khía cạnh của nó.

 

Cô nói về những cơn thèm ngủ liên tục; về nỗi sợ ngủ gật ở nhà máy - khi bạn có thể thao tác nhầm, làm hỏng hàng hóa, bị phạt hoặc thậm chí bị đuổi việc; về một người đồng nghiệp vì buồn ngủ quá đã cho cả cánh tay vào máy rồi bị cán dập xương. Và cô nói về những đứa con. Hà đang nuôi con nhỏ. Cô bước chân vào nhà máy này khi đứa thứ hai chưa tròn một tuổi. Cô không vui khi về nhà, vì đứa trẻ sẽ quấn mẹ, bắt bế. Mẹ nó thì thèm ngủ. Cơn buồn ngủ làm cô cáu gắt với con. Đôi lúc làm đứa trẻ sợ hãi. Hà cũng chẳng có thời gian nấu ăn tử tế. Sự mệt mỏi và chán chường cứ dồn tụ, nhân lên thành một nỗi tuyệt vọng.

 

Trong rất nhiều tâm sự của các nữ công nhân mà tôi đã nghe, tôi thấy căng thẳng nhất khi nghe chuyện của Hà. Vì tôi hiểu một phần sự ức chế ấy: người ta có thể gạt đi rất nhiều thứ trong đời sống nếu cần một giấc ngủ để hôm sau đi làm; nhưng nếu đang có con nhỏ thì đơn giản là không. Bạn không có quyền thương lượng trong trường hợp ấy. Nó tạo ra một tình thế rất bất lực, khi “ngày làm việc” buộc phải kéo dài gần 24 giờ. Chúng ta đều biết rằng bắt thức liên tục vốn là một hình thức tra tấn - theo nghĩa đen.

 

Và tôi tin nhiều người sẽ đồng ý rằng quy định của Bộ Luật Lao động 2012, về việc phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ 60 phút mỗi ngày làm việc, là một quy định văn minh.

 

Nhưng hẳn nhiều nữ công nhân sẽ thất vọng, khi biết trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động, quy định này đã bị gạch bỏ.

 

Quy định về số phút nghỉ của lao động nữ chưa được thực thi chặt chẽ trong thực tế, với những nhà máy tôi đã qua, và công nhân tôi đã gặp. Cũng rất khó, bởi việc giám sát là bất khả. Còn các lao động nữ, đặc biệt trong ngành gia công, thường ở trong thế yếu và có xu hướng chấp nhận vô điều kiện đòi hỏi của chủ sử dụng. Còn một vài yếu tố kỹ thuật, khi không gian nghỉ, hay là phòng vắt sữa cho những nhân công nữ này cũng khiến doanh nghiệp "ngại" thực thi luật.

 

Nhưng việc nó tồn tại thể hiện một ý chí tiến bộ của luật pháp. Những nữ công nhân có biết điều này không? Họ biết. Họ hiểu rằng nếu mình không được nghỉ, thì đấy là vấn đề của doanh nghiệp, chứ Nhà nước thì có quan tâm đến trường hợp của mình. Không có một điểm nào của luật pháp được 100% dân số tuân thủ, nhưng chúng tồn tại để thể hiện ý chí của xã hội, thể hiện mong muốn đi lên, thể hiện quy ước về sự công bằng.

 

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hẳn có lý do để gạch bỏ quy định này trong dự thảo. Dạng sửa đổi này được xếp vào phần có “bất cập trong thực tiễn thi hành”, như viết trong tờ trình.

 

Tôi sẽ để dành bình luận cho độc giả. Bởi tôi không hiểu được sự chiến thắng dễ dàng của “thực tiễn” trước các ý nguyện tiến bộ. Bộ hẳn đã có lý do để đưa quy định này vào trong dự thảo 5 năm về trước. Bây giờ, vì thực tế không tuân theo mong muốn, nên ta chấp nhận lùi lại, chấp nhận gạch bỏ một mong muốn tốt đẹp? Hay thực sự sau khi xem xét các cơ sở khoa học, Bộ cho rằng việc để phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng có 60 phút nghỉ mỗi ngày là không cần thiết?

 

Tôi không hiểu. Bởi tôi nhìn thấy những gương mặt phờ phạc và ức chế. Tôi đã nhìn thấy gương mặt ấy trong chính gia đình mình 3 năm trước, khi chúng tôi có đứa đầu lòng. Tôi biết rằng, bắt một lao động như thế phải gắng gượng, dù chỉ một phút, không mang lại hiệu quả cho ai, kể cả chủ doanh nghiệp.

 

Tôi muốn lắng nghe ý kiến của độc giả. Bởi có thể từ góc độ doanh nghiệp hay nhà quản lý, có những suy nghĩ mà tôi chưa thể hiểu. Tôi còn muốn nghe ý kiến, bởi thời hạn lấy ý kiến cho cái dự thảo này trên website của Bộ, sẽ hết vào ngày 22/1 tới. Tức là nếu không ai lên tiếng, thì nó sẽ được trình, và rất có thể là 60 phút nghỉ của “bà đẻ” ấy sẽ biến mất như chưa từng tồn tại.

 

Trở lại với Hà. Trong suốt cuộc diễn thuyết về giấc ngủ ấy, cô chỉ có một mong ước là ngủ gật ở nhà máy mà không bị phát hiện. Hoặc là bị phát hiện, nhưng không bị báo cáo và đuổi việc. Còn việc cô sẽ ngủ gật, gần như là một chuyện hiển nhiên.

ĐỨC HOÀNG

Top