"Bây giờ, những cô gái thả rông ngực có thể bị nhiều người coi là hư hỏng nhưng đừng mang suy nghĩ đó để nói về quá khứ" - người phụ trách trang phục phim cho biết. Thương nhớ ở ai gây ồn ào những ngày gần đây liên quan đến việc diễn viên nữ trong phim không mặc áo ngực bên trong áo yếm dù phim được phát sóng trên truyền hình.
Trước những tranh cãi, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết "các cụ mặc như nào thì mình mặc như thế", đồng thời khẳng định quyết định của anh có sự thống nhất của bộ phận phục trang. Zing.vn có cuộc trao đổi với họa sĩ Nguyễn Dũng Minh - người phụ trách phần phục trang của phim Thương nhớ ở ai.
Diễn viên đã sử dụng miếng dán để tránh phản cảm
- Phim "Thương nhớ ở ai" đang gây tranh cãi liên quan đến vấn đề phục trang. Không ít ý kiến cho rằng việc các diễn viên nữ không mặc áo ngực trong áo yếm là phản cảm, nhưng cũng có người bênh vực và nhận định đó là sự chân thực. Quan điểm của anh thế nào?
- Thương nhớ ở ai là bộ phim mà ê-kíp thực hiện đặt nhiều tâm huyết. Một trong những yêu cầu hàng đầu, là phim phải chân thực, thể hiện được hơi thở của giai đoạn lịch sử đó. Tôi biết là có những ý kiến khác nhau, đồng tình và không đồng tình về việc đó, nhưng dù sao thì cũng nên ghi nhận đó là sự quan tâm của khán giả. Có thể khẳng định luôn thời đó ở làng quê không có áo ngực, miếng độn. Áo yếm chính là nội y của phụ nữ. Khi tìm tư liệu, những bức ảnh cũ về thời kì ấy, hỏi chuyện các cụ cao tuổi ở các vùng quê, tôi thấy phụ nữ mặc áo yếm ở nhà là chuyện bình thường, thậm chí các bà, các mẹ còn mặc cả khi lao động: bắt cá, gánh nước, làm đồng. Họ chỉ khoác thêm áo cánh bên ngoài trong những lúc tiếp khách, hoặc những dịp đi đến chỗ đông người. Tôi cho rằng đó là nét đẹp phồn thực, thể hiện sự dân dã, tự nhiên, hồn hậu của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.
- Diễn viên nữ mặc áo yếm và không có áo ngực bên trong là ý tưởng của anh hay đạo diễn Lưu Trọng Ninh?
- Khi trao đổi với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, chúng tôi đều thống nhất là sẽ để diễn viên mặc áo yếm, và không có miếng độn hay áo lót ở bên trong. Nhiều diễn viên không có lợi thế về vòng 1 cũng muốn dùng miếng độn silicon, nhưng tôi không đồng ý vì như vậy nhìn rất cứng, không có được sự mềm mại tự nhiên. Nhưng, tôi cũng có đề xuất về việc cho diễn viên sử dụng miếng dán đầu ngực ở bên trong để tránh lộ trong một số trường hợp. Phim phát sóng trên truyền hình, khán giả có nhiều lứa tuổi khác nhau, điều này nên tránh. Việc sử dụng miếng dán bằng cỡ đồng xu, hoàn toàn không ảnh hưởng đến độ mềm mại tự nhiên của bầu ngực, mà còn tránh được những rắc rối không cần thiết. Về vấn đề này, tôi và hai đạo diễn đã có tranh luận nhiều, và khá căng. Quyết định cuối cùng thuộc về đạo diễn. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh là một đạo diễn rất cương quyết, và kiên định trong những vấn đề thuộc về ý đồ nghệ thuật mà anh muốn thể hiện. Anh muốn thể hiện mọi thứ thực tế nhất có thể. Chúng tôi đã phải may thêm yếm cho các nhân vật chính, với chất liệu vải dày hơn, và chỉ dùng miếng dán, trong một số cảnh quay đặc biệt.
- Cụ thể, dựa trên cơ cở lịch sử nào để anh đưa ra ý tưởng trang phục như vậy cho phim "Thương nhớ ở ai", vì có một vài phim Việt từng làm về bối cảnh tương tự nhưng lại có cách xử lý áo yếm tương đối khác?
- Để làm phục trang cho bộ phim, tôi cũng đã mất nhiều tháng nghiên cứu về trang phục sao cho phù hợp với bối cảnh lịch sử của bộ phim. Tôi cũng đã tìm hiểu kỹ về các loại yếm và thói quen trang phục của phụ nữ thời kỳ đó. Tôi tự tin rằng, tôi đã xử lý về tạo hình nhân vật hoàn toàn phù hợp, và hiệu quả. Trước năm 1954, đời sống đô thị chỉ có ở thành phố lớn, còn phim này chủ yếu bối cảnh nông thôn. Phim chia ra làm 3 giai đoạn từ 1954-1964, 1964-1974, 1974 đến những năm 80. Thời kỳ này là một thời kỳ có nhiều sự thay đổi về cách ăn mặc, sự du nhập và kết hợp của những kiểu quần áo khác nhau. Trong giai đoạn 1954-1964, trang phục của phụ nữ nông thôn là áo yếm mặc trong, bên ngoài là áo cánh, áo tứ thân đi với váy đụp. Sang đến thời kỳ sau, những người trẻ tuổi mới mặc áo sơ-mi với coóc-xê bằng vải, còn nhiều người già, trung niên vẫn mặc áo yếm, chỉ một số ít mặc áo cánh với coóc-xê vải.
Đã cắt những cảnh không phù hợp lên sóng truyền hình
- Trên mạng xã hội, có khán giả bình luận rằng phụ nữ trước đây chỉ mặc áo yếm vào buổi tối và không bao giờ mặc yếm trước mặt trai lạ. Nhưng "Thương nhớ ở ai", nhân vật Hơn, Tí Hin mặc áo yếm trước mặt nhân vật Vạn?
- Tôi cho rằng trang phục nhất thiết liên quan đến việc khắc họa tính cách nhân vật. Hơn hầu như không mặc áo yếm trước mặt Vạn, khi nào gặp Vạn cô cũng có mặc áo cánh bên ngoài. Cảnh mọi người thấy Hơn mặc áo yếm, là khi cô từ trong bếp - nơi cô ở sau khi bị tịch thu nhà, ra sau bếp lấy rơm. Vạn ở nhà trên. Thực ra, trong cấu trúc nhà Bắc Bộ, hai không gian cũng khá tách biệt với nhau. Nhân vật Tí Hin được xây dựng hành động như vậy vì Tí Hin thích Vạn, và muốn tìm cách gây sự chú ý với Vạn, theo một cách rất hồn nhiên, chất phác. Mặc dù, ngay trước đó, cô vừa mắng sa sả Hơn về việc chỉ mặc áo yếm, không ý tứ và đứng đắn. Chi tiết này, trong kịch bản, tôi cho rằng là một chi tiết rất thú vị, cách xử lý trang phục làm bật lên tính cách nhân vật.
- Trên trang cá nhân, diễn viên Trà My - người đóng vai Hạnh trong phim - tiết lộ rằng nhiều cảnh diễn viên không mặc áo ngực trong áo yếm đã bị “cắt trước khi lên sóng truyền hình”, thực hư thông tin này như thế nào?
- Thực ra, chuyện này liên quan đến vấn đề đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, phục vụ ý đồ của bộ phim. Trong quá trình thực hiện, sẽ có những cảnh quay không phù hợp để lên sóng truyền hình, với khán giả nhiều độ tuổi khác nhau. Hai đạo diễn cũng phải cân nhắc rất nhiều, để những thước phim lên hình, đảm bảo hài hòa tất cả các yếu tố.
- Có một giả thiết được đặt ra là nếu làm bộ phim về thời mà con người còn chưa biết cách làm trang phục để mặc thì ê-kíp làm phim có được phản ánh nguyên trạng như vậy không?
- Tôi cho rằng ở một khía cạnh nào đó, những bộ phim phản ánh chân thực về những thời kỳ đã qua cũng là cách giáo dục về lịch sử và văn hóa. Về cách ăn, ở, mặc, lao động, xử lý các vấn đề trong đời sống của các cụ. Có thể chúng ta đang khắt khe vì ít có bộ phim nào làm chân thực về trang phục như vậy. Một số khán giả có so sánh với phiên bản điện ảnh Bến không chồng, nhưng bản thân đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng nhiều lần chia sẻ, phiên bản truyền hình là một bản làm mới, với tư duy mới sau 17 năm, cho những khán giả mới. Trong đó, anh Ninh muốn khắc phục những điều mà phiên bản điện ảnh, vì nhiều lý do, chưa làm được. Tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề của khán giả. Nhưng hãy nên hỏi xem những người lớn tuổi, người đã trải qua thời kỳ đó họ nghĩ thế nào. Chúng ta không nên áp đặt suy nghĩ, văn hóa của hiện tại khi làm về quá khứ. Bây giờ, những cô gái thả rông có thể bị nhiều người coi là hư hỏng nhưng đừng mang suy nghĩ đó để nói về quá khứ. Quá khứ, có suy nghĩ và cách nhìn của quá khứ, và chúng ta cần phải tôn trọng hiện thực đó.
'May mới gần 2.000 trang phục rồi lại phải làm cũ đi'
- Vậy anh nghĩ gì khi vấn đề trang phục còn đang ồn ào và được quan tâm hơn dàn diễn viên và nội dung phim?
- Tôi nghĩ cùng nhau mổ xẻ cũng là cách để chúng ta nhận thấy nhiều vấn đề hay, để mọi người có dịp cũng tìm hiểu về trang phục của phụ nữ xưa. Còn phim, càng về sau càng có nhiều câu chuyện, vấn đề hay. Và có thể, sẽ lại có nhiều vấn đề để chúng ta cùng nhau mổ xẻ.
- Ngoài việc mất nhiều công sức để tìm hiểu về trang phục của phụ nữ phù hợp với bối cảnh phim, anh còn gặp phải những khó khăn đi khi đảm nhận vai trò phục trang cho Thương nhớ ở ai?
- Thương nhớ ở ai có lẽ là một trong những bộ phim truyền hình Việt được đầu tư lớn nhất về trang phục của VFC. Số lượng trang phục lên tới gần 2.000 bộ, chia làm 3 thời kỳ, với nhiều kiểu trang phục khác nhau. Mỗi nhân vật chính cũng có nhiều trang phục để phù hợp với tiến trình thời gian trải dài. Ví dụ như nhân vật Hạnh lớn, chỉ xuất hiện trong giai đoạn 2 và 3 mà có tất cả 11 bộ phục trang. Để thiết kế trang phục phù hợp với tính cách, hoàn cảnh của từng nhân vật cũng là cả một vấn đề. Phối màu ra sao giữa các nhân vật, nhất là các nhân vật hay xuất hiện cùng nhau, để màu sắc của người này tôn được màu sắc của người kia lên, hài hòa trong một tổng thể chung, cũng cần phải có sự nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng. May mới gần 2.000 bộ trang phục, rồi sau đấy phải làm cũ đi, chỉ trong thời gian rất ngắn, ê-kíp phục trang cũng phải làm ngày làm đêm, để có thể kịp có trang phục cho ngày bấm máy.
- Tôi vốn kỹ tính, tôi muốn hầu hết trang phục, đều phải khâu tay toàn bộ, vì thời đó, chưa có máy may, mọi người đều phải tự khâu vá quần áo của mình. Tùy vào tính cách, và hoàn cảnh của nhân vật, mà đường may sẽ khéo hay vụng, màu chỉ cùng màu vải hay chênh màu. Suốt một tháng trước khi vào phim, cả cái làng may ở Thường Tín, nhà nào cũng sáng đèn cả đêm. Sát đến ngày quay, lại có sự thay đổi một số diễn viên chính, chúng tôi lại phải lấy lại số đo, đi may thêm đồ để kịp cho nhân vật vào cảnh.
- Trang phục quần chúng thì có nhiều đại cảnh, chúng tôi phải đi vét hết các kho phục trang ở Hà Nội, trong đó chủ yếu là đồ của Hãng phim truyện Việt Nam, số 4 Thụy Khuê. Nói chung, phục trang là công việc rất mệt, nhưng thú vị.
LÊ QUANG ĐỨC/ZING