Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,905,489 lượt

"Điểm một thời" của Sĩ Hoàng: Ngày trở lại đong đầy cảm xúc

“Ai bánh mì Sài Gòn hôn? Ai chổi lông gà hôn? Ai đậu xanh nước dừa đường cát hôn?”... những tiếng rao bình dị như đưa khách trở về ký ức tuổi thơ thân thương của mình.

 

Buổi tiệc cho khách quý

 

Đó là một trong 11 tiết mục đặc sắc của chương trình Điểm một thời diễn ra đêm 3.1 tại Bảo tàng Áo dài (77 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM). Đây cũng là buổi diễn đầu tiên sau 10 năm Điểm một thời tái ngộ với khán giả.

 

 

Các tiết mục đưa người thưởng lãm đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Vừa ngơ ngẩn trong phiên chợ âm phủ với bóng hình giai nhân trong chiếc áo dài một thuở từ thế kỷ 17, 18, người xem lại bâng khuâng với tà áo nữ sinh thướt tha trong buổi tan trường. Những hồn phách, vóc dáng của người Việt xưa trở về, để chỉ trong vài phút, người xem thực sự nhập cuộc và ngắm nhìn lại chiều dài lịch sử thông qua chiếc áo dài.

 

Sau đó là cuộc hội ngộ chan hòa và đa sắc của các dân tộc thiểu số, trong những bộ trang phục mà đích thân họa sĩ Sĩ Hoàng đã nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm.

 

Người nghệ sĩ, cha đẻ của chương trình này, chia sẻ: “Tôi muốn bảo tàng áo dài không chỉ là nơi lưu giữ bảo vật. Đó còn là không gian tái hiện đời sống, văn hóa một thời. Những chiếc áo, những cây đàn cổ không còn nằm im lìm trên giá. Nó phải sống động như đời sống nó đã từng”.

 

 

Đó là lý do khi chiếc đàn đá, nguyên mẫu cổ vật, được người nghệ sĩ gõ lên đó từng phím điêu luyện như đánh thức âm thanh từ ngàn xưa thì cả khán phòng lặng phắc. Sau những giọt đàn thánh thót mới là tiếng vỗ tay mang cảm xúc ngạc nhiên lẫn ngưỡng mộ. Ắt hẳn nhiều người Việt Nam cũng không hình dung Việt Nam từng có một cây đàn thô sơ lại phát ra âm thanh diệu kỳ đến vậy.

 

90 phút của chương trình là sự chắt lọc tinh túy của trình diễn nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa. Từ lời ru “Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh của mẹ” cho đến màn trình diễn hát Văn, hát Xẩm. Từ tiếng đàn bầu, đàn tranh thánh thót cho đến nhịp trống trầm hùng. Nói như người dẫn chuyện Trác Thúy Miêu là chương trình hơi “tham”. Nhưng đó là cái tham đáng yêu của một chủ nhà hiếu khách muốn bày biện ra phòng khách cho bằng hết những cái hay, cái đẹp.

 

 

“Không làm liều thì chẳng có!”

 

Buổi trình diễn kết thúc lúc 22 giờ. Những tràng vỗ tay không dứt. Và khách vẫn còn nấn ná ở lại. Không chỉ vì dấu ấn đẹp trở lại sau một thập kỷ của Điểm một thời, mà còn vì trân trọng tâm sức của họa sĩ Sĩ Hoàng cùng ê-kíp thực hiện: đạo diễn Lương Duyên, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng, nhà báo Trác Thúy Miêu cùng các cộng sự.

 

Họa sĩ Sĩ Hoàng xúc động chia sẻ: “Sau 20 năm với nhiều chuyến đi cùng anh em văn nghệ sĩ đi trình diễn ở nước ngoài, tôi mới cảm nhận một điều cái mình có thể bình đẳng đối thoại với thế giới, cái mà chúng ta có thể ngẩng cao đầu, đó chính là văn hóa. Bởi vì đó là kết tinh của hơn bốn nghìn năm và dẫu trải qua biết bao bể dâu thăng trầm, nó vẫn nằm trong máu thịt của chúng ta. Để khi một tiếng ru, một giai điệu nhạc hay thậm chí cũng chỉ là một lời rao cũng khiến chúng ta nhớ về”.

 

 

Đó là lý do người nghệ sĩ này khao khát một chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Để rồi sau 10 năm tạm ngưng với bao tiếc nuối, anh quyết định hồi sinh chương trình ngay trong thời điểm nhiều sân khấu vẫn còn sống chật vật.

 

“Chúng tôi nghĩ rằng không liều làm thì chẳng có. Cứ làm đi rồi sẽ điều chỉnh bởi vì nếu cứ sợ thì sẽ không bao giờ dám đi”, người nghệ sĩ này chia sẻ.

 

 

Vậy là đêm 3.1 công diễn chương trình đầu tiên chỉ sau khi nhận mặt bằng 25 ngày. Căn nhà ống tại khu phố đi bộ được biến thành một khán phòng có sức chứa 200 khách. 15 ngày tập dợt để biến 40 sinh viên thành những diễn viên. Một chương trình gấp rút ra mắt trước Tết Nguyên đán sau nhiều đêm thức trắng. Nếu không có tình yêu mãnh liệt với văn hóa dân tộc, niềm tự hào kiêu hãnh về chiếc áo dài, có lẽ sẽ khó có ai dám bước vào một lĩnh vực đầy thách thức trong thời buổi hiện nay như Sĩ Hoàng.

 

 

Điểm một thời kỳ vọng sẽ mở cửa hằng ngày, như một điểm hẹn văn hóa cho khách trong và ngoài nước. Chương trình còn dành cho các trường muốn đưa học sinh tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Trong năm 2017 dự kiến sẽ có thêm nhiều kịch bản theo các chủ đề như văn nghệ Nam bộ, đêm tân nhạc Sài Gòn cũng như văn hóa các vùng miền.

 

YẾN TRINH

Top