Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,905,476 lượt

Đảo của dân ngụ cư: Tình yêu, dục vọng và tận cùng của khát vọng tự do

Chọn một cách kể khác, nữ diễn viên Hồng Ánh đã "thơ hoá" câu chuyện dữ dội ở lần đầu làm đạo diễn với "Đảo của dân ngụ cư". Đó là một bài thơ được kể với tone lên bổng xuống trầm, lúc mạnh mẽ ào ạt nhưng cũng khi nhẹ nhàng thấm đẫm những khát vọng gọi tên "con người".

 

Hạnh phúc không đến trong sự kìm kẹp

 

Không nêu rõ thời điểm, cũng không ấn định bối cảnh, câu chuyện của "Đảo của dân ngụ cư" gói gọn trong một gian nhà gỗ với những câu chuyện xoay quanh 5 nhân vật với 5 tính cách khác nhau. Một không gian tưởng đẹp, tưởng nên thơ nhưng ẩn chứa dưới cái vẻ đẹp hoài cổ đó là những nỗi niềm đầy cam chịu của từng mảnh đời riêng.

 

Cả 5 cuộc đời theo đuổi những giấc mơ, những nỗi niềm và những khát vọng khác nhau. Ông chủ là một người đàn ông gia trưởng, khắc nghiệt và muốn kiểm soát cuộc đời người khác đến tận cùng. Xuyến Hoa - vợ ông chủ - là một người đàn bà yêu chồng trong cam chịu, tôn thờ chồng dựa trên nỗi khổ của một người vợ không sinh con thừa tự cho một dòng họ lớn.

 

 

Chu con gái ông chủ gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn trong căn phòng hẹp trên gác để thả đi ước mơ tự do thông qua 4 ô cửa sổ đầy bí bách. Ahmed người làm là một người đàn ông từng trải, khôn ngoan và thương bà Xuyến Hoa đến tận cùng nhưng không dám thổ lộ, chỉ âm thầm đi bên cạnh, chia sẻ và đau xót giúp người mình yêu.

 

Miên, một anh chàng đồ tể đúng nghĩa khi mọi chuyện, mọi quyết định đến một cách hừng hực, sỗ sàng và có phần bặm trợn. Và cuối cùng là Phước, một anh chàng mới 20 tuổi chọn lang thang làm lẽ sống đời mình và ngôi nhà hàng "Đêm trắng" với các món dê do ông chủ điều hành chỉ là một trạm dừng chân trên hành trình cuộc đời. Thật may hoặc cũng có thể không may, trạm dựng chân đó lại là điều đáng nhớ nhất trong hành trình của chàng trai trẻ có đôi phần ngây thơ.

 

Cả một thế giới được thu nhỏ trong căn nhà. Mọi ồn ào phố xá dừng lại bền thềm cửa. Sự tĩnh lặng đến rõ từng bước chân, từng nhịp thở, từng tiếng lách cách của những chiếc chìa khoá đeo trên cổ ông chủ va vào nhau. Sự tĩnh lặng đè nén các cuộc đời. Đè nén giấc mơ hạnh phúc của cô con gái. Đè nén cơn dục vọng của Miên. Đè nén nỗi đau của Xuyến Hoa. Đè nén trí tò mò của Phước. Đè nén sự yêu thương của Ahmed. Và, thậm chí, nó đè nén cả tình yêu mà ông chủ dành cho con gái, đè nén cuộc đời bất hạnh của ông dựng xây trên những vụng trộm, bất lực và phải thoả hiệp với cuộc sống để mưu sinh - như cách mà ông đứng để khách ném tiền vào mặt vẫn dạ vâng cung kính dẫu trong lòng đầy khinh khi.

 

 

Chọn cách kể chuyện nhẹ như thơ cùng một nhịp phim không vồn vã, Hồng Ánh dắt người xem vào một thế giới mà ở đó khán giả sẽ đôi phần hoảng sợ bởi sự tàn nhẫn đến từ cách con người đối xử với nhau. Khán giả cũng sẽ đôi lần căm hận với sự độc đoán của người cha. Khán giả cũng sẽ đôi lần thương cảm cho khát vọng của Chu trước sự bất lực của đôi chân. Khán giả cũng sẽ đôi lần đỏ mặt với sự bản năng của Miên. Hoặc, cũng có thể, khán giả sẽ đôi lần bực mình với sự tò mò của Phước. Mọi cung bậc cảm xúc đều có hết trong "Đảo của dân ngụ cư" và Hồng Ánh sẽ chẳng nói với khách rằng, cảm xúc nào là chính. Nữ đạo diễn sẽ mở cách cửa ngôi nhà, mời khách vào tham quan và đóng lại để họ tự chọn cho mình cách để bắt đầu và kết thúc câu chuyện theo cách riêng của từng người. Có điều duy nhất đáng lưu ý, sự thong dong trong cách kể cũng cần sự kiên nhẫn tương đồng từ người lắng nghe.

 

Một tác phẩm tròn trịa đầy... nữ tính

 

Chẳng biết có phải vì đạo diễn là nữ hay cánh cửa kiểm duyệt quá gắt gao mà "Đảo của dân ngụ cư" tròn đầy, nhẹ nhàng đầy nữ tính. Những quyết liệt, mạnh mẽ đến cực đoan cũng thấp thoáng đâu đó nhưng chưa thành hình rõ ràng để khán giả có đôi phần luyến tiếc.

 

 

Đảo của dân ngụ cư cũng ghi nhận cách kể của đạo diễn Hồng Ánh với ngôn ngữ điện ảnh khá đặc sắc. Những hình ảnh mang tính biểu tượng như con Dê tượng trưng cho nhu cầu sắc dục bị kìm nén, những ô cửa sổ như sự kìm kẹp và cản trở giấc mơ tự do. Khung trời nhỏ hẹp soi rọi qua giếng trời là điểm khởi đầu và cũng là điều giết chết giấc mơ của Chu. Biển cả rộng lớn xanh ngát mắt đầy hi vọng nhưng cũng ẩn chứa những tuyệt vọng của một môi trường không sự sống. Đàn kiến, xác con gián hay cả xác của con thạch sùng, tất cả chỉ để nhằm tô vẽ cho một đời sống không nhịp điệu, tẻ nhạt, ngày qua ngày trong căn nhà họ chỉ tồn tại với nhau chứ không phải sống.

 

Cách kể chuyện không tuyến tính, xen kẽ hiện tại và kể lại lồng cùng giọng của story-teller (nhân vật Phước) khiến cho người xem như bước vào một cuộc du hành nhẹ nhàng xuyên thời gian nhưng đầy biến cố ẩn mình dưới sự nhẹ nhàng đó.

 

Về phần diễn viên, Hoàng Phúc và Ngọc Hiệp trong vai ông chủ và Xuyến Hoa đã có đất để phô diễn kinh nghiệm của mình. Một người đàn ông gia trưởng đến tàn độc cùng một người phụ nữ cam chịu đến bức bối được hai người bóc tách rành mạch. Tuy nhiên, đôi khi, trong diễn xuất của hai diễn viên gạo cội vẫn có nét của kịch khiến cho nhân vật chưa thực sự "trôi".

 

Ngọc Thanh Tâm trong vai Chu là một sự lột xác mạnh mẽ. Không chỉ mạnh mẽ trong việc dám phô bày cơ thể mình trong các cảnh nóng mà hình ảnh nhân vật Chu hiện lên thông qua các nét diễn của Ngọc Thanh Tâm rất đáng thương, đôi phần đáng giận nhưng trên hết là sự thông cảm và mong muốn giấc mơ của cô thành hiện thực. Một nhân vật bị nuôi nhốt, bị kìm kẹp, giới hạn về nhận thức, hồn nhiên trong sáng với những con vật đồ chơi vô hồn và hừng hực đầy mẫn cảm chuyện chăn gối để thực hiện giấc mơ cho Xuyến Hoa về chuyện có một đứa con. Có thể nói, với vai Chu, Ngọc Thanh Tâm được nhiều hơn mất và thực sự trưởng thành về nghề diễn cũng như tinh thần dám xả thân vì nghề.

 

Phạm Hồng Phước khá tròn vai người kể chuyện và là tác nhân của mọi mâu thuẫn bắt đầu. Sự lém lỉnh bị hạn chế nhưng bù lại sự tò mò, hờn ghen và thương yêu của nhân vật Phước được nam ca sĩ thể hiện ở mức khá. Chính sự đặt để yêu thương của Phước vào mối quan hệ với Chu đã khiến mọi chuyện trở nên phức tạp và kết thúc trong đau đớn.

 

Nhan Phúc Vinh quá hợp với vai Miên từ hình thể cho tới biểu lộ. Có vẻ như Vinh không phải diễn quá nhiều, chỉ cần mang vài phần từ đời sống thực là anh chàng diễn viên điển trai này đã có một Miên của chính mình.

 

 

"Đảo của dân ngụ cư" sau nhiều tháng ngày chinh chiến khắp nơi, chu du qua khắp các miền đất đã chính thức được ra mắt khán giả trong tháng 6 này. Đây chính xác là một bộ phim art-house đáng xem nhất năm dẫu rằng, so với những khán giả đã quen với những tác phẩm cực đoan thì vẫn hơi "nhẹ đô". Giữa một rừng những phim nhẹ nhàng, hài hước thì sự dũng cảm của Hồng Ánh cùng ê-kíp sản xuất là điều đáng khen và khích lệ khi quyết liệt cực đoạn với lựa chọn của mình.

 

Một sự ngược dòng đáng khen ngợi và cần được ủng hộ một cách tuyệt đối để mỗi suất chiếu khi kết thúc sẽ còn những dư vị đáng kể chứ không chỉ là những trôi tuột ngay khi đứng dậy.

Top