Khi mùa Thu đến, bạn thường làm gì? Còn nhạc sĩ Phú Quang, chắc chắn là làm show rồi. Và năm nay, ông mở show hơi muộn chút, khi đông đang sang. Diễn ra trong 4 đêm (từ 3-6/11) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình được tổ chức với 2 chủ đề: Khi mùa Thu đến & Rồi mùa Đông sẽ qua.
Không rõ có dụng ý gì không nhưng nhạc sĩ Phú Quang đã quá hiểu lòng những khán giả ruột của mình vì với thời tiết vừa đủ độ se se lạnh này, người ta nghe nhạc của ông mới thấm từng giai điệu, ca từ, mới ngấm vào lòng những thổn thức đến rơi nước mắt mà giọng ca Ngọc Anh – “át” chủ bài của chương trình đã đem lại.
Ca sĩ Ngọc Anh
Cô đã khiến nhiều khán giả thay vì lặng người nghe, đều phải “mủi lòng” vì tiếng hát của mình. Ngọc Anh hát với “tâm trạng khi yêu” để rồi lại xin lỗi khán giả vì: “trước khi lên sân khấu, tôi có thầm hứa với mình lần này không được khóc như các đêm diễn năm truoc nhưng lần này tôi lại làm được điều đó. Tôi xin lỗi vì để mọi người cũng phải khóc theo mình” – nữ ca sĩ bày tỏ.
Cho đến nay, có lẽ Ngọc Anh vẫn là giọng ca duy nhất khi hát nhạc Phú Quang khiến nhiều người phải rơi lệ. Hôm qua là một đêm như thế. Và điều đáng nói, cô là một trong số những ca sĩ đã tôn vinh những khúc romance – thể loại làm nên thương hiệu của nhạc sĩ Phú Quang. Tuy nhiên, sẽ không hẳn đi nghe Phú Quang chỉ để xem Ngọc Anh hát. Vì một người kỹ tính như nhạc sĩ Phú Quang đã sắp đặt để mỗi nghệ sĩ, có một vị trí riêng khi thể hiện các ca khúc.
Đó là Điều giản dị với Lê Anh Dũng, Gửi bạn nơi xa, Mai đành xa sông Thương thật thương, Mẹ ơi với Tấn Minh, Mùa hạ còn đâu, Mơ về nơi xa lắm với Kasim, Tình khúc 24, Nỗi buồn, Romance số 3 – Hồng Nhung, Mẹ - Xuân Hùng, Thương lắm tóc dài ơi, Quạnh hiu, Romance số 1 – Mỹ Hạnh, Ngày mai, Dòng sông không trở lại – Quang Lý, Chiều hoang, Khúc mùa thu, Romance số 2– Ngọc Anh hay phần song tấu của con gái Trinh Hương và con rể Bùi Công Duy với tác phẩm chủ đề của đêm nhạc Khi mùa Thu đến.
Đặc biệt là chính ông. Hiếm có một đêm nhạc nào mà chủ nhân chương trình lại đa năng đến thế. Ông vừa là nhạc sĩ, vừa là ca sĩ, vừa là nhạc công và còn là chỉ huy dàn nhạc. Chưa kể, có những lúc ông kiêm luôn cả vai trò MC bởi “câu chuyện tôi kể về ca khúc mà tôi viết, chỉ có tôi mới hiểu nhất để chia sẻ với các bạn” – ông lý giải.
Nhờ thế mà khán giả mới biết, ông có một người bạn rất nghèo, có hoàn cảnh cuộc sống khó khăn khi vợ đi làm xa nhà. Nhưng đến lúc người vợ về đoàn tụ gia đình lại là lúc đưa đơn ly dị chồng. Vậy mà trong những năm tháng xa vợ, người bạn ấy đã vật lộn với cuộc sống, làm đủ thứ nghề, kể cả là đi kéo xe bò, đi móc cống để mưu sinh, nuôi con.
Người bạn ấy (nhà thơ Chu Hoạch), khi nhận được lá đơn ly dị của vợ, cũng là lúc anh đang dang dở viết một bài thơ mà sau này, tác phẩm đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc Hà Nội và em khi Thu chớm đông sang.
Sau câu chuyện, nhạc sĩ Phú Quang đã đích thân thể hện ca khúc này
như một cách “thắp nén nhang” tưởng nhớ bạn hiền.
Đến với những đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang cũng mới hiểu khán giả của ông đã yêu âm nhạc của ông trong nhiều năm qua như thế nào. Họ không chỉ yêu từng tác phẩm ông viết, yêu những tự sự chất chứa nỗi lòng mình trong những lời ca của ông mà yêu cả những giọng ca mà ông lựa chọn. Vì thế, họ sẵn sàng bình luận về cả giọng ca lẫn những phát ngôn của nghệ sĩ với một sự thấu hiểu, am tường về âm nhạc.
Có khán giả muốn "chỉnh sửa" Hồng Nhung: "cô ấy phải giới thiệu là tình ca số 3 chứ, sao lại là lãng mạn số 3 (Romance số 3) ?" nhưng cũng có khán giả lại tán thưởng nghệ sĩ Quang Lý sau phần trình diễn của anh: "giọng trầm ấm, nghe thật thích".
Chủ đề Rồi mùa đông sẽ qua sẽ tiếp tục diễn ra với sự thay đổi của một số tác phẩm và ca sĩ thể hiện trong hai đêm 5,6/11.
YẾN THẢO