Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,908,515 lượt

Chuyện của Mỹ Lệ

"Là một người mẹ không ai muốn xa con, nhất là khi con mới hơn 10 tuổi. Nhưng, chỉ có cách đó, tôi mới bảo vệ được con mình, khi người dân đang đầu độc nhau như thế…", Mỹ Lệ nói.

 

 

Là một ca sĩ nổi tiếng, Mỹ Lệ gác sự nghiệp sang một bên, dốc sức chăm lo cho chồng và các con. Chị cũng được biết đến là một người mẹ khá nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con cái theo cách của một người mẹ truyền thống. Hai con gái của chị đã trên 10 tuổi, gia đình chị quyết định cho con qua Đức học. Để rồi mỗi năm, chị sẽ sang ở với các con một khoảng thời gian nhất định. Lý do của việc cho con đi sớm, chị ngắn gọn: "Để bảo vệ con". Đưa con đi để tránh sự "đầu độc"

 

* Khi phụ nữ vào bếp, thế giới khép lại. Phải thế không nhỉ?

 

- Ngược lại ấy chứ. Nhất là ở Việt Nam. Giờ vào bếp, thế giới mở ra với những sự thật rất hãi hùng. Bạn vào bếp chăm sóc cho gia đình cái ăn từng bữa, bạn sẽ hiểu việc ăn uống không phải là thứ có thể qua loa thế nào cũng được. Nhất là giờ đây, thị trường thực phẩm của Việt Nam đã không còn niềm tin. Gia đình bạn, con bạn sẽ bị đầu độc bất cứ lúc nào. Và đầu độc từ từ.

Đó là lý do tôi phải đưa con qua nước ngoài học, để bảo vệ con mình. Chúng sống bên Việt Nam, ăn uống tội quá. Với tình hình thực phẩm kinh khủng như ở Việt Nam thì lũ trẻ sẽ có nguy cơ bị đầu độc từ từ. Các con mới có 11 tuổi, qua sớm thì cũng tội chúng lắm nhưng ở Việt Nam còn tội hơn. Đồ ăn thức uống không đảm bảo, các con không đủ sức khoẻ, sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các con.

Ung thư là thứ làm tôi ám ảnh và sợ. Thật kinh khủng. Căn bệnh đó có thể gõ cửa từng nhà nếu như đồng loại vẫn cứ đầu độc nhau bằng cái ăn cái uống như thế này.

 

* Người ta bảo người Việt hay "sính ngoại", và luôn thường trực quan niệm: Cái gì ở nước ngoài cũng tốt hơn xứ ta…

 

- Người Việt sính ngoại là có. Còn cái gì ở nước ngoài cũng tốt hơn nước ta thì không hẳn. Nhưng đa phần là hơn. Đặc biệt là thực phẩm sạch. Thế nên, trẻ em nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Âu, phát triển bình thường, khoẻ mạnh. Gia đình tôi hầu như hạn chế sử dụng thực phẩm trong nước, kể cả các nước lân cận mà nhất là Trung Quốc.

Ở Đức, ăn gì cũng không phải lo. Uống nước từ vòi nước công cộng cũng không phải lo. Chồng tôi vài tháng lại qua Đức, mỗi lần đi, anh mang từ Đức về; trái cây, cá, đồ dùng, mỹ phẩm. Đức là đất nước mà vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sản phẩm tiêu dùng đứng hàng đầu thế giới, không cần nghi ngờ. Một số thứ chúng tôi dùng đồ Việt Nam như thịt, rau và gia vị.

Hải sản, trước đây khi chưa xảy ra sự kiện Formosa đầu độc biển miền Trung, tháng nào bà ngoại và mấy dì cũng gửi một thùng cá, mực sạch từ biển Quảng Bình. Tôi ít ăn đồ hải sản ở Sài Gòn vì tôi sợ khi chúng về đến Sài Gòn thường phải "ăn" phân đạm để giữ tươi lâu, nhất là mực. Còn những thứ nuôi được thì nỗi sợ dùng thuốc tăng trưởng. Một con heo ngày xưa nuôi 1 năm mới xuất chuồng, giờ chỉ mấy tháng. Các loại cá tôm cũng thế, thu hoạch nhanh chắc chắn sẽ dùng thuốc… Thế nên, ăn gì bây giờ là cả một vấn đề. Và để đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối sẽ không bao giờ có nhưng mình có thể hạn chế được những thứ mà mình biết chắc sẽ gây nguy hại bằng kinh nghiệm của bản thân.

 

* Nhà chị từng trải qua những "bài học đau đớn" với thực phẩm bẩn chưa?

 

- Chưa. Vì trong gia đình chúng tôi đều cẩn thận trong ăn uống, ít để cái miệng hại cái thân. Nhưng những thông tin trên báo, những câu chuyện thương tâm từ các bệnh viện cũng đã chứng minh tất cả. Tôi là người rất đa nghi. Và cái gì tôi đã nghi ngờ là tôi ít khi dùng đến. Ví dụ vào một tiệm phở nổi tiếng ở Sài Gòn, tôi ít khi dùng tương đỏ và tương đen, mà chỉ ăn ớt tươi và chanh. Trong ý thức của tôi không phải đến giờ mới đọc các bài báo tương được làm bẩn như thế nào, tôi cũng có thể biết được mình phải cẩn thận vì hồi nhỏ, trong gia đình mẹ tôi làm ngành dược, đã dạy các con cần ăn gì và nên tránh những thứ gì. Nhưng chứng kiến thực phẩm bẩn thì nhiều. Tôi thực sự thấy sợ. Ở Huế, có những lò bún làm cạnh chuồng heo. Rau để tươi lâu thì chất bừa trong nhà vệ sinh…

Người ta làm mọi cách để có thể sinh lời mà không cần biết đồng loại sẽ ăn phải những thứ gì. Những người bán họ cũng không nghĩ họ đang làm bẩn, mà họ nghĩ rằng những điều đó là bình thường, điều đó rất tai hại. Tức là, họ xem thường sức khoẻ của người dùng, họ xem việc rau phải tươi, heo phải bán được nhanh là mục đích mà không cần biết ai bệnh ai chết. Cái ác nó ngấm dần trong hành động thành ý thức khó đổi.

 

 

* Vậy chị tìm nguồn thực phẩm sạch ở đâu, cho gia đình ở Việt Nam?

 

- Người ta nói, không biết có những gì đang rình rập chúng ta trong đám rau thịt ngoài chợ. Điều đó không phải không có lý. Tôi thường chọn các chợ lớn, có nhiều thực phẩm ngon.

Từ ngày có vụ Formosa, cá Quảng Bình tôi không thể ăn, nên phải đặt cá Nha Trang hoặc Côn Đảo. Với các thức ăn như thịt thì dù sao, tôi cũng đặt chút niềm tin vào các siêu thị. Một chút thôi vì vừa rồi báo chí cũng phanh phui một số siêu thị có thực phẩm bẩn.

Rau sạch là cả một vấn đề nan giải, nhất là khi nhà tôi ăn rau nhiều. Dù có mối quen, lấy rau sạch nhưng cũng phập phù lắm. Hồi bé nhà tôi trồng rau sạch, đầy sâu hoặc rau già. Giờ nhìn đâu cũng thấy rau non, đẹp, tươi mượt. Chẳng ai biết được sau cái sự non đẹp đấy là gì. Thế nên tôi vẫn chọn một phương án là tự trồng ở nhà một số rau sạch nhất định. Nói chung, tôi chủ động trong việc tìm nguồn thức ăn sạch. Và từ sự nan giải trong tìm kiếm nguồn thức ăn sạch, tôi thấy thương vô cùng sự vô tư của những bà nội trợ, ra chợ cười tươi và mua thực phẩm về, nhiều khi biết bẩn nhưng không còn lựa chọn khác.

Mình cũng qua hơn nửa đời người rồi, thế nào cũng được nhưng con cái còn nhỏ, phải nghĩ đến tương lai của chúng. Thế nên, nghĩ đến chuyện thực phẩm, rồi môi trường như thế, vợ chồng tôi cố gắng làm lụng để cho con được sống ở môi trường khác tốt và an toàn hơn ở những phương diện này.

 

* Chúng ta đang sống trong một xã hội mất căn bản Là một người đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng quê, nhất là những lần đi khảo sát với chồng, một người làm trong ngành dược, chị có nhận xét gì không về việc ăn uống của đồng bào ta?

 

- Ngay cả bản thân tôi có một chút điều kiện mà còn thấy khó khăn trong vấn đề tìm nguồn thức ăn sạch, thì bạn cứ hỏi những người dân nghèo, nhất là những người nghèo ở thành thị, họ đang chịu đựng những gì? Ở nông thôn thì đỡ hơn vì dẫu sao nhiều nhà cũng tự trồng được rau, nuôi được gà, được cá để ăn. Tuy nhiên, rất nhiều hộ nông dân trồng rau bán, cái ngạc nhiên là họ biết loại nào độc loại nào không, cái độc thì đem đi bán cho đồng loại.

Chung quy lại, đồng bào ăn phải thức ăn bẩn cũng là do những người đồng bào gần gũi mang lại. Lòng tham đã tạo ra cái ác, và huỷ hoại rất nhiều thứ của con người. Nói thì hơi tiêu cực, nhưng giờ đúng là khó mà đòi hỏi đạo đức ở đất nước mình được. Ngắn gọn nhất: Giá trị về đạo đức và lòng tự trọng đã bị đánh mất rất nhiều. Không quan tâm đến sức khoẻ và tính mạng của người khác là kết quả lớn nhất của việc đánh mất đạo đức. Câu chuyện đạo đức, hình như dài và hơi nhiều. Và "biết rồi khổ lắm"!

- Nói ra mà đau. Những giá trị đạo đức tốt đẹp không phải là hao hụt mà là đang bay vụt. Những người có trách nhiệm với sinh mệnh, sức khoẻ của đồng bào, có được bao nhiêu người suy nghĩ về vấn đề này? Nếu họ suy nghĩ và hành động, thì thị trường thực phẩm không bị nhiễu loạn và nhuốm bẩn đến như thế. Những người dân bé nhỏ, những người thiếu học, không đủ nhận thức, thì làm sao đòi hỏi họ phải có trách nhiệm với người khác khi mà những tấm gương cho họ soi thì lại là những kẻ tham lam?

Dĩ nhiên mình không thể đánh đồng được hết nhưng đa phần hiện nay, người Việt chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mình mà không nghĩ cho người khác; chỉ nghĩ đến cái trước mắt mà không biết con cháu mình sẽ phải gánh chịu những hậu quả gì do chính bản thân cha anh chúng gây ra. Giờ đi trách nông dân vì sao ác độc với đồng loại, tôi cũng nói thẳng, những cái ác độc đó cũng chưa nhằm nhò gì với những cái ác độc khác.

 

* Cái nghèo có đáng để đổ tội không, khi mà tham lam cũng là cách thoát nghèo nhanh nhất?

 

- Không. Mấy ông quan chức thì đâu có nghèo nhưng vẫn có một số người tham lam. Lòng tham là vô đáy. Nhất là lòng tham của những người được sinh ra và mưu lợi từ một xã hội đang có dấu hiệu mất căn bản. Khi lòng tham là mục đích và sự hãnh tiến là động cơ, thì cái ác đã được cài đặt sẵn trong hành trình.

Khái niệm "ăn học để thành người" hôm nay không còn nguyên ý nghĩa, thay vào đó là "ăn học để làm ông này bà nọ". Ông này bà nọ để mà "một người làm quan cả họ được hưởng". Thực tế cũng chứng minh điều đó, và khá nhiều họ "được hưởng".

Sợ nhất là xảy ra hiện tượng "Mạnh ai nấy đục mạnh ai nấy khoét", và không nghĩ đến chuyện bảo vệ quyền lợi cho người khác. Xã hội nào cũng vậy, khi mà người quản lý chỉ để nhận nhiều mà không nghĩ cách làm sao để cho mai sau và vì mai sau, thì những người dân độc ác với đồng loại cũng là điều dễ hiểu.

 

* Ai cũng nói thế. Nhưng "cái căn bản" nên được hiểu là gì, để giờ ta ngồi đây và nhận xét là nó đã mất?

 

- Những gì cha ông để lại đã bị người đời sau làm cho méo mó lệch lạc. Cách đối xử với thiên nhiên, với con người ở ta không còn quy chuẩn, mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy đạp.

Ở châu Âu, giá trị con người được đề cao. Họ tự tôn, tự trọng, biết nghĩ cho người khác, chấp hành pháp luật nghiêm minh. Giờ ở ta, mở báo ra là cứ thấy người này khoe xe, người kia khoe của. Rồi lấy xe, lấy của đi lừa người khác như cái lũ bán hàng đa cấp. Giới showbiz nổi nhất của việc khoe giàu khoe sang, khoe cặp được ông này, cướp chồng bà nọ để có tiền sống xa hoa. Có thấy mấy ai nói về lao động vất vả vinh quang, kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt đâu? Con trai thì đi tập gym để body cho đẹp, lượn lờ trong các phòng gym kiếm đại gia. Con gái thì phải đẹp để kiếm tiền, không đẹp tự nhiên được cũng phải sửa cho thật đẹp, đi thi hoa hậu, dấn thân vào showbiz, để cặp được với kẻ lắm tiền nhiều của. Họ đâu nghĩ đến chuyện học hành để làm một việc gì có giá trị?

Giờ nhiều cô bé nghĩ đến việc không cần học hành gì, cứ đẹp là sẽ giàu, sẽ đổi đời. Xã hội vốn đã mất mát căn bản, nay thêm những kẻ như thế, nó thành lệch lạc, quái dị.

 

 

* Xã hội nào cũng có những người thế mà. Từng đi nhiều nước và sống ở nước ngoài, chị lý giải rõ hơn chút nữa, cái "căn bản" theo trải nghiệm của chị?

 

- Tôi qua Đức 2 tháng ở với con, bạn biết tôi cực nhất là việc gì không? Đó chính là đi đổ rác. Rác phải phân ra các thùng khác nhau theo từng loại, phải để vào túi giấy, không được để vào túi nilon, cho vào thùng rác. Người dân phải phân biệt rác sẵn ở các thùng. Chỉ cần sai một phát là bị phạt ngay. Rác của mình thôi nhưng khi chia cũng phải tự làm để người gom rác đưa vào đúng nơi xử lý rác. Họ chia ngày ra, ngày nào đến lấy rác thức ăn, ngày nào đến lấy rác nhựa, ngày nào đến lấy rác là lá cây, cỏ trong vườn… Người dân tự nguyện đưa rác ra đúng ngày, đúng giờ.

Mình thì sao? Mạnh ai nấy xả, túi nilon, kim tiêm, bao cao su đã dùng… tất cả gom hết vào. Nhà máy xử lý rác cũng chưa có, rồi cất giấu chôn vùi đâu đó. Hoặc mạnh ai nấy nhét xuống cống. Ai lãnh? Chính chúng ta và hậu quả để lại trên đầu con cháu chúng ta. Một xã hội ngăn nắp, tôn ti trật tự từ cái cọng rác thì hỏi sao mà con người ở đó không phát triển một cách lành mạnh?

Ở xã hội mà chai nước ngọt uống xong, bạn cho vào máy đổi lấy mấy cent tiền chai, trong khi ở mình, mạnh ai thì vứt toẹt ra đường, nhét xuống cống. Có thùng rác đấy, cũng chẳng thèm vứt vào. Chúng ta hay so sánh Việt Nam với các nước tiên tiến mà không hiểu sao họ lại sạch hơn ta, họ lại văn minh hơn ta, đấy, là từ những cái căn bản của họ ở những điều nhỏ nhất. Con người đã sống có ý thức như thế, thì tương lai hay hiện tại đều theo một nếp. Làm ơn nghĩ đến con cháu

 

* Đồng ý là từ cọng rác, ở ta, mạnh ai nấy vứt, mạnh ai nấy đổ. Chẳng có gì để bắt để phạt được sự "hãm hại" môi trường và sự ngược đãi các công trình công cộng. Và cũng chưa có gì để cấm người ta đầu độc đồng bào vì thực phẩm bẩn!

 

- Thì bởi thế, sống hôm nay, không cần biết ngày mai là gì. Không biết con cháu mình sẽ sống thế nào ngoài việc nghĩ sao có nhiều tiền để lại cho chúng. Sức khoẻ, môi trường, không phải cứ có tiền là mua được đâu. Các nước văn minh người ta giáo dục cho công dân mỗi người phải ý thức với môi trường. Bên này tôi trả tiền nước thải lớn hơn tiền nước sinh hoạt. Vì nước thải họ phải xử lý nên phải trả phí cao hơn nước sinh hoạt.

Ở bên này, chim có làm tổ trong nhà anh cũng không được sờ đến. Khi đi câu cá, gặp con cá nhỏ phải trả về cho thiên nhiên để chúng lớn và sinh sản. Chim muông hoang dã bơi lội đầy không ai được đụng đến. Cây trong vườn nhà mình, muốn đốn một cành cũng phải xin phép, phải làm đơn. Bạn có thể thấy những cánh rừng mênh mông của họ, từ nơi này đến nơi khác nhưng bạn cứ thử đụng vào một cành cây, bạn có thể phải ngồi tù. Ở ta thì sao? To nhỏ ăn tất. Lấy của thiên nhiên không trừ một thứ gì. Chặt, phá, săn, bắt, cái gì cũng có thể đưa lên bàn nhậu.

 

* Một xã hội không có căn bản thì con người ta trở nên nhỏ bé và tội nghiệp!

 

- Con người hiện nay có xu hướng đánh mất căn bản, mất giá trị cốt lõi từ những việc tưởng như rất nhỏ, rất đơn giản. Nhỏ như cọng rác, đơn giản như mua mớ rau ngoài chợ. Giờ này nhiều người còn hão huyền không nhận ra những giá trị thật. Mất từ người lớn đến trẻ em, từ thầy đến trò, từ bác sĩ đến bệnh nhân. Cá nhân tôi cũng mất. Chúng tôi đâu được dạy về những cách hành xử với môi trường, với con người một cách văn minh từ nhỏ?

Những đứa trẻ được mẹ chở đi học, con uống xong chai nước mẹ quăng thẳng ra đường thì làm sao vun cho con giá trị? Mẹ bán rau bẩn cho người ta còn mình ăn rau sạch, con nhìn thấy điều đó hỏi sao chúng công bằng với nhân loại? Cái giá phải trả cho điều đó họ không nhận thấy, cũng chẳng cần chờ đến quả báo đâu, trả ngay tại chỗ, và trả với thế hệ kế cận.

Ông bảo vệ một xưởng may cạnh nhà tôi, mỗi sáng ông quét tất cả rác, trong đó có túi ni lông ra miệng cống và dùng cán chổi luồn túi nilon xuống miệng cống. Nhìn ông tôi nói luôn: Ngay nhà chú mà chú làm thế, chú làm thế chú hại nhà chú chú hại luôn nhà tôi. Chú hốt đi một cái vào bỏ vào bịch cho người ta lấy chứ sao chú lại làm thế. Rồi ông thôi. Giờ đi ra đường nhìn các miệng cống, chi chít túi nilon. Con cháu mình sẽ lãnh hết. Trồng rau phun thuốc xuống đất, chẳng cần đến đời sau đâu, uống nước đó vào thì ung thư cũng từ đó mà ra.

 

* Là công dân "mất căn bản", đi ra nước ngoài chị thấy người ta nhìn nhận mình như thế nào?

 

- Tôi từng đi Nhật, Thái và nhiều nước. Nhật, Thái, tôi từng nhìn thấy những bảng tiếng Việt như: "Không được ăn cắp", "Không được lấy quá nhiều buffet, lấy nhiều phải ăn hết"…, nhìn thấy cảnh đó cũng nhục lắm.

Nhưng làm người Việt đi ra nước ngoài, lơ ngơ cái là mất tiền thôi. Thử ném cái chai xuống đường hay ném cọng rác xuống đường đi? Thử nhảy vào bẻ hoa xem nào? Trẻ con nước người ta biết đi là biết học ý thức. Người nhà mình tận khi trưởng thành ra nước ngoài để trả phí cho bài học ý thức, cứ nghĩ nước người ta không có cảnh sát đứng ngoài đường thì muốn làm gì cũng được. Đau hơn là lạc loài trong một xã hội tiến bộ. Có lẽ một xã hội thế nào thì hãy nên nhìn nếp sống chốn công cộng, nhất là ngoài đường và ngoài chợ. Đường nhà mình đang như thế nào, người ta đi lại thế nào và chợ của mình ra sao, người ta bán gì ở đó cho đồng loại, mọi người tự hiểu.

 

* Một ngày nào đó khi con chị lớn, chị sẽ nói cho con lý do mà chị cho con xa mẹ sớm như thế chứ?

 

- Phải nói, để con có ý thức hơn trong việc đấu tranh bảo vệ đồng loại. Các con ra nước ngoài học, ở cái giai đoạn tuổi đời đẹp nhất, nhận thức bắt đầu phát triển, thì nó sẽ lãnh hội được những điều văn minh từ những nước văn minh. Giờ mình ngồi kêu ca cũng chẳng giải quyết được gì cả. Hãy bắt đầu từ những đứa trẻ và có trách nhiệm với chúng để có một thế hệ mới tốt đẹp.

P.V

Top