Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ án vì ghen tuông vợ "ăn gan giời" cắt "của quý" của chồng rồi vứt phi tang, chồng xử "cậu nhỏ" của tình địch.... Nhân những vụ việc đau lòng này, đạo diễn Lê Hoàng đã có cuộc phỏng vấn giả tưởng với một người vợ “Hoạn Thư” dễ có mấy tay này.
- Thưa bà, cho đến hôm nay dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vì hành động của bà?
- Thế ư? Còn tôi chưa hết bàng hoàng vì sự bàng hoàng của dư luận. Có gì mà to chuyện nhỉ?
- To chứ. Thưa bà. Như chúng ta đều biết “của quý” người đàn ông là thứ rất quan trọng.
- Quan trọng với ai?
- Đầu tiên, với bản thân người đó.
- Thú thực tôi không nghĩ thế. Tôi thấy ở chồng tôi, và cả một số các ông chồng khác, thứ đó không hề quý. Bởi nếu quý họ đã giữ gìn, đằng này rõ ràng nhiều lúc họ “vứt” lung tung.
- “Vứt” là sao? Xin bà nói rõ câu này?
- Là họ thường “dùng” khá bừa bãi, họ chăm sóc khá cẩu thả, họ mang những từ ngữ không hề sang trọng để gọi nó, thậm chí họ có thể… bỏ xó không dùng!
- Thú thực tôi không tin lời bà nói. Nếu tôi không nhầm, đàn ông đã, đang và sẽ bỏ rất nhiều công sức để suy nghĩ “của ấy” sẽ dùng ở đâu, dùng ra sao và dùng… với ai.
- Với tư cách vợ, trước hết tôi quan tâm xem chồng có dùng nghiêm túc hay không, trước khi dùng ra sao và… dùng vào việc gì. Tôi khẳng định với nhà báo rằng, hiện nay, có rất nhiều ông chỉ dùng thứ “đặc sản” đó với mục đích trang trí, hay nói theo ngôn ngữ bình thường là chỉ nhằm “giải quyết khâu oai”.
- Vô lý.
- Chính xác. Tuy đấy là một sản phẩm do đàn ông chế tạo ra và sở hữu, nhưng nhận xét về nó thì tôi tin phải đàn bà mới có thẩm quyền và đủ cơ sở. Tôi xin tuyên bố một cách mạnh mẽ, thẳng thắn và đầy trách nhiệm rằng ngày nay rất nhiều đàn ông vô trách nhiệm với “của quý” của mình.
- Cụ thể sự vô trách nhiệm ấy như thế nào?
- Họ dùng sai chức năng, dùng chưa hết công suất hoặc ngược lại, dùng quá thiết kế ban đầu. Chưa kể một số kẻ dùng quá tải hoặc dùng mà không bảo dưỡng đúng thời gian hay đúng phương pháp.
- Tại sao lại xảy ra như vậy, thưa bà?
- Tại rất nhiều đàn ông đã không được giáo dục đầy đủ cả về thể chất lẫn tâm hồn. Kiến thức của họ về của quý cũng sơ sài và lạc hậu như kiến thức của họ về khoa học kỹ thuật hoặc khoa học nhân văn. Tôi xin nhấn mạnh, “của quý” không phải là một bộ phận độc lập. Nó có mối quan hệ biện chứng sâu sắc với tất cả các bộ phận khác trên cơ thể con người theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nói cách khác, không thể có một người đàn ông mang “của quý” một cách cao quý khi những thứ còn lại trên người anh ta tầm thường.
- Tôi xin rụt rè phản đối bà, thưa bà. Rất nhiều nghệ sĩ, rất nhiều nhà khoa học và trí thức nổi tiếng vẫn mắc sai lầm khi sử dụng “của quý” đấy thôi.
- Điều ấy không hề chứng tỏ sự “phi thường” của “của quý” mà chỉ chứng minh “bất thường” của nó. Nhưng xét trên quan điểm tiến bộ, cái gì càng bất thường càng đòi hỏi chúng ta có ý thức hơn chứ không khi nào ngược lại. Đúng, có khá nhiều vĩ nhân mắc sai lầm khi dùng “của quý”. Nhưng bị như thế, họ mới là vĩ nhân chứ chưa phải vĩ nhân chân chính.
- Tiêu chuẩn chân chính của đàn ông, theo bà là gì?
- Tôi chỉ nói ngắn gọn là phải coi “của quý” không phải cái quý nhất, càng không phải cái to nhất. Thế thôi. Chừng nào đàn ông nói chung và xã hội nói riêng chưa vượt qua được những khái niệm quý giá tầm thường thì chừng đó cuộc sống còn chưa phát triển.
- Trở lại trường hợp của riêng bà, tại sao bà lại cắt “của quý” của ông ấy?
- Vì tôi không thấy mình quý nó, và quan trọng hơn, chính chồng tôi cũng đâu quý nó.
- Xin lỗi, sao bà biết?
- Làm vợ thì biết thôi!
-Trước khi cắt, bà có tuyên bố hay thông báo cho đương sự biết hay không?
- Cắt “của quý” không phải là Luật Giao thông, cũng không phải Luật Vệ sinh môi trường. Không cần thông báo trước, cũng không cần phổ biến trên loa phường. Cắt “của quý” là một hành động mang tính ngẫu hứng, tính táo bạo, phá cách, có giá trị nghệ thuật và giá trị giáo dục, giá trị cảnh tỉnh cùng vô số các giá trị khác.
- Chết, chết, nếu như phụ nữ nào cũng chạy theo các giá trị như thế thì phiền lắm?
- Phiền ở chỗ nào? Lịch sử đã chứng minh phụ nữ là thành phần cẩn thận, thận trọng, kỹ lưỡng, luôn nghĩ tới gia đình. Phụ nữ có tư cách lẫn kiến thức, có xu hướng ôn hoà trong việc xử lý quan hệ vợ chồng. Do đó, nếu họ đã cắt, chắc họ phải có lý do.
- Đứng về pháp luật những lý do ấy không thể chấp nhận được. Tôi xin nhắc bà, giấy đăng ký kết hôn cho phép nam nữ sống chung chứ không hề cho phép bên này tuỳ tiện xử lý “của quý” bên kia.
- Pháp luật cũng như mọi thứ trong cuộc sống chúng ta, vẫn còn đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện chứ không phải đã tột đỉnh. Cho người ta sở hữu tinh thần thì đôi lúc cũng cho người ta sở hữu vật chất, đấy mới là toàn diện. Tất nhiên, tôi hiểu hành động của mình hơi cực đoan. Tôi cũng không khuyến cáo bà vợ bắt chước mình. Con dao trong tay tôi chỉ loé lên như một lời cảnh tỉnh chứ không phải là một ngọn đèn soi sáng đường đi. Tôi hiểu như thế.
- Khoan đã, tại sao bà cắt bằng dao? Có thể dùng những dụng cụ khác đỡ “hình sự” hơn, có tính giáo dục hơn chăng?
- Vũ khí thô sơ luôn thích hợp với sự trừng phạt thô sơ.
- Không, đấy là trừng phạt nặng nề.
- Thế ư?
- Rồi sau khi cắt, tại sao bà vứt xuống ao? Có nhiều chỗ chứa mang ý nghĩa hơn hay đẹp hơn kia mà?
- Chả lẽ tôi để nó trong cái hộp bằng vàng hay vào lọ pha lê thì sự việc sẽ khác đi ư? Nhà báo nên nhớ, bệnh hình thức, bệnh sáo rỗng đang là một trong những căn bệnh gây tác hại không nhỏ.
- Nhưng dư luận vẫn cứ băn khoăn điều này: Tại sao lại ao? Tại sao không phải ngọn cây, hố sâu hay thùng rác?
- Thứ nhất do ao có cá. Giúp cho cá hiểu thêm về con người luôn là một ý định tốt. Thứ hai do ao gần nhà. Tôi không phải bà già trong phim Titanic, vứt thứ mình từng quý xuống đại dương xa xôi. Cuối cùng, ao có người mò, nghĩa là tội lỗi có cơ hội sửa chữa. Đấy chính là một suy nghĩ nhân đạo.
- Họ có mò được không?
- Tôi không hỏi. Tôi lịch sự.
- Tại sao chỉ toàn đàn ông mò? Và tại sao dân làng không tát cạn ao?
- Tại đàn ông bênh nhau. Họ đồng cảm với nhau trong chuyện này. Còn lý do họ không tát cạn ao, tôi nghĩ vì họ sợ nhỡ nó cạn, bên dưới trơ ra rất nhiều “của quý” bị vứt bỏ từ bao giờ nhưng các ông chồng không dám kêu. Đấy mới là bi kịch. Hành động của tôi, nói theo ngôn ngữ hiện đại, có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Có thể rất nhiều ông chồng đang đi lại, đang cười nói có vẻ vô tư ngoài kia, nhưng thực ra, “của quý” đã bị trừng phạt rồi.
- Thú thực, tôi thông cảm với bà, nhưng tôi vẫn lên án bà.
- Nếu như một chim én không báo hiệu mùa xuân thì con quạ cũng không báo hiệu mùa đông. Tôi biết mình bị nhiều người coi như một con quạ và tôi đành chịu đựng chuyện đó. Nhưng tôi muốn nhắn nhủ các gia đình: Tiền bạc không làm nên hạnh phúc thì “của quý” cũng thế. Hạnh phúc là thứ cao cả đến nỗi không phụ thuộc vào bất cứ bộ phận nào trừ trái tim. Thứ ấy chả khi nào nên cắt.
LÊ HOÀNG