Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,203 lượt

Nhà thơ Nguyễn Thị Phụng: Minh Đan tinh tế trong sáng tạo

Tôi cháy trên từng trang thơ, bằng trách nhiệm và lương tâm, bằng niềm tin chưa bao giờ ngơi nghỉ là nguyện mong những điều tốt đẹp, hạnh phúc nhất cho dân, cho đất nước” (Minh Đan) sẻ chia trong chủ đề Lương tâm cô đơn (thơ viết từ dòng máu nóng) in trong tập Phút bù giờ (NXB HNV, 2021). Như tự đưa ra tiêu chí, cũng có thể là của tất cả thi nhân cần và có.

 

Với bóng đá, thì khoảnh khắc phút bù giờ vô cùng quan trọng gấp rút nhanh chóng ghi bàn thắng thua. Nhưng với thơ thì sao, không thể chần chừ nấn ná, cầu an vấn đề nóng bỏng của xã hội. Phút bù giờ ra đời cũng là sự tiếp nối từ Tình riêng, Ngày không bọt, Phút 89 và cùng với một số tập thơ được in chung cùng vài tác giả. Dẫu từ Tình riêng hay đến cái chung- in chung thì tất cả vẫn là hơi thở cuộc sống này của Minh Đan.

 

 

Đến với "Phút bù giờ", ta bắt gặp trên thi đàn gương mặt nữ tự khẳng định mình, luôn muốn đào thải ràng buộc lễ nghi áp đặt, mặc định “phân biệt giới” mà phải chịu thiệt thòi. Với Minh Đan thì, giá trị tâm hồn chính là mục đích sống mà phần nào bị lãng quên, bị giễu cợt, những rẻ rúng xem thường. Và chính điều đó đã dung túng quyền lực, là cơ hội cho lợi ích nhóm và cá nhân “độc quyền” chỉa gai vướng mắt, còn đau đáu những biến thiên, dịch họa của môi trường xã hội,... cùng lúc ùa về. Thương tâm tiếp nối nhưng không thỏa hiệp, dấy lên thành “dũng khí” ở mỗi tứ thơ cho từng chủ đề khác nhau trong toàn tập với ba mươi sáu bài, vừa đủ dung lượng tiếp nhận.

Phút bù giờ Minh Đan dành đến 12 bài cho chủ đề Khâu múi nhớ. Ắt hẳn số lượng không nhiều. Có thể nhà thơ đã tự khai thác bản lĩnh đàn bà từ những nhân vật trữ tình ở người (Mẹ đơn thân)*, những thử thách khát khao cho sự trả giá nhu mì, hiền thục đầy kiêu hãnh: “bay đi, bay đi, bay đi.../hỡi trái tim tầm gửi dại khờ/ tự do gọi ngày xanh thắp nắng// tình yêu nhốt nơi lồng son/ là thứ tình hèn mọn// sao phải buộc ban mai” (tình nhân)* cho sự khẳng định: “là tình nhân, em chẳng thể nữa rồi/đứa trẻ cần cha như nhà cần nóc/ đã vượt qua bao điều khó nhọc/ cớ gì còn hoài nghi”(tội đồ)*. Từ sự bao dung và che chở, có khi còn cam phận chịu thiệt thòi lại mất quyền sống cá nhân. Những bản ngã là rào cản cho sự vượt thoát tâm hồn. Minh Đan ngộ ra mưu cầu cái tự ngã mà trân quý. Sự bức phá trong Khâu múi nhớ dù mãnh liệt trong nhịp đập con tim, khao khát sống khao khát được yêu. Đây chính là chủ lớn phụ nữ với gia đình mãi muôn đời chưa bao giờ kết thúc, chị biết dừng lại chỉ một phần ba của Phút bù giờ mà thôi.

Minh Đan - phụ nữ với môi trường xã hội lại là một chủ đề thứ hai được sẻ chia theo từng tiểu mục khác nhau trong phút bù giờ mang tính khoa học nhân văn của thơ ca, sự minh triết của mình cho người tiếp nhận.

Theo dòng thời gian bắt gặp hành trình thi nhân bị cuốn hút mạnh nhất chính là Phố trôi với số lượng chín bài, có thể đó là con số đẹp cao nhất của hàng đơn vị. Hay đó chính là lực hút “Thơ đã cuốn tôi đi, trôi theo những đứa trẻ đường phố trên các ngã tư, ngã năm,... đầy khắc khoải”(trang 40) ẩn trong hình tượng đối lập cơn “mưa”* đến “lửa đỏ xoay vòng”* về những tuổi thơ cơ nhỡ sinh ra từ mọi nguyên nhân đầy nghi hoặc: “cầm mọi thứ trên đời/ sợ hãi nhiều hơn khát vọng/ tôi cầm lòng mình qua bão, sóng thần bằng câu thơ lóng ngóng: “đời thật như chiêm bao”.”(mưa)* bởi “đứa con thích nghi cuộc sống không nhà/ giấc mơ mẹ cha đêm đêm thao thức/ kiếp đói nghèo có thay đổi được?/ ngày mai- lửa đỏ xoay vòng”(lửa đỏ xoay vòng)*,... Cho những “Cơn mơ phóng sinh”* khao khát, cho “Những mảnh đời sáng tối”* cứ trằn trọc, hoài nghi, phát vấn chính mình (tôi ngã vào tôi)*:

“mưa bao nhiêu rồi cũng tạnh lòng

yêu thương cho đi là yêu thương giữ lại

những vì sao lặn xuống sẽ mọc lên sáng chói

như chúng ta sống ở thành phố này để nắm lấy tay nhau”/(thử thách tôi đi)*

Và chúng ta đã biết nắm lấy tay nhau, cưu mang lúc thành phố lâm vào đại dịch, nhà thơ đã có Ghi chép vụn vặt mùa covid, nhưng thực ra không một chút vụn vặt, cũng không là bê cả thực tế bức tranh thành phố ảm đạm của thời gian giãn cách mà lắng đọng lòng mình. Chị đủ kịp chấn chỉnh khéo léo và tế nhị để bày tỏ nhận thức cá nhân với kẻ cơ hội lòng tham và ích kỉ, cho lời tự bạch: “tôi không ngừng thức tỉnh chính mình”(thức tỉnh)*, mở ra khoảng trời kết nối vòng yêu thương và tin tưởng: “phút cách ly này/có một điều em muốn gửi xa xôi/ hoa vẫn thắm, lá vẫn xanh/ anh trong tim là duy nhất// dịch bệnh còn chưa biết ngày kết thúc/ thì xác-xin là những nụ cười/ hãy giữ ân tình vào đôi mắt, thương ơi!”(giữ ân tình vào đôi mắt)* để mà sống thực với chính mình (mẫu ảnh)*. Chỉ với sáu bài trong ghi chép vụn vặt mùa covid, nhưng đó là cảm xúc chân tình, dằn vặt, đớn đau chung của những tấm lòng sẻ chia một miếng khi đói, đó còn là lời cảnh báo vô cùng thận trọng với loại dịch vô hình, nhưng dễ điều trị hơn cả loại dịch người sân si, tham vọng, lợi ích nhóm, so đo, khó mà làm ngơ được, ngỡ thờ ơ: “tôi buộc nụ cười vào bím tóc/ mặc thiên hạ sân si”(ý niệm)*.

Khốn đốn từ cơn dịch họa thế kỉ ập đến lây lan, thì thiên họa miền Trung thường xuyên lũ lụt, cũng là nỗi đau mất mát chung của đất nước. Từ hình ảnh người chồng dằn vặt khi vợ đi sinh con bị lũ cuốn trôi, từ nỗi đợi chờ hạnh phúc lứa đôi, từ những chiến sĩ thầm lặng tuyến đầu chống lũ bị sạt lở lấp vùi,...(đoản khúc sầu)*. Những trăn trở về nạn phá rừng chính là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt càn quét: “máu người rơi có xót máu cây rơi?/ những trận cười tàn nhẫn còn vang khắp núi/ rừng cũng thèm khát sống một đời vô tội/ nào chỉ con người”(máu cây, máu người)*, Khi một trái tim nữ giới đầy quả cảm biến những ấm ức thành niềm tin góp phần bảo vệ rừng xanh theo cách lý giải: “dù chẳng bút mực nào xóa hết những vết dao/ cứa vào rừng vào đất mẹ//ngày mai có thể là một ngày khác/niềm tin của tôi có thể là một thái độ khác/ như những bông lau bừng lên sức sống mãnh liệt/ hướng về cánh rừng phơi xanh”(nước mắt mặn môi)*. Nước mắt xé trời ngập ngụa trần gian mà biết trời có thấu cho nỗi đau nhân thế theo tháng dài năm rộng kia.

Phút bù giờ chính là khí khái của một Lương tâm cô đơn chảy theo mạch nguồn cảm xúc được in trong phần cuối tập. Nhưng là sự thách thức cho người cầm bút, nếu như mảng thơ tình yêu, về thân phận phụ nữ chủ đề Khâu múi nhớ mãnh liệt thể như cuộc vượt thoát bản năng phụ nữ khao khát sống khao khát được yêu mà phần nào bị xúc phạm. Thì Lương tâm cô đơn mới thực là Minh Đan, cô bé Lọ Lem Đất Võ không quyền kiếm trong tay, nhưng thơ chính là điểm tựa cho sức mạnh phản ánh thực tại, nan giải đầy bức xúc câu trả lời phần nào xã hội bị trì trệ, thờ ơ, đó là nguyên nhân cho những tứ thơ trong chủ đề này được thắp sáng: “Chọn nghiệp bút nghiên, là một lựa chọn chẳng mấy dễ dàng với tôi, nhưng đó là nghiệp... trời đày”(trang 89). Sông trôi* tên bài thơ chính là từ khóa nội lực cây bút riêng mình: “người đời tự hào xưng tụng con đường thơ/ say sưa kể bao điều cổ tích/em đến trường mang theo mơ ước.../ hố tử thần chực nuốt ước mơ xanh/ mỗi con đường thành một dòng sông/ mỗi dự án ghim ngàn tội lỗi / lụt giữa lòng người, ai tội thay ai”.

Nhưng với nhà thơ, niềm tin mới chính là lẽ sống, sự hụt hẫng có lúc rơi vào hoang mang: “tôi lặng im mài chữ bên song/ suối đã khô, đồng cỏ xanh đã cháy/ biển vắng cả rồi, diều không gió để bay”(niềm tin)*, nhưng cũng chính từ niềm tin, trái tim thi nhân dạt dào đất trời mênh mông quá, nếu chỉ thu hẹp trong cảm xúc của một khối tình con bé nhỏ, còn muối mặn bể khơi chẳng thể nào vơi: “nghiệp bút nghiên, con đứng cạnh nhân dân chia sẻ đói no, buồn vui thân phận nước mắt rơi, gọi riêng chung trộn lẫn giấc ngủ chập chờn thao thức biển đông...” (con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên)*

Sự tinh tế sáng tạo trong phút bù giờ may mắn từ khoảnh khắc độc lập tư duy, tự do nhào nặn cảm xúc không thiên vị cho cuộc sống với chính mình./.

12.02.2022

NGUYỄN THỊ PHỤNG

Top