Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,907,573 lượt

Nhà phê bình David Trần

Bài này được viết sau khi đọc trên Fanpage Facebook “Lọ Lem Đất Võ Minh Đan” một bài bình luận thơ của tác giả Trần Xuân Đạt về bài thơ “Tiếng Khóc” trong tập thơ “Ngày không bọt” của nữ sĩ Minh Đan.

 

Trước hết phải nói rằng để chỉ phân tích và bình luận hay phê bình một bài thơ mà tác giả đã bỏ công sức không nhỏ để viết bài trên thật công phu kể ra cũng hiếm. Đứng trên quan điểm, lập trường của người cầm bút nghiên cứu và phê bình văn học trong nhiều năm thì tôi không phê bình người phê bình, một nhà bình luận mà chỉ thuần túy phê bình văn học mà thôi.

 

Tuy nhiên sau khi đọc hết bài trên tôi nhận thấy nhiều điều cần phải viết. Như trong bài “Một đóa Quỳnh giữa đêm 30 trừ tịch” (bài 2) tôi có nói từ đầu thế kỷ 20 đến nay chưa có một tác giả nào đưa ra trình làng một công trình nghiên cứu và phê bình văn học được gọi là ánh “Hồng Quang”…là như thế.

 

Bây giờ tôi xin mạn phép bước ra khỏi vị trí của mình mà quay qua một góc nhìn khác với tư cách là độc giả để có cái nhìn và nhận thức khách quan hơn. Trước hết tôi xin nói rằng: Khi ta phân tích và phê bình hay bình luận một tác phẩm văn chương là ta ngầm tự trao cho ta cái quyền “Giảng văn” trước độc giả hay là “Diễn giả” trên diễn đàn trước đám đông cử tọa. Ở đây ta phải hiểu rằng cái vị trí đó không là quá cao và xem nhẹ tha nhân mà phải ý thức rằng những lời ta nói (viết) ra là những hạt châu trong sáng… là ánh đèn rọi vào góc tối của tác phẩm mà ta đang phân tích bình luận để cho người nghe (đọc) hiểu rõ hơn, chiêm ngưỡng cái hay, cái đẹp của đứa con tinh thần mà tác giả đã hoài thai. Có đôi khi người phê bình, bình luận đã vô tình hay vì quá hưng phấn trong ngưỡng mộ tác giả/ tác phẩm mà khai thác quá đà rồi lồng ghép thêm những sắc màu, những hương vị mà chính tác giả cũng chưa hề nghĩ tới… việc này nếu cầu hồn Thi hào Nguyễn Tiên Điền lên thì có lẽ Tố Như cũng mỉm cười khá khen cho lớp văn nhân hậu thế đã vô tình cho thêm ít nhiều gia vị vào tác phẩm “Kiều” bất hủ của mình! Nhưng một điều quan trọng là tác phẩm đó nếu không là ngôi sao giữa đêm 30 trừ tịch thì ít ra cũng là ánh đèn dầu trong căn nhà nhỏ đang chìm trong bóng đêm. Nói sâu hơn chút nữa, với trách nhiệm và bản lĩnh cao của diễn giả hay người thuyết trình viên là dẫn dắt cử tọa ở mọi lứa tuổi, trình độ, giới tính… bước vào vườn văn một cách thoải mái tự tin mà không phải lo âu rằng ngũ giác quan của mình có đủ độ nhạy bén hay không để tiếp nhận cái muôn hồng ngàn tía… đa sắc đa hương kia… mà đặc biệt là trong vườn văn ấy không có một đám sương mờ. Điều vô cùng quan trọng là diễn giả (nghiên cứu và phê bình) phải vén hoàn toàn đám sương mờ kia và đừng bao giờ quá coi trọng cái “tôi” mà ép cử tọa phải hiểu và miễn cưỡng tiếp nhận cái mớ lý luận chủ quan và phiếm diện chưa nói là sai trái hay mù mờ của cá nhân mình để rồi lưu lại trong lòng độc giả, cử tọa chỉ là con số 0. Ví nôm na như trong bàn tiệc, chủ tiệc không nên đưa ra những món quá cầu kỳ mà thực khách chưa hề biết, chưa nghe qua và đâm ra sợ và nghi ngờ sự tiêu hóa mà có khi dẫn đến chối từ tiếp nhận. Đây là sự thất bại to lớn cho nhà phê bình và nghiên cứu văn chương.

 

Đi vào chi tiết bài bình luận của tác giả Trần Xuân Đạt. Bước vào những dòng đầu của bài viết hầu như vô thưởng vô phạt… cùng những lời có cánh cho thi phẩm lẫn thi nhân - điều này nó đã trở thành khuôn sáo, đường xưa lối cũ. Đi xa hơn một chút thì tác giả đã phạm một sai lầm quan trong mà tôi đã nói ở trên là tác giả không khai quang đường văn để dẫn khách thơ mà tác giả lại bắt đầu cường điệu tung hỏa mù về kiến thức “triết học” của mình khiến phần lớn độc giả mất phương hướng và lạc lối đi. Đó chỉ là những độc giả bình thường chưa nhận ra các phạm trù triết học, ở đây tác giả lôi vào nhiều thuật ngữ, ngôn từ “triết lý trong các tôn giáo” mà tác giả ẩn dụ sai ngữ cảnh, văn cảnh… và có từ áp dụng sai ngữ nghĩa cho cái mà tác giả muốn ẩn dụ, muốn nói đến. Trong số đó có một sai lầm trầm trọng trong nhận định về Ngôn ngữ học. Tuy nhiên người thấy được những khiếm khuyết đó là không nhiều.

  

Cụ thể trong những dòng đầu sau: "… con chữ trơ lỳ bất biến, vốn dĩ bị mặc định bởi những khái niệm mang tính khuôn khổ, bởi tính giới hạn của ngôn ngữ học/ cũng như triết luận về tình yêu…" - Ngôn ngữ học là một môn học vô biên… con người khó mà thẩm thấu cho được. Dẫu vũ trụ bao la diệu vợi, đáy biển sâu dường nào, đỉnh núi cao tới đâu thì con người vẫn chinh phục được và đã chinh phục thành công. Còn “Ngôn ngữ học” thì hầu như không thể… mà “triết luận về tình yêu” lại còn bao la và huyền diệu vô cùng… tác giả đã làm một cuộc “lội dòng nước ngược”. Độc giả thì không giới hạn… thế thì chỗ này được mấy ai hiểu và đủ vốn liếng để phản biện??? - Tác giả nói: "… Mặt trời và sự thật, thân xác và mảnh xương trong cấu trúc tổ hợp câu, tuy đóng vai trò của hai chủ thể thuần nhất, tương đồng mang tính NHỊ NGUYÊN…" Tôi không hiểu tác giả nghĩ gì mà cường điệu một cách thái quá khi dùng hai từ “NHỊ NGUYÊN” cho ý nghĩa “thuần nhất và tương đồng”???. Để phản biện điểm này tôi xin nói về thuyết “Nhị Nguyên”:

 

- Thuyết Nhị Nguyên hay Nhị Nguyên luận, là một học thuyết triết học thừa nhận sự tồn tại độc lập và tương phản của hai thực thể như Thiện-Ác, Trắng-Đen, Đêm-Ngày, Vật chất-Tinh thần, Duy Vật-Duy Tâm, Trung thực-Lừa Dối…v…v… Thuyết Nhị Nguyên có từ rất sớm ở cả Tây Âu lẫn Đông Phương nhất là Ấn Độ. Các triết gia như R.Descartes, Immanuel Kant cũng đều ít nhiều dùng đến thuyết Nhị Nguyên trong các quan điểm biện chứng của mình. So sánh ý nghĩa đoạn văn tác giả dùng từ Nhị Nguyên và đoạn tôi giải thích thì nó hoàn toàn trái nghịch. Mà phần lý giải của tôi thuộc về giáo khoa của môn “Triết học Đông Phương”. Liên hệ lại với bài “Một đóa Quỳnh giữa đêm 30 trừ tịch” (bài 3) tôi có nói trong dòng thơ Minh Đan có chất chứa nhiều dòng chảy xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử, hun đúc bởi thiên nhiên địa lý và những sự kiện đặc thù… đôi khi là nghịch nhau, tương phản… nếu đem trình ra một lúc thì có khi khập khiễng và trái chiều… nhưng mỗi lúc mỗi nơi mỗi hoàn cảnh thời gian không gian mà ta đem ra mỗi lúc một món sơn hào thì khách thơ có khi quên cả lối về. Có một điều kỳ diệu là những dòng chảy đó cuối cùng đều òa ra biển lớn. Chỗ này nếu tôi cường điệu thì tôi sẽ dùng từ triết học là “trong dòng chảy của thơ Minh Đan mang tính ĐA NGUYÊN”. Nhưng không! Tôi không dùng thế mà dẫn giải như trên thì hầu như độc giả mọi tầng lớp đều tiếp nhận như một quán ăn bình dân phù hợp với mọi thực khách, mọi khẩu vị, giai cấp mà không bị mù mờ nghi ngại về các giác quan của mình.

 

- Đôi dòng về “Đa Nguyên”: Tôi chỉ nói sơ một khía cạnh nhỏ để lý giải trong trường hợp thơ Minh Đan thôi vì phân tích cho tận tường ý nghĩa của Đa Nguyên thì phải là một tiểu luận cũng e chưa thấu đáo. Khi nói đến Đa Nguyên thì hầu như một số người không ít là nghĩ ngay đến chính trị. Nhưng không các bạn ạ! Đa Nguyên còn hiện diện trên nhiều lĩnh vực, ngữ cảnh khác nhau như trong Kinh tế, Văn hóa… nữa. Từ Đa Nguyên đã có từ lâu mà Triết gia & nhà toán học Anaxagore de Clazomère (500-428 trước CN) được coi là cha tinh thần. Mãi đến năm 1729, triết gia Đức Christian Wolff mới sử dụng rộng rãi hơn. Nó mô phỏng thế giới như một kết hợp của những phần tử rời rạc trong một tổng thể. Nguyên lý của nó là “đồng nhất trong sự khác biệt” và như triết gia Pierre Abélard (1079-1142) đã nhấn mạnh nguyên lý này: “Diversa non adversa” (khác biệt nhưng không là địch thủ). Trong thơ Minh Đan có sự hiện diện của hình thái này mà tôi đã hơn một lần nhắc đến và cũng không quên trao về cho Nữ Sĩ một lẵng hoa. Nếu đứng trên sự cường điệu và tôn thờ cái “tôi” thì trong bài số 3 (một đóa Quỳnh…) tôi đã lồng cái “triết” này vào để tự kiêu và sau đó độc giả hiểu tới đâu cũng được nhưng cốt lõi vẫn không sai. Tuy nhiên tôi đã không làm thế mà tôi chỉ “ngô khoai, rau củ…” hòa mình theo dòng nước cùng những cánh bèo trôi nổi của dân gian…

 

Rải rác trong toàn bài viết, tác giả còn dùng những thuật ngữ triết học trong các tôn giáo khiến cho độc giả bị khựng lại khi đọc đến đây như chiếc xe đang chạy ngon trớn mà vấp phải “ổ gà”. Như tác giả dùng từ “mặc khải” trong Kitô giáo ở đoạn “… tự thân con chữ qua các thủ pháp nghệ thuật với MẠC KHẢI hình tượng thơ…” - câu này tối nghĩa tôi chưa nói là vô nghĩa nữa. Tôi xin vài lời về thuật ngữ “Mặc Khải”: Sách giáo lý công giáo giải thích về “Mặc Khải” như sau: “Trong sự khôn ngoan và nhân hậu của Ngài, Thiên Chúa đã vui lòng đích thân tỏ mình ra và cho biết mầu nhiệm của thánh ý Ngài, nhân đó và nhờ đưa KiTô, ngôi lời nhập thể, con người có thể đến gần Đức Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần và được trở nên thông phân bản tính thần linh Ngài (sách giáo lý giáo hội Công Giáo số 51). Tôi xin giải thích chi tiết thêm:

- Mạc=Nghĩa là màn lụa, tấm vải…

- Khải=Nghĩa là mở, vén lên.

- Mạc Khải= Vén màn bí mật (nghĩa đen)

- Mạc khải chung được công bố cho mọi người đều biết.

- Mạc Khải riêng được công bố cho một cá nhân hay một tập thể nào đó mang tính chất riêng tư, thông điệp muốn nhắn gởi. Thông thường qua “thị kiến” của người được mạc khải. Ví dụ: các sứ điệp của Đức Mẹ hoặc của các thánh… trong vài lần xuất hiện trên thế giới.

Nói gọn lại: Mạc Khải là một từ Thần học hay được dùng trong đạo Công Giáo. Mạc khải là vén mở các bức màn bí mật để cho thấy một điều gì đó! Mạc Khải chung có nghĩa là cho tất cả mọi người đều biết, còn Mạc Khải riêng là chỉ cho một người hoặc một tập thể nào đó biết một điều gì đó thôi.  

- Tác giả dùng thuật ngữ của Phật Giáo như từ “Sát Na”. Sát Na có nghĩa là một khoảnh khắc thời gian cực ngắn, nhỏ nhất mà không có khoảng thời gian nào ví được cho dù là một tia chớp, nó còn nhỏ hơn một phần triệu giây. Đây là một thuật ngữ mà người Trung Hoa đã phiên âm từ tiếng Sankrit (tiếng Bắc Phạn)-ksana trong kinh Phật. Họ đã ghi kết quả phiên âm đó bằng hai chữ Hán mà người VN đọc theo âm Hán-Việt thành “Sát Na”. Nói thêm ở đây rằng theo kinh nhà Phật thì trong khoảnh khắc Sát Na đó là một chớp mắt, một lóe sáng… trong khắc giây ấy nếu có cơ duyên và rộng đường tu ta sẽ “Ngộ”, tức là ta đã đắc đạo. Cái giờ khắc ấy đã là con Phật, nhiều người mơ được bắt gặp.  

 

Ở đây tác giả dùng không sai nhưng đã hạn chế sự thẩm thấu của rất nhiều độc giả mà nhất là những độc giả trẻ, đối tượng mà ta cần quảng bá sâu rộng và tiếp cận nhiều hơn cùng một số lớn độc giả ở các tôn giáo khác. Trong một thoáng nhỏ, tác giả cũng lôi cả J.P.Sartre vào một cách đơn điệu làm cho J.P. Sartre phải cô độc giữa dòng trôi mà dõi mắt tìm và khản giọng gọi lên rằng: “Simone hỡi, em nơi đâu???”.

 

Có một thông điệp mà tôi muốn gởi đến cho những nhà văn, thơ trẻ rằng : “một tác phẩm sẽ bất diệt với thời gian là một tác phẩm mà mỗi con chữ len lén đi vào lòng người lúc nào không ai biết, bất luận trẻ già kể cả những người hoàn toàn xa lạ với bóng hình con chữ!”. Thế nên ta có câu trả lời đích xác vì sao hòa trong những tiếng võng đưa kẽo kẹt vẫn có “câu Kiều”!!!

 

Nếu tác giả gạn đi những hạt sạn không đáng có như tôi đã nêu trên thì bài viết phê bình, bình luận văn thơ này thật hoàn hảo. Nhưng tiếc thay… Thế nên để đi tìm một nhà phê bình văn học đúng nghĩa là không dễ chút nào.

Ngày 14.1.2015

DAVID TRẦN

Top