Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,821 lượt

"Người cũ" - Bài thơ thơm vị đàn bà!

Ngày 10/4/2022, nhà thơ trẻ Minh Đan (nick Lọ Lem Đất Võ) gửi từ TP. Hồ Chí Minh ra tặng tôi tập thơ “Phút bù giờ”. Có mấy điều gây cho tôi sự chú ý, dù không chủ định. Thứ nhất, tên tập thơ, trong bóng đá, phút bù giờ thì hồi hộp lắm, nhịp tim của huấn luận viên trưởng là đập nhanh nhất (thường rất nguy hiểm). Ngay trong ân ái, hoan lạc, phối ngẫu... “phút bù giờ” hay “hiệp phụ” cũng đầy nhạy cảm. Thứ hai, biết nick Minh Đan, tôi hơi “choáng”, bởi nằm lòng câu ca: “Ai về Bình Định mà coi / Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”. Tôi nghĩ, chắc thơ cũng dễ “nổi loạn”...

Và rồi, tôi thấy thú vị, dẫu công việc liên miên, bản thân từ 17/4 không may bị tai nạn giao thông chân thương sọ não, do vậy chưa đọc được. Hôm nay mới bắt đầu đọc, sau khi đã hồi phục 90%. Ơn giời!

Với riêng Minh Đan, tôi có đọc Tựa do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết. Không biết có phải nhà văn gốc Ba Đồn, nổi tiếng không? Nguyễn Quang Vinh viết đơn giản, tuy nhiên có một nhận định làm tôi chú ý. “Thơ phải viết trước hết cho mình, rồi viết cho người, rồi viết cho cả cuộc đời này, đó là thơ lớn từ một trái tim cảm xúc lớn...”, (trang 6). Hẳn nhiên, câu này viết cho nhiều người, nó thuộc về nhận định “kinh điển”.

Tôi vừa đọc lướt. Công nhận Minh Đan có cá tính thơ, ngay tên bài thơ, ngôn ngữ của người viết trẻ, phá cách tìm xu hướng. Bao trùm lên chính là chủ đề về nữ quyền, một tập thơ đầy hương vị đàn bà, tất nhiên trước hết thơm mùi Minh Đan.

“Người cũ” là một bài thơ, tôi cho rằng, có tính “đại diện”.

Nguyên văn bài thơ như sau: NGƯỜI CŨ

Em giờ người cũ rồi sao?

hạnh phúc giòn tan bánh tráng dừa thơm mùi quê nẫu

anh say nắng phương nào?

nỗi đau cào cấu

đêm

nhọc nhằn khâu vá vết thương

 

Anh có đôi mắt khác không phải là em

mất em

anh không mù như dối

con đom đóm ngự trị bóng tối

mơ hồ giọt sáng hóa đường gươm

 

Cánh hải âu vụt bỏ đại dương

những lọn sóng đủ dập vùi thuyền lớn

bến bờ hư không kéo anh ra khơi sớm

em buông tay chèo

con cá tử vong

 

Anh săn tìm hạnh phúc dọc ngang đời em

môi hôn tựa chuồn chuồn lướt nước

 

Những cơn say chẳng thể nào giấu được

cơn tỉnh bàng hoàng dốc ngược vết đau

 

Em hát khẽ cho riêng mình nghe...

đủ.

2014.

 

Đọc bài thơ, độc giả nhận ngay ra, câu chuyện tình vật vã. Yêu nhau không lấy được nhau luôn là bất hạnh của lứa đôi, nhất là mối tình đầu, sâu nặng.

“Mối tình đầu đã qua / Không bao giờ trở lại / Nhưng còn nỗi xót xa / Như gió mùa thổi mãi”, chắc chắn những người sinh từ năm 1980 của thế kỷ trước trở về trước đều thuộc bài thơ “Mối tình đầu” của nhà thơ Nga Yesenin. Chính cuộc đời tác giả là một chuỗi những bi kịch, trong đó có bi kịch tình yêu.

Vì sao tôi nói đến thế hệ 1980 trở về trước? Thời đó, nam thanh nữ tú yêu nhau còn trọng cảm xúc, những điều thiêng liêng của tình yêu được nâng niu như báu vật. Chính nhạc sỹ Thuận Yến trong một ca khúc đã viết: “Chưa dám hôn nhau / Chưa lời thổ lộ / Mà sao hơi thở như là của nhau / Chưa nắm tay nhau / Chưa ngồi sát lại / Mà sao năm tháng như là của nhau” (Ca khúc: Tình yêu không lời).

 

Minh Đan là người trẻ, nâng niu cảm xúc. Riêng điều này đã là sự khác biệt, “em người cũ rồi sao?”. Nhân vật “em” trong “người cũ” vật vã, luyến nhớ, khổ đau, tự hỏi mình, chất vấn “anh”. Hai người yêu nhau đã từng rất hạnh phúc “hạnh phúc giòn tan bánh tráng dừa thơm mùi quê nẫu”. Bạn đọc lưu ý, “Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm”, (thơ Xuân Diệu), vùng quê này trù phú, nhiều lúa, lắm dừa (Rừng dừa ngủ dưới nắng - thơ Nguyễn Xuân Sanh). Nói về dừa Bình Định có rất nhiều đặc sản từ quả dừa, cùi dừa, trong đó có bánh tráng dừa. Nhưng mà “thơm mùi quê nẫu” thì tình yêu chín lắm rồi. “Nẫu” có thể là tính từ, đại từ; nhưng trong trường hợp này là tính từ. Chín lắm rồi. Nhưng tôi thích hiểu trong trường hợp nẫu ruột nẫu gan, buồn phiền không nói ra được...Thế mới hiểu sự phát triển tâm lý, cung bậc cảm xúc của “em” trong bài thơ này. Một bi kịch của cuộc tình đã xảy ra khi “anh có đôi mắt khác không phải là em”, dẫu “anh” đã “ săn tìm hạnh phúc dọc ngang đời em”.

 

Khi yêu, người con gái tôn thờ hạnh phúc rất quan tâm đến cảm xúc. Điều này, không mấy vị nam giới để ý. Đàn ông dễ đoảng, dễ hời hợt, họ “giếng thơi” đấy nhưng thực tế là “nông nổi”. “anh săn tìm hạnh phúc dọc ngang đời em”. Có thể “anh” đã “no xôi chán chè” hoặc có “đôi mắt khác” làm lú lẫn. Không thể dối được. Thường khi yêu, yêu thật lòng, người nữ, ở đây là “em” đọc rất nhanh các “tiết tấu” của “bản nhạc yêu”. “Môi hôn tựa chuồn chuồn lướt nước”, không có gì thất vọng bằng, nếu phải nhận những nụ hôn giao đãi, nụ hôn “đại đoàn kết”, không bằng tất cả thao thức, chờ đợi, dâng hiến. “Những cơn say chẳng thể nào giấu được / cơn tỉnh bàng hoàng dốc ngược vết đau”, “em” rất dễ rơi vào trầm cảm.

 

Thế nhưng, “em hát khẽ cho riêng mình nghe../đủ”. Đây là hai câu kết, chân lý của nhận thức, triết lý của cuộc đời, ngay cả trong tình yêu. “Sống biết đủ”, (lời Phật), biết đủ luôn là hạnh phúc.

Người biết đủ là người giàu có và hạnh phúc nhất, đó là thông điệp của “người cũ”, vẻ đẹp đích thực của bài thơ.

Nếu trước đây, khi ngã lòng Phùng Quán biết vịn vào thơ đứng dậy, thì “em” đứng dậy, ngâng cao đầu khi biết đủ./.

Hà Nội, ngày 30/5/2022

DTN

Top