Lâu nay, tôi chỉ đọc vài ba bài thơ của Minh Đan trên Blog Lọ Lem Đất Võ. Cái tên Blog ấy cũng phần nào nói lên cái chất của Minh Đan: Cô Lọ Lem dễ thương, lại sinh ra ở miền đất võ. Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi đi quyền. Tôi yêu cái chất trực cảm mạnh mẽ ấy. Nay mới được đọc trọn vẹn tập thơ mang cái tựa rất thể thao: Phút 89, tôi đã bị thơ Minh Đan lôi cuốn.
Tại sao lại Phút 89? - Phút 89 là phút cuối cùng của trận đấu, là khi các tiền đạo bóng đá thường ghi bàn. Phút 89 cũng là phút nói thật nhất mà không ngại người nghe mất lòng chăng? Thơ trong Phút 89 của Minh Đan là thơ thật (sống thật, viết thật), là sự nồng nàn, mạnh mẽ của một tấm lòng trong sáng, chân tình giữa cuộc đời đen bạc: hờn ghen chi dòng đời trôi ngược/ lòng em như thể ánh trăng rằm.
Bài thơ Dạ khúc cho tình nhân viết trong đêm 8/3 ấy là sự thảng thốt linh cảm khi Men thất tình vụt đến trong mơ/ Những con chữ bật lên tiếng khóc. Có lẽ đây là bài thơ tình “dịu mềm nhất” của Minh Đan trong tập thơ. Còn đa số bài thơ tình khác, Minh Đan dùng nhiều hình ảnh và ngôn ngữ đời thường, dân giã nhưng rất trực diện: dậy đi/ nắng nhả tơ trời/ lạc quan khâu lại những bồi hồi qua…; vo tròn một/ nắm lời thề/ quẳng vào sọt cát/ lặng nghe gió rình (Nhẹ bước), cô đơn thậm thụt/ khuyết vay/lưới tình (Ngày lạ); em đàn bà từ anh - thường trực/ những khát khao không thể đặt vòng (Không thể đặt vòng)… Những con chữ như khâu lại, nắm, quẳng vào, thậm thụt, đặt vòng… là khẩu ngữ đời thường, Minh Đan đã trực cảm đưa vào câu thơ, và những chữ ấy đã trở thành những điểm nhấn tạo cho câu thơ sự lung linh, mới và mạnh mẽ, nhưng lại gần gũi với người đọc.
Thơ trữ tình của Minh Đan không du dương, luyến láy, tán tỉnh, mà mạnh bạo thách thức. Cách dùng ngôn ngữ dân gian rất khéo: phải men thì/ ủ thành vò (Ủ); em nói: tình yêu của anh/ bão táp hơn ngàn lần gió đấy! (Quyền lực trái tim), thế giới đua chen hụt hơi ganh tỵ/ vớt vát tin yêu khôn dại giả vờ… (Khoảng cách). Đọc một số bài thơ lục bát tình của Minh Đan bẻ vụn câu thơ ra tôi cứ mường tượng mình đang nhai bánh tráng mè thơm giòn đặc sản xứ dừa Bình Định.
Trong thơ trữ tình Minh Đan có nhiều câu thơ hay, tạo nên những thi ảnh lạ găm vào trí nhớ người đọc:
- lạc quan khâu lại những bồi hồi qua
- em nói: tình yêu của anh/ dâng cao lên ngọn đồi căng sữa
- giữa mùa trăng em muốn cúc áo này nới lỏng
- nụ sương/ thắt bím/ buộc lời gió trăng
- thôi xin hát dạo nắng mưa/ nâng khăn sửa túi cho vừa dại khôn
- gió hãy còn thẹn môi….
Có ai đó bảo rằng, người làm thơ như người luyện quặng. Phải luyện ngàn tấn quặng mới có một mi-li-gam thơ. Với nhà thơ, chữ thơ là tinh luyện quặng trong ngôn ngữ cuộc sống, tìm cái mộc mạc để diễn tả cái tinh tế, tinh diệu của tâm hồn. Minh Đan đã chạm được vào sự thần diệu của nghề luyện quặng chữ ấy, mới có những câu thơ hay như thế!
Là nhà báo, nên trong Phút 89 của Minh Đan có mảng thơ thế sự nói về nỗi đau thời cuộc rất quyết liệt. Minh Đan tấm lòng trong sáng - đối diện với sự nhơ nhớp, mờ đục của xã hội hàng ngày, một cô gái xinh đẹp như Minh Đan cũng không thể dịu dàng nhu mì được: Đi thẳng vào restroom soi gương xem có phải là mình/ chỉ ở đây còn người không tàng hình/ không đóng vai chính vai phụ cho vở diễn… (Trước & sau giờ tận thế). Chỉ có trong restroom con người là thật nhất. Đọc câu thơ sao mà xót xa!
Minh Đan viết về Tha hóa, viết chuyện Đêm nằm mơ thấy Bao Chửng khóc, Lấy chồng xứ lạ, Gửi Cụ Đồ Chiểu, Ma làng, Ngẫm, Anh hùng chân đất,… Bài thơ nào cũng lẫy ra được một hình ảnh, một cái tứ sâu để lên án các tệ nạn xã hội. Có những câu thơ Minh Đan đánh trực diện vào bọn sâu mọt: Có người giàu lên nhờ buôn chữ ký/ bán linh hồn cho quỹ dữ cầu thân/ thương lượng chức danh, ngã giá vàng ròng/ cuộc trao đổi chẳng khác gì đi chợ (Bút tích và nhân phẩm).
Bài thơ Đi qua cơn đói là bi hài cuộc sống, nhà báo phải nhường mẩu bánh mì sáng cho em bé đói ngấu nghiến, một cảnh đời cười ra nước mắt:
tôi náu cơn đói vào mẩu bánh mì vừa mới ra lò
bên kia đường một em bé lấm lem
hơi thở xem chừng đứt quãng
tôi nâng đời em bằng mẩu bánh mì không nhưn, không vị
em ngấu nghiến cơn đói hoành hoành, nuốt trộng giấc mơ thi sĩ
nắng tháng tư lênh loáng mắt cười…
Minh Đan lặng lẽ: khước từ bút tích sâu dòi/ tôi viết dòng thơ mang tên sự thật.
Đọc Minh Đan đúng là thơ của Con gái Bình Định múa roi đi quyền. Trong đấu tranh chống cường quyền thì: ta múa võ giữa chợ đời nhân thế…, Ta tranh đấu nghĩa là không uốn bút / soi lương tâm bình thản nghiệp đời.../ ta rong ruổi đi tìm ngày chưa tới (Ngẫm). Ngày chưa tới ấy chính là dân chủ, công bằng, no ấm cho nhân dân.
Cả trong thơ tình Minh Đan cũng có cách nói rất con gái Bình Định:
đôi khi muốn cưỡi lưng mây
phi thân đọt nắng vỡ ngày vừa nhen.
Có lẽ cái chất “Con gái Bình Định” đó đã làm nên giọng thơ của Minh Đan?
Phố Huế, 2013
NGÔ MINH
(Hội Nhà văn Việt Nam)