Trùng phùng giai điệu, nhưng đó là "giai điệu yêu". Tôi vừa đọc tờ Văn Nghệ số 10/2023 - số báo kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Tôi để ý trang 20+21 đăng thơ của 18 tác giả nữ- hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội viên Hội nhà văn T.HCM. Nhiều chị là hội viên cả 2 hội. Trong 18 tác giả, tôi biết 3 nhà thơ nữ Trần Mai Hường, Hoa Mai và Minh Đan (Nick Lọ Lem Đất Võ).
******
Tình yêu - đừng giải mã
Như em lúc này
Chi chít tên anh
(Đừng giải mã, Trần Mai Hường)
Đọc khổ cuối này, tôi nhớ câu chuyện: năm 1982 đến thăm cô bạn gái trong Đoàn thực tập tốt nghiệp ở thị xã Bạc Liêu, nhà cháu thấy chục tờ giấy bị gió lùa rơi lả tả dọc chân cầu thang từ trệt lên tầng 1. Nhà cháu nhặt lên thấy chi chít chữ "Minh Hải". Hoá ra cô bạn vì nhớ người yêu nên viết lên chi chít. Chắc đêm ngủ quên nên gió lùa vương vãi. Có điều rất thú vị: hồi đó Bạc Liêu và Cà Mau còn trong tỉnh Minh Hải, trùng tên người yêu của cô bạn gái.
Lúc ấy tôi chỉ lắc đầu: "Yêu đến thế là cùng". Nhân vật "em" trong bài thơ của Trần Mai Hường chắc không làm thế, hơn thế là "Chi chít tên anh" trong từng hơi thở, trong từng hồng cầu trong cơ thể nàng. Trai gái yêu nhau, nhớ nhau là hạnh phúc:
... Đã tận cùng nước lửa
Đã như thác như giông
Quên nổi nhau không?
Không quên được thì cứ nhớ
Có sao đâu
Đừng bắt lý trí và trái tim cãi nhau
Toà nào xử được...
Đúng là khi yêu nhau, người ta nhìn nhau bằng đôi mắt người say, nhớ nhau bằng tâm hồn say, và nữa- khi đã trộn nhau về thể xác, nhớ nhau tới tận cùng mùi thơm da thịt, "Mùi anh - dây trói em", (Trần Mai Hường). Hiện đại trong tuyên ngôn, mới mẻ trong khái niệm. Trần Mai Hường làm tôi nhớ câu: "Khi hết yêu người ta mới lý sự". "Đừng bắt lý trí và trái tim cãi nhau", (Trần Mai Hường). Lý trí len lỏi vào trái tim sẽ ăn mòn cảm xúc.
******
Hoa Mai trong "Hình như khói bay qua mắt" không "hung hãn" như Trần Mai Hường. Chị giới thiệu vẻ đẹp trắc ẩn, nhớ nhung, hoài niệm:
Những con sông đời anh đã vỡ
Những thác ghềnh em đã qua
Trong một chiều rơi êm ả
Thành dòng sông chảy hiền hoà
(Hình như khói bay qua mắt, thơ Hoa Mai)
Nhân vật "em" trong bài thơ này, theo tôi đã chấp nhận tình yêu trong sự an nhiên của số phận, biết "cài số ze" để ngắm nhìn, nhấm nhẳng tình yêu đọng lại trong hồi ức. Cũng có thể "em" đang hạnh phúc với 1 tình yêu viên mãn, tùy vào trạng thái người đọc. Người đọc thơ thường đồng sáng tạo mới là thơ hay.
******
Với Minh Đan, bài thơ "Trò chơi" đầy nghi hoặc. Chị đưa ra khái niệm:
"Cuộc đời đàn bà
Được phẫu thuật
Bởi rượu thánh đàn ông".
Tình yêu liệu có phải là "Trò chơi"?
Tôi không theo "chủ nghĩa bi quan" nhưng hoang mang:
Trò chơi như bữa tiệc
Ma quỷ lộng hành
Đỉnh điểm của hoang mang và hủy diệt
Người đàn bà
Nhảy xuống dòng sông
Đục ngầu thua thiệt
Thảng thốt: Ta chỉ là trò chơi của đàn ông?
(Trò chơi, thơ Minh Đan)
Theo tôi, bài thơ này dù là tiếng quẫy từ trong vô thức, nhưng vô thức ấy cũng bị ám ảnh từ hiện thực. Đấy là sứ mệnh nữ quyền giao phó cho tác giả. Rằng, thì là mà, trong cuộc sống, phụ nữ đang chịu nhiều thiệt thòi, ngay cả trong tình yêu. Nếu tình yêu là "bữa tiệc" thì sao nhỉ? Hôm nay người ta thích buffet, mai người ta thích dân dã; tất nhiên món tiệc sẽ phải thay đổi. Bài thơ, theo tôi, thông điệp chính, trước hết gửi đến thế giới "đàn bà": phải làm sao để mình không trở thành "món tiệc", "trò chơi" trong tình yêu?
Ghê đấy, tôi thiết nghĩ đàn bà chưa chắc đã là "cơi đựng trầu"?
9/3/2023
NDH