Làm báo, làm thơ, mặn tình đời… nhà thơ Minh Đan đã gửi đến độc giả “Tình riêng” (thơ 2008, NXB Hội Nhà văn), “Dấu chân hầm hô” (thơ văn 2011 – NXB Thanh Niên), “Ngày không bọt” (thơ 2012 – NXB Trẻ) và mới đây là tập thơ “Phút 89” (thơ 2013 - NXB Hội Nhà văn).
Tập thơ xinh xắn gói nỗi niềm qua 43 bài thơ, khổ 12 x 20 cm, tranh bìa 1 là ngọn lửa cháy rực, bìa 4 là con mắt đang mở ra quan sát, cọ xát với cuộc đời. Ngọn lửa của niềm tin, đam mê, hi vọng và bầu nhiệt huyết của người con gái đất võ Tây Sơn Bình Định ấy muốn trao gửi tiếng lòng qua thơ với thông điệp “tôi viết dòng thơ mang tên sự thật”.
Thơ Minh Đan phả hơi thở từ cuộc sống, ngồn ngộn tin báo chí: “Biết mình sống sót / sau giờ tận thế Maya” (Trước & sau giờ tận thế). Ta bắt gặp một nữ sĩ đang múa roi đi quyền: “Ta múa võ giữa chợ đời nhân thế… ta vung kiếm rõ những điều trách cứ… ta tranh đấu nghĩa là không uốn bút… ta rong ruổi đi tìm ngày chưa tới…” (Ngẫm).
Giọng thơ phá cách, lột mặt nạ, neo lòng mình đến với những phận bé nhỏ khác: “Bên kia đường một em bé lấm lem/ hơi thở xem chừng đứt quãng / tôi nâng đời em bằng mẩu bánh mì không nhưn, không vị / em ngấu nghiến cơn đói hoành hành, nuốt trộng giấc mơ thi sĩ / nắng tháng tư lênh loáng mắt cười” (Đi qua cơn đói)
Tình yêu trong thơ của nữ sĩ cũng không mượt mà ướt át như phim, mà nó là những dòng tự sự chân thành rất thật. Bài thơ “Thị Nở vùng lên” thú vị, dí dỏm, phái nữ đã “vùng lên, tự hào” nhân ngày Tám tháng Ba! “Kiêu hãnh mặc đời ghẹo trêu xấu hổ / hôm nay em ngước lên cao” Và quyết liệt, dứt khoát, không nửa vời làm nên một tính cách: “Đã quên/ quên tụt huyết say/ đã say/ say tụt những cay đắng/ vờ/ đã ngoan/ ngoan tưởng như mơ/ đã mơ/ mơ chín/ từng giờ ái ân” (Phơi). Điệp từ, ngắt nhịp, xé toang những ngột ngạt làm cho căng tràn sợi dây rung cảm để bật lên những ngôn từ nghe như có tiếng nước chảy, gió lay, nhạc tính dồn dập.
Hay như: “Giữa mùa trăng, em muốn cúc áo này nới lỏng / ngọn gió lùa làm thơm mát thịt da” (Em muốn…) Chữ tình làm ríu lòng nhau: “Anh không phải mùa thiên di/ sao nỡ cầm tinh con đại bàng hô mưa gọi gió” (Ngày xưa ơi!)
Nhà thơ đồng cảm với những người phụ nữ nhẹ dạ bị “đại gia” lừa tình, có chồng ngoại mong đổi đời nhưng canh bạc vẫn mãi còn đen.
Phút 89, phút gây cấn của trận bóng, phút của nói thật, phút của vỡ òa những niềm riêng nhưng là tiếng lòng chung của nhiều người. Người trẻ hôm nay trước những bộn bề cuộc sống, trước những vòng xoáy phố thị nhưng có phút thả lòng về nguồn cội, về lịch sử,… họ tự hào, rưng lệ và dấn bước cho hôm nay sống sao xứng với người xưa.
Bài “Chiều Củ Chi” đã phác họa lại chân dung thành kính, đẹp: “Lúc đói lòng niềm tin tha thiết vậy/ khoai mì cầm hơi giữ sức phút sinh ly… / Chúng tôi đi qua lũy chiến hào sâu/ những hầm chông ngủ lâu ngày thức giấc/ chiếc cọc nhọn đã bao phen rửa mắt/ lênh láng máu quân thù/ nắng tắt phía sau đồi/ chuyến về nguồn bỗng rơm rớm ướt/ lịch sử cài then – tức ngực/ trở lại phố đông/ chật chội bóng ngày”
Minh Đan khẳng định với thơ ca, phải: “Những con chữ thay thế giấc mơ/ những con chữ nằm nghe nhịp sống/ những con chữ không lẩn trốn/ những con chữ biết trở mình giữa chốn lao xao” (Điều kỳ lạ…). Để rồi nàng “Nằm mơ thấy Bao Chửng khóc”: “Đêm nằm mơ thấy Bao Chửng khóc/ áo hoàng bào bầm dập đòn roi/ nỗi đau như xé đất trời/ trảm sao hết những người xu nịnh” nhưng “nỗi buồn này giữ riêng mình biết/ niềm vui kia ban phát tri âm” (Khoảng cách).
Trước nhịp sống hối hả, bộn bề, Thiện – Ác giăng đầy, nhà thơ kịp cảnh tỉnh: “Chạy đi coi chừng bẫy thời gian/ chực xô người ta qua, giành giật người ta lại/ hơi thở hụt hẫng đến kiếp sau” (Chạy đi).
Ý thức công dân ngày càng rõ rệt, nhưng trên hết vẫn là tấm lòng nhân hậu giữa người với người. Chính điều đó làm cho Minh Đan ngày một gần, gần hơn với cuộc đời, với những bé, những chị, những buồn vui số phận cũng làm nhà thơ dễ mủi lòng san sẻ qua những con chữ hoạt náo, tiết tấu khi lơi, khi chặt, khi gấp rút ào ào mà cũng có lúc thủ thỉ tâm tình.
Dẫu cuộc sống có gì chăng nữa thì niềm tin yêu vẫn rực cháy trong Minh Đan, chị đã thắp ngọn lửa hồng ấy lên cùng chúng ta vượt qua những buồn vui thế sự đời thường: “Dậy đi! nắng nhả tơ trời/ lạc quan khâu lại những bồi hồi qua”.
Sài Gòn, 29.3.2014.
TRẦN HUY MINH PHƯƠNG