Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,907,581 lượt

Nhà báo - Nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên: Để mai sau bất chợt...

Chị bảo rằng:“Trong thời đại này, với một số người, làm mẹ đơn thân có thể là trào lưu, là một sự lựa chọn hạnh phúc độc lập mà không cần đến người phối ngẫu. Nhưng với tôi, bản thân phụ nữ sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi, vậy nên tôi luôn đồng cảm với những nỗi đau mà chị em hứng chịu, đôi khi rất nghiệt ngã…” và cái nhìn của nhà thơ về vấn đề trên, hạnh phúc dường như mong manh lắm, hiện lên từ ngòi bút của chị là bao niềm trăn trở, suy tư, dằn vặt nối tiếp nhau. Với ai đó, có thể chỉ một hoặc hai bài là đủ để giải bày, nhưng Minh Đan lại khác, nhà thơ đã có tới 12 bài thơ dành cho chủ đề ấy.

 

 

Hạnh phúc trong độc lập ư? Có thể là với ai đó, nhưng với Minh Đan thì khó mà có được hạnh phúc ấy. Với chị, ít ra là trong thơ, chỉ thấy toàn đớn đau của người đàn bà phải sống trong cô độc:

“em không rõ phải nếm vị chua cay thêm mấy trăm lần

thì người ta mới ngộ

hạnh phúc đi hoang bức tường niềm tin sụp đổ”

(TRƯỚC BIỂN)

“anh say nắng phương nào?

nỗi đau cào cấu

đêm

nhọc nhằn khâu vá vết thương” …

“những cơn say chẳng thể nào giấu được

cơn tỉnh bàng hoàng dốc ngược vết đau”

(NGƯỜI CŨ)

Người ta sinh ra để sóng đôi, để “đôi ta hòa làm một”, nên chẳng biết vì duyên cớ gì mà người đi kẻ ở, vẫn cứ mãi là chuyện nhớ, mong…

“về đi anh

đánh thức que diêm đỏ lửa trong em

đỏng đảnh nằm ngoài mép cửa”

(VỀ ĐI ANH)

Trải qua bao cung bậc của tình yêu, có gì đau đớn hơn chợt nhận diện sự thật phũ phàng:

“trò chơi như bữa tiệc ma quỷ lộng hành

đỉnh điểm của hoang mang và hủy diệt

người đàn bà nhảy xuống dòng sông đục ngầu thua thiệt

thảng thốt: ta chỉ là trò chơi của đàn ông (?)”

(TRÒ CHƠI)

Tuy mang một đề tựa khác, song dòng thơ vẫn nguyên vẹn nỗi đau:

“không là chồng, là vợ, mà ghen ngon

giọt giọt thương vay

em thành kẻ lạ

anh mê mải điều gì?

con đường nhiều ngả

vòng tay đầy ắp nhân tình”

(TÌNH NHÂN)

Hạnh phúc đâu chẳng thấy, toàn nỗi ê chề khi một mình đối diện với cô đơn:

“bao nhiêu yêu thương khâu kín một hình hài (?)

em rửa cơn buồn

bằng thứ mùi đàn bà phá giá

sợi tóc buộc câu yêu

lá vàng môi buông thả

nước mắt ứa nhựa thân xanh”

(MẸ ĐƠN THÂN)

Và khi nhìn lại, thực tại vẫn chỉ là thực tại của phũ phàng:

“em không thể tô vẽ mãi bình yên

khi lòng quặn sóng

nụ cười anh sang sảng là người chiến thắng

tay nắm chặt tay mà mạch máu đứt lâu rồi…

là tình nhân, em chẳng thể nữa rồi

đứa trẻ cần cha như nhà cần nóc

đã vượt qua bao điều khó nhọc

cớ gì còn hoài nghi?”

(TỘI ĐỒ)

“em ra lệnh cho cánh cửa đóng vào

cánh cửa quen mùi anh mở ra”

(BAO GIỜ ANH ĐẾN?)

Những trang thơ về chủ đề “Mẹ đơn thân” toàn là những câu thơ buồn về tình yêu đôi lứa. Minh Đan ngắm nhìn cuộc sống, qua lăng kính của người phụ nữ đã, đang có một mái ấm gia đình hạnh phúc, thế nên sự “đơm hoa nở nhụy” mà nếu chỉ duy nhất người đàn bà sở hữu sự kết tinh ấy, thì chỉ là bất hạnh. Điều đó có thể đúng với chị, bởi chị chưa hề là “người trong cuộc”, nhưng với những-bà-mẹ-đơn-thân, thì chắc gì đã đúng. Một sinh linh ra đời, gắn liền người vừa làm mẹ, vừa làm cha – đã tạo ra một thứ “hạnh phúc” mà những người bình thường khác không hề có.

Nhà thơ ghi rằng: “Ám ảnh tôi là cơn đói ùa về trên đôi môi khô khát của em, đôi mắt dại đi trong đêm mà thân tôi bất lực, thơ tôi bất lực… biết thế, nhưng sự sống vẫn phải tiếp diễn, gắn liền với mỗi số phận, đôi khi không có lựa chọn. Thơ đã cuốn tôi đi, trôi theo những đứa trẻ đường phố trên các ngã tư, ngã năm,… đầy khắc khoải” – để bắt đầu cho những bài thơ dành “tặng trẻ em đường phố”.

“cầm tập thơ thơm tay nghĩ về đồng xu lẻ

ước mỗi âm tiết mua được ổ bánh mì cầm hơi

dỗ dành em phút đói lòng, khát nước

ước mỗi bản thảo gói được nắm xôi niềm tin của ngày mai

thả vào ngón tay em hạt đơm nóng hổi”

(MƯA)

Trong cơn mưa nào, nhà thơ đã nhìn thấy… những thân phận nhỏ bé lang thang, với cái đói chực chờ. Và trên con phố nhỏ, chị đã đắng cay cho những đứa bé kiếm chút tiền từ trò múa lửa giữa đêm khuya:

“trao cho người nụ cười hồn nhiên

nhận về mình tiếng vỗ tay vô cảm

đói, rét quanh co phố phường lẩn quẩn

run rẩy làm trò hiệp sĩ mua vui

đứa con đường phố lạ, quen hơi người

dáng vóc thấp cao oằn mình gánh lửa”

(LỬA ĐỎ XOAY VÒNG)

Nhà thơ cứ đi, cứ thấy và đặt ra bao nhiêu câu hỏi về những đứa trẻ lang thang trên phố ấy, nhưng rồi bất lực, kể cả câu nguyện cầu nghe chừng mộng mị:

“có từ bi nào cho ngày túng quẫn?

nguyện cầu rác thành cơm”

(MẢNH VỠ)

Đứa bé nói với chị rằng: “Hai ngày rồi cháu chưa được ăn”. Và cháu được bữa ăn no.

“còn bao nhiêu lời thật vụt mất đời này?

đứa trẻ hai ngày cồn cào bụng đói

xong bữa cơm no, ngày mai… gió thổi

may rủi đến bao giờ?”

(XUỐNG PHỐ)

Chị bảo rằng “chọn nghiệp bút nghiên, là một lựa chọn chẳng mấy dễ dàng với tôi. Nhưng đó là nghiệp… trời đày. Tôi cháy trên từng trang thơ, bằng trách nhiệm và lương tâm, bằng niềm tin chưa bao giờ ngơi nghỉ là nguyện mong những điều tốt đẹp, hạnh phúc nhất cho dân, cho đất nước”. Bao chuyện đời ngang trái, bất công cứ hàng ngày hiển hiện, với ai đó hóa thành chuyện thường tình, nhưng với nhà thơ lại đau đáu nỗi niềm.

“hỏi trời, không buồn hỏi

đường xa đến ngút ngàn

gọi người, không buồn gọi

gần nhau mà thênh thang”

(PHẬN NGƯỜI TRÊN SÔNG PÔ KÔ)

Tương tự:

“những bộ óc bê tông rổn rảng trận cười

hể hả người mua, gật gù kẻ bán

ai xót thương phận đời xanh bóng?

ném cái nhìn lạnh toát chân không”

(LỜI CẦU CỨU)

“niềm tin mòn được cột sau xe

bánh thời gian cũng treo lủng lẳng

còn nhiều đêm trắng

ai thức cùng tôi viết điếu văn?

 

tôi lặng im mài chữ bên song

suối đã khô, đồng cỏ xanh đã cháy

biển vắng cá rồi, diều không gió để bay

niềm tin bó trong manh chiếu cột sau xe”

(NIỀM TIN)

“Phút Bù Giờ” – là những trăn trở hóa thành tiếng thở dài của tác giả, được chính Minh Đan xâu thành chuỗi bằng những con chữ thật buồn. Với ai đó là sự bất lực khi phải nghe, phải thấy bao câu chuyện buồn-không-nói-được, nhưng với nhà thơ, chị không lướt qua rồi bỏ trôi vào quên lãng mà lưu giữ lại cho mình, cho người yêu thơ… Để mai sau, bất chợt đâu đó có người còn nhắc nhớ về cuộc đời, về con người, về tình yêu… của những tháng ngày đã qua…

Sài Gòn, tháng Năm, năm 2021

BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN

Top