Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,905,179 lượt

Nhà thơ Ngô Văn Cư: "Xuống phố" qua con mắt người nhà quê!

Tôi đã đọc thơ Minh Đan nhiều nhưng chỉ là những bài thơ lẻ tẻ được đăng ở đâu đó. Trong những ngày cuối năm 2021 được tác giả tặng tập thơ PHÚT BÙ GIỜ và tôi có dịp đọc một cách có hệ thống những bài thơ sắp xếp trong một tập xinh xắn.

Tập thơ được gom góp trong mười năm với 36 bài chia làm 5 chương: Khâu múi nhớ, Phố trôi, Ghi chép vụn thời Covid, Nước mắt xé trời, Lương tâm cô đơn.

Trong 36 bài thơ, tác giả Minh Đan đã triệt để khai thác những vui buồn của cuộc sống. Từ những số phận hẩm hiu của phụ nữ làm mẹ đơn thân, đến mảnh đời bất hạnh của em bé ăn xin trên đường phố hoặc thức tỉnh lương tri con người trước đại dịch Covid - 19, đến chủ quyền của đất nước và tội ác của con người đối với thiên nhiên.

 

 

Sau khi đọc cả tập thơ, tôi lại chọn hú họa một bài theo kiểu bói Kiều. Và bài thơ chọn hú họa ấy là XUỐNG PHỐ trong chương PHỐ TRÔI.

XUỐNG PHỐ là một hình ảnh quen thuộc, thân thương, trần trụi, đời thường như một lẽ tự nhiên mà không cần tô vẽ vẫn bồi hồi xốn xang, da diết mỗi khi nhớ về. Tựa đề bài thơ gợi lên một bài bút ký hơn là bài thơ và tôi nghĩ, với tình tiết trong thơ có thể phát triển thành một truyện ngắn. Tác giả đã “Xuống phố” với tư thế một công dân bình thường:

“Thả bàn chân rệu rã xuống phố bằng đôi dép bệt

không giày cao gót thời trang xanh đỏ

không mác vật chất, truyền thông hỗ trợ

mặt mộc chính tôi”

Tác giả không tô vẽ mình, không lấp lửng để thi vị hóa hình ảnh thơ mà coi trọng những chi tiết “sần sùi, mộc mạc” của “bàn chân rệu rã xuống phố bằng đôi dép bệt”. Bàn chân rệu rã “không giày cao gót” ấy cùng với “mặt mộc chính tôi” có thể không phù hợp lắm giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Nhưng lại phù hợp với những trẻ em đường phố cùng cuộc mưu sinh nhọc nhằn:

“bước cùng là cô bé mồ côi

gầy trơ xương với chiếc lon nhôm thủng đít

nụ cười dỗi hờn những lằn roi chằng chịt

phủ kín khuôn mặt xinh”

Lại những chi tiết được miêu tả tỉ mỉ của “khuôn mặt xinh” đáng được sống trong môi trường học tập, vui chơi thực sự an toàn và lành mạnh; thì thực tế không như lý thuyết, cô bé “gầy trơ xương với chiếc lon nhôm thủng đít” và “những lằn roi chằng chịt” trên người. Hai con người bước cùng trên đường phố có hai tâm trạng khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ không giấu mình để tự an ủi rằng cuộc sống đang tốt đẹp. Sẽ không có gì xảy ra nếu cô bé không buộc miệng: “hai ngày rồi cháu chưa được ăn”, một câu nói như ngọn roi quất vào trái tim nhạy cảm của nhà thơ. Rồi việc làm của tác giả với cô bé khiến tác giả sẽ không phải hối tiếc, dằn vặt vì đã từng lướt qua vội vã, bỏ trôi một hoàn cảnh đáng thương.

Tác giả cùng cô bé “bước thấp bước cao ghé lại quán quen”. Ở đấy, sự tương phản giữa những số phận con người mới rõ nét. Ở đấy, không phải là “mặc mộc chính tôi” mà là:

“nơi huy chương đạo đức nói cười rổn rảng

nơi cao lương nhìn nhau làm dáng

mặc thánh thần chém gió vung tay”

Cuộc sống đất nước ta được nâng lên, miếng cơm manh áo không còn chật vật với nhiều người. Sự thừa mứa vật chất là có thật, nhưng chỉ ở một bộ phận tầng lớp xã hội nào đó; còn hầu hết người dân lao động vẫn còn nghèo nàn, thiếu thốn. Sự bình đẳng giữa những con người đã được cải thiện, nhưng đâu đó vẫn còn “những lằn roi chằng chịt/ phủ kín khuôn mặt xinh”. Bài thơ đã đi thẳng vào đề tài thế sự. Tác giả nhập cuộc với tư thế của người đứng về kẻ yếu thế trong xã hội qua câu chuyện cái ăn, cái mặc.

Tôi lại chợt nhớ đến bài thơ “Sở kiến hành” của Nguyễn Du: “Quan lớn không chọc đũa/ Tùy tùng chỉ nếm chút/ Thức ăn thừa đổ đi/ Chó no ngấy món ngon/ Biết đâu bên đường quan/ Có mẹ con cực khổ!”.

Thì ra thời nào cũng vậy, những trái tim nhạy cảm và đa cảm biết trân trọng số phận con người đều giống nhau. Những chi tiết nhỏ, vụn vặt trong thơ đã có sức mạnh lớn lay động lòng người.

Tất cả những điều tôi cảm nhận ở trên chỉ là hai hiệp đấu chính thức – nói theo kiểu bóng đá – khổ thơ cuối mới là “phút bù giờ”. Trong “Phút bù giờ”, Minh Đan đã sút vào lưới một đường bóng thẳng đến những trái tim vô cảm bằng những câu hỏi tu từ làm day dứt lòng người đọc:

“còn bao nhiêu lời thật vụt mất đời này?

đứa trẻ hai ngày cồn cào bụng đói

xong bữa cơm no, ngày mai... gió thổi

may rủi đến bao giờ?”

Trái bóng sút ở “phút bù giờ” nhẹ nhàng nhưng tạo nên một kịch tính hấp dẫn. Yêu ghét rõ ràng, thẳng băng, dẫu nhẹ nhàng nhưng không khoan nhượng với điều xấu, sự vô cảm.

Đọc thơ Minh Đan, tôi thấy mình rất hạnh phúc mỗi khi đi bộ trên đường làng. Con đường ngoằn ngoèo với những hàng cây lúp xúp và mọi người đều nghèo khổ như nhau, sự phân hóa giàu nghèo chưa sâu sắc và nhất là tình làng xóm, sự thương yêu đùm bọc còn gìn giữ. Chợt thương cảm với những nỗi đau của trẻ em đường phố trong thơ Minh Đan; những nỗi đau làm sáng lên hoặc làm u tối cái đẹp của mỗi con người.

Cảm ơn nhà thơ Minh Đan tặng sách và mời mọi người đọc bài thơ:

 

XUỐNG PHỐ

Thả bàn chân rệu rã xuống phố bằng đôi dép bệt

không giày cao gót thời trang xanh đỏ

không mác vật chất, truyền thông hỗ trợ

mặt mộc chính tôi

 

Bước cùng là cô bé mồ côi

gầy trơ xương với chiếc lon nhôm thủng đít

nụ cười dỗi hờn

những lằn roi chằng chịt

phủ kín khuôn mặt xinh

 

Ngày dài qua một lần nhìn

thành phố đong đưa

người quen thành lạ

bé lại gần tôi rụt rè ngấn lệ:

“hai ngày rồi cháu chưa được ăn”

 

Bước thấp bước cao ghé lại quán quen

nơi huy chương đạo đức nói cười rổn rảng

nơi cao lương nhìn nhau làm dáng

mặc thánh thần chém gió vung tay

 

Còn bao nhiêu lời thật vụt mất đời này?

đứa trẻ hai ngày cồn cào bụng đói

xong bữa cơm no, ngày mai... gió thổi

may rủi đến bao giờ?

2022

NGÔ VĂN CƯ

(Đọc và cảm nhận thơ Minh Đan)

Top