Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,907,566 lượt

Nhà thơ Đinh Tiến Hải: "Phút bù giờ" hạnh phúc từ... thơ!

Khoảng vài năm về trước, trong một lần lang thang trên mạng vô tình gặp trang Website của nhà thơ Minh Đan có biệt danh là "Lọ Lem Đất Võ”, tôi rất ấn tượng với tuyên ngôn bằng thơ của chị: "Trong sáng quá / không đuổi kịp lưu manh đang chế ngự / ta ngụp lặn vào thơ". Bẵng đi một thời gian, gặp lại "Lọ Lem Đất Võ” khi chị mới ra tập thơ "Phút bù giờ" do NXB Hội Nhà văn xuất bản quý IV năm 2021.

"Phút bù giờ" - cá nhân tôi gọi là phút bù giờ hạnh phúc... từ thơ.

Thực tế trong đời sống bất cứ điều gì trọn vẹn, viên mãn ở phút cuối cùng đều làm người ta vỡ òa cảm xúc. Tập thơ này đã giải tỏa được tâm trạng của chị ở những phút bù giờ.

"Phút bù giờ" với 36 bài thơ được chia thành 5 khúc: "Khâu múi nhớ"; "Phố trôi"; "Ghi chép vụn mùa covid" "Nước mắt xé trời" và "Lương tâm cô đơn".

 

 

Phần 1 "Khâu múi nhớ" tập trung khai thác về thân phận của những người vợ, người mẹ đơn thân. Chị luôn đồng hành với những nỗi đau, những vết thương lòng, những thiệt thòi của phụ nữ sau tình yêu, sau hôn nhân đổ vỡ. Có những giây phút bế tắc, tuyệt vọng, chán chường, làm thế nào để đứng lên và đi tiếp thì ở tập thơ này chị chính là người truyền cảm hứng, năng lượng cho những người mẹ đơn thân. Khi tình yêu và hôn nhân không mang lại hạnh phúc, việc chia tay là điều khó tránh khỏi, đừng làm khổ nhau, đừng tiếp tục nỗi đau, đừng làm tổn thương nhau và chị viết: "Đừng cố nhốt em nơi lồng son / bằng sợi dây thừng của tình yêu cuồng tín...". Người đàn bà cũ trong thơ chị cũng đầy kiêu hãnh, không cam chịu và vượt thoát "...bay đi, bay đi, bay đi.../ tình yêu nhốt nơi lồng son / là thứ tình hèn mọn / sao phải buộc ban mai?" Hoặc "...Tự nâng mình qua ngày giông gió / thăng hoa với cô đơn / không cần thuốc tê vỗ về vết đau / như cỏ cây vươn mình trên vùng phèn mặn / mặc tiếng chim mải miết săn mồi / thanh thản buông / em đàn bà không cần tình nhân".

Tôi mới kết bạn, không biết nhiều về chị. Nhưng đọc thơ, tôi có nói với Minh Đan rằng chị là người cá tính, bản năng và nhân hậu. Một người dám bộc lộ hết mình trong tình yêu, khát vọng yêu đến thành thực, trân trọng những giá trị và tận hiến trong tình yêu. Nhưng ngược lại cũng ghét cay, ghét đắng những giả dối, lừa gạt trong tình yêu. Bằng sự tinh tế của đàn bà, chị phát hiện ra những bất thường trong tình yêu "Những cơn say chẳng thể nào giấu được / cơn tỉnh bàng hoàng dốc ngược vết đau... Anh say nắng phương nào / nỗi đau cào cấu / đêm / nhọc nhằn khâu vá vết thương".

Tình yêu trong thơ chị không màu mè, giả tạo, vờ vĩnh. Đã yêu, tình yêu phải đẹp và lộng lẫy như một thánh đường. Đã quên, phải quên miên viễn.

Tôi đã từng ấn tượng với những câu thơ trong tập thơ: "Phút 89" của chị như "...Uống sao cho hết những chiều / tròn tròn khuyết khuyết liêu xiêu trăng gầy / đã quên, quên tụt huyết say / đã say, say tụt những cay đắng vờ / đã ngoan, ngoan tưởng như mơ / đã mơ, mơ chín từng giờ ái ân". Lối viết điệp từ của chị nhằm nhấn mạnh, khẳng định, biểu cảm tình yêu trong thơ và đưa đến thông điệp đã yêu phải hết mình dâng hiến, đắm say nhưng đã quên, quên đến "tụt huyết". Tôi chưa thấy ai có những tuyên ngôn lạ, thú vị và đầy liên tưởng đến vậy. Phải chăng đó cũng là một cá tính sáng tạo trong văn chương.

 

 

Hiếm thấy một người trẻ nào yêu thơ và thành thật với thơ như Minh Đan. Chị chia sẻ " tôi chọn nghiệp văn chương và lấy sự thật làm thước đo cho con đường mình đi". Cái sự thật ấy tạo cho chị một con đường riêng, một phong cách riêng trong hành trình sáng tạo. Chị không thỏa hiệp với cái xấu, cái thấp hèn. Con đường thơ cái chung rất nhiều, cái cá tính, cái riêng biệt thì rất ít. Chế Lan Viên đã từng phê phán những "nghệ sĩ con rối" không dám thể hiện mình. Phẩm chất của nhà thơ phải có ý thức trách nhiệm trước cuộc đời, có sứ mệnh thiêng liêng của thơ và ông nói "Thơ cần có ích / hãy bắt đầu từ đó mà đi". Chị cũng đã từng tuyên ngôn "chúng ta sống hay tồn tại bản năng? Im lặng hay cất cao tiếng nói? Những con chim trong lồng son múa rối / để mặc bầu trời cô đơn", người viết phải viết về số phận con người, thơ hay phải bắt nguồn từ vết thương. Trong "Phố trôi"; "ghi chép vụn mùa Covid" chị đã thẩm mỹ vết thương bằng trách nhiệm của một nhà thơ trên từng phận người, trên từng trang sách, từng câu thơ. Nhân vật có thể là đứa trẻ không nhà, em bé ăn xin, con người trước đại dịch, con người trước thiên nhiên. Những dự cảm, tiên lượng, nỗi đau và luôn hy vọng những điều tốt đẹp và mở ra trong "Phút bù giờ" sao cho cuộc đời thật viên mãn và hạnh phúc. Chị chấp nhận hi sinh những hạnh phúc cá nhân, quyết không im lặng trước những điều phi lý, phi nghĩa "...với tôi, bất kể sự im lặng nào cũng đều là sự thỏa hiệp, là sự cam chịu. Tôi quyết không im lặng, không cam chịu mà luôn tranh đấu vì cái tốt đẹp dẫu phải trả giá, hi sinh “cái tôi” để đến được đích cuối cùng là SỰ THẬT". Trách nhiệm công dân trong thơ chị đã chứng kiến, đã trải nghiệm những ngày tháng dịch bệnh đầy đau thương trên đất nước mình. Đặc biệt là Sài Gòn nơi chị đang sống và làm việc. Bổn phận của nhà thơ phải chạm đến số phận của con người từ chính lòng mình "Cầm mưa / nghĩ về đứa trẻ / tiếng khóc thành sông / tiếng gào thành sấm / lụt ở đáy lòng..." hoặc "nhổ nắng đi rồi / thành phố chỉ còn những chiều ươn ướt". Nhổ nắng, cầm mưa rất gợi và lạ nhưng sâu trong lòng là những cảm thức ám ảnh, trăn trở, day dứt trong ý nghĩ, suy niệm của chị trước cuộc đời của những đứa trẻ trong...Mưa.

Thơ Minh Đan nổi bật trong diễn ngôn. Cảm xúc mạnh ở nhiều cấp độ khác nhau như "Những cơn mơ thiếu oxy / thoi thóp vì đói khát / ngày ngày lên cơn co giật / liệu trình nào chữa vết thương" hoặc "Xác người bó trong manh chiếu / hồn xuân xanh vất vưởng phía lưng đồi" phản ánh sâu sắc cuộc sống bằng lối viết trực diện trước thân phận con người. Nhưng đằng sau đó là một trái tim ấm như chị từng chia sẻ "... tôi cháy trên từng trang thơ, bằng trách nhiệm và lương tâm, bằng niềm tin chưa bao giờ ngơi nghỉ là nguyện mong những điều tốt đẹp, hạnh phúc nhất cho dân, cho đất nước.".

Minh Đan sinh ra tại TP Quy Nhơn - Bình Định. Hiện nay chị đang công tác tại Lãnh sự quán Nam Phi tại TPHCM. Chị từng là Uỷ viên Ban Nhà văn trẻ; Ủy viên BCH Chi hội Nhà văn Gia Định, Hội Nhà văn TPHCM khóa VII - nhiệm kỳ 2015 - 2020. Chị bảo bây giờ em nghỉ và dành thời gian cho sáng tác. Từ 2008 đến nay chị đã có 7 đầu sách trong đó có "Phút bù giờ". Chị cũng chia sẻ rằng những cuốn sách bán được chị đã, đang dành gây quỹ học bổng hỗ trợ trẻ em nghèo.

Trong tập "Phút 89" của chị, tôi rất ấn tượng với bài thơ "Lạc quan khâu lại những bồi hồi qua" bằng lối viết lục bát rất mới "buồn ơi, buồn thế đủ rồi / chén tình đâu thể nhắp hoài đến mai / rã rời đêm, mệt mỏi ngày / bỏ đi cũng dở, nhặt chai hết lòng / ước gì mưa rớt đầy sông / buồn trôi theo nước tôi bồng vui đi / tặng ai kia đóa nhu mì / nụ cười nhú nắng , bờ mi khép hờ... dậy đi ! Nắng nhả tơ trời / lạc quan khâu lại những bồi hồi qua". Thơ Minh Đan nhiều câu hay, lạ, gợi và táo bạo. Nhưng toàn bài thì chưa hẳn đã cẩn trọng, chị viết tung tẩy trực diện bằng cảm xúc nên nhiều câu còn có phần khô cứng, chưa được gạn lọc kỹ.

Thơ tình Minh Đan có sự đồng cảm với nhiều cảnh ngộ. Nỗi buồn vừa đủ thấm, đủ ngấm, không giận hờn, trách cứ mà chị vượt lên đối diện với chính mình, hóa giải những mất mát, những muộn sầu nhân thế. Ru vỗ, xoa dịu, ân từ và độ lượng là điều chị hướng đến. Thơ lục bát của Minh Đan tạo được dư âm, dư hương trong lòng bạn đọc và điều này tôi gọi là phút bù giờ hạnh phúc của thơ.

ĐINH TIẾN HẢI

Top