Tôi đọc Minh Đan từ khi “Tình riêng”- tập thơ đầu tay của chị - ra đời (2008). Đến nay Minh Đan đã có hơn 4 tập thơ riêng xuất bản: Ngày không bọt, Phút 89, Phút bù giờ, Tình nhân cơn bão vừa ngang.
“Phút bù giờ” là tập thơ được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2021. Tập thơ chia làm 5 phần: Khâu múi nhớ; Phố trôi; Ghi chép vụn vặt mùa Covid; Nước mắt xé trời và Lương tâm cô đơn. 5 phần trên là 5 chủ đề được nhà thơ chọn sắp xếp theo đề tài để người đọc dễ theo dõi.
12 thi phẩm trong phần “Khâu múi nhớ” là những cảm nhận, suy ngẫm của tác giả về người phụ nữ không cần tình nhân, đơn thân “rửa cơn buồn bằng thứ mùi đàn bà phá giá/ sợi tóc buộc câu yêu/ lá vàng môi buông thả/ nước mắt ứa nhựa thân xanh…”. Đó là người phụ nữ “Ngồi dệt giấc mơ bằng sợi tầm gai/ khoả thân cởi mùa/ gọi nhau qua vách gió/ ngỡ lòng mình quý nhân/ trong vòng tay người thương… (Mẹ đơn thân). Để rồi “Trước biển”: “em cúi mặt khi bất lực đâm chồi/ cứa vào đêm/ biển còn say ngủ” từ đó “em hiểu mình thiếu đủ” và “ngộ” ra “mảnh vỡ nào im tiếng cũng cô đơn”. Sự cô đơn làm con người ta lớn lên, trưởng thành nhiều hơn để rồi có thêm nhiều bài thơ đầy vết thương đau đớn, nhất là khi “em” ở trong hoàn cảnh:
Em giờ người cũ rồi sao ?
hạnh phúc giòn tan bánh tráng dừa thơm mùi quê nẫu
anh say nắng phương nào
nỗi đau cào cấu
đêm
nhọc nhằn
khâu vá vết thương
(Người cũ)
Thơ Minh Đan có ngọn lửa tàng hình của tình yêu chứa nỗi đau mất mát, ngọn lửa âm ỉ rồi cháy bùng lên khát vọng được yêu, được sống hạnh phúc, nên đọc thơ chị, người đọc bị cuốn hút trước ngôn ngữ táo bạo trong sáng tạo, hình ảnh thơ có thật trong cuộc sống được nâng lên bằng nghệ thuật thi ca.
Tôi thích những câu thơ có ngọn lửa “cuồng tín” dưới đây:
Đừng cố đóng dấu đời em
bằng mộc đêm mang danh tôi-Chúa
hoặc:
tại sao lại là anh?
không phải gã khờ bước ra từ cổ tích
người đã đâm thủng tim non em nhiều nhát
người đã bất chấp thần linh xử tội tử hình…
(Đêm vỡ)
Minh Đan có những suy nghĩ về phận người xuất phát trải nghiệm, có khi từ những thu nhận ở cuộc sống. Thân phận và cuộc đời của người phụ nữ thật bất hạnh. Và cuộc đời của người phụ nữ “được phẫu thuật/ bởi rượu thánh đàn ông…”, “mà đàn ông găm lưỡi dao nhọn hoắt vào bóng tối” trong “khi người đàn bà cuồng quay khát vọng”, “giữa mênh mông biển ái” để rồi đau đớn, ê chề “nhảy xuống dòng sông đục ngầu thua thiệt” và thảng thốt nhận ra rằng: “ta chỉ là trò chơi của đàn ông” mà thôi!
Nhà thơ cũng là người phụ nữ nên không khó khi nhận ra tâm lý đàn bà, cũng ghen tuông, cũng giận hờn cho dù biết mình chỉ là nhân tình của người đàn ông:
Không là chồng là vợ mà ghen ngon
giọt giọt thương vay
em thành kẻ lạ
anh mê mải điều gì
con đường nhiều ngả
vòng tay đầy ắp nhân tình…
(Tình nhân)
Tình yêu cũng lạ! Yêu thì bất chấp, nhưng lý trí thì sáng suốt. Đôi khi nhân vật người đàn bà trong thơ Minh Đan “thiếu hẳn niềm tin” trong hành trình vô định khi yêu. Đến khi niềm tin bị đổ vỡ, người “đàn bà” ấy nhận ra sự dối trá được ngụy trang sau lời yêu chót lưỡi đầu môi của người đàn ông, đớn đau vứt “những lời yêu” “vào sọt rác” vì hiểu rằng “bởi đằng sau viên kẹo ngọt tẩm đầy hoá chất/ là lời dối trá được ngụy trang/ thật đến sững sờ…”. Và thông điệp “bay đi” thức tỉnh người phụ nữ: “tình yêu nhốt nơi lồng son/ là thứ tình hèn mọn” nên không thể buộc ban mai lại. Vì vậy người đàn bà trong thơ Minh Đan quyết định không cần tình nhân, trở về sống với riêng em: “hạnh phúc này, em sống với riêng em”.
Minh Đan có lối lập ngôn thật mới, thật sáng tạo. Đôi khi nhà thơ dùng phép nhân hoá “cánh cửa” nhận ra “mùi” và “bước chân” người quen nên “thức đợi” rất độc đáo. Em thì “lệnh cho cánh của đóng vào”, cánh cửa thì “quen mùi anh mở ra” như “mời gọi” nhưng rồi “anh” không đến để nỗi nhớ giăng đầy tim em và: “cánh cửa oằn mình/ cố níu giữ bản lề/ hết mùa đông” (Bao giờ anh đến). Đến khi sự chờ đợi ấy “đỏ lửa trong em” thì người đàn bà ba lần cất tiếng gọi “về đi anh” “mùi… ủ… chua… mời”. Hình ảnh “én rợp trời nam khâu múi nhớ” là hình ảnh sáng tạo có sự chuyển đổi cảm giác độc đáo…
Phần 2, với chủ đề “Phố trôi” có 9 bài thơ tặng trẻ em đường phố. Đó là những đứa trẻ đã ám ảnh nhà thơ trên những chặng đường đời mà tác giả bắt gặp. Đó là những đứa trẻ có số phận kém may mắn trong cuộc đời:
Cầm mưa
nghĩ về đứa trẻ
tiếng khóc thành sông, tiếng gào thành sấm
lụt ở đáy lòng
công viên chật một chỗ nằm
em trải đời vui bên thảm cỏ
sũng ướt nụ cười
sũng ướt hy vọng
sũng ướt vầng trăng mùa hạ…
(Mưa)
Từ đó nhà thơ ước mỗi âm tiết trong chữ viết của tập thơ có thể mua được ổ bánh mì: “dỗ dành em phút đói lòng khát nước/ ước mỗi bản thảo gói được nắm xôi niềm tin của ngày mai/ thả vào ngón tay em hạt đơm nóng hổi”. Ao ước đem lại no ấm, đem lại tiếng cười và hạnh phúc cho trẻ em rất đỗi bình thường nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao:
“Có phép thần tiên nào hóa tất cả thành cao lương?
Để tôi thết đãi những đứa trẻ bên đường”
(Mảnh vỡ)
“Phố trôi” có cả “Những mảnh đời sáng tối”. Đó là những mảnh đời của những đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ, “lang thang phố, đội nắng mưa” để rồi nhà thơ chiêm nghiệm về kiếp người trong cõi nhân sinh: “phận người vương kiếp đoạ đày/ trả vay chẳng hết chuỗi ngày lo toan” và kết rất nhân văn: “vòng tay ôm những phận người chở che”…
Năm 2020, 2021 những năm đại dịch Covid -19 diễn ra khủng khiếp. Đại dịch đã cướp đi hàng triệu triệu người trên trái đất. Nhà thơ Minh Đan khi đó cũng là một tình nguyện viên tích cực trong chiến dịch hỗ trợ bà con nghèo tại những khu vực cách ly với dây giăng, rào chắn tại TP.HCM. Nhưng, chị đã may mắn vượt qua vòng vây của dịch bệnh, đã trở về bằng cách lưu giữ những khoảnh khắc mà tâm hồn rung động đồng hiện qua ngôn ngữ tác giả, để chiêm nghiệm, để bộc bạch, và để động viên bản thân:
Thế giới không ngừng lo lắng về cô vy
loài người không ngừng chiến đấu vì cô vy
tôi không ngừng thức tỉnh chính mình
(Thức tỉnh)
Với ao ước chân thành:
ước mình là loài chim chóc
thư thả chuyền cành tắm nắng lượn vui
tự do hát lời tỏ tình bên cánh hoa xinh
không gợn nỗi niềm nhân thế
không lo dịch giã, cách ly
không buồn ai còn ai mất..
Nhà thơ nuôi niềm hy vọng về ngày mai:
dịch bệnh còn chưa đến ngày kết thúc
thì vắc-xin là những nụ cười
hãy giữ ân tình vào đôi mắt, thương ơi!
(Giữ ân tình vào đôi mắt)
"Ghi chép vụn vặt mùa covid" là những mảnh vỡ cảm xúc tâm trạng, với suy ngẫm, trải nghiệm của nhà thơ viết trong những ngày “Trốn dịch” có “ý niệm”, có “thức tỉnh”, có “giữ ân tình vào đôi mắt, có “đọc báo”, có nỗi đau của “nước mắt xé trời”, có “nước mắt mặn môi”, có “máu cây máu người”… thấm vào trái tim đa sầu đa cảm thi sĩ vọng vào lòng người đọc qua những câu thơ như có “máu chảy trên đầu ngọn bút” của nhà thơ.
Cuối cùng “Phút bù giờ” đọng lại là “Lương tâm” của một trái tim “cô đơn” giữa biển người với bao nỗi niềm về nhân tình thế thái, về số phận con người, đọng lại niềm vui nỗi buồn cho tác giả. Đó là “niềm vui chưa đi qua kẽ răng” đã “lên cơn bấn loạn” và “con đường nhỏ em đi/ nắng chưa kịp hong khô, mưa đã nhoà nước mắt…” bởi “những công trình tỷ đô/ cợt đùa như trò chơi” hoặc “dự án ghim ngàn tội lỗi”.
Và tôi thích hai câu kết của bài thơ “Lời cầu cứu” thể hiện quan điểm nhân văn của người cầm bút:
“tay cầm bút, chữ người đi trong gió
hồn xà cừ giãy giụa, quặn lòng đau”
Tác giả khép lại tập thơ bằng một nụ cười an nhiên gắn với tổ quốc, an nhiên bởi “trái tim con hai nửa chia đều/ phần tổ quốc, phần dành cha mẹ”.
Xin chúc mừng nhà thơ Minh Đan cho ra đời “Phút bù giờ” rất đáng đọc.
Tôi xin mượn những câu thơ thể hiện quan niệm sáng tác của nhà thơ dưới đây để khép lại bài viết này:
“Tổ quốc cần, con dẫu phải hy sinh
xin đừng khóc, tự hào về con nhé
chữ hiếu- trung, con nào xem nhẹ
ơn sinh thành, ơn cuộc sống bao dung
nghiệp bút nghiên, con đứng cạnh nhân dân
chia sẻ đói no buồn vui thân phận
nước mắt rơi
giọt riêng chung trộn lẫn
giấc ngủ chập chờn
thao thức biển đông
lạy cha mẹ
con lên đường ra đảo
con chỉ cười khi tổ quốc an nhiên”
(Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên).
Bình Định, tháng 8.2023
LÊ BÁ DUY