Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,593 lượt

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh: Tiếng nói giàu trực cảm từ "Phút bù giờ" của Minh Đan

Cầm trên tay tập thơ “Phút bù giờ”, tôi thấy Minh Đan rất “đặc biệt” trong cách đặt nhan đề. Trước đây là “Phút 89”, hiện tại là “Phút bù giờ”. “Phút 89” là nước rút rồi. Vậy “Phút bù giờ”, Minh Đan có gì mới? Có lật được tình huống mà chị đã từng thử thách mình không?

“Phút bù giờ” có 5 phần: Khâu múi nhớ, Phố trôi, Ghi chép vụn vặt mùa covid, Nước mắt xé trời, Lương tâm cô đơn. Từ những bi kịch, day dứt bên trong đến những éo le, khổ ải của cuộc thế đều dự phần làm nên chất thơ riêng của Minh Đan.

Chị lặn sâu vào con chữ, lặn sâu vào thăm thẳm bể đời, không phải tham vọng chứng minh sự hiện diện của một chủ thể đa bản ngã mà chỉ mong đủ “hát khẽ cho riêng mình nghe”. Vì thế, thơ như là những lời tâm tình thủ thỉ. Mạch cảm xúc nối tiếp nhau hình thành nên kết cấu tự sự, kể chuyện, trần tình.

 

 

1. Người phụ nữ thể nghiệm với chính mình

Trước hết, thơ Minh Đan là tiếng nói riêng tư với những trạng thái, cảm xúc chông chênh, đầy mâu thuẫn, nhưng dám nói, dám thổ lộ, dám đấu tranh cho khát vọng tình yêu cũng như những nhu cầu hết sức bản năng của bất cứ người phụ nữ nào. Người phụ nữ trong thơ chị luôn sẵn sàng đi đến tột cùng bản thể dẫu phải trả giá mấy trăm lần khổ đau, dẫu phải nhọc nhằn tự khâu vá những vết thương, bởi một lý do hết sức táo bạo: sự thể nghiệm.

Không chỉ thể nghiệm ở sự chia li, bị dối lừa mà còn thể nghiệm bằng chính thân xác của mình trong trò chơi của đàn ông. Người đàn bà thơ chị không giấu nhẹm nỗi đau, nỗi cô đơn, ngược lại, phản ứng/kháng, chấp nhận đối mặt để tự làm một cuộc thể nghiệm với chính mình. Bản nguyên nữ, do đó, khẳng định căn cước nổi loạn thơ chị: “bao lần khiêu vũ trong mưa/ tự nâng bước mình qua ngày giông gió/ thăng hoa với cô đơn” (em đàn bà… không cần tình nhân). Và cái nhân vị nữ giới thơ chị trọn vẹn hơn khi quăng quật trong vô biên nỗi đau: “cô đơn đóng khung chật cứng”, “đêm giăng đầy tim em”, “đếm tháng ngày méo tròn dằng dặc”.

 

2. Người phụ nữ với nỗi đau đời

Thơ Minh Đan giàu chất thế sự. 4 phần còn lại thể hiện rất rõ những tình cảm, suy tư của chị về thân phận của trẻ em đường phố, về những tháng ngày trong vòng vây của dịch bệnh, về nước mắt xé trời miền Trung, về thân phận con người,… Âm sắc nữ quyền vẫn là chủ âm của các phần này.

Ý thức phái tính thể hiện rõ qua cái tôi tự thuật giàu cảm xúc. Hay nói cách khác, những câu chuyện tự thuật đều được soi ngắm từ bên trong, từ tiếng lòng đầy yêu thương, trắc ẩn của chị. Trước những mảnh đời nhọc nhằn, trái tim chị không thôi thổn thức, bao la, rộng mở, thánh thiện: “bác sỹ thẩm mỹ bó tay/ ý nghĩ trong tôi gai nhú:/ ‘có phép thần tiên nào hóa tất cả thành cao lương?// để tôi thết đãi những đứa trẻ bên đường’” (mảnh vỡ). Những sẻ chia, đồng cảm, thấu hiểu không cầu kì, màu mè, tấc lòng ấm áp thế nào thì cứ thế chảy ra. Có lẽ vì thế, ở bài thơ nào, cảm xúc của chị cũng trào dâng, cháy trên từng câu chữ. Giọng điệu vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, vừa bao dung vừa riết róng, vừa sâu sắc vừa quyết liệt, xác tín một cái tôi nữ giới bản lĩnh, chân thành, giàu trực cảm cho “Phút bù giờ”.

Như vậy, phút bù giờ mà chị đặt nhan đề cho tập thơ chính là muốn nói đến những khoảnh khắc tột cùng được cháy hết lòng với bản thể, với đời. Trong sự chật hẹp, thúc bách mới thấy được giá trị thẳm sâu của nỗi đau, sức mạnh của vết thương. Và khoảnh khắc ấy cũng mang đến sự tự tin và lòng kiêu hãnh hết sức nhân bản: “điều hạnh phúc nhất là/ giữ được tiếng Người/ vươn thẳng mà đi” (ý niệm).

Minh Đan bộc bạch, chọn nghiệp bút nghiên đó là nghiệp trời đày. Mà xưa nay, thơ đày thì phải đày đến kiệt cùng mới đã đành! Nhưng nhờ thế, chúng ta mới có được những câu thơ day dứt viết từ sức ép của phút bù giờ, “viết từ dòng máu nóng”.

Quả thật, Minh Đan đã “cứa máu mình chỉ để thơ rơi”.

HOÀNG THỤY ANH

Top