Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,432,779 lượt

Nhà thơ Trần Nhương

Tôi đọc bản thảo tập thơ Phút 89 của Minh Đan một mạch rồi cất nó lên giá sách. Tôi không tiếp cận văn bản để xem trong mình sự rung động đến đâu, xem cái hương sắc của thơ Minh Đan có lưu lại sự nồng nàn nào không. Và trong tôi hiện lên một Minh Đan trẻ trung đến già dặn.

 

 

Thế đó, sự trẻ của chị ở những bài thơ tình yêu:

Uống sao cho hết

những chiều

Tròn tròn khuyết khuyết

liêu xiêu trăng gầy…

(Phơi)

Hay:

Chiếc cúc áo len lén

Bờ đá say sưa con nước rần rần

Chảy đi những lời nguyền từng làm ai bật khóc một lần

Cho ngày gọi tên hạnh phúc

(Không thể đặt vòng)

Và:

Anh thản nhiên đùa cợt thơ ngây

Như vừa hôm qua nhặt yêu đâu đó

Có lẽ nào anh không mắc cỡ

Gió hãy còn thẹn môi…

(Đời trinh nữ)

 

Tôi rất thích bài Giọt riêng của chị và hình như chỉ có Minh Đan mới có giọt riêng làm chết người như vậy:

gánh buồn đi

lạc phố trưa

vỡ bao nhiêu hạt nắng thưa xuống đường

bất ngờ mưa

dắt thắt lưng

hóa ra đời

nở tưng bừng

giọt riêng

(Giọt riêng)

Ôi cái giọt mưa dắt thắt lưng là cái giọt mưa nào vậy?. Sự phi lí nghệ sĩ khiến ta liên tưởng tới chiếc áo vắt trên cành hoa sen… Thơ lục bát dù xuống dòng cho tiết tấu nhấn mạnh hơn nhưng vẫn không giảm đi cái mượt mà dịu dàng nữ tính của nó…

 

Tình yêu và khát khao đàn bà đã làm Minh Đan không lẫn trong bề bộn thơ thời mở cửa:

anh đặt môi hôn lên mắt gió

tiếng thở căng mùi da non

em lên ngai từ mũi tên

bầu sữa thơm ngày thai nghén…

(Ngai tình)

 

Có một người trẻ Minh Đan lại già dặn trong đôi mắt nhìn nhân tình thế thái. Tôi thích thơ chị đã nhập cuộc cùng bà con lam lũ. Một cơn đói, một Tiên Lãng nổi sóng, một gã hàng xóm xấu tính, rồi ma làng, rồi đêm mơ Bao Chửng khóc… Một Minh Đan vừa dịu dàng, nồng nàn “khát khao không thể đặt vòng” nay thấy một Minh Đan đang hòa vào cuộc sống đồng bào, sẻ chia cái nghèo, cái khổ của bà con.

 

Người làm thơ có tâm lúc này không chỉ ngâm vịnh, tình tang, hoa nguyệt mà phải hướng ngòi bút về sự bất công, sự đau đớn của kiếp người bất hạnh. Đó là “những con chữ được tự do nói thật”. Có lẽ tôi không nên viết nhiều thêm nữa vì có nhiều lời cũng không thể nói hết con chữ Minh Đan gửi gắm. Hãy đọc từng bài, từng câu thơ của chị để cộng hưởng với một Minh Đan trong trẻo và chín chắn…

Hà Nội, 2013

TRẦN NHƯƠNG

(Hội Nhà văn Việt Nam)

Top