Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,484,617 lượt

Hội Nhà Văn TP.HCM: Tọa đàm biển đảo trong văn chương

Vào sáng ngày 08.10.2014, tại Nhà Sáng tác VHNT Vũng Tàu đã diễn ra cuộc toạ đàm “Biển đảo trong văn chương” khá hào hứng của một số nhà văn đến từ Sài Gòn, Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Biển đảo trong văn chương” là cuộc toạ đàm mini do nhà thơ Phan Hoàng chủ trì, với sự tham gia chủ lực của đoàn nhà văn Sài Gòn đang dự trại sáng tác văn học ở Vũng Tàu. Ngoài ra còn có các khách mời cũng đang dự trại tại nhà sáng tác này: nhà văn Nguyễn Quang Hà (Thừa Thiên - Huế), nhà thơ Nguyễn Anh Mỹ, hoạ sĩ Nguyễn Duy Dương, nhạc sĩ Đỗ Lập, nhà nhiếp ảnh Tăng Quầy (Hậu Giang) và hai nhà thơ của địa phương Vũng Tàu là Đào Xuân Mai và Khánh Vân. Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long từ Sài Gòn về thăm gia đình ở Vũng Tàu cũng được mời đến dự.

 

 Toàn cảnh buổi tọa đàm

Sau khi giới thiệu thành phần tham gia, nhà thơ Phan Hoàng mở rượu Vodka do nhà thơ Đào Xuân Mai tặng để mọi người cùng nâng ly. Anh mở đầu: Cuộc toạ đàm mini “Biển đảo trong văn chương” là một sinh hoạt mang tính tự phát của đoàn nhà văn Sài Gòn tham dự trại sáng tác. Mặc dù vấn đề biển đảo không còn “nóng” như cách đây vài tháng khi nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoa HD 981 và tàu chiến xâm phạm lãnh hải nước ta, nhưng biển đảo vẫn luôn là mối quan tâm và là đề tài, niềm cảm hứng thường trực cho mỗi nhà văn. Vì vậy, cuộc toạ đàm về biển đảo vẫn có ý nghĩa thời sự trong tình hình đất nước hiện nay.

Nhà thơ Phan Hoàng đã trân trọng mời nhà văn lão thành Nguyễn Quang Hà phát biểu đầu tiên. Bằng sự trải nghiệm qua những chuyến đi đến quần đảo Trường Sa và đảo Lý Sơn gần đây, ông tâm sự rằng: Đối với một nhà văn, trải nghiệm sống thực tế là điều hết sức quan trọng. Ông xúc động kể về những ngôi mộ gió của các đội hùng binh được ghi nhận từ thời nhà Nguyễn, để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Thời xưa phương tiện đi lại trên những chiếc thuyền mong manh, rất ít người trở về. Từ đó, người nhà những người lính đó đắp tượng lập mộ để hàng năm thắp hương cho họ… gọi là mộ gió. Tính những chuyến tàu chở lính ra đảo có đến 2,1 vạn người. Nhân dân đã xây nghĩa trang và lập đền thờ ghi nhớ công ơn người đã khuất. Hành trang của lính đảo bao giờ cũng có 1 thanh gươm, hai chiếc chiếu, 7 đòn dài khoảng 1.8m nếu chết thì dùng để bó người…

 

 Các nhà văn, nhà thơ TP.HCM tham dự buổi tọa đàm

 

Nhà thơ Đào Xuân Mai của Vũng Tàu là một cán bộ ngành dầu khí, mỗi năm anh có hơn 180 ngày ở ngoài giàn khoan nên có những trải nghiệm rất sâu sắc. Cũng nhờ đó anh viết rất nhiều thơ về biển đảo quê hương.

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ nói về việc anh cùng nhà thơ Phan Hoàng nảy ra ý tưởng về cuộc toạ đàm “bỏ túi” này và anh nhấn mạnh về “tâm thức biển” đối với hành trình sáng tạo của mỗi nhà văn. Theo anh, trước khi viết chúng ta cần có sự hiểu biết, có tư liệu và vốn sống, sau đó dùng kỹ năng để chuyển tải ngôn từ đến người đọc.

 

 

 

 Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ về tâm thức biển

 

Nhà thơ Ngô Liêm Khoan cũng đã nhấn mạnh trở lại ý kiến của nhà văn Trần Nhã Thuỵ về “tâm thức biển”, chỉ có điều làm sao ta chuyển tải được tâm thức và vốn sống thành con chữ, thành tác phẩm. Tác giả của tập thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương cũng là người con của biển Quy Nhơn, Bình Định nên biển cũng "ăn sâu" vào tâm cảm mình.

Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Hồng Lam kể về chuyến công tác đặc biệt trên tàu cảnh sát biển trong những ngày Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa nước ta. Anh từng chứng kiến việc tàu tuần tra Liên hợp Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau làm việc, cả sự “xấu hổ” của các đồng nghiệp báo chí Trung Quốc trước sự tấn công của tàu Trung Quốc đối với tàu Việt Nam…

 

 Nhà văn Nguyễn Hồng Lam chia sẻ cảm hứng sáng tác đề tài về biển đảo

 

Tất cả nhà văn, nhà thơ tham dự toạ đàm đều phát biểu và kết thúc bằng những bài thơ tâm huyết của mình về tình yêu biển đảo.

Nhà văn Bạch Nhật Phương nguyên là giảng viên sinh học Đại học Đà Lạt, dù viết văn xuôi nhưng rất yêu thơ và bà đã đọc hai bài thơ À ơi biển hát, Quà trung thu gửi biển đảo. 

Nhà văn Nguyễn Mạnh Cường xuất thân cán bộ lâm nghiệp thì cho rằng biển đảo là nguồn cảm hứng giúp các nhà văn Việt Nam có thể… hy vọng chạm được giải Nobel(!) Ông cũng cao hứng đọc một bài thơ thú vị về lịch sử đất nước.

Các nhà thơ Minh Đan, Nguyễn Nguyên Hùng, Mai Khoa, Nguyễn Thị Thanh Long, Vương Chi Lan, Nguyễn Anh Mỹ… cũng tham gia phát biểu và đọc thơ về biển. Riêng nhà thơ trẻ Minh Đan, tác giả của chùm thơ viết về biển đảo đầu tiên “Ngẩng cao đầu khẳng định chủ quyền” đăng trên website của Hội Nhà văn, với vai trò là một nhà báo chuyên trách mảng kinh tế của báo Vietnam Potentials Magazine (VCCI), cũng đã chia sẻ thêm về cơ duyên sáng tác chùm thơ về biển đảo này nhân chuyến công tác ở Đà Nẵng.

 

 Nhà thơ Phan Hoàng - Vũ Thanh Hoa - Minh Đan

 

Nhạc sĩ Đỗ Lập của Hậu Giang đã làm sôi động khan phòng bằng lá cờ Tổ quốc thể hiện tình yêu biển đảo và một ca khúc mới sáng tác của ông.

Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi, lý thú bởi sự giao lưu giữa các nhà văn đến từ nhiều địa phương khác nhau, mang đến cái nhìn đa diện, sâu sắc hơn về đề tài biển đảo. Dù đã 12h trưa nhưng vẫn còn nhiều nhà văn muốn phát biểu, tuy nhiên “chủ xị” Phan Hoàng xin lỗi để… ăn trưa và tiếp tục nâng ly thưởng thức rượu ngon Vodka của Nga.

MAI KHOA - HỒNG LAM 

Top