Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,377 lượt

Báo Công an Nhân dân: Nhà văn trẻ và ý thức về sự sáng tạo khác biệt

Sự rập khuôn, công thức là một trong những căn bệnh cản trở phát triển văn học. Những người mới bước vào con đường sáng tác không phải ai cũng thấu hiểu được căn bệnh này. Đó là lý do diễn ra cuộc tọa đàm mini "Văn trẻ ý thức về sự khác biệt" trong khuôn khổ Trại sáng tác văn học tại Vũng Tàu do Hội Nhà văn Sài Gòn tổ chức vào giữa tháng 10/2014, thu hút ý kiến của nhiều nhà văn trẻ...

 

Chủ trì tọa đàm là nhà thơ Phan Hoàng. Theo anh, chưa bao giờ lực lượng viết văn trẻ xuất hiện đông đảo như hiện nay, đặc biệt là ở Sài Gòn. Mỗi người khi bắt đầu cầm bút đều viết bằng bản năng - cảm hứng, sau đó mới tìm sự khác biệt cho con đường văn chương của mình. Tuy nhiên, không phải tác giả nào cũng có ý thức tìm kiếm sự khác biệt mà chỉ loay hoay lặp lại những cái cũ, từ đề tài đến nghệ thuật biểu hiện. Lặp lại của người khác là điều bắt buộc phải tránh, lặp lại chính mình càng nhàm chán hơn. Có không ít bạn viết không chỉ ở giới trẻ, và nhất là lĩnh vực thơ, cách thể hiện khá giống nhau. Nếu gộp thơ của họ vào chung một tập, không để tên tác giả thì cứ ngỡ là do một tác giả viết. Ấy là nỗi đau của người cầm bút. Mỗi nhà văn cần ý thức tìm cho mình con đường sáng tạo riêng, không gian thẩm mỹ riêng và luôn luôn phải tự đổi mới, nâng tầm mình lên. Tất nhiên, để tạo dựng được sự khác biệt thì đòi hỏi, ngoài tài năng, nền tảng văn hoá, người viết còn phải không ngừng học hỏi, trải nghiệm, tìm tòi cho trang văn của mình.

 

 Nhà thơ Phan Hoàng

 

Nhà thơ trẻ Ngô Liêm Khoan - tác giả tập thơ mới "Những tấm ván trên cầu Hiền Lương" đang được dư luận quan tâm cho rằng nói đến sự khác biệt là nói tới ý thức về sự khác nhau trong lao động sáng tạo. Vì sao văn học Việt Nam vẫn chưa sánh được với những nền văn học lớn trên thế giới? Có lẽ chúng ta chưa tạo nên sự khác biệt, chưa xem văn học là một khoa học, chưa tích hợp được kinh nghiệm sáng tác từ những tác phẩm lớn để "phát minh" ra con đường mới cho mình. Văn trẻ chủ yếu chưa thoát những đề tài vụn vặt thường ngày, chưa quan tâm đến những vấn đề mà đời sống xã hội đang đòi hỏi ở chúng ta. Nhà văn Việt Nam cùng thế hệ thường có cách nhìn giống nhau, cách viết giống nhau. Vì lẽ đó, để có cái nhìn khách quan hơn về lịch sử, về chiến tranh, và khác với thế hệ đi trước, anh đã dồn tâm sức trong mấy năm qua để sáng tác nên tập thơ mới trình làng.

 

 Nhà văn Tiểu Quyên và Nhà thơ Ngô Liêm Khoan

 

Nhà thơ trẻ Ngô Thị Hạnh cũng vừa xuất bản tập "Thơ tình với Sài Gòn" cùng lúc với "Những tấm ván trên cầu Hiền Lương" của Ngô Liêm Khoan. Chị cho hay, những người làm thơ có thể viết giống nhau về đề tài nhưng phải khác nhau về cách thể hiện. Nhà thơ phái đẹp này còn cho biết, trước đây không thích thơ Tân hình thức, nhưng gần đây qua tìm hiểu sâu hơn chị cũng đã thử làm một số bài thơ về loại hình này, cũng là một cách đi tìm sự khác biệt cho thơ mình.

 

Nhà văn Nguyễn Hồng Lam, tác giả đã in 7 đầu sách gây bất ngờ khi tâm sự rằng, anh luôn tự vấn vì sao mình nhanh chán mình. Tất nhiên là chán trang viết, chán những đứa con tinh thần của chính mình. Có lẽ vì chán nên mới có cảm hứng để viết cái mới. Theo anh, các nhà văn thế hệ trước thiên về kể chuyện. Các tác giả thế hệ sau này thì giảm kể chuyện nhưng hơi quá sa đà vào khuynh hướng tự hiện. Trang viết của họ rất lan man, chủ yếu nói về cá nhân, bộc lộ cái tôi của mình. Người đọc ít tìm thấy hình ảnh và sự đồng cảm của họ trong đó. Nhiều nhà văn nước ngoài viết về những đề tài giản dị nhưng đọc thấy hay và gần gũi, còn các nhà văn Việt Nam viết về đề tài nước mình nhưng đọc thấy xa lạ, đôi khi phản cảm. Theo anh thì "trong một thời gian dài, quá dài, văn chương Việt được sáng tạo với quá thừa cảm hứng cá nhân nhưng thiếu vắng cảm thức dân tộc, thời đại… Loay hoay với tham vọng tự bộc lộ cái tôi, trang viết đang tự bó buộc độ lớn của chiều kích, bó buộc khả năng lan tỏa. Tác phẩm không thoát ra được biên giới vùng miền và khoảng thời gian chính tác giả đang sống. Nguyễn Hồng Lam từng theo đuổi đề tài giang hồ Sài Gòn và viết dưới dạng ký sự vì anh quan tâm đến những số phận bên lề nhưng có cuộc sống đến… tận cùng. Để đi đến sự khác biệt thì trang văn trước hết phải sống động, có cá tính và số phận.

 

 Nhà văn Nguyễn Hồng Lam

 

Một cây bút quen thuộc của Vũng Tàu được mời dự tọa đàm cùng bạn văn Sài Gòn là nhà thơ trẻ Vũ Thanh Hoa. Về ý kiến của nhà thơ Phan Hoàng nói rằng hiện tượng các nhà thơ trẻ viết "na ná" nhau về phong cách và giọng điệu, chị không cho đó là nguy cơ. Bởi lẽ, nếu nhìn vào giai đoạn thơ trước đây, cụ thể là thơ thời chiến tranh, nếu giả sử ta bỏ chung một số bài của các tác giả tiền bối cùng với nhau mà không ghi tên người viết thì cũng khó nhận ra từng gương mặt họ. Vì đó là tiếng nói chung của một thời đại, diện mạo chung của một thế hệ. Ở đây là thế hệ thơ của sau những năm 2000, của các nhà thơ lứa 8X-9X. Nhận diện được hẳn một dòng thơ, một đặc trưng thời đại thì đó lại là điều đáng mừng. Đừng bắt những người trẻ phải sống khác hiện thời của mình, viết những giọng điệu xa rời cuộc sống. Còn họ viết hay đến đâu, bế tắc hay đơn điệu thì lại là vấn đề khác. Cũng theo Vũ Thanh Hoa: "Những người viết trẻ bây giờ thường không kiên trì theo đuổi con đường văn chương. Có thể ngày trước, danh xưng nhà văn được xã hội trọng vọng hơn, dù có thể sự kính trọng ấy mang tính hình thức. Ngày nay, cuộc sống thực dụng nhiều, những người trẻ tuổi có nhiều nghề nghiệp khác để chọn lựa".

 

 Ba Nhà thơ Phan Hoàng - Vũ Thanh Hoa - Minh Đan

 

Ở một góc nhìn khác, nhà văn trẻ Tiểu Quyên cho hay, trong suốt những năm tháng đi làm báo, tiếp cận với nhiều lĩnh vực nghệ thuật, chị hiểu sâu sắc rằng không riêng văn chương mà bất kỳ lĩnh vực nào người sáng tạo cũng cần riêng một phong cách, một sự khác biệt cần thiết mới có thể khẳng định được tên tuổi, giá trị lâu dài. Một đạo diễn đã từng nói với chị: sáng tạo - chưa bàn đến chất lượng hay dở nhưng chỉ cần tạo được sự khác biệt, phong cách riêng không trộn lẫn có nghĩa là bạn đã có một bước thành công. Trong văn chương cũng vậy, chị đã từng nghe nhiều câu hỏi kiểu như: bạn bị ảnh hưởng bởi ai, phong cách sáng tác nào? Và chị không thích ai đó trả lời rằng: tôi bị ảnh hưởng bởi nhà văn A, B,C hay X,Y,Z mà mong nhận câu trả lời của những người trẻ: có thể thích nhà văn này hay thần tượng nhà văn khác, nhưng khi viết, phong cách đó là của tôi, do tôi lựa chọn và sáng tạo không trộn lẫn. Tiểu Quyên cho biết thêm: "Có lúc văn trẻ bị đánh giá là "ăn xổi", "nổi tiếng thời vụ" và rồi từ đó cứ bị đánh đồng rằng văn trẻ không có dấu ấn, không tạo được sức bật. Tôi cho rằng như thế là không công bằng với người viết trẻ khi mạch ngầm sáng tạo vẫn âm ỉ và người trẻ đang dần nỗ lực khẳng định mình. Đã có những sự xuất hiện của những tên tuổi trẻ được đánh giá cao với những lựa chọn nghiêm túc và sáng tạo khác biệt từ thể loại đến đề tài, phong cách. Hãy cho người trẻ thời gian".

 

Nhà thơ trẻ Minh Đan thì cho biết thường chọn khai thác góc nhìn khác trên nền đề tài cũ để thể hiện "cái tôi trong thi ca" của mình. Đó không phải là cái tôi ích kỷ mà là sự dấn thân của cá nhân. Bản thân chị cũng từng trải nghiệm làm thơ Đường, Haiku, lục bát,… nhưng cuối cùng vẫn thấy thích thú hơn với thơ tự do, vì nó không gò bó con chữ vào niêm luật, vần điệu, hay hạn chế khả năng biểu đạt tình cảm tự nhiên của con người. Mặt khác, "mảnh đất" ấy quá rộng để tung tẩy khai phá theo ý mình mà không cần lo sợ những giới hạn của khuôn phép. Chị nói: "Như nhiều bạn văn trẻ khác, thơ tình một thời ngự trị trong các tác phẩm của tôi. Nhưng từ năm 2013 trở đi, tôi bắt đầu tìm tòi hướng đi mới, dấn thân sâu hơn vào đề tài thơ thế sự, một phần chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nghề báo, viết như để bày tỏ trách nhiệm công dân với Tổ quốc mình; mặt khác tôi muốn gìn giữ sự trong sáng của thơ ca trong các mối quan hệ xã hội".

 

Một gương mặt thơ trẻ phái nữ khác là Vương Chi Lan đồng tình rằng đa phần các bạn trẻ viết na ná giống nhau về đề tài. Các bạn đang đổ đồng với xu hướng nhất thời, nóng sốt, không đi sâu khai thác vào nội tâm, mà chú trọng cái bên ngoài, cái hình thức. Thơ như một sứ mạng, có thể cứu sống người, thay đổi cả một số phận con người. Thơ không phải để viết nghe vui tai giải tỏa nhất thời mà thơ làm cho tư tưởng con người mới hơn, suy nghĩ khác đi, vượt lên những nghịch cảnh hướng đến cái đẹp, cái mới, cái hoàn thiện hơn.

 

Cùng có mặt ở tọa đàm của bạn trẻ, nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Sài Gòn cũng góp ý kiến: Lý luận như rừng rậm, nếu người viết chưa có trải nghiệm sống thì khó nắm bắt được lý luận. Văn thơ chỉ có hay và không hay, giống như công nghệ thông tin chỉ có hai phần cứng và mềm. Có cái hay mà mọi người đều tôn vinh, như "Truyện Kiều". Có cái hay theo từng đối tượng. Nhưng muốn hay thì phải trung thực với lòng mình, biến cái lạ thành quen. Văn chương cần có nghệ thuật khác biệt nhưng khác biệt đến cực đoan thì dễ rơi vào bế tắc. Những trò giả vờ chỉ có thể lừa vài người, chứ không thể tồn tại bền lâu trong lòng người đọc.

HÙNG PHAN

(LINK BÀI GỐC: https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Nha-van-tre-va-y-thuc-ve-su-sang-tao-khac-biet-i333095/)

Top