Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,305 lượt

Tạp chí Sở hữu trí tuệ: Dấu ấn 'Khát vọng phương Nam'

Sau 3 năm tạm ngưng vì đại dịch Covid-19, Ngày thơ Việt Nam năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra với chủ đề “Khát vọng phương Nam”.

Ngày thơ Việt Nam năm 2023 tại TP.HCM thể hiện mong muốn của Hội Nhà văn TPHCM, tiếp tục đồng hành với cán bộ, chiến sĩ và người dân TP.HCM trên con đường xây dựng một đô thị tầm cỡ quốc tế, mà hạnh phúc của mỗi con người vừa là trung tâm và cũng là động lực của sự phát triển.

 


Đông đảo khách mời và người yêu thơ tham dự chương trình "Ngày thơ Việt Nam" tại TP.HCM.

 

Thi ca, khởi điểm từ buồn vui của mỗi con người, nhưng thi ca không đứng ngoài sự được - mất của từng số phận và của cả cộng đồng.

 


 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu.

 

Chương trình khai mạc có nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, là dịp để độc giả yêu thơ được gặp gỡ những nhà thơ nổi tiếng, được nghe chính tác giả cất lên giọng thơ của mình. Các thế hệ nhà thơ tiêu biểu như Lê Tú Lệ, Bùi Phan Thảo, Phạm Phương Lan, Trần Mai Hường, Nhật Quỳnh, Minh Đan, Nguyễn Phong Việt… đã cùng hòa chung trong một chương trình, thông qua những thi phẩm của mình, cùng đánh thức “Khát vọng phương Nam” - khát vọng cống hiến, khát vọng của lòng nhân ái, bao dung.

 


Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu khai mạc.

 

Điểm nhấn chính là Con đường thơ, nơi trưng bày thơ, hình ảnh, tiểu sử… của các nhà thơ tiêu biểu, gắn bó với vùng đất phương Nam qua năm tháng như Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tuấn Khải, Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Viễn Phương, Chim Trắng…

 


Ông Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo TP.HCM - đánh trống khai hội.

 

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thống của ngày thơ được duy trì như cụm lều thơ của 24 câu lạc bộ thơ tại TPHCM cùng sinh hoạt và giao lưu với nhau; sân thơ trẻ chủ đề “Góc nhỏ thành phố” giới thiệu 19 gương mặt thơ trẻ nổi bật của TP.HCM và Tọa đàm “Dòng thơ giữa phố” thảo luận sôi nổi về các khuynh hướng sáng tác…

 


Tiết mục trình diễn thơ khát vọng bình yên.

 

Ngày thơ Việt Nam năm nay có sự đầu tư kỹ lưỡng, nổi bật là cụm thiết kế cảnh quan và sân khấu với ý tưởng sáng tạo của đạo diễn, tạo thành một khối tổng thể, sinh động, nhiều ý nghĩa, với các phần quan trọng như cổng chào, đường thơ, poster, sân khấu chính và sân khấu thơ trẻ, bên cạnh hệ thống các dãy lều thơ được bài trí, trình bày hấp dẫn…

Nhân dịp này, Hội Nhà văn TP.HCM còn trao giải cuộc thi bút ký “Những hy sinh thầm lặng”, được phát động vào đầu năm 2022.

 


Trao giải cho các tác giả

 

Cuộc thi nhằm tri ân những tấm gương hy sinh cứu người bệnh của các y bác sĩ; sự dấn thân của các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hai năm qua; những hy sinh thầm lặng của cả hệ thống chính trị, của người dân TP HCM và cả nước trong những ngày phòng chống dịch, trong điều kiện giãn cách xã hội.

Giải nhì (không có giải nhất): "Di sản từ trái tim Cường béo" - tác giả Hải Văn, "Màu xanh của bác sĩ Nhẫn" - tác giả Anh Thư.

4 giải ba: "Kỳ nữ Kim Cương gieo yêu thương, gặt nhân ái" - tác giả Thanh Hiệp, "Cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng"- tác giả Hoài Hương, "Chữ tình đọng lại" - tác giả Ngọc Lan, "Tình Sài Gòn cưu mang tôi, nay tôi gởi lại Sài Gòn" - tác giả Minh Đan.

4 giải tư: "Nơi chỉ có tiếng máy thở monitor" - tác giả Phạm Thị Toán, "Sứ mệnh mới của cha đẻ ATM gạo" - tác giả Nguyễn Ngọc Khuyến, "Tim đập lại rồi, bác sĩ ơi" - tác giả Nguyễn Thành Úc, "Cha và con tình nguyện vào Nam chống dịch" - tác giả Nguyễn Thị Bội Nhiên.

ANH HUY

(Link bài gốc: https://sohuutritue.net.vn/dau-an-khat-vong-phuong-nam-d155891.html?fbclid=IwAR3O8vpEAlR2GWLgFwOl01JSWXfGFQvW8bXl98UUS7Hq3zqsDyn853IuU-w)

Top