Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,172 lượt

Báo Chính luận: Một đóa quỳnh giữa đêm ba mươi trừ tịch

Là một thi sĩ trẻ, sinh năm 1979 nơi đất võ Tây Sơn, Bình Định. Là cô gái duy nhất trong một gia đình mô phạm. Cả dòng họ được hấp thụ bởi khí thiêng sông núi của vùng Tây Sơn Hạ. Với Linh Sơn-Giang Kiệt này đã hun đúc nên anh em nhà Tây Sơn tam kiệt, một Bùi nữ tướng kiêu hùng… đã làm rạng rỡ non sông. Và oai thiêng ấy ngàn đời bất diệt. Dòng họ bên ngoại của nữ sĩ cũng nằm trong dòng chảy đó.

 

 

Những con chữ khước từ ủy ban

Những con chữ xung phong ra trận

Những con chữ vác đạn lên đường

Những con chữ gật đầu nổ súng

 

Giữa bầu trời của đêm 30 mờ tỏ… đêm giao thừa của một chính thể đã tàn phai, cuối thiên hà lấp lánh một vì sao. Ánh sáng tuy yếu ớt cuối bầu trời nhưng cũng đủ giúp cho những người lạc bước tỏ được đường đi lối về…

 

Giữa đêm 30 trừ tịch… thoang thoảng một mùi hương của đóa Quỳnh cũng đủ thơm lòng những kẻ lầm đường, lạc lối đang quay về nguồn cội để hội ngộ bên bếp lửa hồng. Nói gần hơn là từ ngôi sao côi cút cuối thiên hà cùng đóa Quỳnh hương đêm 30 trừ tịch là một tiếng chuông đánh thức lòng người VN hàng thế kỷ qua đã ngủ mê trong đêm tối, trong đường hầm mà chưa tìm ra lối thoát, chưa ngộ được cõi đi về… với sự ray rứt, trăn trở rồi phẫn nộ thét gào trước niềm đau của dân tộc, của nước non. Trong bão tố chen lẫn đóa Quỳnh tươi, vạn vạn lớp sóng bạc đầu, bập bềnh loài hoa biển. Trong phẫn nộ lại có trái tim hồng trải lòng với tình yêu không kém phần dạt dào lãng mạn… Tất cả những thứ đó kết tụ lại để vén bức màn u tối, đánh tan đám sương mờ đang bao phủ bầu trời Việt Nam.

 

Trên đây là khúc đầu để nói về một nhà thơ nữ đang lóe trên bầu trời nước Việt. Nữ sĩ: MINH ĐAN 

 

1. Nhìn ra Biển cả

 

 Trước những trận cuồng phong thổi qua từ Phương Bắc, từ ngàn xưa cho đến ngày nay, cơn gió chướng ấy vẫn là những nhát dao cứa vào da thịt dân tộc Việt. Tuy nhiên, máu chảy nhưng chí không nhụt, tâm không hèn và trên tay vẫn còn in đậm hai từ “Sát thát” khiến cho cuồng phong phải tan tác ở Bạch Đằng Giang, khiến cho giặc Bắc phương nuôi giấc mộng vỹ cuồng phải chìm vào đáy sông Như Nguyệt. Ta lắng nghe tiếng sóng ấy từ sâu thẳm của nữ sĩ Minh Đan trong bối cảnh lịch sử ngày hôm nay.

 

Như khúc quân hành, trước lúc xông ra địa đầu Tổ quốc quyết đem thân mình dâng hiến cho núi sông, người chiến sĩ ấy quay về hướng Mẹ – Mẹ Việt Nam rằng:

Trái tim con hai nửa chia đều

Phần Tổ Quốc, phần dành cho Mẹ

Xin cho con yêu người khe khẽ

Mạnh mẽ ngoan cường… gởi trọn Quê hương

 

Không hổ thẹn là da thịt máu xương của anh hùng Tây Sơn tam kiệt được ghi bằng núi Bút – sông Côn, bằng cọc nhọn Bạch Đằng oanh liệt.

Đợi ngày về êm ả phía đại dương

Tàu hung dữ trả yên bình cho sóng

Con tặng người nụ hôn ấm nóng

Như con đã hôn biển mặn Tổ tiên mình

Tổ Quốc cần, con dẫu phải hi sinh

 

Rồi người chiến sĩ ấy cương quyết ra đi…

Lạy cha mẹ, con về Hoàng Sa, Trường Sa quyết tử

Con chỉ cười khi Tổ Quốc an nhiên

 

Một góc về tầm nhìn chính trị, Minh Đan cũng không kém phần sắc cạnh. Trong lớp xuân xanh anh thư nước Việt như Phương Uyên, Minh Hạnh, Hoàng Vi, Thục Vy, Thanh Nghiên… chen lẫn một Minh Đan. Mỗi hoa mỗi sắc mỗi hương. Mỗi loài chim có một giọng hót đặc thù. Tuy nhiên tất cả những mũi tên, ngọn giáo ấy đều cùng hướng về một phía. Con Họa mi Minh Đan hót:

Nhìn thẳng vào mắt thế giới

Xuyên thủng lý do ta mù

“Lệ thuộc” trở thành “xiềng xích”

“Run tay” định vị cương nhu!

 

Nhà thơ trẻ tiếp bước trên con đường làm sạch xã hội, xây dựng tương lai cho đất nước:

Không thể lặng im uống rượu chơi cờ

Con chữ khoác áo Nhân dân đi lính

Đã kịp trưởng thành hiểu về Tổ quốc

Con chữ biểu tình theo mệnh lệnh trái tim

Những con chữ khước từ ủy ban

Những con chữ xung phong ra trận

Những con chữ vác đạn lên đường

Những con chữ gật đầu nổ súng

 

Trong nỗi thôi thúc đó, người thơ ném vào sân khấu trò hề thế kỷ mà quỉ ma mang mặt nạ người dối lừa nhân thế một trái sáng để soi rọi sân khấu hậu trường, soi rọi mọi ngõ ngách lương tâm:

Tôi nghe trong ngàn khúc hát

Tiếng nước, tiếng đồng bào tắc nghẽn lối ra

Hàng trăm mặt nạ nói cười khoe khoang

Nào chức tước, nào đô la bổng lộc

Mẹ Việt Nam anh hùng bật khóc…

Thương giọt máu đào vì nước hi sinh

 

Và sự hi sinh đó để làm miếng mồi cho loài kênh kênh tranh giành nhau rỉa rói thân xác Mẹ Việt Nam… từ đó nhà thơ trỗi dậy trong lòng sự can đảm những mong góp phần đổi chiều cơn giông bão mà rằng:

Con chữ trở mình con chữ viết

Mặc lũ tham tàn ức hiếp dân

Lòng ngay chẳng sợ tà tâm

Xoay vần giông gió bụi than hóa người

 

Đúng là một đóa Quỳnh thơm trong đêm 30 trừ tịch ở chốn thiên đường xã nghĩa, trong giờ phút khép lại một chuỗi dài đau thương của đất nước. Những mùi hương, giọng hót, ánh sáng… kia sẽ là tấm thảm, là bầu trời tươi đẹp cho con đường tương lai của đất nước Việt Nam.

 

* * *

2. Trong dòng chảy của nền Văn Học Việt Nam kể từ những năm đầu của thế kỷ 20, xét toàn diện thì ta phải nói lên rằng cả một “rừng hương”. Để có một cái nhìn thấu từng ngõ ngách, từ bìa rừng đến tận thâm sơn của thế giới ngàn hoa thì các nhà nghiên cứu và phê bình văn học VN từ những năm tháng ấy đến ngày nay chưa có ai trình làng một công trình nghiên cứu hay tác phẩm tạm gọi là tia “hồng quang” soi khắp mọi miền của thế giới văn thơ nước Việt.

 

Điểm qua giữa thế kỷ 20 về thơ ca, ta chỉ thấy nổi bật một “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh-Hoài Chân và dòng văn thì tạm nêu một “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan. Tuy rằng trong làng nghiên cứu và phê bình văn học không chỉ nghèo nàn bấy nhiêu đó mà giữa vườn mênh mông tạm nổi bật vài tiêu biểu như trên. Từ dạo ấy đến nay lĩnh vực nghiên cứu và phê bình văn học vẫn phát triển và cũng có những điểm son đáng kể.

 

Nói riêng về lĩnh vực thi ca. Dạo qua một số tác giả, ta nhìn chung với tầm khái quát khách quan và rộng đường để chúng ta có thể thưởng thức từng món sơn hào hải vị trong làng thơ ca VN. Trong nội dung bài viết này tôi không có tham vọng về phê bình văn học, thơ ca, mà chỉ muốn tạo thêm chút gì đó, tăng thêm một vài gia vị trong bàn tiệc văn chương cho đậm đà để thực khách dễ dàng tiêu hóa. Phải nhìn nhận một điều rằng mỗi hoa mỗi sắc, mỗi nhụy mỗi hương. Con Sơn Ca không hót lời chim Yến. Con Họa Mi không có âm sắc của Chích Chòe… Trong một bản giao hưởng lộn phím so dây sẽ bị sai tông và lạc điệu. Trong thế giới thơ ca cũng thế. Nơi đây tôi muốn nói cái sở trường trong dòng chảy văn chương, thi phú của mỗi thi nhân cũng không là ngoại lệ.

 

- Một Xuân Diệu mà hầu như trong ½ thế kỷ qua đa số thanh niên qua nhiều thế hệ rồi trở thành vãn bối hầu như ai cũng biết “ông Hoàng thơ tình” Xuân Diệu với “Gởi hương cho gió” và “Thơ Thơ” làm ngây ngất lắm tâm hồn và những trái tim yêu… Thế nhưng khi lấn sang thể loại văn xuôi với tập truyện ngắn “Phấn thông vàng” và nhiều tác phẩm bút ký khác thì hầu như nó cũng tan theo sương sớm mùa hè, như lá úa cuối thu.

- Một Thế Lữ nổi tiếng trong phong trào thơ mới, tiêu biểu như “Nhớ rừng”. Tuy nhiên khi lấn sang lĩnh vực khác như kịch nghệ, tiểu thuyết “Vàng và máu”, truyện trinh thám, kinh dị… thì ít ai biết đến. Tuy rằng ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội nghệ sĩ sân khấu VN (1957-1977) và rằng khi bức màn sân khấu kịch nghệ khép lại thì Thế Lữ cũng bước xuống chẳng ai hay. Hổ nhớ rừng vẫn còn vang mãi…

- Một Lưu Quang Vũ cũng nổi danh kịch tác gia với các tác phẩm để đời như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Tôi và chúng ta”, “Nàng Sita”, “Lời nói dối cuối cùng”,… nhưng sang lĩnh vực thơ thì ông phải nghiêng mình trước phu nhân Xuân Quỳnh nữ sĩ, tuy ông cũng có nhiều tập thơ xuất bản.

 

Cũng có một điều đáng nói rằng trong thơ ca không cần phải có nhiều thi phẩm mới đứng vững trên thi đàn mà đôi khi chỉ có một vài bài thơ tiêu biểu. Đặc biệt trong thơ, theo tôi, nó phải có cái “thần”. Khi đã có cái “thần” thì giống như sao Hôm, sao Mai giữa trời đêm 30 trừ tịch trong thế giới văn chương.

- Nguyễn Nhược Pháp chỉ một “Đi chùa Hương” duy nhất để đời mà tiếng vang vẫn còn vọng đến ngày nay. Trên thi đàn “Đi chùa Hương” đứng vững. Trong âm nhạc thì Đặng Thế Phong với “Con thuyền không bến”, “Giọt mưa Thu”,… bất tử với thời gian. Cả hai tác giả thi, nhạc trên đều yểu mệnh và ra đi khi tuổi đời ở buổi chớm xuân và tác phẩm để lại chỉ là con số 1, 2.

Trong thơ ca cần có câu “Thần”, chữ “Thần”. Thật thế! Theo sự nhận xét của cá nhân, tôi thấy trong một bài thơ chỉ cần một câu thần là bài thơ đó tỏa sáng. Có khi chỉ một chữ “Thần”. Trong bài “Tống biệt” của Thi sĩ Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu: Đá mòn rêu nhạt / Nước chảy huê trôi… Cái hạt bay lên “vút” tận trời/ Trời đất từ nay xa cách mãi/ Cửa động đầu non đường lối cũ/ Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng “chơi”… (Tản Đà). Trong bài thơ trên, tôi nhận thấy chữ “vút” và chữ “chơi” (tôi để trong ngoặc) là 2 chữ “thần” trong tuyệt tác của thi sĩ tiền bối núi Tản sông Đà.

 

Lan man… trong vườn hoa nghệ thuật. Tôi xin trở về với tiêu đề bài viết và nhà thơ chính được đề cập trong loạt bài này. Sở dĩ có những khía cạnh tôi nêu lên và diễn giải ở trên vì trong nhà thơ Minh Đan nó ẩn chứa nhiều dòng chảy và có khi tương phản nhau nhưng điều kỳ diệu là cùng òa ra biển cả… khiến lòng độc giả man man theo tứ thơ, ý thơ, dáng thơ, âm điệu và nhất là “nỗi lòng” nữ sĩ. Một nhà thơ giàu cá tính. Không biết tôi phán đoán có đúng không, sở dĩ có những luồng chảy trong dòng thơ Minh Đan là có phần nào xuất phát từ những khúc đoạn lúc gập ghềnh, khi êm đềm, rồi thác loạn… như một dòng sông - dòng sông Côn êm đềm trong Thu vàng nắng nhạt, rồi Đông về thác lũ nộ cuồng dấy lên trong tâm tư, đáy lòng người thi sĩ và chính nó là chủ nhân của những vần thơ đa sắc màu, sáng tối tương phản…

 

Những vần thơ đó nếu đem trình ra một lúc thì đôi khi ta thấy khập khiễng, gập ghềnh. Nhưng mỗi lúc, mỗi nơi nhâm nhi một vài món hải vị, sơn hào, hay nông thổ sản miền quê với hương đồng gió nội thì mỗi đặc sản đều có hương vị đặc thù và khiến cho khách làng thơ thưởng thức có khi “quên cả lối về” mà cùng trôi ra biển lớn rồi miên man đắm chìm với tao nhân mặc khách.

  

Trong phần 1 của loạt bài này, tôi tạm nêu lên khái quát một vài khía cạnh của dòng thơ Minh Đan nhưng chưa đi sâu vào chi tiết cụ thể của mỗi sắc hương. Bây giờ cổng vườn bắt đầu mở…

 

Trở lại với sự phẫn nộ trước kẻ thù chung ngàn năm lệ thuộc mà từ xưa ông cha ta đã đổ máu giữ vẹn sơn hà, thoát vòng nô lệ để rồi hôm nay trước sự tù mù, ẩn chứa cái nham hiểm, lú lẫn ngu si, vừa vô tình vừa cố ý để gây nên những trọng tội với tiền nhân. Thi sĩ Minh Đan xướng khúc dạo đầu trong nhịp khúc hành ca:

Khi Tổ Quốc khản lời thúc giục

Đâu đó vỉa hè nụ cười hóa Bụt…

Những con chim trong lồng son múa rối

Để mặc bầu trời cô đơn

 

 

Thật vô cùng chí lý và sâu xa… khi nhà thơ dùng hình tượng con chim múa rối trong lồng son (cung đình) để cho bầu trời (đất nước) cô đơn ảm đạm. Và cái cô đơn của những con dân trở trăn cho tiền đồ đất nước thiếu kẻ đồng hành. Vì nhân dân mải mê xem loài chim múa rối, nghe bầy lừa, bầy cừu nói dối theo lời của loài cáo chỉ đường khiến cho: “Thương nữ bất tri vong quốc hận/ Cách giang do xướng hậu đình hoa” (Đỗ Mục). Khía cạnh này trước đây tôi có đề cập trong các bài chính luận “Đông Đô đại phố-China Town ở VN” và bài “Nỗi buồn chính trị”. Nay Minh Đan lại nhập nó vào thơ, phả hồn vào câu chữ để đánh thức những người đang mê. Không biết giữa chính luận của tôi và thơ Minh Đan có điểm tương đồng? Tư tưởng của những kẻ thường thường bậc trung (chứ không là tư tưởng lớn) có khi cũng gặp nhau ở một thời điểm được non sông định trước.

 

Nhà thơ cương quyết không khác gì anh thư Minh Hạnh, Phương Uyên mà rằng:

Dẫu ngày mai bị vứt xuống đường

Ngọc ngà bầm dập trước dùi cui họng súng

Ngẩng cao đầu khẳng định chủ quyền

“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” kiên dũng

 

Hồn thiêng sông núi VN, Tổ tiên Hồng Lạc ngàn năm linh hiển nên ngày nay giữa lòng đất mẹ tái hiện nhiều nữ lưu oanh liệt trong đó có một Minh Đan. Minh Đan đã hóa thân thành luồng “bạch quang” rạch một đường gươm sắc cạnh:

Muốn thốt lên ngàn lời tức tưởi

Mặt trời đỏ giá như đốt được những thân sâu khoét

Bén đường gươm chặt đứt những tham tàn

 

Trong quật cường cương quyết, phận nữ lưu không thiếu chút ngọt mềm. Miệng thét gào nhưng lòng se thắt lại:

Biển đảo ơi, dòng máu Lạc Hồng

Bốn ngàn năm còn đỏ tươi ngực mẹ

Bóng quân thù ngoài khơi xa cào xé

Phù sa tôi gọi mẹ buốt se lời

 

* * *

 

3. “Khạc lời huyết tử”

 

Ngược thời gian ta thấy lắm bậc anh hùng để lại tấm gương ngàn đời ngời sáng dưới ánh thái dương và phản chiếu ra khắp năm Châu. Trong đó “Văn thơ” cũng góp mặt trong gia tài đồ sộ này. Thật thế! cái khúc eo của Tổ quốc này cả con người lẫn thiên nhiên, địa lý của mảng xương sườn thân thể Mẹ VN qua nhiều thiên niên kỷ đã chứng minh điều đó. Yếu tố thiên nhiên, địa lý hun đúc nên con người, thấm đậm qua hàng ngàn năm… để rồi đi vào máu thịt và tạo ra tính chất đặc thù của con người nơi đó. Điểm này không phải là tuyệt đối nhưng nhìn chung đất nước ta trải dài ba miền Bắc-Trung-Nam. Ba nơi ba tính chất đặc thù được tạo ra từ hoàn cảnh lịch sử đất nước núi sông ầm ào và hùng tráng (tố chất chống ngoại xâm có từ trong cội rễ) từ tộc người mang nền văn minh sông Hồng. Khí thiêng của núi rừng Việt Bắc, sông Đà, sông Đuống, Hồng Hà. Tình tứ, lãng mạn đầy chất thơ của Hương Giang huyền thoại với giọng hò mái đẩy đêm trăng sông nước hữu tình cùng dòng An Cựu nắng đục mưa trong, với Ngự Bình San trước méo sau tròn… Cuồng nộ như “Sông Côn mùa lũ” (Nguyễn Mộng Giác) đổ nguồn từ dãy Trường Sơn “Bên nắng đốt… bên mưa quay…” rồi thướt tha, ngọt mềm, trải lòng như Cửu Long Giang quanh năm phù sa ngọt ngào sữa Mẹ với những tiếng đàn, giọng ca tài tử đêm đêm trên sông nước, dưới trăng ngàn… Những yếu tố ấy là chất nền cho cốt cách lẫn phong cách của con người từ khí phách đến nỗi niềm, tâm hồn trải bày ra cuộc sống. Văn chương cũng được sinh ra từ những chất liệu trên. Trong đó có lúc hóa thân làm lưỡi kiếm của Hưng Đạo Vương chỉ về hướng giặc mà rằng: “ Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”. Rồi có lúc mang cái linh khí ấy thổi vào dân gian hiền hòa nhưng lẫm liệt nhập vào “chàng Lía” ngày xưa để rồi len lỏi, thâm nhập vào tiếng hát ru kẻo kẹt dưới đêm trăng miền Đất Võ tự lúc nào mà không ai hay biết”… ầu ơ… Chiều chiều én liệng Truông Mây. Cảm thương chú Lía… à ơi… cảm thương chú Lía bị vây trong thành…” Ôi sao mà nhẹ nhàng xa vắng… lẫn bi hùng và sâu lắng… chất chứa vạn nỗi niềm với cảnh mùa xuân trên bầu trời én liệng nên thơ bao trùm thế hiểm của “Truông Mây” rồi đắng lòng cảm thương cho “Anh hùng chân đất”, chàng Lía của dân gian không màn thân xác mà đem máu xương dâng hiến cho quê nhà. Ở đây còn có “vè chàng Lía” truyền khẩu trong dân gian để cảm kích, nhớ ơn người tráng sĩ. Những nét trên chỉ là một góc của người và thơ Minh Đan mà tôi muốn nói trong bài này.

 

Với bối cảnh chính trị, lịch sử, nhân văn xã hội hiện nay ta nghe nữ sĩ khạc vào màn đêm tội lỗi:

Chẳng có gì chắc chắn trên đời

Đừng khoác lác thoát nghèo bền vững!

Đừng mê muội giàu sang nhờ “bạn”

Đừng ru nhau một phút lên đồng.

Một đóa Hồng cho những dòng trên!

 

Khi chưa làm được mũi tên ngọn giáo thì lời thơ này đã là một mũi kim. Một mũi kim khi đâm vào “tử huyệt” của quân “nội thù” thì sẽ gây sát thương không khác nào “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Chưa dừng lại. Minh Đan khẳng định:

Chẳng có gì tình nghĩa xóm làng!

Chỉ có cướp và người bị hại

Chỉ có mạn tàu kiểm ngư biến dạng

Chỉ có kẻ thù trước mặt sau lưng

Và đây là cả một thùng nước lạnh nữ sĩ tạt lên nóc “cung đình chế độ”, ném “vỡ bình” chứa lũ chuột hôi tanh và đánh thức những kẻ đang mộng du mà cứ ngỡ rằng “tiến nhanh-tiến mạnh” trên… tử lộ vĩ cuồng.

Đừng mớ ngủ thốt lời mê sảng tưởng chẳng ai hay

Đừng qua mặt muôn dân bình bầu tín nhiệm

Một đất nước khi cần minh bạch

Lại tù mù gian lận đỏ đen.

Một hoạt cảnh của thiên đường mù mà nhà thơ đang vén màn sương mờ ảm đạm phủ che. Đâu rồi những kẻ cuồng mê hãy tỉnh thức nắm tay nhau mà đứng dậy! Hãy mang vạn vạn cành hoa… hoa lài, hoa hồng hoa sói hay những “cánh dù” che phủ khắp nẻo đường cho phố phường, sông nước ngát hương… rợp trời bóng mát. Cho những ngòi bút, mũi giáo đường gươm rạch mây mà khắc lời sông núi… cho tất cả không còn cô đơn, độc hành trên cõi đi về của dân tộc VN.

Chẳng có gì buồn khi phải viết sự thật dưới ánh sáng lương tâm

Dù đã gắng hơi tàn nuôi lớn niềm hi vọng

Dù đã tin hoa hồng xanh, hoa hồng vàng, cả hoa hồng tưởng tượng

Lại phải chờ…

Trăng muộn

Đêm đêm.

 

Rồi nhà thơ thay lời tuổi trẻ rạch một mũi dao phẫu thuật khối u của “đỉnh cao trí tuệ” đang “á khẩu” gối cao đầu mặc nhiên nối giáo cho những vòi bạch tuột hậu nhân của “Hốt Tất Liệt”, của những đuôi sam đang nuôi mộng liếm sạch biển Đông, gây cho vạn con thuyền ngư phủ VN phải chìm ngập trong sương, tả tơi “cột mốc” trước những con sóng bạc đầu, những chòm râu của loài thủy quái. Minh Đan khẳng định:

Chẳng có gì quan trọng hơn Biển Đông

Khi ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa bị giặc ngoại xâm hung hăng đe dọa

Tàu sân bay, giàn khoan… vào thềm lục địa

Những ồn ào còn tiếp diễn nay mai…

Vâng! Những ồn ào, thảm cảnh vẫn sẽ còn tiếp diễn nay mai nếu vầng thái dương không đánh tan đám sương mờ giăng mắc.

 

Nếu những lời thơ không vực dậy được cơn mê và nếu dòng máu Lạc Hồng đã phai nhạt không còn hừng hực để lại rơi vào vòng nô lệ-Bắc thuộc lần thứ 5. Tuy nhiên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung Nguyễn Huệ Hồ Thơm, Triệu Thị Trinh, Bùi Nữ Tướng đang hóa kiếp tái sinh thành những Nguyên Kha, Việt Khang, Duy Thức, Phương Uyên, Minh Hạnh, Thanh Nghiên… và trên con đường làm tươi đẹp non sông không thiếu bóng Minh Đan với ngón tay tuy mềm nhưng móng sắc, ngòi bút vươn cao đâm toạc đám mây đen góp phần đem lại ánh sáng cho “đêm tối đang giữa ban ngày”!

 

4. “Ray rức nỗi niềm”

 

Mỗi con người có những cá tính đặc thù và nó có nhiều chiều hướng kể cả hướng tiêu cực. Nhưng ở đây cái cá tính được lồng bên trong tâm hồn một Nữ sĩ được trào ra nơi đầu bút. Cái ngòi bút muốn vạch 9 tầng mây viết lời thệ với trời cao, muốn khắc vào vách núi tạc lời non nước và cũng ngòi bút ấy những muốn đạp bằng con sóng dữ vượt trùng dương mà “khạc lời huyết tử” với quân thù nơi biển đảo ngàn xa…

Tôi viết về Hoàng Sa, Trường Sa

Nhìn mặt quân thù “Khạc lời huyết tử”

Những giàn khoan lưu manh một lũ

Láng giềng gì, đồng chí gì, đàm phán gì… muôn sự dối gian!

Cá tính này là một điểm son.

Điểm son của Minh Đan và cho cả những ai mang dòng màu Lạc Hồng chưa quên nguồn cội.

 

Trong nghiệp văn chương, Minh Đan sắp từng con chữ mang nỗi niềm trải khắp non sông:

Chữ của tôi băng qua những cánh đồng

Xếp dọc ngang gánh nỗi đau cây lúa

Xếp thấp cao gánh vết bầm thân mía

Tìm giọt mưa tưới tắm bước chân trần

 

Trên hành trình xuôi ngược khắp quê hương, dọc dài thân mẹ lưng còng như dấu ?, nhà thơ xót xa cho thân Mẹ đã bị đục cày xới nát tan hoang. Tuy nhiên, những nỗi đau đó còn có thể được làm dịu bớt, vết thương đó có thể chữa lành. Nhưng từ trong sâu thẳm của trái tim, Minh Đan nhìn vào vết thương lớn nhất mà cũng khó chữa lành đó là “vỡ niềm tin”. Vỡ niềm tin vào chính mình, vào tha nhân và cả cộng đồng xã hội. Mất niềm tin rồi thì tất cả chỉ là dối gian và những lời hoa mỹ, hành động được tô vẽ muôn màu… chỉ là lừa mị và âm mưu hèn thấp… và nỗi đau lại được nhân lên. Thi sĩ viết:

Nứt niềm tin từ vết lún lương tâm

ngàn lời hứa rơi từ từ xuống đáy

lỗi cơn mưa, con người đổ vậy

Bộ nào thừa nhận mình sai (?)

rút ngắn hành trình Hà Nội – Lào Cai

bằng chất lượng lòng tham bằng thời gian non tuổi

cả trách nhiệm quanh co, gian dối

ôi con đường ai tội khi hư (?)

một trăm năm vui trọn kiếp người

không xây nổi một đời tử tế

ôm nỗi đau thêm vài thế hệ

bất an này thôi kệ sao cam…

(Nhìn từ cao tốc Hà Nội – Lào Cai)

 

Trong cả đời viết về phân tích, bình luận văn thơ, tôi chưa một lần trích nguyên bài như bài thơ của Minh Đan tôi trích dẫn ở trên. Bởi một lẽ là riêng trong ý này, bài thơ này nếu chỉ dẫn một đôi câu thì e rằng chưa trọn ý, chưa vẹn tình và đôi khi tác giả Minh Đan cũng buông tiếng thở dài trượt theo nắng quái chiều hôm… khiến cho bài viết chùng xuống như một nốt lặng buồn trong bản hòa âm.

 

Trong một góc nhỏ của những vết thương thân thể Mẹ, Minh Đan viết:

Hết cong lại lún

Những con đường mềm mại như nhung

Những hồi còi báo động

Trận cuồng phong từ lòng tham bất tận

Đổ dồn về phía nhân dân những mất mát, chia lìa

…Tôi đã nghe tiếng xi măng rơi vỡ

Tiếng rì rầm lớp nhựa mới trải bung

Cả tiếng cười nắc nẻ sau lưng…

tôi viết về giao thông kinh dị nhất trên đời

đường lởm chởm nuốt trôi nghìn tỷ

nuốt lương tâm cùng nụ cười hoan hỉ

ăn mừng trên bãi tha ma.

 

Nhà thơ được sinh ra dưới mái nhà “mô phạm”, được hít thở, nuôi dưỡng và lớn lên từ “phấn trắng, giấy trắng, tấm lòng trắng”. Thế mà giờ đây trước sự băng hoại, suy đồi đạo đức mà phải đối diện với “bảng đen, mực đen, cuộc đời đen”. Ta hãy xem nhà thơ đắng lòng vén bức màn “mô phạm”:

tôi viết về thầy giáo đổi tình học sinh

bụi phấn trắng nhuộm đen lòng tri thức

chưa thành nhân đã thành quân nhơ nhớp

giảng đường thành lớp học dâm thiên.

 

Những nỗi đau, vết thương cùng những vết rạn nứt, tán tận lương tâm đến mọi nẻo đường đất nước… một Xã hội như có như không, nửa hình nửa bóng trong cái thế giới ta bà này. Nhà thơ viết:

Xã hội đầy những Diêm Vương

Loài quỉ dữ thay nhau rỉa thịt

Ăn tạp và cướp bóc

Tình người mơ kiếp đầu thai

Xã hội đầy những lưu manh

Đường đang thẳng, lòng người cong mềm mại

Chuyến xe chủ quyền chở dòng đời oan trái…

 

Để rồi nhà thơ buông lời ta thán cho hai tiếng lương tâm đã không còn chỗ đứng trong trái tim của những con người tự trao cho mình cái quyền ngồi trên cả Hiến Pháp và Pháp Luật. Ban phát mọi thứ trên đời cho dân Việt, gieo rắc một ý thức hệ hoang tưởng viển vông mà chính họ cũng chưa hề biết hình bóng nó ra sao và hiện ở góc nào trong bãi tha ma hay sình lầy nước đọng. Hơn thế nữa họ lại tự trao cho mình cả cái quyền thu lấy những gì họ muốn từ phía nhân dân. Minh Đan viết:

Xin đầy tớ một chén lương tâm

Ban cho Thượng Đế bữa yên bình no giấc

“Thiên Đường” này ráo khô nước mắt…

 

Quay qua một góc nhìn khác, nhà thơ se thắt nỗi lòng trước gam màu sáng tối tương phản trong xã hội. Giữa đói no, ấm lạnh. Giữa cảnh “Ngựa người và Người ngựa” trong đêm 30 trừ tịch mà Nguyễn công Hoan đã viết hơn ½ thế kỷ qua tương phản với cảnh “Ngựa xe như nước áo quần như nêm” (N.Du), phồn hoa phung phí đang diễn ra trên những xác người… người công dân hạng 2 và cũng là những ông bà chủ ở cái “thiên đường xã nghĩa” này. Nhà thơ cảm thán:

Thương chị bán xôi, anh lao công ngày đêm tất tả

Nắm cơm hẩm có gì đâu mà trả giá

Một chỗ nằm ươn ướt nỗi lo toan

Tôi viết về cuộc đời và những bất công

Đôi mắt ráo ủ nỗi buồn sâu kín

Em bé chào đời còn chưa kịp khóc

Gánh phận mình hai tiếng “nợ công”

 

Nữ sĩ Minh Đan có cái nhìn xuyên suốt nỗi đau xã hội, con người qua từng hơi thở, qua từng làn gió, cơn mưa. Mưa ngoài trời, mưa trong lòng thi sĩ và mưa trên cả kiếp người giữa chốn ngược xuôi, dọc đường gió bụi lao xao tình đời…

Cầm mưa!

Nghĩ về đứa trẻ

Tiếng khóc thành sông, tiếng gào thành sấm…

“Lụt” ở đáy lòng

Công viên Lê văn Tám chật một chỗ nằm

Em trải đời vui bên thảm cỏ

Sũng ướt nụ cười

Sũng ướt hy vọng

Sũng ướt vầng trăng mùa hạ

Sự ấm bỗng thành điều khao khát lớn

Thật thắm thiết và sâu thẳm trong nỗi niềm của tác giả khi hình ảnh đói lạnh của trẻ thơ đập vào mắt và những cái thường ngày ấy đối với kẻ cơ hàn lại thành “sấm động” trong nhà thơ!!! Cái ươn ướt đời thường ấy nó đã thành “lụt” trong đáy lòng Nữ sĩ. Ôi thật nhân văn và thắm thiết một tình người.

 

Trong Xã hội nhiễu nhương của cái đất nước “ít người nhiều ma” này tìm ra được một que diêm để làm mồi sưởi ấm cho nhân gian trong cơn rét mướt quả thật là hiếm. Tìm đâu ra một bàn tay đầy nhân ái cầm ổ bánh mì đầy ắp nỗi trăn trở, yêu thương trao về cho những hạt mầm của tương lai đang cần một chút tình để Đất nước hồi sinh! Ta nghe Họa mi Minh Đan cất giọng giữa bầu trời đầy mưa gió:

Cầm tập thơ trên tay

Nghĩ về đồng xu lẻ

Ước mỗi câu chữ mua được ổ bánh mì cầm hơi

Dỗ dành em phút đói lòng khát nước

Ước mơ bản thảo gói được nắm xôi niềm tin của ngày mai

Thả vào ngón tay em hạt đơm nóng hổi

 

Sau cơn mưa, nhìn qua phía bên kia lề xã hội, tách biệt khỏi cơn đói lạnh, mặc ai thiếu một chỗ nằm, mặc ai oằn mình trong cơn đói rét. Minh Đan viết:

Cuộc nhục vinh như thể chuyến tàu

Ai cũng mơ sân ga quí tộc

Phía kia bờ khoe khoang quyền lực

Nơi bờ này thường trực mưu toan

 

Để rồi:

Chìa khóa lương tâm tráo trở

Những linh hồn neo thân tạm bợ

Chạy rong khắp ngõ diễn trò

Mê lộ chật cứng thằng hề

 

Đâu rồi những kẻ cuồng mê mang mặt nạ diễn hề thế kỷ? Đâu rồi chân lý? Bởi lằn ranh qua bên kia dãy Pyrené là quá mỏng manh. Bên này đường là Minh Đan cùng trẻ thơ đói lạnh và bên kia là hào nhoáng ngựa xe, được phủ che bởi lời mộng mị, dối gian, núp bên trong là tham tàn, bạo lực. Chúng đang “ăn mừng trên bãi tha ma” (M.Đ). Trong một chiều mưa mà cõi lòng của thi sĩ đã trải rộng một góc trời… trong đó không thiếu một que diêm và những ổ bánh mì “Nhân ái” vì không đủ tiền mua bánh mì “Nhân thịt” nên đành hẹn lại ngày mai…

 

***

 

5. “Trăm năm cũng một chữ tình”

 

Chuyện tình yêu là muôn thuở… không chỉ ở nhân gian trần thế mà nó còn ngự ở cõi thần tiên, thượng giới. Thế nên trong tình sử ngàn xưa vượt cõi trần mới có một “Chức Nữ-Ngưu Lang” để ngày nay có “Mưa ngâu tháng bảy”, mới có Lưu Thần-Nguyễn Triệu lạc thiên thai để cho Nhạc sĩ Văn Cao có bài “Thiên thai” bất hủ. Rồi cũng có những trái tim yêu từ địa ngục chín tầng đêm đêm lẻn về cõi trần mà trao lời nguyện ước cùng ai… Rồi cũng có những chuyện tình sặc mùi hư ảo, huyền thoại đi vào cổ tích như chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ với cặp Tú Uyên-Giáng Kiều kẻ Tiên người tục. Nhưng để nói lên chữ tình ở đây nó còn nhiều khía cạnh, còn nhiều mặt để toát lên mỗi cảnh, mỗi tình nó có một âm sắc, một ngữ điệu khác nhau. Mỗi người có một cảnh tình riêng biệt mà thể hiện chữ “Tình”. Tuy nhiên tích hợp lại ở một con người với nhiều thứ tình thì kể ra cũng không phải là quá hiếm nhưng cũng chẳng mấy ai! Trong số này có Minh Đan Nữ sĩ.

 

Có những người tuy cũng tích hợp được nhiều thứ tình trong một tâm hồn, trong một trái tim nhưng không thốt được nên lời, không thổ lộ giải bày ra được mà nhốt kín ở đáy lòng không lan tỏa ra bên ngoài bay bổng lên cao như khói lam chiều nhè nhẹ tỏa ra từ mái tranh nghèo e ấp cuối thôn làng. Từ khi bước chân ruổi dong dưới trời rộng bao la, Minh Đan đã nhận thức được một thứ tình thiêng liêng và cao quí, đó là tình yêu Tổ quốc, yêu Quê hương, nó thấm đậm và ngọt ngào biết dường nào.

 

Sau khi bước ra khỏi lũy tre làng trong tình yêu của mẹ, Minh Đan thốt ra bằng hơi thở, bằng nhịp đập của con tim. Trái tim con hai nửa chia đều / Phần Tổ quốc, phần dành cho mẹ/ Xin cho con yêu Người khe khẽ/ Mạnh mẽ ngoan cười, xin gửi trọn Quê hương. Ở một người con gái đậm chất thơ, hẳn nhiên trái tim đầy lãng mạn… nhưng khi ta mở cổng vườn vào cõi ngát hương thì ta đã bắt gặp ngay đóa hướng dương hướng về Tổ quốc lồng trong bốn câu thơ trên kèm thêm một nụ hồng cho Mẹ. Ở đây hiện cả hai người Mẹ đó là Mẹ VN lưng còng chữ S và một bên là hai bầu sữa ngọt đã nuôi sống Minh Đan từ khi mới cất tiếng khóc chào đời đến tận hôm nay để viết nên những dòng thơ vừa tha thiết lắng sâu vừa ngoan cường mạnh mẽ. Cái thấm đậm trong chữ tình của đáy lòng Nữ sĩ đối với Đất nước, con người (cha mẹ) hai yếu tố đã tạo nên một thi nhân đất võ như bột, đường, nếp, gạo… mộc mạc của Quê hương hòa vào nước, lửa… để cho ra chiếc bánh không hoa màu kiểu cách nhưng ngọt ngào, thi vị, dẻo giòn mà từ ngàn xưa đã len lỏi trong từng ngóc ngách của thời gian như bánh tét, bánh chưng ngày Tết, bánh cốm ngày mùa và cũng không thiếu dưới ánh đèn ông sao, đèn rồng, cá chép… đêm Trung Thu của đàn con trẻ.

 

Minh Đan nói trái tim này chia đều hai nửa… mà hình như trong mỗi nửa lại chất chứa mọi thứ tình. Trong nửa trái tim dành cho Tổ quốc có đồng bào mà nhất là những kẻ cơ hàn đói lạnh. Những trẻ thơ cần một chỗ nằm, cần một vòng tay cầm một ổ bánh mì “nhân ái”, một gói xôi bằng chữ nghĩa gói quanh,… có cả Quê hương luống cày bãi mía.

Tôi là ai mà yêu quá luống cày

Hạt chữ nghĩa mỗi ngày thêm trĩu nặng

Chớ hỏi rằng tôi có cô đơn

Những khác biệt có khi không chủ định

Chỉ lương tâm nở môi cười mãn nguyện

Tôi đã quên mình vì khúc hát Nhân dân …

Tôi sẽ cười nụ cười rất thực

Ngòi bút quên mình như tôi đã quên tôi

 

Vâng! Ngòi bút của Minh Đan luôn sắc cạnh một đường gươm, vạch lối theo lời trái tim hồng mách bảo. Cả ngòi bút và cả nhà thơ cũng đã quên mình cho cái thực, cho bờ tre đám lúa, luống cày và cho cả ánh trăng vàng nghiêng ngã của Quê hương. Minh Đan viết:

Mẹ tần tảo gánh trên vai bụi phấn

Nuôi con khôn bằng lương tháng cọc cằn

Thương hạt thóc hãy còn non nớt lắm

Mẹ gieo mầm mơ ước-Tinh khôi

(Cho Mẹ)

 

Ba không đứng một ngày trên bục giảng

Mấy mươi năm dạy đạo hiếu vuông tròn

Hành trang cho con vào đời sống

Là người tử tế với muôn phương

(Cho Ba)

 

Cả con người, khối óc lẫn trái tim Minh Đan đã dành cho Tổ quốc, cho Quê hương, cho đồng bào, cho trẻ thơ, cho bãi mía luống cày, cho đồng ruộng, cho trăng muộn quê nhà, cho cả tiếng khóc than thân phận làm người mới mở mắt chào đời đã gánh “nợ công” do sâu dòi đục khoét. Thương cho con chữ xếp dọc xếp ngang, xếp cao xếp thấp, xếp dài… để trang trải cho đời bớt nỗi buồn đau.

 

Rồi những chiều phai nắng quái, rồi những đêm dài gió táp mưa sa, những đêm trăng tà xuyên song cửa… nhà thơ lại trăn trở một nỗi niềm. Tiếng lòng trỗi dậy nhớ người phương xa… bỗng “giật mình” thấy tuổi xuân ùa ra ngoài chăn gối. Nàng xén mỗi nửa trái tim thành một góc tình. Nàng khe khẽ gọi:

Về đi anh

Đánh thức que diêm đỏ lửa trong em

Đỏng đảnh nằm ngoài mép cửa

Về đi anh

Nụ xuân tràn nhựa

Én rợp trời Nam khâu múi nhớ

Về đi anh

 

Và nàng bật dậy viết tiếp cho người tình sau lời dâng cho Cha Mẹ:

Em thêu chín cánh hoa tim

Kính dâng lên người thầy đầu tiên dạy em chữ yêu, chữ nhớ!

Trời đầy nắng trong những ngày bình lặng

Tình đầy tim theo năm tháng ngọt bùi

(Cho Anh)

 

Nhưng sự đời không như sông thu bình lặng. Cây tình nào không quả đắng thì hoa tình đó chẳng lên ngôi. Vào đời, trượt theo con đường tình không giông bão thì chưa nếm đủ vị mùi. Cuộc tình ví như cơn bão, có vào mắt bão mới biết được bão mạnh dường nào! Có vượt ngàn khơi mới thấy mịt mù bao la của biển lớn. Minh Đan viết:

Đang lặng gió

anh tới!

bão cấp mười hai làm thuyền em chới với

tròng trành giữa trùng khơi

em say bão từ anh

chao đảo giấc mơ yêu ghét

không sân si không gào thét

sóng cập bờ

em mất hết kiêu hãnh dại khờ

ngã trong anh già nua thời tiết

những cơn lốc hóa tình yêu bất diệt

cuốn chúng mình vào không trung…

(Bão tình)

 

Rồi nhà thơ phẫn nộ thét gào trong nỗi nhớ. Muốn xóa tan đốt sạch những gì trong nhau cho năm tháng lụn, cho ngày - ngày hoang…

Đốt hết đi…

cháy hết đi…

cho lụi ngày tháng ù lì trong nhau

nhớ nhung bởi tại vì đâu

cỏ xanh nhuốm lệ mi sầu kìa anh

Xóa sạch đi

xóa nhanh nhanh

những âu yếm cong môi vành trả – vay

cho mùa chua, đắng chất đầy

trong mắt nhớ, tim mệt nhoài ước mong

Không day dứt phút tang bồng

tiễn tình gió cuốn ra sông ta bà

tan tác đau

giọt mơ qua

Thu buông tiếc

níu thật thà ngày hoang

(Ngày hoang)

 

Rồi hạnh phúc cũng đi hoang, niềm tin sụp đổ, nàng lơ đãng nhìn ra cửa biển như mong ngóng một con thuyền…

Em cúi mặt khi bất lực đâm chồi

cứa vào đêm biển đang say ngủ

lần đầu tiên em hiểu mình thiếu đủ

cặn kẽ lặng câm

Em không rõ phải nếm vị chua cay thêm mấy trăm lần

thì người ta mới ngộ

hạnh phúc đi hoang

bức tường niềm tin sụp đổ

mảnh vỡ nào im tiếng cũng cô đơn

(Trước biển)

 

Trong cõi tình như sông kia qua ghềnh vượt thác, rồi lờ lững êm trôi… nỗi ước mơ bình lặng bồi hồi nàng lần mò khâu lại mảnh tình tan mà mơ ước…

buồn ơi!

buồn thế đủ rồi

chén tình đâu thể nhắp hoài đến mai

rã rời đêm

mệt mỏi ngày

bỏ đi cũng dở

nhặt chai hết lòng

ước gì mưa rớt đầy sông

buồn trôi theo nước tôi bồng vui đi

tặng ai kia đóa nhu mì

nụ cười nhú nắng bờ mi khép hờ

ước gì gió hứng túi mơ

thả vào giấc đẹp nương nhờ ít hôm

thì thầm với cái siết ôm

bàn tay sưởi ấm từng cơn dịu cùng

ước gì mây gối mông lung

chở tôi bay khắp điệp trùng dạo chơi

dậy đi! nắng nhả tơ trời

lạc quan khâu lại những bồi hồi qua.

 

Dòng thơ của Minh Đan như tích hợp mọi cung bậc trong một bản hòa âm, như tổng hợp mọi gam màu trên giá vẽ. Nói sao cho hết nỗi niềm của Nữ sĩ? Trải sao cho hết những tấm thảm lòng của nhà thơ cho khắp non sông “ấm áp một chỗ nằm”. Ôi! Tiếng Sơn ca ngân “vút” tận trời xanh. Như trên tôi khiêm tốn mà rằng cái tích tụ nhiều thứ tình ấy trong người thi sĩ không là quá hiếm nhưng kể ra có được mấy ai là hoàn toàn chính xác. Thương thay một cánh phù dung cho cuộc tình lồng trong thơ Nữ sĩ. Hình ảnh cuộc tình chìm sâu nơi đáy vực của thung lũng tình yêu mà Minh Đan đã xén bớt một “góc sầu” trong tim dồn về cõi tình riêng để cho những thứ tình thiêng liêng kia được thăng hoa diệu vợi. Sự hi sinh thầm lặng nhưng cao đẹp và ý nghĩa vô cùng. Trong góc khuất ấy Minh Đan chỉ buông lời trầm lắng mà xót xa:

Trăm năm đá ngủ xanh rêu

Em ngàn năm đợi một chiều bên anh

 

Hy vọng độc giả sẽ khám phá thêm ở Minh Đan trên nhiều trang sách báo hiện lưu hành để hiểu thêm về nữ sĩ tài hoa này.

27.11.2014

DAVID THIÊN NGỌC 

http://www.chinhluanvn.com/2014/11/mot-oa-quynh-giua-em-30-tru-tich-bai-2.html

Top