(PLO)- Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM cùng các lãnh đạo đến chúc mừng và đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Hội Nhà văn TP.HCM. Sau hai năm tạm ngưng vì ảnh hưởng của COVID-19, Ngày thơ Việt Nam đã chính thức trở lại và khai mạc tại tại Sân khấu sảnh chính, số 81 Trần Quốc Thảo, Q.3 (TP.HCM) vào sáng 5-2 (tức ngày 15 tháng Giêng) với chủ đề Khát vọng phương Nam.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cùng các lãnh đạo tham dự Ngày thơ Việt Nam. Ạnh: VÕ THƠ
Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó bí thư thành uỷ TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng ban Tuyên giáo thành uỷ TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam…
Phát biểu khai mạc, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM nói: Chọn chủ đề 'Khát vọng phương Nam', Ngày Thơ Việt Nam năm 2023 tại TP.HCM thể hiện mong muốn của Hội Nhà văn TP.HCM, tiếp tục đồng hành với cán bộ, chiến sĩ và người dân TP.HCM trên con đường xây dựng một đô thị tầm cỡ quốc tế, mà hạnh phúc của mỗi con người vừa là trung tâm và cũng là động lực của sự phát triển.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu khai mạc. Ảnh: VÕ THƠ
Thi ca, khởi điểm từ buồn vui của mỗi con người, nhưng thi ca không đứng ngoài sự được - mất của từng số phận và của cả cộng đồng.
'Khát vọng phương Nam' là khát vọng thăng hoa trên đôi cánh thi ca, để hướng tới chân trời sáng tạo rộng mở và bất tận, là khát vọng cống hiến, khát vọng văn minh, khát vọng chân lý, khát vọng nhân ái và khát vọng cái đẹp luôn được nảy nở, sinh sôi.
Với Ngày Thơ Việt Nam và không chỉ có Ngày thơ Việt Nam, thì mỗi câu thơ, dẫu nhỏ bé, dẫu mơ hồ, hay dẫu chỉ là những giấc mơ, vẫn lặng lẽ nuôi dưỡng sự lương thiện và khơi dậy lòng trắc ẩn của con người trong cuộc sống hiện tại và trên hành trình vươn tới tương lai.
"Với 'Khát vọng phương Nam', thì mỗi câu thơ dẫu mộc mạc và giản dị, vẫn bền bỉ gieo cấy sự tin yêu và niềm hy vọng của con người trên dặm dài đất đai trù phú cưu mang", bà nói.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2023. Ảnh: VÕ THƠ
Sau khi đánh trống khai mạc Ngày thơ, ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng bày tỏ: Phải nói rằng sau một năm thành phố chúng ta vượt qua đại dịch, mùa xuân năm nay có không khí rất tươi mát, sôi động đó là chuỗi hoạt động khai mạc của ngày thơ với chủ đề 'Khát vọng phương Nam'.
"Tôi nghĩ rằng từ tứ thơ đó đã được thể hiện mang theo trong mình là một hình ảnh không chỉ phương Nam mà còn là một TP.HCM đang sôi động không ngừng phát triển và là một thành phố văn minh hiện đại, nghĩa tình"- ông Khuê phát biểu.
Buổi lễ khai mạc cũng là dịp để độc giả yêu thơ được gặp gỡ những nhà thơ nổi tiếng, được nghe chính tác giả cất lên giọng thơ của mình. Các thế hệ nhà thơ hòa chung trong một chương trình, đánh thức “Khát vọng phương Nam” - khát vọng cống hiến, khát vọng văn minh, khát vọng chân lý, khát vọng của lòng nhân ái, bao dung.
Hoạt động ngâm thơ tại lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2023. Ảnh: VÕ THƠ
Sân thơ chính sẽ gồm 4 phần: Khát vọng vươn tới tương lai, Khát vọng bình yên, Khát vọng yêu thương, Khát vọng phương Nam với sự tham gia của các nhà thơ như Nguyễn Duy, Lê Tú Lệ, Nguyễn Phong Việt, Minh Đan, Bùi Phan Thảo, Trần Mai Hường…
Sau đó, tại Sân thơ trẻ do nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chủ trì, các nhà thơ trẻ đọc thơ và giao lưu. Đặc biệt, họa sĩ Lê Sa Long cũng tham dự và vẽ chân dung tặng các nhà thơ.
Chiều ngày 5-2, hội sẽ báo cáo tổng kết ngày thơ, công bố kết quả chấm các lều thơ. Sau đó, lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM tiến hành trao giải, khen thưởng các CLB thơ; tuyên bố bế mạc Ngày thơ Việt Nam Quý Mão 2023.
Trao giải "Những hi sinh thầm lặng"
Cũng trong dịp này, Hội Nhà văn TP HCM đã trao giải cuộc thi bút ký "Những hi sinh thầm lặng". Đây là cuộc thi nhằm tri ân những tấm gương hi sinh cứu người bệnh của các y bác sĩ, sự dấn thân của các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hai năm qua, những hi sinh thầm lặng của cả hệ thống chính trị, của người dân TP HCM và cả nước trong những ngày phòng chống dịch, trong điều kiện giãn cách xã hội. “Những hi sinh thầm lặng” được phát động từ ngày 14-2 đến 30-9-2022. Sau hơn 7 tháng, cuộc thi đã nhận được hơn 70 tác phẩm dự thi và hưởng ứng cuộc thi.
Cuộc thi đã khép lại với 20 tác phẩm vào chung khảo, 10 tác phẩm được trao giải, gồm 2 giải nhì (không có giải nhất), 4 giải ba và 4 giải tư.
Cụ thể: 2 giải nhì "Di sản từ trái tim Cường béo" - tác giả Hải Văn, "Màu xanh của bác sĩ Nhẫn" - tác giả Anh Thư. 4 giải ba: "Kỳ nữ Kim Cương gieo yêu thương, gặt nhân ái" - tác giả Thanh Hiệp, "Cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng"- tác giả Hoài Hương, "Chữ tình đọng lại" - tác giả Ngọc Lan, "Tình Sài Gòn cưu mang tôi, nay tôi gởi lại Sài Gòn" - tác giả Minh Đan.
4 giải tư: "Nơi chỉ có tiếng máy thở monitor" - tác giả Phạm Thị Toán, "Sứ mệnh mới của cha đẻ ATM gạo" - tác giả Nguyễn Ngọc Khuyến, "Tim đập lại rồi, bác sĩ ơi" - tác giả Nguyễn Thành Úc, "Cha và con tình nguyện vào Nam chống dịch" - tác giả Nguyễn Thị Bội Nhiên.
Ban Tổ chức đã chọn in những tác phẩm có chất lượng cao của cuộc thi này để giữ lại những chân dung, những hình ảnh đẹp về những người hy sinh thầm lặng.
Đó là những bông hoa lặng lẽ tỏa hương thơm ngát cho đời.
HÀ NGUYỄN - VÕ THƠ
(Link bài gốc: https://plo.vn/pho-bi-thu-thanh-uy-nguyen-van-hieu-tham-du-ngay-tho-viet-nam-tai-hoi-nha-van-tphcm-post718595.html?fbclid=IwAR2Ai8qXq_KWS_DrjoWipIrELzO8UahIldvwP3wGs7CQGjeRICvPTGc40xc