Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,382 lượt

Tạp chí Người làm báo: Nhà báo say Thơ

Là một nhà báo có niềm say Thơ đặc biệt, Minh Đan từng bước khẳng định vị trí của mình trong lòng độc giả và trên sân thơ. Tạp chí Người làm báo đã có cuộc trò chuyện thú vị với chị xoay quanh chuyện đời, chuyện nghề...

 

PV: Được biết Minh Đan vừa "trình làng" tập thơ thứ 4 và tạo ấn tượng tốt với dư luận. Bạn có thể chia sẻ quá trình dấn thân với thơ của mình?

- Từ khi còn học cấp 2, tôi đã làm nhiều thơ và đoạt vài giải thưởng nhỏ. Từng có bản thảo đầu tay về tuổi học trò dày khoảng 200 trang, nhưng chưa kịp xuất bản thì một người bạn của tôi đã đánh mất nó. Từ đó, tôi sống khép mình hơn với thơ, đã lặng lẽ “ngủ đông” ngót 20 năm. Đến giờ còn muốn “ngủ đông” thêm 10 năm nữa, nhưng ba me tôi bảo như thế là tôi quá ích kỷ với “đứa con tinh thần” của mình. Sau nhiều đêm cân nhắc, tôi quyết định “phơi thân” bằng Lễ ra mắt "Phút 89" tại Sài Gòn vào tháng 9/2013 với thông điệp: "Đời choàng giông/ bão lên vách. Em ngoan cường phơi/ ngọc thách gió sương". Tôi biết từ nay ngòi bút của mình sẽ chịu sự kiểm soát và tác phẩm bị “soi” kỹ hơn. Mà như bạn biết đấy, nghề viết không phải bao giờ cũng hay, nên chắc chắn là có áp lực. Tôi không sợ “va đập”, chỉ lo viết không hay sẽ có lỗi với bạn đọc.

 

PV: Thơ là món hàng “khó nuốt”, trong khi Minh Đan “đẻ” 6 năm 4 tác phẩm liền. Động cơ nào khiến Minh Đan liều thế? 

- Tôi là người may mắn bán được sách - một thứ “hàng hóa” ít người chịu bỏ tiền ra mua. Phần nhiều thơ in ra dành tặng nhau là chính, điều này ai cũng rõ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ và tôi nằm trong số đó. Cả hai tác phẩm "Ngày không bọt" và "Dấu chân Hầm Hô" tôi cũng đã bán được hơn 800 bản mỗi tập ngay sau khi phát hành 1.000c. Riêng "Phút 89" được một độc giả Facebook ở Phan Thiết là Xuân Hồ đấu giá cuốn độc bản khổ lớn 15 triệu đồng và sau 1 tháng phát hành đã tiêu thụ hơn 800/ 1.000c bản khổ nhỏ. Với việc tự bỏ tiền túi in thơ giữa thời bão giá, tôi nghĩ rằng mình rất liều lĩnh. Nhưng nếu không cố sống cố chết với thơ, làm sao tôi biết vẫn còn nhiều độc giả yêu thơ và sẵn sàng dành 60 ngàn đồng để mua thơ tôi về đọc. Nói gì thì nói, chất lượng tác phẩm quyết định giá trị người viết chứ không phải ngược lại. Trong văn chương, chiêu trò không có đất sống về lâu dài, mà viết vì người đọc mới là con đường lương thiện.

 

PV: Nghề báo có hỗ trợ gì cho Minh Đan sáng tác thơ không?

- Có chứ. Tôi khẳng định những điều “mắt thấy, tai nghe” trong những chuyến đi thực tế là động lực thôi thúc tôi bước vào nghiệp thơ (chứ không chỉ là một cuộc dạo chơi như ban đầu tôi chọn). Hầu hết tác phẩm của tôi ra đời đều dính dán ít nhiều đến thân phận của nhân vật mà tôi bắt gặp đâu đó trong những chuyến đi trải nghiệm của mình. Những đứa trẻ oằn mình giữa cơn đói rét, những thiếu nữ miền Tây ném cuộc đời trong trẻo vào canh bạc số phận nơi xứ người mênh mông, những tệ nạn xã hội xâm nhập vào thanh thiếu niên, những người nông dân đấu tranh với cường quyền giành lại tấc đất cha ông để lại, những ma làng quấy nhiễu Phật pháp, những cuộc phiêu lưu tình ái giữa đại gia với chân dài,… đã đi vào những bài báo, bài thơ của tôi như là định mệnh vậy.

- Khi viết, tôi có một mệnh lệnh: tôn trọng sự thật và bảo vệ sự thật. Tôi không chủ trương hư cấu, cái đó chỉ dành cho Truyện ngắn hay tiểu thuyết, còn thơ đòi hỏi phải cảm xúc mạnh thì mới lay động được trái tim người đọc. Thường thì tôi viết báo rất… chậm, bởi những nhân vật mà tôi chấp bút đều có tầm ảnh hưởng trong xã hội, chỉ cần chút sơ sẩy là cả tôi và họ đều phải trả giá thích đáng trước công chúng ngay. Nhưng với thơ, tốc độ của tôi có phần… nhanh hơn. Bởi làm thơ là viết liền mạch, viết khi cảm xúc đang ào ạt tới, mình không có giây phút nào để suy nghĩ cả. Sự rung động trong thơ mạnh mẽ hơn nhiều. Hai sứ mệnh ấy là một thể thống nhất, cái chất trực cảm đó không bao giờ thay đổi.

 

PV: Gần đây, Minh Đan viết nhiều thơ thế sự. Phải chăng bạn đang muốn nổi loạn?

- Không cứ gì làm thơ thế sự mới nổi loạn, thơ tình của tôi cũng đảo điên ấy chứ. Nhưng đúng là trong tôi lúc này có quá nhiều điều trăn trở bởi cuộc sống quanh ta phức tạp và ngày càng thủ đoạn. Theo dõi tình hình chính trị, kinh tế đến đời sống văn chương, thú thật tôi thấy sợ hãi. Bây giờ mọi thứ đều được trao đổi mua bán bằng tình, tiền. Cái giá trị thực của lao động, của tác phẩm ít nhiều đã bị đánh đồng bởi những thứ phù phiếm. Tôi thiết nghĩ tại sao phải im tiếng khi người ta xâm chiếm hải đảo nước mình, làm khổ ngư dân mình, bóc lột nông dân mình,… và tôi tranh đấu quyết liệt bằng ngòi bút. Thầm vui khi thỉnh thoảng có độc giả gọi mình là nhà báo - nhà thơ của người nghèo, tôi lấy đó làm nguồn an ủi, động viên cho những phút yếu mềm bất lực của bản thân trước cường quyền.

- Với "Phút 89" - tập thơ vừa phát hành, tôi mang hai tâm trạng khác nhau: một là người tình nóng bỏng mãnh liệt trong tình yêu; một là công dân yêu nước quyết liệt vạch trần những thói hư tật xấu tồn tại trong xã hội đương thời để lên án, bài trừ. Ở khía cạnh nào, tôi cũng nêu quan điểm sống rõ ràng dứt khoát. Với tôi, bất kể sự im lặng nào cũng là thỏa hiệp hoặc chí ít là sự cam chịu. Tôi quyết không im lặng, không cam chịu mà luôn tranh đấu vì cái tốt đẹp dẫu phải trả giá, hi sinh “cái tôi” để đến được đích cuối cùng là SỰ THẬT (viết hoa) phải chiến thắng.

 

PV: Minh Đan đón nhận mọi lời khen chê của các nhà văn tên tuổi như thế nào?

- Mọi sự khen chê ở đời sống văn học đều có lợi cho người viết, cái khó là khen trúng và chê đúng mới chính điều cần bàn. Còn nhớ năm 2012, khi tôi xuất bản tập thơ "Ngày không bọt", nhà thơ Inrasara nhận xét thơ tôi có chất, đầy lửa song vẫn thiếu hơi thở cuộc sống, vẫn dùng nhiều câu ước lệ trong một số bài thơ tình. Nhưng rồi đến năm 2013, tập "Phút 89" của tôi đã chinh phục được anh, hay nói đúng hơn là anh khen tôi càng viết càng hay và anh khuyến khích tôi năm 2014 tiếp tục cuộc đua marathon thơ vì theo anh cuộc sống và cuộc thơ chỉ xảy đến một lần, một lần và không bao giờ nữa. Ngoài ra, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sau khi đọc bản thảo của tôi cũng bất ngờ thốt lên “Mừng cho lịch sử thơ ca, nhất là thơ ca phái đẹp sau những Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh,… lại có thêm một Minh Đan đàng hoàng ngước lên cao với “những khát khao không thể đặt vòng”. Riêng nhà thơ Bùi Chí Vinh nhận xét: “Thơ Minh Đan thấm đẫm chất võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân và chất văn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Tôi lấy làm hãnh diện, song không vì thế mà ngủ quên, tự huyễn hoặc bản thân. Với tôi, ý thức trách nhiệm với độc giả cao hơn nhiều, đó mới là lý do duy nhất khiến tôi phải chịu áp lực và cả thách thức khi viết. Chuyện thắng thua không còn quan trọng vì văn chương không phải là bàn cờ, bản thân tôi không phải là quân cờ trong thế trận nào. Nhưng tôi đang có lợi thế về cảm hứng sáng tạo, sự ủng hộ của độc giả đặc biệt là cộng đồng mạng, nên rất có thể tôi sẽ tiếp tục làm một điều gì đó, một tập thơ mới nữa chăng!? Thôi thì cứ chờ đến phút bù giờ vậy nhé!

 

PV: Trước vấn nạn đạo thơ nhiều như hiện nay, chị bảo vệ tác phẩm của mình ra sao?

- Trong năm 2013, tôi đã lần lượt đăng ký Quyền tác giả - tác phẩm với “những đứa con thơ” của mình, ngoài ra còn ủy quyền cho công ty Phan Luật bảo hộ toàn bộ tác phẩm đã xuất bản. Bây giờ Luật sở hữu trí tuệ đã rõ ràng, tôi không sợ ai đạo thơ bởi chỉ cần search trên google hoặc lên facebook là họ biết thông tin bản quyền tác phẩm của tôi, họ ngại liền. Tôi tiên phong làm “giấy khai sinh” cho thơ mình để đảm bảo mọi quyền lợi về sau, có thể là “của để dành” cho con cháu trong 20 – 30 năm nữa. Và tôi nghĩ những ai đang theo đuổi nghiệp văn chương cũng nên ý thức việc này, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, như trường hợp của Nhà thơ Lê Bá Dương sau khi bị Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng trị “đục” bỏ tên anh là tác giả bài thơ “Lời người bên sông” khắc trên bia đá hai bờ Thạch Hãn với nhiều tranh cãi thì gần đây anh mới chịu đăng ký bản quyền mang tên mình.

 

 

PV: Được biết, ngoài làm báo, làm thơ, Minh Đan còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội?

- Bạn biết đấy, cuộc sống quanh ta còn nhiều hoàn cảnh đau thương, bất hạnh mà những tổ chức vì cộng đồng thực tế đã lo “quá sức” của họ. Trước tình hình đó, tôi thường xuyên cùng bè bạn tự vận động quyên góp giúp đỡ phần nào những mảnh đời còn khó khăn thiếu thốn, nhất là đối tượng trẻ em và sinh viên nghèo trong khả năng. Gần đây nhất là trường hợp của em Lê Thị Mỹ Châu (thôn Thái Xuân, xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) - một tân sinh viên có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vừa đậu vào hai trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Kinh tế luật TP.HCM. Sau khi tiếp nhận thông tin từ một người bạn cũng là giáo viên của em, tôi đã ra sức vận động trực tiếp giúp đỡ em Châu thông qua mạng Facebook và ngay trong ngày ra mắt Phút 89, tôi cũng đã trao cho em dụng cụ học tập và học bổng để động viên tinh thần em. Giá trị vật chất tuy không nhiều, nhưng tôi tin sự quan tâm đúng lúc, kịp thời của mình sẽ xoa dịu phần nào những lo âu của các em trong cuộc sống thường nhật. Hay trong đợt lũ lụt tháng 11 vừa qua ở miền Trung, sau khi tiếp nhận thông tin đất võ Tây Sơn bị ngập sâu trong biển nước, tôi đã tìm về quê nhà cùng bà con chống chọi với thiên tai và cứu trợ vật chất giúp đồng bào hơn 350 suất quà (trị giá 200 ngàn đồng/ suất) và trao tiền mặt mỗi suất từ 1 – 1,5 triệu đồng cho hơn 20 trường hợp hộ gia đình có thân nhân bị chết vì lũ cuốn và hộ gia đình có nhà bị sập hoàn toàn.

 

PV: Dự định của Minh Đan trong năm 2014?

- Tôi sẽ dành thời gian giao lưu với sinh viên các trường Đại học, truyền lửa và niềm say mê thơ ca với các bạn trẻ nhiều hơn. Tôi rất mong thơ lan tỏa đến đối tượng độc giả này.

 

PV: Cảm ơn Minh Đan về cuộc trò chuyện! Chúc chị dồi dào bút lực trên con đường sáng tác.

Mai Thi

Top