Tập thơ Ngày không bọt của nữ tác giả Minh Đan, Nhà xuất bản Trẻ cấp phép lưu hành Quý I năm 2012, với 45 bài thơ trình bày tung tẩy, phá cách trên nền ảnh minh hoạ có chiều sâu của nghệ thuật trình diễn, sắp đặt gây ấn tượng mạnh.
TIẾNG KHÓC
Anh ví em là rừng sâu núi thẳm
Em cợt đùa anh biển mặn
Trong giông dữ, biết ai còn ai mất
Lửa cháy lòng sao tê buốt thế gian
Bỗng một hôm rừng xát muối bẽ bàng
Thì ơi hỡi, biển ngậm gừng rên rỉ
Mặt trời thôi mọc
Sự thật ngỡ ngàng
Rừng không như thú ngày đêm ào ạt
Máu loang sự sống hồi sinh
Rỉ xuống gốc tàn tro của biển
Một góc trời, biển cuồng phong mở tiếng
Thân xác tàn rời mảnh xương dị dạng
Co mình nhập nhoạng
Biển mênh mông và khắc khoải
Trên môi mắt người con gái
Cát bụi đã về chấp chới
Bình yên có ghé qua?
Sài Gòn, 12/2009
(Minh Đan)
Nội dung toàn tập khai thác triệt để những mạch chảy của tâm trạng thơ, thuần cảm, thuần mỹ, có dấu ấn sâu sắc của sự thể nghiệm, sáng tạo, khám phá thế giới con chữ/ thế giới của những ký hiệu, ký tự, con chữ trơ lỳ bất biến, vốn dĩ bị mặc định bởi những khái niệm mang tính khuôn khổ, bởi tính giới hạn của ngôn ngữ học/ cũng như triết luận về tình yêu, cuộc sống không dễ minh định, xác quyết.
Dấu ấn này thể hiện và định hình rõ nét qua bài thơ "Tiếng khóc” bởi sức ám thị và khả năng làm sống lại /biến đổi/ giá trị tự thân /nghĩa chết/ của thế giới ký tự, ký hiệu và tự thân con chữ qua các thủ pháp nghệ thuật với mạc khải hình tượng thơ trong bài là hai siêu biểu tượng "rừng” và "biển” với đầy đủ đặc trưng cơ bản cấu thành nên giá trị hiện sinh, qua hệ thống thi ảnh sinh động: sóng, cuồng phong, gừng cay, muối mặn, gió, thú.
Trong văn học đương đại, hẳn ai cũng ít nhất một lần được chiêm ngưỡng siêu biểu tượng văn học "biển” (thi phẩm của Xuân Diệu (Biển), Xuân Quỳnh (Thuyền và biển), với những nét tung tẩy tài hoa của nghệ thuật sử dụng câu chữ, ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng rừng, biển thành ngưỡng mức, định liệu lên chiều kích xúc cảm nghệ thuật để đi vào hệ thống siêu biểu tượng thơ "Rừng” và "Biển”, khiến các thế hệ sau tưởng khó vượt qua, dù có thừa dũng khí khi chọn khai thác siêu biểu tượng "Biển”. Bởi khi chủ thể sáng tạo chủ ý dùng hệ thống siêu biểu tượng trong tác phẩm như một phương thức biểu đạt tinh thần tác phẩm là thử thách vô cùng khó khăn, cũng giống như việc sử dụng con dao hai lưỡi, khi chủ thể tỏ ra lúng túng, vòng vo trong cách thức thâu tóm và diễn giải vấn đề sẽ nhận hậu quả thảm bại, tức tác phẩm sẽ "chết” ngay khi vừa phôi thai trên trang viết, hoặc có định hình, cũng thành sản phẩm èo uột bởi tính "bắt dính” của xúc cảm và tiếp nhận xúc cảm đã bị chính tính siêu biểu tượng làm chai lỳ, mòn trơ. Nếu may mắn hơn (tức chủ thể sáng tạo "cao tay” trong việc điều phối con chữ), cánh cửa nghệ thuật tưởng như đã mở toang trước mắt, nhưng thực tế, cái phản động lại xúc cảm tiếp nhận và năng lực tiếp nhận của vận động cảm thức nơi đối tượng tiếp nhận cũng không dễ gì bị xói mòn, hay chuyển hướng, nó sẽ tương tác cùng những giá trị mặc định của siêu biểu tượng chống lại mọi tham vọng /cuồng vọng/ đang lăm le muốn vượt qua nó đến tận cùng... ví hệ thống siêu biểu tượng là con dao hai lưỡi, tự bản chất hai lưỡi dao luôn thay nhau hướng kề cái được gọi là thành công nghệ thuật, nhằm chống lại ý đồ nghệ thuật của chủ thể sáng tạo.
Khi lựa chọn sử dụng siêu biểu tượng thơ biển vào bài thơ Tiếng khóc, dù hữu thức (hoặc vô thức), chủ thể sáng tạo đã vô tình nhận về mình cả chuỗi khó khăn vô hình đang đợi chờ trước mắt, mà cụ thể là hai yếu tố khó vượt qua nêu trên. Ở tác giả trẻ này, hình như sự may mắn văn chương hay cái duyên nghệ thuật đã giúp Minh Đan lần lượt vượt qua những thử thách khó khăn đó. Sự thành công đầu tiên, hay dấu ấn minh định cho sự thành công là lãnh vực khai thác và sử dụng ngôn ngữ thơ, thể hiện qua phương thức lựa chọn và xử lý chất liệu ngôn ngữ, công phu, cẩn trọng, sáng tạo mà mạnh mẽ, qua nghệ thuật xây dựng tiếng khóc tâm trạng phát triển xuyên suốt chiều dọc tác phẩm. Sự thành công thứ hai, góp phần làm nên hồn cốt diện mạo văn chương cho tiếng khóc tâm trạng là ý thức mạnh dạn sử dụng hai siêu biểu tượng rừng và biển trong một cặp đôi trữ tình, hoàn hảo, tròn vạnh xúc cảm thi ca.
Phương thức xử lý chất liệu ngôn ngữ thơ trong Tiếng khóc được tác giả đưa lên yếu tố hàng đầu, mỗi ký tự, mỗi tổ hợp câu chữ đều được khoác thêm những tầng nghĩa phái sinh (hoặc được bao trùm, phổ quát lên /trong/ các tầng nghĩa phái sinh) bằng sức mạnh của sự gợi nhắc vốn có từ bản chất của chúng cùng quá trình phá vỡ (và tự phá vỡ cấu trúc nội tại) nhờ hiệu ứng rời rạc của tư duy văn bản qua cách thức trình bày ý tưởng trong bài, điển hình: Mặt trời thôi mọc; sự thật ngỡ ngàng; rỉ xuống gốc tàn tro của biển; thân xác tàn rời mảnh xương dị dạng; co mình nhập nhoạng; nếu đem phân tích thô thiển các câu trên bằng lối tư duy theo cú pháp câu thường ngôn, hàm lượng thông tin tuy nghèo, nhưng vẫn truyền tải đến đối tượng tiếp nhận lượng thông tin nhất định, đủ đánh thức năng lực thụ cảm trong lối tư duy thường ngôn.
Dưới ánh sáng của nghệ thuật ngôn ngữ và hình tượng thi ca, tầng tầng nghĩa phái sinh đã lấp ló sau mỗi tổ hợp từ khi tính bất biến của cấu trúc câu đã bị phá vỡ, ảnh hưởng của nguyên lý rời rạc văn bản với tư duy nghệ thuật nơi đối tượng tiếp nhận tương tác thành khoái cảm thẩm mỹ nghệ thuật, nhờ đó, sức gợi của ngôn ngữ văn bản được nâng cao, hệ thống thi ảnh sẽ trở nên lung linh huyền ảo, gây ấn tượng xúc cảm tươi mới cho quá trình thụ cảm và tiếp nhận. Trong tầng nghĩa phái sinh đó, ánh xạ của hệ thống thi ảnh có sức mạnh bung phá của quá trình hình thành lực căng văn bản chuyển hoá thành năng lực ám thị, khiến tứ thơ ám ảnh đặc biệt, neo vào tâm trạng với sức sống bất diệt của nó.
Ở Tiếng khóc, nghĩa phái sinh của Mặt trời thôi mọc; sự thật ngỡ ngàng; thân xác tàn rời mảnh xương dị dạng;… đã mang những sắc thái lạ của sáng tạo (đúng nghĩa). Mặt trời và sự thật; thân xác và mảnh xương trong cấu trúc tổ hợp câu, tuy đóng vai trò của hai chủ thể thuần nhất, tương đồng mang tính nhị nguyên trong phương thức gợi ám thị, cũng đồng thời với chức năng của thiên tính nghệ thuật được đẩy cao ở tầng nghĩa phái sinh. Mặt trời thôi mọc; thân xác tàn rời không những hàm nghĩa không chịu sự ảnh hưởng chi phối của không gian và thời gian (thực tại hiện tồn/ nghệ thuật), mà nó đóng vai trò truyền tải những rung động sâu kín nhất của tâm trạng chủ thể sáng tạo, từ đây, tiếng khóc vô thanh của tâm trạng cũng phôi thai định hình.
Bẻ gãy vụn cấu trúc, và phân rã đến tận cùng thuộc tính của tư duy logic Máu loang, sự sống hồi sinh/ rỉ xuống gốc tàn tro của biển; co mình nhập nhoạng/ biển mênh mông và khoắc khoải/ trên môi mắt người con gái cũng đem lại những ám thị sâu sắc, khiến lằn ranh giới nghệ thuật và phi nghệ thuật khó tường tận, rạch ròi trong những câu thơ này, hình hài của tiếng khóc tâm trạng chỉ nét dần, rõ nét dần trong cảm thức tiếp nhận nơi đối tượng thụ cảm nhờ sự hoá thân trọn vẹn của nút thắt/ con mắt nghệ thuật duy nhất - co mình nhập nhoạng. Nhờ phương thức xử lý linh hoạt có phần mạnh bạo mà biểu tượng cặp đôi của hai siêu biểu tượng rừng và biển đã có dấu ấn riêng của một cặp biểu tượng văn học, tuy còn mờ nhạt nhưng nhờ vậy mà thoát được lưỡi dao thử thách thứ nhất cũng đã là một thành công không dễ dàng gì với chủ thể sáng tạo.
Hãy tạm làm thử một phép đối chiếu, trong "Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh, cặp đôi biểu tượng thuyền và biển được cô đọng lại trong triết lý yêu mãnh liệt và sâu sắc với mạch chảy xuôi chiều của tư duy hướng biển, khao khát hướng về sự đồng thuận lý tưởng và sự tuyệt đối hoá của chân lý, bằng cách thức phát triển thời gian và không gian nghệ thuật được ước lệ bằng khoảng thời gian (những ngày; những ngày không gặp nhau) và miền không gian phẳng (nỗi nhớ; chỉ có thuyền mới hiểu; chỉ có biển mới biết). Ở bài thơ "Biển” của Xuân Diệu, cặp đôi biểu tượng biển và bờ thể hiện triết lý yêu đến tận cùng dâng hiến, hừng hực đam mê, cũng là tư duy hướng biển, nhưng là sự khao khát trải nghiệm của xúc cảm yêu, theo thời gian và không gian nghệ thuật biến ảo diệu kỳ ở mỗi cung bậc tình cảm, một lộ trình phát triển tuần tự của tình cảm lứa đôi, thời gian nghệ thuật được tính bằng chuỗi thời gian (ngàn năm, muôn đời; mãi ngàn năm bên sóng; Hôn đến mãi muôn đời), và chiều sâu không gian (đam mê Bờ cát dài phẳng lặng; soi ánh nắng pha lê; Bờ lặng lẽ cát vàng; thoai thoải hàng thông đứng), tính hoàn hảo của cả hai cặp đôi biểu tượng thơ trong thi phẩm của Xuân Diệu (Biển), Xuân Quỳnh (Thuyền và biển) có lẽ chẳng cần dẫn giải nhiều thêm bởi tự thân các cặp biểu tượng, tự bản chất đã tàng ẩn đầy đủ triết lý yêu và sự gắn bó.
Cái khác lạ thậm chí là mới trong cách lựa chọn cặp đôi biểu tượng của Minh Đan đã thể hiện bản chất sáng tạo và khao khát khám phá tiềm ẩn trong cách nhìn nhận vấn đề yêu và được yêu của giới trẻ với triết lý yêu và sống cởi mở, riết dóng phù hợp với tốc độ phát triển chung của xã hội đương đại/ thế hệ mà mọi khoảng cách thời gian và không gian luôn bị rút ngắn, xoá nhoà, ở đó ranh giới tôi và cả thế giới chỉ qua một cú click/ hai biểu tượng biển và rừng, với hai đặc trưng cơ bản riêng rẽ không hề gợi nhắc đến khái niệm gắn bó hay thuỷ chung, chẳng thuần nhất, nhưng tư duy hướng biển vẫn được phát triển và khai thác triệt để, rốt ráo đẩy tâm trạng thơ cùng biểu tượng thơ hướng tới đỉnh cao nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, thống nhất chúng trong một cặp biểu tượng, khi tác giả mạnh dạn đặt vấn đề về nó ngay câu thơ mở đầu: Anh ví em là rừng sâu núi thẳm/ em cợt đùa anh biển mặn (để hiểu tường tận hai câu thơ này với đầy đủ tư duy của hình tượng thơ, tạm ngược về quá khứ của địa lý lịch sử thuở mở đất, mở nước qua lối tư duy của họ Hồng Bàng suốt hành trình hình thành niên sử, từ miền rừng núi Phong châu dịch chuyển dần về Loa Thành, rồi Hoa Lư với lộ trình phát triển theo nguyên lý thuận từ cao tới thấp theo chiều dọc không gian của chu trình biển tiến, tạo sơn, biển lùi (hiện tượng xâm thực của địa chất học)).
Từ chiều sâu tư duy gợi mở hình tượng "biển” và "rừng” qua lối ví von trẻ trung tươi mới, và sáng tạo, tác giả của Tiếng khóc đã mạnh dạn triển khai phát triển xúc cảm thơ và mặc định lại (restart) cho hai biểu tượng thơ "rừng” và "biển” những trường cảm nhận hoàn toàn mới mẻ, không hề rập khuôn hay sáo mòn qua các thủ pháp nghệ thuật kích thích khả năng tư duy của đối tượng tiếp nhận: Lửa cháy lòng sao tê buốt thế gian, bỗng một hôm rừng xát muối bẽ bàng/ thì ơi hỡi, biển ngậm gừng rên rỉ... dùng thủ pháp nói ngược lửa cháy và tê buốt để phản tỉnh hiện thực đang diễn ra, và nhân cách hoá biểu tượng rừng xát muối; biển ngậm gừng để ám thị tâm trạng đau đớn tột cùng, thì nỗi đau đớn này đã có cơ hội nhân đôi trong vòng truyền tải - tiếp nhận, cơ sở để xuất hiện cầu nối đồng cảm giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận.
Tâm trạng hai biểu tượng sau cú restart đã có một đời sống riêng và chỗ đứng riêng trong bài thơ, lung linh thi ảnh, mỗi biểu tượng đều song hành cùng sự phát triển của không gian tuyến tính có khởi thuỷ từ tư duy hình tượng: Rừng không như thú ngày đêm ào ạt/ máu loang sự sống hồi sinh/ rỉ xuống gốc tàn tro của biển, phát triển, hoà nhập hai hình tượng riêng biệt gần như đối lập về tính chất và bản chất, lại không thuần nhất vào một cặp biểu tượng thơ, tạo xúc cảm và ấn tượng mới lạ, ám ảnh về không gian của sự nhớ nhung da diết đầy tính tâm trạng, khởi nguyên cho sự tương đồng rung cảm nghệ thuật.
Bám sát nguyên lý của tư duy logic với chiều dọc không gian với phép nhìn cận - viễn, cao - thấp qua góc độ tương phản của cảm quan xuất phát từ vị thế tâm trạng của biểu tượng rừng, biển hiện ra với đầy đủ thiên tính và nhân tính, sức ám ảnh của hình tượng biển cũng được đẩy tới cao trào của bi kịch mang tên cuộc đời, là nỗi đau đớn xa xót quằn quại rất tâm trạng: một góc trời, biển cuồng phong mở tiếng/ thân xác tàn rời mảnh xương dị dạng. Sự ám ảnh nghệ thuật thực sự trở thành nỗi đau đồng điệu với xúc cảm thơ chỉ khi cảm thức biểu tượng rừng trọn vẹn hướng về biển, thể hiện qua /với/ các cung bậc tình cảm lo âu, hồi hộp, ngóng vọng, đoán định, biểu tượng biển khi ấy đã thực sự được định hình, bi tráng và tột cùng bi tráng.
Câu thơ thân xác tàn rời mảnh xương dị dạng đặc tả tâm trạng biểu tượng thơ "biển” là đắc địa và đắt giá nhất trong Tiếng khóc bởi (từ vô thức) tác giả đã chuẩn bị rất công phu và kỹ lưỡng cho sự ra đời của nó, điều đó được dự báo từ khi câu thơ: máu loang sự sống hồi sinh đang định hình, bởi quy luật của tính đăng đối trong thủ pháp so sánh ngầm và phép logic của tư duy hướng biển đã ngầm mặc định, điều đó khiến câu thơ trở thành một phần cơ thể sống của cấu trúc nghệ thuật hoàn hảo, nếu loại bỏ, khoái cảm thẩm mĩ từ bài thơ sẽ bị giảm đi rất nhiều, và ý đồ nghệ thuật cũng hoàn toàn bị phá sản. Điểm lạ ở Tiếng khóc, là mạch chảy thời gian (vật lý) hầu như không hiện hữu, thời gian nghệ thuật vì thế cũng rất mong manh, khó phân định như một lát cắt mỏng, nhẹ và sắc thoảng lướt qua, cảm thức không gian nhờ đó trở nên mênh mông vô tận, phát triển đa chiều, đa sắc thái, cô đọng lại trong một tầng triết lý yêu rất hiện đại nhưng cũng đầy trăn trở: yêu có nghĩa là được sống...
Vượt qua hai lưỡi dao thử thách, cặp đôi biểu tượng thơ "rừng” và "biển” trong Tiếng khóc của Minh Đan đã thực sự neo vào lòng người đọc những dòng thác tâm trạng, ở tiếng khóc ấy không có sự gầm thét bật ra từ nỗi đau nhân tình thế thái, không có tiếng rền rĩ bi phẫn của sự thất vọng trước cuộc sống, tình người, tình yêu, lại càng tuyệt đối không có tiếng oán than sầu lụy trách hận người, trách giận đời.
Chạm tới đỉnh cao của nghệ thuật thi ca là âm hưởng tâm hồn của một tâm trạng thơ đầy nhân ái, hỉ xả trước mọi hiện tượng sự vật diễn ra mỗi sát na xung quanh cuộc sống con người, tình yêu con người – Tiếng khóc tâm trạng hoàn toàn vô thanh của cảm thức Ta... rất sâu sắc và gần gũi với tính triết luận của câu thơ kết: Cát bụi đã về chấp chới/ bình yên có ghé qua...
Hưng Yên, 26/04/2012
TRẦN XUÂN ĐẠT