Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,482,001 lượt

(Báo Bình Định online) Nhà thơ Minh Ðan: Tôi mong muốn lan tỏa những điều tích cực...

Ðầu năm 2022, nhà thơ Minh Ðan, một người con của quê hương Bình Ðịnh, nổi tiếng với biệt danh “Lọ Lem đất Võ” đón nhận niềm vui “song hỷ lâm môn”: Ðược trao giải nhất cuộc thi viết “Về nhà” do NXB Hội Nhà văn (chi nhánh miền Nam) phối hợp Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.vn) tổ chức và tập thơ Phút bù giờ (NXB Hội Nhà văn) vừa ra mắt đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

 

Thường xuyên nghĩ về quê nhà và những người yếu thế

 

Chúc mừng chị với tập thơ mới - “Phút bù giờ”. Sau gần 10 năm, từ tập thơ “Phút 89”, chị mới trở lại với tập sách của riêng mình?

Kể từ Phút 89 xuất bản năm 2013, thì đến nay tôi mới in Phút bù giờ sau nhiều lần trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Cũng có thể nói Phút bù giờ là sự tiếp nối mạch cảm xúc từ tập thơ Phút 89. Nhưng những “quả bóng thơ” trong tập này không chuyền lấp lửng giữa tình ái và thế sự như ở Phút 89, mà nhập cuộc trong tư thế của một chiến binh với những đường bóng nhanh - thẳng, không ngại va chạm. Mỗi phút bù giờ tạo nên một kịch tính riêng theo từng chủ đề khác nhau: Khâu múi nhớ (viết cho mẹ đơn thân); Phố trôi (viết cho trẻ em đường phố); Ghi chép vụn vặt mùa Covid (viết cho sự thức tỉnh lương tri con người); Nước mắt xé trời (viết cho lũ lụt miền Trung) và Lương tâm cô đơn (viết về những vấn đề thời sự của đất nước).

Là một người viết, tôi luôn muốn thử thách bản thân mình. Vì lẽ đó, “sân thơ” của tôi ở Phút 89 rồi đến Phút bù giờ, trước và sau, đều muốn chia sẻ tới bạn đọc sự lựa chọn khắc nghiệt của mình trước sự dồn đẩy của cảm xúc và lý trí. Qua đó, tôi có cơ hội thể hiện trách nhiệm công dân với người dân và đất nước mình nhiều hơn.

 

Tập thơ "Phút bù giờ" xuất bản tháng 12/2021 của nhà thơ Minh Đan được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt sau khi ra mắt

 

“Phút bù giờ” còn là một sự sẻ chia về phía quê nhà Tây Sơn - Bình Định phải không, thưa chị?

Thú thật là trong tập thơ này, tôi không có bài viết nào dành cho mảnh đất Tây Sơn cả. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có trách nhiệm với quê nhà yêu dấu của mình. Bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, tôi vẫn luôn dành cho quê hương một tấm lòng trân trọng.

Chắc bạn còn nhớ về tập thơ văn "Dấu chân Hầm Hô" xuất bản năm 2011, in chung nhiều tác giả, trong đó tôi có phân nửa tác phẩm góp mặt và trực tiếp làm Chủ biên. Tôi rất hạnh phúc và tự hào vì được góp một chút tâm sức bé nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh, đặc sản quê hương tới du khách thập phương qua con đường văn hóa đọc. Và dành phần lớn doanh thu phát hành cuốn sách đem chia sẻ lại với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Khi ra mắt tập thơ "Phút 89" năm 2013, tôi cũng trao tặng học bổng cho các em tân sinh viên đồng hương Bình Định khó khăn ngay tại buổi ra mắt.

Lần này, với "Phút bù giờ", tôi cũng dành doanh thu bán sách gây quỹ để trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học tại quê nhà.

Tôi nghĩ quê hương đón nhận tấm lòng của tôi - một người con xa xứ theo cách này, cũng rất ấm áp phải không.

 

Nhà thơ Minh Đan trích Quỹ bán sách trao học bổng cho tân sinh viên nghèo đồng hương Bình Định 

 

Tách bạch giữa công việc và đam mê

Chị Minh Đan từng có nhiều năm hoạt động khá thành công trong nghề báo. Nhiều người ngạc nhiên khi biết chị là tác giả của nhiều bài báo kinh tế có tính phân tích - dự báo sắc sảo chính là “Lọ Lem đất Võ” với nhiều bài thơ tình nồng nàn, say đắm. Với nhiều người không dễ cân bằng và tách bạch giữa công việc với đam mê nhưng với chị, mọi việc đơn giản một cách tự nhiên.

 

Từng có thời gian dài công tác ngành báo, là phóng viên chuyên mảng kinh tế, chị cân bằng như thế nào giữa công việc và đam mê sáng tác?

Tôi hoạt động trong nghề báo gần 15 năm, sau đó chuyển về lĩnh vực truyền thông tại một số tập đoàn. Tôi là người luôn tách bạch giữa công việc mưu sinh với niềm đam mê và tôi thực hiện điều đó một cách nhẹ nhàng, giản dị, không cần một chút cố gắng nào.

Ở vai trò phóng viên kinh tế, tiếp cận nhiều với DN, cơ sở kinh doanh, những thứ tôi quan tâm thường rất khô khan như số liệu, tiền tệ, bảo hiểm, các dự án đầu tư..., tôi cần khai thác đúng, đủ trong một khuôn khổ, giới hạn nhất định. Nhưng ở vai trò người sáng tác, tôi được là chính mình, được ngụp lặn thật sâu vào những thân phận con người, đặc biệt là người lao động nghèo. Tôi rất thích viết về họ. Mỗi khi tiếp xúc với những số phận ấy, tôi tìm thấy chất xúc tác, sự rung cảm. Những nỗi đau hắt lên thân phận con người cũng vì thế mà nhân văn và sống động hơn.

Những giải thưởng văn chương tôi đang sở hữu cũng là những bài thơ, bài ký viết về công nhân nghèo, như Người công nhân cạo mủ (giải thơ), Chuyến về nhà của Huyền (giải bút ký). Và tôi gọi đó là “món quà của tình người”.

 

Dường như trong nghiệp viết, chị luôn dành nhiều sự quan tâm đến những góc khuất, những phận người yếu thế?

Đúng vậy! Hầu hết các tác phẩm của tôi đều hướng về những phận người yếu thế. Tôi luôn ngụp lặn trong đời sống thiếu thốn, cùng họ đi qua những dâu bể cuộc đời, để từ đó đồng cảm, sẻ chia và yêu thương nhiều hơn. Khi viết về họ, lòng tôi trĩu nặng hơn nhưng hạnh phúc hơn…

 

Tôi tin, tình người vẫn đầy ắp xung quanh chúng ta.

 

"Trước khi NXB Hội Nhà văn (chi nhánh miền Nam) phối hợp Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.vn) tổ chức cuộc thi viết “Về nhà”, bút ký “Chuyến về nhà của Huyền” là một phần của bản thảo tập bút ký của tôi viết về những mảnh đời cơ cực, khốn khó mà tôi cùng đồng đội mình đã hỗ trợ, sẻ chia trong tâm dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương năm vừa qua". Khi viết, tác giả Minh Đan chỉ nghĩ đơn giản là lưu lại một hành trình đáng nhớ, một lịch sử đau thương, những câu chuyện có thật giữa đời thường… bằng cái nhìn nhân văn…

 

Chúc mừng chị vừa giành giải Quán quân cuộc thi viết “Về nhà” với bài viết rất xúc động “Chuyến về nhà của Huyền”. Điều gì đặc biệt ở Huyền đã thôi thúc chị viết về nhân vật này?

Vì họ chính là những phận người chịu nhiều thiệt thòi, bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ vật chất tới tinh thần, cần được che chở, yêu thương hơn hết. Tôi viết về họ như viết về người thân, người bạn của mình.

Vào thời điểm cuối tháng 7 năm 2021, tôi tham gia chương trình “Gói tình Shark Liên - Gửi nghĩa đồng bào” với cương vị là thành viên Ban tổ chức, trực chiến đường dây nóng cứu trợ bà con nghèo. Trong hành trình 72 ngày gian nan đó, tôi đã gặp Huyền sau khi nhận cuộc gọi cầu cứu từ một người hàng xóm trong khu trọ nghèo nơi Huyền đang sống.

Huyền là mẹ đơn thân, nuôi hai con nhỏ, vừa mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19, hoàn cảnh ngặt nghèo, không người thân, không tiền, không còn gạo để ăn. Anh hàng xóm sợ tôi bỏ quên Huyền giống như các tổ chức thiện nguyện khác nên thường xuyên gọi tâm sự với tôi chuyện nhà Huyền và tôi đã hứa với anh là sẽ dốc hết sức để giúp Huyền bằng tất cả khả năng.

Sau khi ba mẹ con Huyền đi cách ly về, tôi đã thực hiện đúng lời hứa đó. Tôi giúp lương thực thực phẩm cứu đói mẹ con Huyền, và bàn bạc với Ban tổ chức thiện nguyện giúp Huyền một số tiền để lo cúng thất, trả tiền phòng trọ và thu xếp đưa cha mẹ về mảnh đất hương hỏa ở quê nhà Sóc Trăng.

Và rồi tình cờ cuộc thi viết “Về nhà” xuất hiện, tôi như tìm được một nơi để gửi gắm tâm tình. Và tôi đã đem bài viết gửi dự thi. May mắn bài viết nhận được nhiều đồng cảm và được trao giải.

 

Nhà thơ Minh Đan đạt Giải Nhất cuộc thi viết "Về nhà" với tác phẩm "Chuyến về nhà của Huyền" 

 

Chị muốn gửi gắm thông điệp gì thông qua cuộc thi viết này?

Đó là dù trong hoàn cảnh nào, dù cho phận người có bé nhỏ mong manh bao nhiêu, vẫn luôn có những tấm lòng thành nhìn thấy và chung tay giúp đỡ những người khốn khó. Tôi tin, tình người vẫn đầy ắp xung quanh chúng ta.

 

Chị vẫn đang và sẽ còn tiếp tục hành trình của những yêu thương và chia sẻ chứ?

Tất nhiên rồi! Tôi vẫn đang tiếp tục với những hành trình, mong muốn lan tỏa những điều tích cực trong khả năng hạn hẹp của mình. Trong năm nay, tôi cũng sẽ dành thời gian về Bình Định giao lưu ra mắt sách tới bạn đọc quê nhà và dành những suất học bổng cho các em học sinh khó khăn. Thú thật, bao giờ cũng vậy chỉ cần nghĩ đến chuyến đi về thăm lại quê nhà, tôi đã thấy rất ấm áp.

 

Cảm ơn chị về những chia sẻ này. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và niềm vui, tiếp tục lan tỏa những điều tích cực, ý nghĩa trong cuộc sống!

VÂN PHI (Thực hiện)

 

(Link bài gốc: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=228202)

Top