Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,409 lượt

Báo Khoa học Thời đại: Nhà văn trẻ Sài Gòn ấm tình Bình Phước

Vào tối 6.3.2016, đoàn nhà văn trẻ đã về đến Sài Gòn kết thúc chuyến đi thực tế sáng tác 3 ngày ở tỉnh biên giới Bình Phước. Đây là chuyến đi thực tế đầu tiên bằng phương thức xã hội hoá của nhiệm kỳ mới do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Sài Gòn tổ chức rất thành công.

 

Những ngày ở Bình Phước, đoàn nhà văn trẻ Sài Gòn (Phan Hoàng, Trần Nhã Thụy, Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Phùng Hiệu, Hoa Níp, Trần Võ Thành Văn, Trần Huy Minh Phương, Hồ Huy Sơn, Minh Đan, Phạm Phương Lan, Tiểu Quyên, Phương Huyền và Ngọc Hoài) đã nhận được sự đón tiếp ăn ở chu đáo, hướng dẫn tham quan tận tình của Ban Biên tập tạp chí Khoa Học Thời Đại và Ban Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lệ. Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Vũ cùng các nhà báo Bùi Liêm, Trương Quyền, Nguyễn Thanh Khoa đã theo sát mọi hoạt động của đoàn. Giám đốc điều hành Nguyễn Võ Kim Khôi của Lâm viên Mỹ Lệ trực tiếp lo từng bữa ăn, giới thiệu từng món đặc sản. Tổng giám đốc Phạm Thị Mỹ Lệ đang họp ở Hà Nội đã tranh thủ bay về gặp mặt, trò chuyện thân tình với đoàn trước lúc chia tay.

 

 

Nói đến Bình Phước là mọi người hay nghĩ đến một tỉnh biên giới vốn là chiến trường nóng bỏng năm xưa với những địa danh nổi tiếng như Phước Long, Đồng Xoài, Phú Riềng, Bà Rá, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Sóc Bom Bo,… Và nói đến Bình Phước cũng là nói đến một tỉnh còn nghèo, khó khăn hàng đầu đất nước hiện nay. Tuy nhiên, trước nỗ lực không ngừng của nhân dân Bình Phước, tỉnh biên giới tách ra từ tỉnh Sông Bé này đã và đang có rất nhiều thay đổi từ cơ sở hạ tầng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

 

 

Một trong những hình ảnh đổi mới tiêu biểu của Bình Phước chính là sự xuất hiện của Lâm viên Mỹ Lệ, tức Khu Du lịch sinh thái Mỹ Lệ nằm ven đường DT 741 thuộc xã Long Hưng, huyện Phú Riềng. Lâm viên này rộng tới 70ha, được đầu tư đầy đủ mọi tiện nghi nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ngắn hạn và dài hạn, gồm hệ thống biệt thự, khách sạn, nhà hàng nằm giữa thiên nhiên trong lành với bát ngát vườn tre, rừng điều, đồi chè, đồi thông… Đây là nỗ lực lớn của doanh nhân Phạm Thị Mỹ Lệ cùng gia đình và Tập đoàn Mỹ Lệ - doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Bình Phước, nhằm góp phần làm thay đổi diện mạo tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn.

 

 

Những ngày lưu lại ở Lâm viên Mỹ Lệ, các nhà văn trẻ Sài Gòn hết sức bất ngờ, thích thú trước vẻ đẹp thiên nhiên, tiện nghi sang trọng và sự phục vụ tận tình, mến khách của cán bộ nhân viên ở đây. Thời gian đi thực tế Bình Phước, đoàn nhà văn trẻ Sài Gòn còn được Ban Biên tập tạp chí Khoa Học Thời Đại hướng dẫn tham quan công trình thuỷ điện Thác Mơ, đi cáp treo lên dâng hương trên đỉnh núi Bà Rá,… Đó là những nơi từng gắn liền với nhiều chiến tích trong chiến tranh.

 

 

Ngoài ra, đoàn còn có buổi giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại ấm tình đồng nghiệp giữa Sài Gòn với Bình Phước. Chia tay vùng biên giới còn nhiều khó khăn nhưng đầy ắp tình đất tình người, các nhà văn trẻ Sài Gòn đều hy vọng sẽ sớm trở lại đất này để có những sáng tác mang cảm hứng, nỗi xúc động và vẻ đẹp thăng hoa từ Bình Phước.

 

HP - MĐ 

http://khoahocthoidai.vn/nha-van-tre-sai-gon-am-tinh-binh-phuoc-2626.html

http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/nha-van-tre-sai-gon-am-tinh-binh-phuoc.html

Top