Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,280 lượt

(Vanvn.vn - Hội Nhà văn Việt Nam) Cần có thêm nhiều cuộc thi viết “Về nhà”

Vanvn- Cuộc thi viết tản văn với chủ đề “Về nhà” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn – Chi nhánh phía Nam và Vanvn.vn phối hợp thực hiện đã kết thúc, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người viết và bạn đọc. Dư luận cho rằng đời sống văn học hiện nay cần có thêm nhiều cuộc thi viết như thế…

Tác giả Minh Đan (bên phải) nhận Giải nhất Cuộc thi viết “Về nhà”

và tặng lại toàn bộ tiền thưởng cho chị Huyền – nhân vật trong bài viết.

 

Không chỉ là những “chuyện đời tự kể”

Ngay từ khi phát động, ý tưởng cuộc thi đã được lan tỏa rộng rãi: Về nhà, một chủ đề – vạn câu chuyện. Đại dịch Covid-19 là những trải nghiệm chưa từng có đối với tất cả mọi người; và trong hoàn cảnh ấy, ai cũng muốn được “về nhà”. Không chỉ là ngôi nhà mang ý nghĩa vật chất, làm chốn nương thân, cách ly với dịch bệnh; về nhà còn mang ý nghĩa là cuộc trở về với trái tim mình, với gia đình, tuổi thơ, với những ước mơ chưa thực hiện được… Nhưng cũng có biết bao người trải qua tâm trạng không thể về nhà (những người mất vì dịch bệnh; những người không có nhà cửa; đội ngũ y tế, các tình nguyện viên suốt mấy tháng ròng trong các bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19…). Ước mơ “về nhà” luôn cháy bỏng trong mỗi cuộc đời, mỗi con người; và những nhà văn chân chính đã “đọc” ra được mong muốn ấy, tạo điều kiện cho mọi người “trải lòng” câu chuyện của chính bản thân hoặc gia đình mình.

Vì vậy, chỉ trong 40 ngày phát động, Ban tổ chức cuộc thi nhận được 750 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước, và đã chọn đăng 84 bài viết trên diễn đàn chính thức của cuộc thi, sau đó chọn 39 bài viết vào vòng chung khảo. 39 bài viết này đã được in thành tập sách nhỏ ra mắt đúng dịp lễ trao giải cuộc thi. “Mỗi bài viết đều có một câu chuyện, một thông điệp đẹp đẽ trao đi”, đó là ý nghĩa vượt khỏi quy mô của cuộc thi. Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý – thành viên Ban giám khảo khẳng định: “Điều đầu tiên phải nói là mỗi bài một kiểu đều chạm vào tim người đọc theo cách rất riêng... Tôi không mong mình phải rớt nhiều giọt nước mắt như vậy khi đọc, nhưng bằng cách nào đó, các tác giả vẫn cứ làm tôi rớt nước mắt không biết bao nhiêu lần”.

Và không chỉ những bài viết được trao giải, tất cả những bài viết tham gia cuộc thi đều mang những giải thưởng đáng quý của tâm hồn. Không chỉ là những câu chuyện đời tự kể, các bài viết đã kết nối, sẻ chia và nhân lên rất nhiều tâm sự, tình cảm giữa đời thường, giúp an ủi và làm ấm lòng biết bao con người vừa phải nắm chặt tay, dựa vai nhau đi qua đại dịch…

Tập sách “Về nhà” được in ấn và phát hành ngay trong dịp trao giải (NXB Hội Nhà văn & Mibooks thực hiện)

 

Ấm lòng ngày gặp mặt

Trong khuôn khổ buổi trao giải đặc biệt, được trang bị 5K, và số lượng người tham gia cũng khá hạn chế vì tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, có những câu chuyện cảm động tiếp nối nhau. Đó là sự có mặt của các “mạnh thường quân” từ xa xôi cũng về tham dự, chung vui, mang theo những thông điệp bảo vệ sức khỏe, động viên tinh thần để tiếp tục phòng, chống dịch bệnh. Những món quà ủng hộ cuộc thi ăm ắp tấm lòng của các doanh nghiệp, mong muốn chia sẻ và lan tỏa ý nghĩa tích cực của cuộc thi viết.

Buổi trao giải cũng là một cuộc họp mặt nho nhỏ, quy tụ nhiều cây bút trẻ, các nhà văn, nhà báo ở khu vực phía Nam – những người nhiệt thành tham gia cuộc thi với vai trò là người tổ chức, hoặc là người đưa tin, là người dự thi… Những câu chuyện “về nhà” được kể lại từ các góc độ khác nhau đó, mang lại cái nhìn đa diện và rất nhiều cảm xúc về cuộc thi viết đặc biệt này. Thật ấm lòng khi những câu chuyện được kể còn mang đến nhiều câu chuyện khác, mở ra những vấn đề thiết thực cho cuộc sống đời thường. Với tác phẩm “Chuyến về nhà của Huyền”, tác giả Minh Đan đã được trao giải Nhất, song chị dành hết phần tiền thưởng tặng lại cho Huyền – nhân vật của bài viết. Chị chia sẻ: tác phẩm được giải chỉ là một phần công việc chị đã thực hiện trong đợt dịch bùng phát; từ chỗ tham gia hỗ trợ, cứu trợ người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn, chị viết nhiều bài viết kêu gọi cộng đồng, và từ đó tham gia cuộc thi…

Không thể về dự lễ trao giải, sư cô trẻ Diệu Hoa – tác giả bài viết “Về nhà thôi” (giải Nhì) viết từ Sri Lanka: “Sống trong thời kỳ dịch bệnh, mỗi người có một cách riêng để trải lòng mình. Có người họa những bức tranh, gửi hết tâm tư vào từng nét vẽ. Có người gửi trọn tâm tình vào từng vần thơ. Có người gói cả yêu thương vào từng câu văn con chữ… Với tôi, cuộc thi viết Về nhà là một liều vaccine tinh thần mà tôi may mắn được biết đến, được có cơ hội viết lên cảm xúc thật của mình. Mong Ban tổ chức sẽ có thêm những cuộc “Về nhà” để “Về nhà” trở thành “ngôi nhà thân yêu” cho tất cả mọi người trên khắp năm châu được trải lòng mình”.

Còn nhiều trường hợp khác, nghiêm túc hoặc tình cờ đến với cuộc thi, song đều dốc hết cảm xúc, tâm sự của mình để viết nên những câu chuyện đời thường, có thật. Hiệu ứng về mặt tình cảm, sự chân thật đã trở thành một nền tảng vững chắc làm nên tính nhân văn và độc đáo của cuộc thi.

 

 Ban tổ chức tặng hoa và thư cảm ơn đến các đơn vị tài trợ 

đã đồng hành cùng cuộc thi viết "Về nhà"

 

Một sự chuyên nghiệp cần thiết

Với thời gian cuộc thi rất ngắn (40 ngày), trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, và nhiều trở ngại khác – nhất là về điều kiện kinh phí, song cuộc thi viết “Về nhà” đã thành công về nhiều mặt. Ngay từ đầu, cuộc thi đã được truyền thông rộng rãi, thu hút sự chú ý của nhiều người, nhiều giới. Ban tổ chức liên tục cập nhật thông tin cuộc thi trên website của Hội Nhà văn Việt Nam, Fanpage chính thức của cuộc thi và các phương tiện đại chúng khác. Tập sách “Về nhà” được in ấn và phát hành ngay trong dịp trao giải (NXB Hội Nhà văn & Mibooks thực hiện). Cũng từ cuộc thi, nhiều cây bút trẻ được phát hiện, có người còn là sinh viên ở giảng đường, được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm sống và sáng tác…

Có được thành công này chính là nhờ sự đồng lòng của các thành viên Ban tổ chức, sự ủng hộ của Hội Nhà văn Việt Nam, các mạnh thường quân và đông đảo bạn đọc, viết trên khắp cả nước. Đó cũng là cách thức tổ chức chuyên nghiệp nhờ sự nỗ lực của các cá nhân và tập thể phối hợp tổ chức, cùng với thái độ chân tình, đáng quý của các thành viên.

Khép lại cuộc thi viết “Về nhà” năm 2021, đời sống văn học trong nước có thêm sự phong phú, hấp dẫn, và tạo được nhiều dư luận tốt đẹp. Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì cuộc thi viết “Về nhà” như là một cách nhân rộng các giá trị gia đình và xã hội hiện nay. Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thành viên Ban tổ chức – cho rằng: “Cuộc thi viết Về nhà này có thể nói là “có một không hai”, chưa bao giờ chúng ta rơi vào một hoàn cảnh hay nghịch cảnh mà có nhiều cảm xúc như vậy. Ban tổ chức cũng có một suy nghĩ cũng như định hướng, đó là hiện thực cụm từ ‘Về nhà’ này sẽ tiếp tục lan tỏa”.

Cũng từ cuộc thi viết “Về nhà”, triết lý sống về ngôi nhà, và những giá trị nhân văn Việt Nam tiếp tục được khơi gợi, lan tỏa trong cuộc sống; và có thể cũng là sự “gợi ý” cho những dự án văn hóa – xã hội lớn hơn…

HẰNG XUÂN

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông TP.HCM

(LINK BÀI ĐĂNG: https://vanvn.vn/can-co-them-nhieu-cuoc-thi-viet-ve-nha/)

Top