(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 21/6, Hội nghị Viết văn trẻ TP.HCM lần 4 đã khai mạc. Ở thời điểm vị trí đích thực của văn chương đang còn là một dấu hỏi giữa xã hội hiện đại, nhiều nhà văn trẻ đã bộc bạch những suy nghĩ của mình về nghề.
Thể thao&Văn hóa (TTXVN) lược ghi một số ý kiến của những cây viết trẻ này.
Nhà thơ Thục Linh: Con đường khó nhất để nổi tiếng là viết lách Cách đây 50 năm, ngay tại Sài Gòn, trung tâm của sách vở, tri thức miền Nam Việt Nam, trong một thời kỳ mà sách còn là phương tiện chứa tri thức, giải trí khá lớn và đọc là phương thức tiếp nhận chiếm tỷ trọng khá lớn, một nhà văn cao tuổi đã lên tiếng rằng “sách in 2.000 bản, bán 2-3 năm chưa hết”. Và ông đã lo ngại rằng liệu trong vài mươi năm nữa, văn chương có còn người đọc không? Thế mà, ngạc nhiên không, những cuốn thơ của Nguyễn Phong Việt đã bán đến hàng chục ngàn bản. Những tác giả trẻ như Anh Khang đã có dòng người hâm mộ xếp hàng dài dằng dặc đến tận 2 giờ sáng để có thể xin một chữ ký và nghe anh nói. Những cuốn sách của nhà văn Phương Huyền đã được tái bản liên tục. Hay như nhà văn Võ Thu Hương có thể tạo ra sinh kế hoàn toàn bằng chính ngòi bút viết sách của mình. Còn nhiều nữa các tác giả trẻ khác được săn đón, được chờ đợi… chứ không chịu cảnh đìu hiu như nhà văn cao tuổi ấy từng lo ngại. Nhưng dù có bao nhiêu tác phẩm của những người trẻ hôm nay còn lại sau cuộc sàng lọc khắc nghiệt ấy, họ vẫn là những người dũng cảm, đã chọn con đường khó nhất để nổi tiếng: viết lách. Và quan trọng hơn, giữ nhịp đọc cho người đọc hôm nay. Nói họ giữ nhịp đọc vì nhờ họ, nhiều người trẻ vẫn còn giữ thói quen đọc hay cầm trên tay quyển sách. Để có lớp người đọc bền bỉ và văn hóa, phải khởi đầu từ những người trẻ dám cầm sách lên chứ không phải ngán ngẩm với những dòng chữ đen mà bỏ đi xem tivi. Và nhờ họ, có lẽ, tôi tin rằng cho đến 20 năm nữa chúng ta vẫn còn những người đọc sách. Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Tận dụng lợi thế của tuổi trẻ Theo quy định của hội nhà văn Việt Nam, nhà văn từ 35 tuổi trở xuống được coi là nhà văn trẻ. Trong bóng đá đỉnh cao, cầu thủ trẻ 17, 18 tuổi, tới 30 được coi là sườn dốc bên kia của sự nghiệp, 33, 34 mà hãy còn đá chuyên nghiệp thì đã được gọi là “lão tướng” rồi. Vậy nên, Nhật Phi nghĩ rằng chúng ta vẫn đang thật may mắn khi hãy còn được ghi nhận là “trẻ”, dù nhìn ở góc nào. Mọi người ở đây đều là các nhà văn trẻ, xuất thân từ một thành phố mãi trẻ, và đó lại là một may mắn lớn lao khác nữa, khi chúng ta sớm tìm được một điều gì đó để làm trong đời và trưởng thành cùng với điều đó. Nói thế không phải là phủ nhận những nhà văn lớn tuổi. Những tác phẩm dày đặc trải nghiệm, chiêm nghiệm và triết lí bao quát, giá trị của họ vốn dĩ không phải bàn cãi. Nhưng một nền văn chương mà chỉ toàn những tác giả, tác phẩm như thế thì lại là một nền văn chương có phần lệch, nói cách khác, một nền văn chương “vẹo”. Văn chương luôn luôn đòi hỏi một chất trẻ, trẻ trong năng lượng sáng tạo, trẻ trong tư duy, trẻ trong cả nhận thức. Miễn đừng... trẻ trâu là được. Nhà văn Trần Minh Hợp: Viết cho những người nghèo Càng lớn lên cùng công việc viết lách, tôi bắt đầu đặt cho mình một câu hỏi: “Mình viết để làm gì?”. Để chia phần trên mảnh đất chữ nghĩa, hay dùng chữ nghĩa để phục vụ? Tôi tỉnh ngộ khi nhận ra rằng được ơn viết lách, là cách cuộc đời cho chúng ta thêm sức lực, thêm cánh tay để đóng góp lại cho cuộc đời. Tôi vẫn còn niềm tin rằng thuật ngữ “sứ mệnh của nhà văn” vẫn còn sức sống trong nền văn hóa thị trường. Tôi chọn cách phục vụ, cách góp sức mà mình có thể làm được tốt: viết cho những người lao động nghèo và san sẻ thành quả viết lách cho họ. Cái nghèo luôn xuất hiện trong cuộc đời và trong xã hội hôm nay một cách chân thật. Nhiều khi không cần phải tưởng tượng hay khắc họa thêm những chi tiết bi kịch, vì cuộc đời nghèo, số phận nghèo đã là một hình tượng sáng tạo nghệ thuật đủ đầy cảm xúc, chứa đựng rất nhiều nụ cười, nước mắt. Họ là những người thiệt thòi, họ cần một sự bộc bạch rồi tiếp tục đương đầu trong nghèo khó. Và viết về họ, theo tôi, là cách tốt nhất để bộc bạch giúp họ những tâm tư và quan trọng nhất để truyền tải những thông điệp tình người. Văn chương hướng đến người nghèo cũng là cách chúng ta góp phần vào xây giá trị tinh thần hướng đến sự chung và tình người của xã hội hôm nay.
Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV - năm 2017 có sự tham gia của 103 đại biểu (sinh từ năm 1980 trở về sau). Sau ngày đầu tiên (21/6) tại TP HCM, các đại biểu sẽ tiếp tục có các hoạt động tại 2 Tp Vĩnh Long và Cần Thơ.
THANH KIỀU (ghi)