Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,371 lượt

Báo Phụ nữ: Nhịp điệu mới cho thơ

PNO - Hòa chung không khí của ngày Thơ Việt Nam, các sự kiện/chương trình tôn vinh thơ đã được tổ chức sôi động, ấn tượng, ấm cúng và đầy cảm xúc ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thơ được công chúng đón nhận và yêu thương, cùng nhau lan tỏa.

Cả nước vào hội thơ

Sau 3 năm gián đoạn vì COVID-19, ngày Thơ Việt Nam được tổ chức trở lại trên tinh thần hân hoan chào đón, mừng vui của những người yêu thơ. Với chủ đề chung là “Nhịp điệu mới”, ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 đã diễn ra thành công, ấn tượng tại nhiều tỉnh, thành. Đêm thơ Nguyên tiêu (do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) vừa diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long vào ngày rằm tháng Giêng (5/2). Đây cũng là lần đầu ngày thơ được tổ chức tại không gian ý nghĩa này, vừa kết hợp những giá trị truyền thống - hiện đại vừa mở ra cho thi khách những ấn tượng đặc biệt về Đường thơ, Đàn thơ, Nhà ký ức…

Tại TPHCM, ngày Thơ Việt Nam được lên kế hoạch chu đáo ngay từ trước tết Nguyên đán. Với chủ đề "Khát vọng phương Nam", các tiết mục trình diễn cũng hướng đến những khát vọng cho tương lai, khát vọng yêu thương, bình yên… Cuộc gặp gỡ giữa những nhà thơ nhiều thế hệ cùng san sẻ, truyền lửa sáng tạo cho người trẻ.

 


Các nhà thơ Trần Mai Hường, Bùi Phan Thảo và Minh Đan trình diễn thơ về đại dịch Covid-19, gây nhiều xúc động cho người yêu thơ

 

“Trở lại với sân thơ trẻ trong ngày thơ lần này, hạnh phúc vỡ òa trong tôi. Với tôi, đây là dịp để những người cầm bút được gặp gỡ, giao lưu và tri ân người yêu thơ bằng nhiều hoạt động gần gũi và thú vị” - nhà thơ Minh Đan - người nhiều năm liên tiếp làm đạo diễn cho các tiết mục kịch thơ tại Ngày thơ Nguyên tiêu ở TPHCM - bày tỏ.

Tại Đắk Lắk, những người yêu thơ đã được cùng nhau thưởng thức một chương trình thơ mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa. “Ngày thơ rộn ràng lắm. Chiêng đồng, chiêng tre, violon tre, chiêng Mường, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cùng hòa nhau trong thơ - nhạc - họa về TP Buôn Ma Thuột cùng tình yêu với thơ ca. Hát mừng năm mới, trưng bày tranh, ảnh nghệ thuật, thư pháp trích đoạn thơ của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh; trình diễn và giới thiệu tranh khắc gỗ, dệt thổ cẩm… đều có ở ngày thơ tại Đắk Lắk” - nhà văn Nie Thanh Mai - chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ về ngày thơ chủ đề Thành phố cà phê chung nhịp điệu mới (vừa tổ chức tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột).

Tại Cần Thơ, Đêm thơ Nguyên tiêu tổ chức tại bến Ninh Kiều. Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ - chia sẻ: “Đêm thơ đã diễn ra thành công, ấm cúng bên bờ sông Hậu. Không chỉ có người yêu thơ của đồng bằng mà nhiều khách du lịch nước ngoài cũng đã dừng chân thưởng thức chương trình”. Điều đặc biệt là không chỉ có các tiết mục thơ - nhạc, đêm thơ ở Cần Thơ còn có trình diễn vọng cổ chuyển thể từ thơ.

Vĩnh Long, Hải Phòng, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Lâm Đồng… cùng nhiều địa phương khác đều hòa nhịp tổ chức ngày Thơ Việt Nam với không gian, chương trình đậm dấu ấn văn hóa của tỉnh nhà. Những tọa đàm thơ, đọc thơ còn diễn ra tại một số trường đại học…

 

Tựa vào thơ để đi tới

 

Trở lại sau một thời gian dài vắng bóng, ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 thật sự là ngày hội lớn cho những người yêu thơ. Quy mô, cách thức tổ chức thay đổi cũng như tâm thế đón nhận của công chúng đều rất khác. Thơ được mong chờ, yêu thương và san sẻ. Bên cạnh đó, việc có được sự đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, có thể nói thơ đã được trân trọng, tôn vinh đúng nghĩa.

Những lều thơ, đường thơ, poster in chân dung tác giả - tác phẩm… vẫn xuất hiện như trong những ngày Thơ Việt Nam trước đây. Nhưng chưa từng có tiền lệ trong Đêm thơ Nguyên tiêu, có những tiết mục trình diễn thơ về chủ đề dịch bệnh. Giai đoạn thành phố nguy nan nhất, thơ trở thành điểm tựa chia sẻ yêu thương và chữa lành. Bây giờ, những vần thơ về COVID-19 được nhắc nhớ không phải để đau buồn, bi thương mà để hiểu rằng khi mọi người cùng hiện diện lắng nghe thơ thì tất cả đã cùng nhau vượt qua những ngày khó khăn nhất của thành phố. Chính vì điều đó, Ngày thơ Nguyên tiêu năm nay càng thêm ý nghĩa, kết nối và sẻ chia.

Trong chương trình ngày Thơ Việt Nam tại TPHCM, có 2 phần thơ dành riêng cho chủ đề Khát vọng bình yên và Khát vọng yêu thương để tri ân và chia sẻ quá trình vượt qua đại dịch COVID-19 của thành phố, với chuỗi tiết mục được dàn dựng công phu: Tưởng niệm (Tự Hàn, tác phẩm được trao giải Nhất cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam); trích đoạn trường ca Những ngọn khói về trời (Bùi Phan Thảo, tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM, giải Mai vàng 2021), Thức tỉnh (Minh Đan)… Chủ đề Nhịp điệu mới mà Hội Nhà văn Việt Nam dành cho ngày thơ năm nay cũng chính là hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng. Đó là sức mạnh và cũng là giá trị sâu sắc nhất của thơ thời dịch bệnh nói riêng và thi ca nói chung dù ở giai đoạn nào của đời sống.

 

Sức sống của thi ca chưa bao giờ lắng xuống

  

Nhà thơ Minh Đan

 

Trong khuôn khổ ngày Thơ Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM đều có các tọa đàm chủ đề: Thơ hiện nay với hôm nay và Dòng thơ giữa phố. Mục đích hướng đến là để nhận diện vị trí, vai trò của thi ca trong đời sống hiện đại cũng như gọi tên và định vị những thế hệ cầm bút mới. Khi tên tuổi của các nhà thơ thế hệ trước đã ở lại trong “nhà ký ức”, trong không gian đường thơ tưởng nhớ thì sân thơ trẻ cũng chính là dấu ấn và khát vọng của người cầm bút trẻ hôm nay.

Những cuộc “điểm danh lực lượng” từ những hội nghị, tọa đàm về thơ luôn cho thấy dòng chảy trầm nhưng mạnh mẽ của thi ca. Thế hệ nào cũng để lại những dấu ấn riêng trên văn đàn và luôn có sự tiếp nối từ thế hệ người cầm bút mới. “Với tôi, sức sống thi ca chưa bao giờ lắng xuống mà luôn thao thức, trăn trở cùng niềm vui nỗi buồn của đời sống này. Đặc biệt, thơ trẻ thành phố đã có những bứt phá mạnh mẽ, nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ đã được giới chuyên môn đánh giá cao và trao giải thưởng. Đây là tín hiệu vui, mang đến nhiều hy vọng cho văn học trẻ thành phố” - nhà thơ Minh Đan chia sẻ.

CẦM THI

(Link bài gốc: https://www.phunuonline.com.vn/nhip-dieu-moi-cho-tho-a1484490.html)

Top