Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,964,386 lượt

Báo Nông nghiệp Việt Nam: Văn chương trẻ giữa đời sống thật và thế giới ảo

Hội nghị những người viết văn trẻ TPHCM lần thứ 4 diễn ra hai ngày 21-22.6.2017 quy tụ hơn 100 cây bút dưới 35 tuổi đang học tập, làm việc và sinh sống tại đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam cùng đại diện văn chương trẻ của các tỉnh Nam bộ.

 

Đây là một cuộc điểm danh lực lượng cầm bút mới, đồng thời cũng là cơ hội để trao đổi về hành trang sáng tạo trong thời đại kỹ thuật số!

 

 

Nhà văn Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM với tư cách người đi trước, đã gợi ý cởi mở rằng: “Các bạn trẻ luôn nhạy bén với nhu cầu thị trường nên sản phẩm văn học của các bạn đưa ra đều được thị trường đón nhận, không “bán chạy” cũng ở mức “bán được”.

 

 Nhà văn Trần Văn Tuấn  - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM

 

Có thể nói, đây là thành công bước đầu của các bạn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ chất lượng văn học từ những nhà văn trẻ đã thành công ở những sáng tác đầu tay, có thể nêu ra nhận định: Một số lượng lớn bạn trẻ ngày nay có thừa kiến thức sách vở nhưng còn thiếu tri thức đời sống xã hội. Tính xã hội trong tác phẩm của nhiều cây viết trẻ còn ít. Xã hội nào cũng có những vấn đề nóng, những “hỉ, nộ, ái, ố” của riêng mình.

 

Thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay, những vấn đề nêu trên luôn thể hiện trong đời sống thật và trong mạng xã hội. Sự song hành giữa “thế giới thật” và “thế giới ảo” là một bước phát triển thần kỳ của nhân loại. Nhưng phải khẳng định cái “thật trong đời sống” mới là gốc, là nền tảng cho mọi hoạt động văn học nghệ thuật. Có thể các bạn trẻ chưa dành nhiều thời gian cho đời sống thật, chưa gắn bó và dấn thân hết mình vào đời sống xã hội, nên tác phẩm còn thừa chữ nghĩa, thiếu đời sống thật!”.

 

Phải chăng, “thiếu đời sống thật” đang hạn chế văn chương trẻ vì họ còn đang… trẻ? Nhà văn trẻ Nhật Phi chia sẻ: “Đã từng có một cuộc tranh luận nho nhỏ về định nghĩa “nhà văn trẻ”. Bên cạnh cách đếm tuổi đời truyền thống, ta biết còn có một kiến nghị bổ sung vào danh sách những nhà văn “trẻ” ở tuổi nghề, những nhà văn đã lớn tuổi nhưng mới bắt đầu viết và xuất thế trong vòng một vài năm trở lại đây. Những nhà văn như Nguyễn Trí, Trần Thanh Cảnh rơi vào những trường hợp như thế. Nhưng có lẽ, để thống nhất một tinh thần trẻ trong văn chương, tôi cho rằng định nghĩa một nhà văn trẻ vẫn cứ phải căn cứ vào tuổi đời. Tuổi đời, hay chính là tháng năm trải nghiệm. Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già, tuy rằng cũng có nhiều võ sư về già đánh lại càng hay và những thần đồng với trí tuệ vượt trội. Đó là một hạn chế, nhưng cũng chính là lợi thế của những người viết văn trẻ tuổi!”

 

Nhà văn trẻ Nhật Phi

 

Nếu yếu tố tuổi đời không phải trở ngại quá lớn lao, thì văn chương trẻ làm cách nào để vượt lên? Nhà thơ trẻ Minh Đan lý giải từ kinh nghiệm bản thân: “Đầu tiên là sự xác định con đường riêng cho mình thì hầu như rất ít cây bút trẻ định hình rõ nét được điều đó. Phần lớn các bạn miên man khai thác đề tài, lối viết theo cảm tính, theo nhu cầu đòi hỏi nhất thời và chạy theo văn học mang yếu tố thị trường. Tôi có cảm giác như các cây bút trẻ đang trải qua một giai đoạn sống gấp sống vội để cố tìm cho mình một chỗ đứng tạm bợ trong lòng bạn đọc. Phải chăng vì lý do này mà văn học thế hệ trẻ chưa thực sự có được một tác phẩm đỉnh cao như những thế hệ trước (?). Tôi không phủ nhận sự dấn thân của văn trẻ, sự chịu khó trong tìm tòi sáng tạo, sự nhanh nhạy trong việc tiếp cận công nghệ tiếp thị tác phẩm... Song người viết trẻ cần nuôi dưỡng, quan sát, lắng nghe, thâm nhập để làm giàu vốn sống và đi đến tận cùng những đề tài mình chọn, cần khai thác sâu sắc hơn mảnh đất, con người nơi chúng ta đang trải nghiệm hàng ngày hàng giờ. Tôi cho rằng cái khó khăn lớn nhất của người viết trẻ là còn đứng bên ngoài những chi tiết đời thường, vô tình bỏ qua những giá trị văn học, trong khi đó lại rất chăm chỉ khai thác các giá trị giải trí… Tôi xem văn chương là duyên lớn của cuộc đời mình. Tôi không ngại khi nói văn chương có sức hấp dẫn mạnh mẽ và mê hoặc như khi yêu một người đàn ông vậy. Tôi hoàn toàn bị chìm đắm vào nó và thăng hoa với trang viết. Văn chương kéo tôi ra khỏi bản tính rụt rè năm xưa, thay vào đó giúp tôi thêm tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Thơ đánh thức trách nhiệm công dân trong tôi. Thơ dạy tôi lòng vị tha và cách đối nhân xử thế, biết cảm thông với những thân phận bất hạnh và trân quý những gì mình đang có!”.

 

 Nhà thơ Minh Đan - Ủy viên Ban Nhà văn trẻ

 

Có lẽ cũng giống như tên tập sách “Trên đôi cánh thanh xuân” được ấn hành nhân Hội nghị những người viết văn trẻ TPHCM lần này, nhiều gương mặt văn chương trẻ rất lạc quan với sự chọn lựa của mình. Nhà thơ trẻ Huệ Thi khẳng định: “Bạn trẻ viết văn ngày nay thuận lợi nhiều như: có sân chơi riêng, được quan tâm như hội nhà văn có ban văn trẻ, cơ hội tiếp xúc và truyền tin từ mạng được đa chiều, có nhiều cơ hội giao lưu, tìm kiếm tư liệu tra cứu thuận tiện...

 

Tuy nhiên, văn trẻ lại gặp nhiều khó khăn mà thực tế đang diễn ra: độc giả ít hơn thế hệ trước do văn hoá đọc sách chưa được lan toả, hoặc do ảnh hưởng của công nghệ đáp ứng mọi nhu cầu giải trí nên người đọc thậm chí không cần mua sách vẫn nắm bắt mọi thứ, chưa có được sự nâng đỡ và dìu dắt, đãi ngộ nhiều hơn từ phía các cơ quan chức năng. Đôi khi tôi viết bằng cảm xúc nhiều hơn sự trau chuốt, tuy nhiên mỗi một bài thơ đều chọn lọc câu chữ chắt lọc và già nghĩa. Bởi lẽ tự nhiên cảm xúc già dặn hơn mỗi ngày, kinh nghiệm và sự từng trải ướp vào tâm hồn thêm nhiều sự trải nghiệm và tôi viết bằng trách nhiệm tự mình trao: viết để gửi đi nhiều thông điệp yêu thương!”.

 

Cũng đồng cảm góc nhìn ấy, nhà văn trẻ Phương Huyền bộc bạch: “Chúng tôi quá bận bịu và chịu nhiều áp lực cuộc sống. Nói như vậy nhiều khi có những người sẽ cho rằng chỉ là cách lấp liếm cho sự lười nhác. Mà văn chương thì không dung nạp những kẻ lười nhác. Nhưng thực sự một phần của áp lực cuộc sống làm khó tôi, chứ tôi không dám nói là chúng tôi. Thế hệ nào cũng có những trăn trở riêng. Nhưng có lẽ thế hệ trước dấn thân hơn, lăn xả nhiều hơn trên trang viết. Chung quy lại khó khăn vẫn là do chính bản thân mỗi người. Thời nay chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn.

 

Nhà văn trẻ Đoàn Phương Huyền

 

Thông tin nhanh nhạy. Việc in ấn xuất bản tiện lợi. Tiếp cận bạn đọc nhanh. Nhưng những thuận lợi này nếu sử dụng sai đôi khi cũng trở thành bất lợi. Tôi không viết vì sự nổi tiếng. Tôi viết vì sự thôi thúc từ bên trong mình. Và sự thôi thúc đó làm sao có thể chạm đến trái tim, chạm đến nỗi đau của bạn đọc để thấu hiểu và xoa dịu là điều tôi quan tâm nhất. Đương nhiên nhà văn nào cũng mong sách mình bán chạy. Bởi sách bán chạy tức là đến được với nhiều bạn đọc. Nhưng đó không phải mục đích cuối cùng. Khi viết với tôi chỉ có trang viết mà thôi!”.

 

Văn chương luôn là một hành trình thăm thẳm. Sự tự tin và nguồn cảm hứng cá nhân vô cùng quan trọng. Nhà thơ trẻ Trương Mỹ Ngọc xác nhận: “Vì là một người trẻ, nên tôi cũng như bao người trẻ khác đều có cho mình một cái tôi cá nhân. Đó là một cái tôi cá nhân đúng nghĩa cá nhân, thờ ơ với con người, với trách nhiệm cuộc sống, thờ ơ với tất cả vẻ đẹp gần gũi xung quanh mình. Thế mới nói, thơ ca quả thật là điều kỳ diệu nhất khi vun vén cho con người những cảm xúc mà người ta không có hoặc đã có những vô tình đánh mất đi. Thơ ca thuyết phục hơn bất kỳ cách diễn đạt nào, bởi lẽ chính bản thân thơ ca đã là sự sáng tạo đẹp nhất của ngôn từ.

 

 Cây bút trẻ Trương Mỹ Ngọc (thứ 2 từ phải qua)

 

Người ta ước vào thơ ca, như bước vào một thế giới mới, một thế giới đủ mơ mộng nhưng không viển vông, đủ chân thật nhưng không khắc nghiệt, để đứng trong thế giới ấy và nhìn cuộc sống bên ngoài bằng một lăng kính chân thật nhất, công bằng nhất, và cũng chân thành nhất. Nếu cuộc sống như một thửa ruộng khô cằn, và con người là những bông lúa còn non, thì thiết nghĩ, thơ ca chính là dòng nước mát tưới xuống thửa ruộng đó. Tâm hồn con người cũng giống như bông lúa , phải chăm sóc vun trồng thì mới nảy nở tốt tươi. Thơ ca chính là dòng nước, là liều thuốc tinh thần tuyệt vời nhất cho những “thửa ruộng” khô cằn. Cho tất cả mọi điều nhờ thế mà trở nên đẹp đẽ và ý nghĩa hơn”.

P.ANH (Kiến thức gia đình số 26)

 

http://nongnghiep.vn/van-chuong-tre-giua-doi-song-that-va-the-gioi-ao-post197586.html

Top