Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,274 lượt

Báo Đời Sống: Hàng nghìn người trảy hội Ngày thơ Việt Nam

Đúng Tết Nguyên Tiêu (ngày 22/2), Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 khai mạc. Ngay từ sáng, người yêu thi ca chen chân tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Khu vực diễn ra ngày hội được trang hoàng rực rỡ. Lá cờ Tổ quốc cùng cờ Thơ, bóng bay, thơ viết trên lụa... hòa trong sắc đỏ rợp trời.

Năm nay, do thời tiết tạnh ráo và dễ chịu hơn các năm, sự kiện thi ca tầm quốc gia thu hút đông người dân tham dự hơn. Sau lễ khai mạc, tại các sân khấu, các tiết mục ngâm đọc, trình diễn thơ lần lượt diễn ra.

 

Trên sân thơ truyền thống, thay vì chỉ có các tiết mục văn nghệ, ngâm thơ như mọi năm, các tác giả lão thành cùng nhau đọc liên khúc về biển đảo - biên cương. Những vần thơ mang âm hưởng hào hùng, thể hiện vẻ đẹp và tình yêu Tổ Quốc được ngân lên qua giọng đọc của các tên tuổi: Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến...

 

 

Tại sân Thái Học, chương trình Thơ trẻ diễn ra với phần trình bày nối tiếp nhau của 11 tác giả. Mỗi một gương mặt như Lữ Thị Mai, Ngô Gia Thiên An... cùng góp những vần điệu trữ tình về tình yêu, về tâm tư của người sáng tác với đời sống xã hội. "Mỗi năm tôi đều háo hức mong chờ đến ngày này để cùng các đồng nghiệp trình diễn thơ, được tương tác với người đọc", cây bút Lữ Thị Mai nói.

 

Chương trình thơ Thiếu Nhi vang lên những tác phẩm dành cho thế hệ nhi đồng. Các bạn nhỏ thuộc câu lạc bộ "Đọc sách cùng con", học sinh trường THPT Kim Liên, các tác giả nhí thực hiện phần biểu diễn với chủ đề "Reo vang bình minh". Nhà thơ Anh Ngọc đánh giá cao sự hiện diện của sân thơ Thiếu nhi năm nay. "Những người làm thơ chúng tôi vô cùng mừng rỡ vì sự kiện văn hóa này tồn tại 14 năm. Năm nay, lần đầu ban tổ chức dành cho các em nhỏ một vị trí xứng đáng, trang trọng. Điều đó cho thấy thi ca vẫn đang được tiếp nối bởi các thế hệ", Anh Ngọc bày tỏ.

 

Ở Sài Gòn, Ngày thơ Việt Nam diễn ra với không khí vui vẻ nhưng còn bị chê là có phần ồn ào, thiếu sự sâu lắng cần thiết cho thi ca. Dù còn hạn hẹp về kinh phí tổ chức, năm nay, Hội nhà văn thành phố nỗ lực để Ngày thơ diễn ra từ ngày 20-22/2. Ngoài đêm khai mạc, một hội thảo về thơ chủ đề "Sức sống thi ca đô thị" diễn ra vào sáng 20/2, thu hút nhiều tác giả. Chiều 22/2, các cây bút còn có buổi giao lưu với sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM.

 

 

 

Chương trình khai mạc Ngày thơ lần thứ 14 khai hội cùng phần ngâm bài Nam quốc sơn hà của danh tướng Lý Thường Kiệt ngân vang, mở màn cho sự kiện văn hóa của thành phố. Tiếp theo là các màn biểu diễn văn nghệ chào mừng do thành viên nhiều câu lạc bộ thơ của thành phố thực hiện. Chương trình chính đêm khai mạc do nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà văn Trần Nhã Thụy phối hợp Ban Nhà văn trẻ của Hội nhà văn dựng kịch bản. Qua sự dẫn dắt của hai MC "cây nhà lá vườn" là nhà thơ Phong Việt và tác giả Phương Huyền, màn "Mời thơ" giữa nhiều cây bút chính là những phần diễn ngâm thơ mang đến cảm xúc cho người xem. Cây bút Tiểu Quyên đã mời nhà thơ Lê Minh Quốc lên sân khấu cùng cô thể hiện hai sáng tác về tình yêu quê hương, đất nước. Sau khi ngâm một bài thơ của mình, nhà thơ Phạm Phương Lan đã mời tác giả Lê Thiếu Nhơn lên đọc sáng tác mới của anh Trả thơ cho đời. Lần lượt từng đôi tác giả đã diễn ngâm thơ của mình trước công chúng. Đây là dịp để sáu tác giả có thơ trong năm 2015 được giới thiệu thơ đến mọi người.

 

 

 

Một điểm nhấn khác trong màn trình diễn của các cây bút trẻ là kịch thơ Con chỉ cười khi Tổ Quốc an nhiên do bộ ba Tiểu Quyên - Hồ Huy Sơn - Minh Đan thể hiện. Các cây bút vừa diễn ngâm vừa trình bày hoạt cảnh miêu tả tâm tư của những người lính hải quân luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ Quốc. Màn kịch thơ nhận được tràng vỗ tay nhiệt tình từ người xem.

THOẠI HÀ - HIỀN ĐỖ

http://doisong.vn/hang-nghin-nguoi-tray-hoi-ngay-tho-viet-nam-n27785.html

Top