Với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt dễ thương, khiến nhiều người lầm tưởng Minh Đan chỉ biết làm thơ tình ủy mị... Thế nhưng khi tiếp xúc mới thấy chất "nhà báo đất võ" trong Minh Đan nổi lên mạnh mẽ, đầy cá tính. Minh Đan không chỉ là một nhà thơ lãng mạn, nhà báo năng động, mà còn là một người làm truyền thông PR có nghề. Ở lĩnh vực nào, cô cũng giữ được chữ tâm trong sáng của mình.
* Người tham việc
Qua 15 năm kinh nghiệm "cọ xát và vật lộn" với con chữ trong mọi đề tài báo chí: phóng sự xã hội, văn hóa nghệ thuật, kinh tế thị trường, chân dung nhân vật đăng trên các báo, tạp chí, cây bút trẻ Minh Đan đã chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Khi được hỏi về các thành tích, giải thưởng trong nghề, Minh Đan mỉm cười nói: "Người cầm bút được độc giả quan tâm, đón nhận tác phẩm thì đó chính là bằng khen lớn nhất rồi".
Xuất thân từ ngành sư phạm, đến với nghề báo bằng con đường tự học, tự trải nghiệm, nhưng Minh Đan đã sớm hình thành phong cách riêng qua những bài viết về chân dung nhân vật đầy sức cuốn hút. Để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp như ngày nay, Minh Đan đã không ngừng học hỏi từ kinh nghiệm thực tế của đồng nghiệp, bạn bè xung quanh, cùng môi trường làm báo năng động thân thiện.
Minh Đan từng được mời làm "nhân vật" trong các chương trình truyền hình: "Nhà báo vào bếp" của Sức Sống Mới (VTV1); "Văn học trẻ - Diện mạo và khát vọng" do Hội đồng Lý luận phê bình phối hợp với Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Đài truyền hình TP.HCM (HTV9) thực hiện; Gương mặt văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (Văn nghệ sĩ trẻ tiêu biểu) do HTV9 phỏng vấn và thực hiện phóng sự...; Khách mời trong chương trình hướng nghiệp "Đường vào nghề" cho sinh viên ngành du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP.HCM phối hợp với CLB Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và một số trường chuyên ngành du lịch khách sạn tổ chức.
Ngoài ra, Minh Đan cũng có lúc đảm nhận vai trò người tổ chức sự kiện, làm các chương trình truyền thông cho doanh nghiệp, trong đó dấu ấn đặc biệt là tổ chức thành công sự kiện triển lãm tranh "Trừu tượng ba vuông" của ba họa sĩ Nguyễn Lai, Mai Nam và Duy Nhựt tại Nhà triển lãm TP.HCM thu hút đông đảo khách quốc tế đến xem tranh và mua tranh.
Là người "tham công tiếc việc", Minh Đan lại hăm hở tổ chức bản thảo, biên tập, tìm nhà tài trợ, liên kết xuất bản cho tập thơ văn bút ký du lịch mang tên "Dấu chân Hầm Hô" (NXB Thanh Niên 2011), góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực, con người và địa danh Hầm Hô trên miền đất võ Tây Sơn (Bình Định). Đồng thời, cô còn chủ động tạo ra một quỹ học bổng quyên góp từ việc phát hành sách này để trao cho các em học sinh, sinh viên nghèo tại địa phương, cũng như đang theo học tại TP.HCM.
Nếu trong quá trình tác nghiệp báo chí, Minh Đan "tỉnh táo" bao nhiêu thì trong sáng tác thơ văn cô càng bay bổng, lãng mạn bấy nhiêu. Cách dùng chữ của cô khá đắt: ngôn từ mộc mạc, ngắn gọn, chắc nịch nhưng không thiếu tình người.
Đến nay, Minh Đan đã "sinh" được "3 đứa con... thơ" - in riêng: Tình Riêng (NXB Hội Nhà văn, 2008); Ngày Không Bọt (NXB Trẻ, 2012) và Phút 89 (NXB Hội Nhà văn, 2013). Mỗi tập thơ của cô đánh dấu từng giai đoạn "thai nghén ý tưởng" và dần dần trưởng thành trong từng cung bậc cảm xúc của mình.
Đặc biệt trong vai trò Ủy viên Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM, Minh Đan còn là một người giàu nhiệt huyết với thi ca và là “bà đỡ” của nhiều cây bút trẻ hiện nay. Cô không chỉ biên soạn và dàn dựng kịch thơ cho Hội Nhà văn TP.HCM, mà còn phụ trách chính Sân thơ trẻ trong vai trò thành viên của Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam hàng năm.
* Lọ Lem Đất Võ trong... Phút 89
Qua 45 tác phẩm được chắt lọc kỹ lưỡng trong tập thơ "Phút 89", tôi ấn tượng trước bài Bữa cơm mà Lọ Lem nấu toàn bị khê, khét; canh thì cay, đắng; cơm đầy cặn (cát bụi). Lọ Lem Minh Đan ngoài đời rất thích nấu ăn và nấu khá ngon, nhưng khi "nêm gia vị cuộc đời" vào trong "nồi cơm... thơ" thì cô nàng lại "gặm nhấm nỗi buồn thế thái nhân tình" qua những dòng cảm xúc bộc trực của mình:
Nỗi buồn
pha loãng dưới lớp gạo thơm
lửa quét sạch nụ cười
mùi khét làm nhân chứng
Nỗi buồn
nêm cơn thịnh nộ vào canh
dưới đáy nồi khỏa lấp những đắng, cay
...
Nỗi buồn
trút cơn ác mộng
những bữa ăn đầy cặn
ghét yêu.
(Trích bài Bữa cơm)
Từ đó, Lọ Lem phải nép bên đường nhỏ hẹp để quan sát, chứng kiến:
Những linh hồn neo thân tạm bợ
chạy rong khắp ngõ diễn trò
mê lộ chật cứng thằng hề
múa may những màn kịch nhạt hoét
(Trích Mê lộ)
Rồi bất chợt trên một ngã ba đường, Lọ Lem chạnh lòng khi nhìn thấy một em bé ăn xin rất đáng thương, cô không ngần ngại chia sẻ ở bánh mì và còn ít tiền trong ví cũng rút ra cho em:
Tôi náu cơn đói vào mẩu bánh mì vừa mới ra lò
bên kia đường một em bé lấm lem
hơi thở xem chừng đứt quãng
tôi nâng đời em bằng mẩu bánh mì không nhưn, không vị
em ngấu nghiến cơn đói hoành hành, nuốt trộng giấc mơ thi sĩ
nắng tháng tư lênh loáng mắt cười
(Trích bài Đi qua cơn đói)
THIÊN HƯƠNG