Đã thành thông lệ, ngày rằm tháng giêng hằng năm luôn được những người yêu thơ háo hức, mong chờ.
Một trong những hoạt động của Ban Nhà văn trẻ trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM
Nét đẹp văn hóa
Ngày thơ Việt Nam xuân Mậu Tuất 2018 tại TP.HCM do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức có chủ đề “Cội nguồn và sáng tạo”, hướng tới kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Chương trình sẽ được diễn ra vào ngày 1 đến 2-3 (tức ngày 14 và 15 tháng giêng) tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT.
Theo dự kiến, chương trình năm nay sẽ có các hoạt động giới thiệu các tác phẩm mới viết về xuân Mậu Thân 1968, các câu lạc bộ văn học, thơ ca quận huyện, trường đại học sẽ dựng lều thơ sinh hoạt và một chương trình sân khấu thơ dành riêng cho các câu lạc bộ, lễ dâng hương tưởng nhớ những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc... Ban tổ chức mong muốn chuẩn bị cho ngày thơ thật chu đáo, diễn ra an toàn và hấp dẫn, đúng nghĩa là lễ hội của các nhà thơ và người yêu thơ thành phố.
Dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam cũng tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2018 là lần thứ 16 chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động như hội thảo về thơ, hội thảo về văn xuôi với chủ đề “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” diễn ra tại Hội trường Hội Nhà văn. Đây được xem là các hoạt động thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của các hội viên. Chương trình Ngày thơ Việt Nam năm nay tại Hà Nội vẫn diễn ra theo những nghi thức đã thành truyền thống, với chương trình khai mạc, thả thơ, triển lãm, văn nghệ...
Ngày thơ chính thức diễn ra vào rằm tháng giêng (tức ngày 2-3), với sân thơ chính có chủ đề “Văn học đồng hành cùng đất nước”. Sân thơ Trẻ với các hoạt động trẻ trung do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp tổ chức. Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, Ban tổ chức sẽ tiến hành triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, các hoạt động trên là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa Ngày thơ Việt Nam dần trở thành Ngày văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương. Tại một số địa phương trong nước, Ngày thơ Việt Nam cũng được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.
Người trẻ chung tay
Nhiều năm qua, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành “thương hiệu” được đông đảo những người yêu thơ biết đến. Dẫu nhiều chương trình tổ chức vẫn còn khá nhiều “sạn” nhưng đã cho thấy đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, kết nối những người tâm huyết với nền thơ ca Việt Nam hiện nay. Sự chung tay của những người trẻ yêu thơ ca cũng đã cho thấy sân chơi này kết nối được nhiều gương mặt mới.
Nhà thơ Minh Đan, Ủy viên Ban Nhà văn Trẻ - thành viên Ban tổ chức, phụ trách Sân thơ trẻ Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM năm 2018, cho biết: “Năm nay, Ban Nhà văn Trẻ tiếp tục đồng hành cùng Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16. Tại không gian Sân thơ Trẻ, chúng tôi tiếp tục in ấn và treo poster giới thiệu những khuôn mặt mới. Họ là những cây bút trẻ triển vọng, sinh từ năm 1986-1996. Tiêu biểu là Nguyễn Trần Khải Duy - giải nhất Cuộc thi thơ hay Lục bát Tết 2017, Văn Nguyên Lương, Chung Bảo Ngân, Trương Mỹ Ngọc, Ziken, Dạ Thy, Nguyễn Tiến Vũ, Lê Đức Hoàng Vân…”.
Đặc biệt, tại Sân thơ Trẻ năm nay còn có buổi ra mắt hai tập thơ mới là “Vị Đàn bà” của nhóm 5 nhà thơ nữ (Minh Đan, Trần Mai Hường, Kiều Maily, Phạm Phương Lan, Tô Minh Yến) và tập thơ “Bật cúc đêm” của tác giả trẻ Lương Cẩm Quyên. Để tri ân độc giả yêu thơ, Ban tổ chức quyết định giảm giá bìa 50% và dành toàn bộ tiền phát hành sách tại hội thơ để hỗ trợ và chia sẻ với các cây bút trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, Sân thơ Trẻ năm nay còn tổ chức chương trình tọa đàm giao lưu giữa những người trẻ làm thơ với nhà phê bình, chia sẻ cảm xúc và khơi gợi ước mơ thi ca trong lòng mỗi cây bút trẻ, với chủ đề “Sài Gòn - Thơ trẻ sáng tạo”. Khách mời là nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh, nhà thơ Trần Lê Khánh…
Trong lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2018 tại TP.HCM, Ban Nhà văn trẻ góp mặt 2 tiết mục “Liên khúc thơ tình” do các cây bút trẻ Văn Nguyên Lương, Dạ Thy, Trương Mỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Vũ thể hiện và hoạt cảnh thơ “Thị Nở vùng lên” do Minh Đan biên soạn và dàn dựng. Hướng đến Ngày thơ Việt Nam với nhiều điểm mới, hoạt động phong phú, hấp dẫn là mong mỏi, tâm huyết của những người thực hiện chương trình.
YÊN HÀ
http://www.giaoduc.edu.vn/nguoi-tre-voi-ngay-tho-viet-nam.htm